Wednesday, April 24, 2024

‘Hòa Thượng Thích Trí Quang chỉ là một ông thầy tu’

Đỗ Dzũng/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Đối với đời người, chúng ta ai cũng muốn danh lợi, nhưng đối với Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, ngài chỉ là một ông thầy tu,” Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, phó chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, viện chủ chùa Bát Nhã, Santa Ana, nói trong lời cung bạch tại lễ truy tán công hạnh vị hòa thượng vừa viên tịch tại Việt Nam.

Lễ tưởng niệm Hòa Thượng Thích Trí Quang được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ tổ chức tại chùa Bát Nhã lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Một.

Hòa Thượng Thích Nguyên Trí nói tiếp: “Trong cái mất mát rất lớn của hòa thượng, xen vào đó là tình cảm Phật tử dành cho ngài trong sự thương tiếc. Mất mát này không chỉ cho Phật Giáo trong nước, mà cũng là Phật Giáo hải ngoại. Từ đó cho thấy, chúng ta cần phải làm gì cho đạo Phật.”

Vị hòa thượng viện chủ chùa Bát Nhã ca ngợi Hòa Thượng Thích Trí Quang rằng: “Suốt đời, ngài đã dấn thân cho đạo pháp. Nói đến công bạch của hòa thượng, tôi nghĩ, những người từ 40 tuổi trở xuống có thể không biết, nhưng đối với người khác, ai cũng biết ngài là ai.”

“Vì thế, chúng ta phải dấn thân hơn nữa để xứng đáng với công ơn của ngài,” Hòa Thượng Thích Nguyên Trí nói thêm. “Sự mất mát rất lớn – rất lớn – này, không chỉ người Việt Nam, mà cả người Mỹ, cũng tán dương, nhất là tính anh hùng của ngài, dù trong tay không có một tấc sắt. Ngài xuất thân và trở về cùng một nơi, bây giờ ngài ra đi, để lại vỏn vẹn có sáu điều.”

“Ngài đi tu, nhưng không có lấy một ngôi chùa!” Hòa Thượng Thích Nguyên Trí nhấn mạnh.

Hòa thượng nói thêm: “Dù có nhiều người gièm pha, nhưng chỉ là số không. Không có chùa, đó là đức hạnh để chúng ta noi theo. Hôm nay, nhìn lên bàn thờ, di ảnh của ngài cho thấy sự đại hùng của ngài. Hãy nhìn sọ của ngài, có gì đâu mà cứng cáp, nhưng sau khi hỏa táng, các dây thần kinh kéo lại. Đó là đại hùng và đạo đức của ngài.”

Hòa Thượng Thích Chơn Thành “rất vui mừng khi tất cả chùa ở Mỹ này đều làm lễ tưởng niệm, tán thán công đức của Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang.” (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Sau lời cung bạch của hòa thượng viện chủ chùa Bát Nhã là phần giới thiệu thành phần tham dự, bao gồm hàng trăm chư tôn đức tăng ni và đồng hương Phật tử khắp nơi.

Kế đến, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa, chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, cung nguyên tiểu sử Hòa Thượng Thích Trí Quang, nguyên chánh thư ký Viện Tăng Thống, nguyên cố vấn chỉ đạo Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Sau đó, Hòa Thượng Thích Minh Dung, tổng vụ trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, viện chủ chùa Quang Thiện và tu viên Sơn Tùng, đọc điếu văn.

Kế đến, các chư tăng đọc bài tưởng niệm, cảm từ, và tiến cúng giác linh.

Ngưỡng mộ, thương tiếc, và tôn kính

Hầu hết chư tôn đức tăng ni và Phật tử đến tham dự đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thương tiếc, và tôn kính cố Hòa Thượng Thích Trí Quang.

Hòa Thượng Thích Chơn Thành, phó thượng thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, viện chủ chùa Liên Hoa, Garden Grove, nói: “Trước hết, phải nói là tôi rất vui mừng khi tất cả chùa ở Mỹ này đều làm lễ tưởng niệm, tán thán công đức của Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang. Ngài là một bậc bồ tát.”

“Ngày xưa, Hòa Thượng Thích Quảng Đức để lại cho đời một trái tim, tượng trưng cho lòng từ bi. Còn Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang là một tôn tượng của Phật tử Việt Nam, để lại cho đời một bộ đầu,” hòa thượng nói tiếp. “Hồi nãy chúng ta thấy đó, bộ đầu là tượng trưng cho trí tuệ, mà còn lại, lưu lại, là trí tuệ sưu việt. Trên đời này đâu có người nào mà thiêu đốt mấy trăm độ mà cái đầu vẫn còn, tim vẫn còn, đâu phải vừa đâu.”

Nghệ sĩ Hùng Nguyễn đứng trước di ảnh cố Hòa Thượng Thích Trí Quang. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê, tổng vụ trưởng Tổng Vụ Pháp Chế Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, cho biết: “Nói đến Hòa Thượng Thích Trí Quang, ai cũng ngưỡng mộ, ai cũng thương mến ngài, ai cũng tôn kính ngài. Đó là tại sao mà trong một thời gian rất ngắn, chúng tôi tổ chức được đông đảo như thế này.”

Nghệ sĩ Hùng Nguyễn, phó chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Hát Bội thuộc Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA), là đệ tử của Hòa Thượng Thích Trí Quang và từng tham gia cuộc biểu tình trước Dinh Độc Lập với hòa thượng vào ngày 1 Tháng Mười, 1967, chia sẻ: “Tôi rất quý thầy tôi, một vị đại cao tăng. Khi nghe thầy viên tịch, mấy ngày nay, ngày nào tôi cũng khóc. Tôi là người từng sát bên thầy. Lúc thầy ở chùa Ấn Quang, chúng tôi luôn canh chừng bên dưới, sợ người ta ám hại thầy. Lúc đó tình hình rất căng thẳng.”

Chị Tăng Minh Thúy, cư dân Westminster, nói: “Hòa Thượng Thích Trí Quang là một người có chất dũng trong người, chỉ biết đấu tranh vì Phật pháp. Phải là một người có định tâm rất lớn mới làm được chuyện này. Ngài phải hy sinh nhiều lắm.”

Một nhân vật có nhiều tranh cãi

Hòa Thượng Thích Trí Quang được chú ý đặc biệt vào năm 1963 khi các Phật tử biểu tình phản đối vì chính phủ cấm treo cờ Phật Giáo trong tuần lễ Phật Đản Phật Lịch 2507. Lúc đó, có người chết trong cuộc biểu tình tại đài phát thanh Huế.

Thời gian đó, Hòa Thượng Thích Trí Quang đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc phản kháng chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cho đến khi ông Diệm bị đảo chính và sát hại.

Khi chùa Xá Lợi bị tấn công, tăng ni bị bắt, Hòa Thượng Thích Trí Quang vượt qua bức tường của chùa, lánh nạn trong một cơ sở thuộc tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn ngay bên cạnh.

Phật tử tham dự lễ tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Trí Quang tại chùa Bát Nhã. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, chế độ quân nhân nắm quyền từ 1964 đến năm 1966, Hòa Thượng Thích Trí Quang vẫn ảnh hưởng tới chính trị miền Nam Việt Nam.

Tuần báo Time từng đăng hình hòa thượng ở bìa trước với lời ghi chú “Nhà sư muốn nắm quyền lực” (The Buddhist Bid for Power).

Về những chuyện này, nghệ sĩ Hùng Nguyễn giải thích: “Tôi nhớ, lúc ở chùa Ấn Quang chờ đợi gặp các lãnh đạo VNCH, thầy có nói từ năm 1945 tới giờ, thầy chưa thấy một lãnh đạo nào ở miền Nam thương dân, mến dân, và yêu nước, nên buộc lòng thầy phải đi đòi lại quyền lợi cho dân tộc. Đó là lời của thầy mà tôi nhớ mãi mãi. Hôm nay, nếu được cho phát biểu, tôi cũng định sẽ nói ra những điều này.”

Cụ bà Vũ Thị Năm, 86 tuổi, cư ngụ tại Huntington Beach, nói: “Hôm nay tôi đến chùa để dự lễ, nghe nói hồi đó từng có biểu tình ở chùa Từ Đàm chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì cũng cảm thấy đau lòng. Chúng tôi là dân di cư, mang ơn cụ Diệm, nên nghe cũng áy náy và khó chịu lắm.”

Dù có nhiều tranh cãi, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ vẫn tổ chức lễ tưởng niệm Hòa Thượng Thích Trí Quang.

“Họ nói là cái chuyện họ nói. Họ đội lên đầu thầy một cái nón cối, rồi họ đội lên đầu thầy một cái nón sắt, nhưng bao nhiêu năm nay thầy cũng đâu có đính chính hay nói gì, cho tới giờ phút cuối cùng, thầy ra đi, thầy cũng không nói đến chuyện đó,” nghệ sĩ Hùng Nguyễn giải thích. “Thầy chỉ viết kinh sách thôi. Mà thầy cũng không tham gia Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh), cũng không lãnh đạo Phật Giáo Thống Nhất. Cho tới sau này thầy cũng đâu có chức vụ gì đâu. Chỉ có từ năm 1963 là thầy là chánh thư ký Viện Tăng Thống và cố vấn Viện Hóa Đạo thôi, chứ mấy chục năm nay thầy không lãnh một chức vụ nào hết. Thầy sống một cuộc sống rất đơn giản, từ Ấn Quang về Già Lam rồi cuối cùng là Từ Đàm.”

Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê: “Nói đến Hòa Thượng Thích Trí Quang, ai cũng ngưỡng mộ…” (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê cho biết ban tổ chức không sợ dư luận dị nghị “một tí nào” và “hầu hết chư tôn đức tăng ni và Phật tử không sợ một tí nào hết.”

“Tất cả đều ngưỡng mộ Hòa Thượng Thích Trí Quang. Hòa thượng không phải là Cộng Sản. Ngài từng tuyên bố: ‘Cộng Sản là những chiếc lá vàng có đóng đinh.’ Như vậy chúng ta hiểu ngài nói gì rồi. Ngài nói rằng ngài cũng không bài Mỹ, không phải là chống Mỹ, nhưng chống là vì họ làm không đúng, nên yêu cầu họ làm đúng,” ông Lê nói.

“Ngài không theo ai hết, ngài chỉ muốn đưa đất nước Việt Nam đi lên và làm thế nào để giữ vững Phật Giáo có chánh pháp, chứ ngài không đòi hỏi một cái gì hết. Hòa Thượng Thích Trí Quang biết trong lúc tổ chức các cuộc biểu tình là không có lợi cho chế độ VNCH, nhưng những gì ngài làm là chỉ đòi hỏi một sự tôn trọng để Phật Giáo được hành hoạt, chánh pháp được tôn trọng. Ngài không chống Mỹ, không phải là CIA, không Cộng Sản, cho nên ngài cũng chẳng sợ gì, ngài chỉ đòi hỏi trong giới hạn Phật Giáo mà thôi,” ông tiếp.

Nghệ sĩ Hùng Nguyễn chia sẻ thêm: “Qua Internet, đêm nào tôi cũng theo dõi tang lễ của thầy, một tang lễ rất đơn giản. Tôi chưa thấy có đám tang của một người nổi tiếng nào mà như vậy. Tôi đến dự lễ hôm nay vì tôi quý thầy, rất thương thầy, một vị cao tăng mà cả thế giới đều biết, chứ không phải chỉ riêng người Việt Nam mình đâu.”

Sau lễ tưởng niệm, Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê là người đọc lời cảm tạ, trong đó ông nói: “Hòa Thượng Thích Trí Quang đã ra đi, một vì sao của Phật Giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam đã mất. Chúng con kính lạy giác linh ngài, hôm nay và mãi mãi ngàn sau.” (Đỗ Dzũng)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]


Hòa Thượng Thích Trí Quang viên tịch tại chùa Từ Đàm, Huế, hôm Thứ Sáu, 8 Tháng Mười Một, thọ 96 tuổi và trong 81 năm làm tăng sĩ đã dự 72 kỳ kiết hạ.

Hòa Thượng Thích Trí Quang tên khai sinh Phạm Quang, tên tục là Do, tổ tiên người gốc Hải Dương, sinh quán làng Diêm Điền, tổng Long Đại, phủ Quảng Ninh (nay là phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình.

Ông sinh năm 1923, xuất gia năm 1938 với Đại Sư Hồng Tuyên ở chùa Phổ Minh, Quảng Bình. Sau đó, ông vào Huế tu học rồi làm giảng sư Phật Học Viện Báo Quốc. Ông góp công thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1951, kết hợp các hội Phật Giáo ba miền Bắc Trung Nam.

Khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập năm 1964, ông là chánh thư ký Viện Tăng Thống, trong khi Hòa Thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng Viện Hóa Đạo.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT