Thursday, March 28, 2024

Thêm hai vụ lường gạt chủ tiệm nail bằng cashier check ở Orange County

Thiện Lê/Người Việt

FULLERTON, California (NV) – Lường gạt bằng cách dùng cashier check để mua tiệm hay dụng cụ nail là chuyện thường thấy ở Orange County và có hai vụ mới xảy ra gần đây. Tuy vậy, hai nạn nhân tránh được mánh khóe của kẻ gian.

Nạn nhân đầu tiên là cô Kim, chủ tiệm Nails Co. ở Fullerton. Vì nhiều vụ lường gạt theo kiểu tương tự từng xảy ra với nhiều chủ gốc Việt của các tiệm làm tóc, tiệm nail ở Orange County mà báo Người Việt từng đưa tin, nên cô muốn chia sẻ câu chuyện của mình với nhật báo Người Việt để mọi người cảnh giác.

Cô kể: “Cách đây ba tuần (khoảng ngày 10 Tháng Chín), tôi đăng bán tiệm nail của mình lên báo Người Việt. Hai ngày sau, tôi đổi ý không muốn bán tiệm nữa, nhưng có một ông lấy được số điện thoại rồi gọi cho tôi và nói muốn mua tiệm.”

Cô Kim cho biết người muốn mua tiệm này là người gốc Việt, ông đến coi tiệm và rất thích nên gọi cho cô liên tục để bàn bạc. Cô cho hay tiệm rao bán trên báo với giá $80,000 và hoàn toàn không đòi tiền đặt cọc. Tuy vậy, ông này vẫn muốn mua tiệm và sẵn sàng để số tiền đặt cọc là $19,000.

Thắc mắc của cô Kim bắt đầu từ đây: “Thường người ta đặt cọc thì chỉ $2,000 hay $3,000 là đủ so với giá $80,000 mà tôi đăng bán tiệm, nhưng ông này nói sẽ ký check để đặt cọc $19,000 dù tôi không yêu cầu. Tuy nhiên, ông nói tôi bỏ tiền vào ngân hàng rồi rút $4,000 tiền mặt ra đưa lại cho ông. Ông nói đây là số tiền ông muốn gửi cho em gái mình nhưng không muốn chồng của cô biết nên phải nhờ tôi. Tôi thấy rất lạ.”

Cashier check $19,000 tiền đặt cọc mua tiệm nail của cô Kim. (Hình: Cô Kim cung cấp)

Cô Kim nhận được check $19,000 của ngân hàng Cathay Bank dưới tên Lisa Phạm, mà người đàn ông muốn mua tiệm cho rằng đó là em gái của ông. Cô Kim ra ngân hàng Bank of America để bỏ số tiền này vào. Đến Thứ Sáu, 28 Tháng Chín, cô nhìn trong tài khoản ngân hàng thì thấy hiện lên số tiền $19,000.

Trước đó, ông muốn mua tiệm gọi cho cô Kim nhiều lần để nhờ cô ra ngân hàng rút $4,000 đưa cho ông ta, nhưng cô không đi được vì “quá bận bịu với công việc.” Đến Thứ Sáu, 28 Tháng Chín, ông này lại gọi cho cô Kim hẹn sẽ đến tiệm để nói chuyện.

Trưa hôm đó, khi gặp ông này tại quán ăn cạnh tiệm nail, cô Kim cho biết vẫn chưa thể đi rút tiền ra theo yêu cầu của ông ta được. Trong lúc này, một người bạn báo cho cô nên cảnh giác vì có thể đây là một trò lường gạc.

“Cũng may là có một người bạn của tôi hay đọc báo Người Việt và biết mấy vụ lường gạt bằng cách đưa cashier check dư tiền này. Nhờ cô bạn báo nên tôi mới nghi ngờ,” người chủ tiệm nail cho hay.

Cô kể: “Ông ta liên tục gọi điện thoại hối thúc tôi đi rút tiền. Tôi bực mình quá nói ông muốn mua thì mua, không cần tôi phải rút tiền cho ông gì hết, nếu không mua thì tôi sẽ trả tiền đặt cọc. Ông nghe vậy liền nói tôi ăn nói ngược ngạo rồi cúp điện thoại và từ đó tôi hoàn toàn không nghe gì từ ông ta.”

Đến Thứ Hai, 1 Tháng Mười, cô Kim vào máy tính để kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình thì thấy số tiền $19,000 đã biến mất và cô thắc mắc không biết làm cách nào mà ông kia có thể lấy lại được số tiền đó vì cô đã bỏ vào rồi.

Đây là một kiểu lường gạt từng xảy ra nhiều lần với các chủ tiệm nail ở Orange County. Kẻ gian đưa check cho chủ tiệm rồi nhờ họ rút tiền mặt để thối lại số tiền dư, lấy được tiền rồi họ sẽ gọi cho ngân hàng để báo là check đó bị mất hay bị ăn cắp và ngân hàng sẽ rút số tiền đó khỏi tài khoản của chủ tiệm nail.

Ngoài cách lường gạt bằng cách đưa check dư tiền còn một kiểu là dùng check giả. Một phụ nữ tên Ngọc kể với nhật báo Người Việt về chuyện người quen của cô suýt bị lường gạt bằng check giả.

Cô Ngọc cho biết mình có một người quen làm chủ tiệm bán dụng cụ nail ở Orange County. Hồi Tháng Tám, người chủ tiệm rao bán ghế spa với giá $1,490 thì một khách hàng nhắn tin muốn mua ghế. Người khách này cho biết họ không thể đến tiệm coi ghế ra sao được, nhưng sẽ gửi check và cho người xuống chở đi sau khi chủ tiệm nhận được check.

Check $3,488 để mua ghế spa. (Hình: Cô Ngọc cung cấp)

Cô Ngọc còn kể người khách không bao giờ trả lời điện thoại mà chỉ nhắn tin. Ngoài ra, họ còn không quan tâm đến ghế màu gì. Mười ngày sau khi được hỏi mua ghế, bà chủ tiệm dụng cụ nail nhận được cái check với số tiền $3,488 nhưng cái ghế chỉ có $1,490.

Chủ tiệm hỏi tại sao lại ký check dư tiền như vậy thì người khách trả lời họ ký nhầm vì còn phải trả tiền cho dịch vụ vận chuyển. Vì vậy, họ kêu bà chủ ra bỏ tiền vào ngân hàng rồi rút khoảng tiền $2,000 dư ra đưa cho một công ty vận chuyển mà người khách sẽ đưa tên sau.

Tuy nhiên, khi đưa check cho ngân hàng, họ bảo đây là check giả vì tuy số tài khoản (account number) và số định tuyến (routing number) trên check đúng, nhưng tên sai. Bà chủ thấy vậy, nhắn tin lại cho người khách báo đây là check giả thì người này im hơi lặng tiếng.

Để muốn tránh bị lường gạt trong những vụ giao dịch trực tiếp như vậy, nhân viên ngân hàng khuyên mọi người nên dùng hình thức “wire money” nếu không muốn qua trung gian “escrow.” (Thiện Lê)

Mời độc giả đón xem phóng sự “Chuyện người tù gốc Việt tại Mỹ”

MỚI CẬP NHẬT