Friday, March 29, 2024

Little Saigon: Hội luận về dạy âm nhạc cho trẻ em

WESTMINSTER (NV) – “Làm sao cho trẻ em yêu nhạc và thích học đàn,” đó là chủ đề buổi hội luận được tổ chức chiều ngày 17 Tháng Chín, tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt, do hai giáo sư âm nhạc, Đỗ Bằng Lăng và James Sherry, tổ chức.

Câu hỏi thoạt nghe tưởng đơn giản, “làm sao cho trẻ em yêu nhạc và thích học đàn,” thực sự, đây là một môn khoa học, vừa liên quan đến âm nhạc, vừa cần sự hiểu biết tâm lý, vừa có sự đối thoại với trẻ em và cả phụ huynh. Và trên hết, cần một kinh nghiệm dày dạn của người dạy nhạc. Đỗ Bằng Lăng và James Sherry là hai giáo sư âm nhạc, từng dành nhiều thời gian nghiên cứu lãnh vực này, có đầy đủ kinh nghiệm trong việc nhận diện “chất nhạc” nơi từng đứa trẻ, và quan trọng hơn, xem âm nhạc như phương tiện thúc đẩy tính sáng tạo tự nhiên nơi trẻ em.

“Ai cũng có thể học nhạc. Người có năng khiếu và không có năng khiếu đều có thể học và chơi nhạc.” Giáo Sư Đỗ Bằng Lăng, dương cầm thủ từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, nhận xét.

Nhưng trước hết, âm nhạc cần được xem như một “trò chơi,” để yêu thích, chứ không phải một sự bắt buộc hoặc thách thức, khiến việc học nhạc nơi trẻ em trở thành một cực hình.

“Học nhạc tương tự như đọc sách. Hãy để các em chơi thể loại nhạc và nhạc cụ mà chúng thích. Đọc sách cũng vậy, hãy biết đọc trước đã, khoan vội ép các em loại sách phải đọc.” Giáo Sư Sherry phân tích.

Trong phương cách giảng dạy như vậy, Đỗ Bằng Lăng và James Sherry nhấn mạnh việc biến bài học âm nhạc thành các trò chơi, thúc đẩy tính tò mò và sáng tạo nơi trẻ em. Chẳng hạn, “chơi scale” – âm giai – thay vì thực tập âm giai theo lối từ chương, hoặc cho các em “chơi những giai điệu nhỏ, 4 note, 5 note…”

Theo quan niệm của Giáo Sư Sherry, cũng là một nhạc sĩ Trumpet chuyên nghiệp, dạy nhạc là “giúp các em khám phá thêm điều mới mẻ, một cách tự nhiên. Đồng thời giúp phát triển khía cạnh xã hội của âm nhạc.”

Tiến trình học nhạc nơi trẻ em, theo phương pháp của Giáo Sư Đỗ Bằng Lăng, luôn cần sự tham gia của phụ huynh.

“Cần nói chuyện với phụ huynh bởi vì giáo viên, trẻ em, và phụ huynh nên hiểu nhau.” Giáo sư Bằng Lăng chia sẻ. “Chứ không phải người dạy nhạc “đứng ở giữa phụ huynh và học sinh và một mình quyết định hết, từ bài vở, nhạc, cho tới phương pháp tập…”

Giáo Sư Đỗ Bằng Lăng trong một sinh hoạt âm nhạc năm 2015. (Hình: Banglangdo.com)

Giáo Sư Đỗ Bằng Lăng trong một sinh hoạt âm nhạc năm 2015. (Hình: Banglangdo.com)

Sau khi tìm hiểu về học trò, biết được nhu cầu của phụ huynh, theo lời Giáo Sư Sherry, người dạy sẽ đưa ra các “mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn. Trẻ em muốn đạt được điều gì, chúng tôi tạo ra phương tiện để các em đạt được điều ấy.”

“Trẻ em có sự tự nhận thức ngay từ lúc đầu thường thành công hơn.” Giáo Sư Sherry chia sẻ.

Giáo Sư Sherry đặc biệt quan tâm đến hình thức “ứng tấu” – improvisation – trong lúc dạy nhạc. Theo ông, ứng tấu, hay chơi nhạc ngẫu hứng, là “hình thức dân chủ nhất trong âm nhạc,” vì trong hình thức này, một người không có kinh nghiệm, hay một nhạc sĩ trẻ, có thể cùng lúc hòa với nhạc sĩ dày dạn kinh nghiệm. Đối với trẻ em, ứng tấu là lúc trẻ em có thể chơi chung với người lớn, tay mơ có thể chơi với nhạc sĩ chuyên nghiệp, học trò có thể chơi với thầy.

Trên hết, ứng tấu là lúc “nội tâm được cơ hội lên tiếng.”

Mời độc giả xem thêm video: Hai học sinh California bị nghi lây bệnh phong

Sherry kể về kinh nghiệm cá nhân của mình: “Trong nhiều năm liền, tôi mãn nguyện với các giai điệu của Haydn, Beethoven trong các dàn đại hòa tấu. Nhưng rõ ràng là tôi đã không thể chơi những giai điệu của trái tim tôi. Khi còn nhỏ, có rất nhiều giai điệu xuất hiện trong đầu tôi, cả ngày lẫn đêm. Nhưng tôi chưa bao giờ ghi lại các giai điệu này hay chơi thử trên một nhạc cụ nào cả. Lớn lên, khi đã chơi giỏi nhạc cụ của mình, các giai điệu thời thơ ấu của tôi bị thay thế bởi các giai điệu đẹp của nhạc cổ điển hay các bản nhạc pop trên radio. Những giai điệu của riêng tôi phải im tiếng. Rồi tôi nhận ra, chính hình thức ứng tấu đã tạo cơ hội cho tôi trở lại tuổi thơ, đi sâu vào nội tâm tôi, nhen lại ngọn lửa âm nhạc trong tôi.”

“Ứng tấu, trong một tinh thần hoàn toàn tập trung, là hoàn thiện khả năng sáng tạo, vì nó khuyến khích chúng ta dẹp bỏ sự phán xét và phê bình, giúp chúng ta không nhìn sự vật theo định kiến, mà nhìn sự vật như sự vật vốn đang là.” Giáo Sư Sherry phân tích.

Ông kết luận: “Không có sai sót trong âm nhạc, từng note nhạc tự nó không sai, mà âm nhạc chính là sự chọn lựa.” (Đ.B.)


Làm Sao Cho Trẻ Em Yêu Nhạc và Thích Học Đàn

Thuyết trình có minh họa, với hai giáo sư âm nhạc Đỗ Bằng Lăng và James Sherry.

2 giờ chiều Thứ Bảy, 17 Tháng Chín, tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt.

Sau buổi nói chuyện sẽ có phần trả lời thắc mắc của phụ huynh và học sinh về các khóa học Piano, Trumpet, Mindful Music Improvisation, Ear Training/Music Theory và Early Childhood Music…

Để biết thêm chi tiết, xin vào trang nhà www.banglangdo.com hoặc www.jamessherry.com.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT