Thursday, March 28, 2024

Hai họa sĩ gốc Việt triển lãm tại LA Artcore, Los Angeles

Đằng-Giao/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Hai họa sĩ lão luyện Cao Bá Minh và Ann Phong bắt đầu cuộc triển lãm tranh miễn phí độc đáo từ ngày 3 đến 28 Tháng Mười, 2018 tại LA Artcore, 120 Judge John Aiso Street, Los Angeles, CA 90012.

Phóng viên nhật báo Người Việt có mặt tại phòng trưng bày trong lúc mọi người tíu tít treo tranh.

Nhìn thoáng qua những tác phẩm tuyệt vời của hai họa sĩ thực sự “cao tay nghề” Cao Bá Minh và Ann Phong, người ta thấy ngay được sự tương phản hết sức hào hứng. Trong khi tranh Cao Bá Minh thể hiện sự lặng lẽ, suy niệm tinh tế từ thăm thẳm nội tâm của nhà hiền triết, thì tranh Ann Phong lại mạnh mẽ và đầy ắp sức sống như một cuộc đấu tranh xã hội.

Ấy thế, sự tương phản của họ càng lúc càng mở rộng hơn khi người xem bước vào thế giới của mỗi họa sĩ.

Được mệnh danh là “họa sĩ bất mãn kinh niên”, Cao Bá Minh chọn sắc màu nhã nhặn, thanh cảnh với đường nét uyển chuyển đầy đắn đo và cân nhắc trong khoảng màu khiêm tốn nên thoạt đầu, người coi tưởng chừng tranh ông quá đơn điệu. Nhưng khi tịnh tâm chiêm nghiệm, người coi sẽ khám phá những phức tạp, những phá cách thật táo bạo với tư tưởng gần như nổi loạn.

Ông trình bày: “Xin đừng áp đặt bất cứ trường phái phái nào vào tranh tôi. Mỗi bức họa là một thể hiện kinh nghiệm sống, suy tư, nội tâm của tôi đúng lúc tôi đang vẽ. Và tôi, tranh tôi, cũng không hề áp đặt bất cứ ý nghĩa nào cho người coi.”

Họa Sĩ Cao Bá Minh bên một tác phẩm đầy cá tính và suy tư. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Theo ông, mỗi họa phẩm là một cuộc đàm thoại với người coi. “Cuộc đàm thoại này sâu xa hay nông cạn còn tùy vào hai bên.” Có bàn thảo hăng say, có tranh luận sôi nổi thì mới thấy được sự sống động của tranh ông.

Ann Phong, vẫn với ý muốn vượt thoát khỏi khuôn khổ gò bó cũ kỹ của hội họa thế giới, với bút pháp khác thường và cách chọn màu sắc vững chãi, tranh cô bừng sống, phập phồng, dồn dập hít thở giữa thế giới ba chiều với những hình thể, những vật dụng cũ trong gia đình mà cô đặt dưới lớp sơn acrylic.

Cũng là tranh trừu tượng, trong bức “Mong Manh”, Ann Phong còn muốn người coi tham dự vào việc thay đổi bố cục tranh cô một cách cụ thể hơn. “Trong tranh có cái hộc nhỏ, chứa 100 bong bóng (nút tròn). Mỗi bong bóng có nam châm phía sau. Người coi có thể lấy bong bóng và đặt vào bất cứ nơi nào trong tranh. Khi làm vậy, người coi thay đổi trọng tâm bức tranh mà vẫn giữ được sự hài hòa,” cô nói. “Mỗi bong bóng tượng trưng cho một trứng của Mẹ Âu Cơ, nhưng có thể là bất cứ dân tộc nào muốn đến Mỹ. Chúng ta, tất cả đều như nhau.”

Biển, qua nét vẽ Ann Phong, được mô tả như nấm mồ của loài cá. (Hình: Ann Phong cung cấp)

Song song đó, cô tiếp tục khéo léo tận dụng kỹ năng impasto đặc thù của mình, tạo những mảng màu cao, dày, mạnh mẽ, bên cạnh những nét mảnh mai, mơ hồ nhưng cần thiết để tạo sự tương phản hết sức tế nhị, thể hiện tâm sự phức tạp của một nghệ sĩ yêu cuộc sống thiết tha.

“Ngựa Hoang” của Cao Bá Minh dang tìm về trong tâm thức người coi. (Hình: Ann Phong cung cấp)

Trong loạt tranh mới mẻ nầy, Ann Phong biến những phiến màu mạnh mẽ thành tiếng kêu gọi thiết tha phải bảo vệ môi sinh thế giới cho tương lai.

Với bức “Cá Sống Trong Môi Trường”, Ann Phong cho thấy đáy biển bỗng trở thành mồ chôn của loài cá vì những văn minh nhân loại.

Mỗi họa sĩ có nét tạo hình khác biệt, tưởng như khác nhau nhưng cùng giống nhau ở điểm cả hai cùng cống hiến cho đời những họa phẩm đầy mỹ thuật với những đề tài, đường nét thảo luận và cách dung hòa sắc màu một cách điêu luyện.

Họa phẩm Cao Bá Minh tưởng như lãng đãng, mềm mại, nhiều nữ tính nhưng kỳ thực chứa đầy thủ bút mạnh mẽ trong lúc tranh Ann Phong, ngỡ là cứng cáp như đàn ông, nhưng đầy rẫy nét nhu mì, mềm mỏng, tế nhị.

Trong bức “Ngựa Hoang”, người coi phải thực sự kiếm tìm để thấy bóng dáng chủ đề ẩn hiện sau màn sương tâm thức. “Sương Mai” là một ngạc nhiên vô cùng vì chủ đề không hề nhẹ nhàng, long lanh như một vần thơ mà là một cuốn sách triết lý nặng nề với những ý niệm thú vị. Cao Bá Minh quả đã tạo cho mình một vị trí riêng biệt.

Họa sĩ Cao Bá Minh sang Mỹ năm 1991 và không ngừng sáng tác đến hôm nay. Tranh ông đã được triển lãm tại Rockefeller Institution, Vietnam Veteran Art Museum Chicago và nhiều nơi khác.

Ann Phong tốt nghiệp Master degree of Fine Art tại Đại học Cal State University Fullerton, và có hơn 150 cuộc triển lãm từ địa phương Cali đến Houston, Seoul Hàn Quốc, Bangkok Thái Lan, và Tokyo Nhật Bản.

Không như giọt… sương, “Sương Mai” cần nỗ lực của người coi để hiện hình. (Hình: Ann Phong cung cấp)

Thuộc số rất ít họa sĩ gốc Việt là giáo sư hội họa cho đại học Mỹ, cô đang dạy tại Đại Học Cal Poli Pomona.

Họa sĩ Cao Bá Minh tâm sự: “Để nét vẽ có chiều sâu, mình phải trải nghiệm thật nhiều khổ đau rồi tha thứ tất cả để vượt thoát lên trên.”

Họa sĩ Ann Phong tuyên bố: “Con người, mượn danh nghĩa khoa học kỹ thuật để tàn phá thiên nhiên một cách không thương tiếc. Trái đất bây giờ không còn là trái đất của hôm qua. Rồi ngày mai, biết đâu tất cả chỉ còn là cái bóng mờ, chỉ còn tồn tại trong sách vở. Tôi muốn tranh tôi là một sự cảnh tỉnh cho mọi người trước khi quá trễ.”

Chủ Nhật, 7 Tháng Mười, phòng triển lãm bắt đầu lễ tiếp tân từ 1 đến 3 giờ, và khách thưởng lãm có dịp tiếp xúc với hai họa sĩ lúc 2 giờ. (Đằng-Giao)

Mời độc giả xem phóng sự “Sôi nổi bầu cử tại Little Saigon”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT