Friday, March 29, 2024

Hội thảo vạch rõ sự tệ hại của những trung tâm lọc máu California

Đằng-Giao/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Lúc 11 giờ 15 sáng Thứ Năm, 4 Tháng Năm, cơ quan New America Media và nghiệp đoàn y tế SEIU-UHW tổ chức buổi hội thảo báo chí tại trụ sở của nghiệp đoàn ở Los Angeles để thảo luận về tình trạng tệ hại trong việc lọc máu ở các trung tâm tại California, nhằm ủng hộ dự luật SB 349 do Thượng Nghị Sĩ Ricardo Lara (Dân Chủ-Bell Garden) đệ trình tại Quốc Hội California.

Thuyết trình đoàn gồm Bác Sĩ Randall Maxey, cựu chủ tịch Hội Đồng Y Tế Quốc Gia; bà Cass Gualvez, giám đốc tổ chức của SEIU-UHW; bà Joan Allen, phụ trách quan hệ chính phủ của của SEIU-UHW; ông Megallan Handford, đại diện chuyên viên lọc máu; và ông Vince Gonzales, bệnh nhân lọc máu.

Ngoài ra, còn một số đông chuyên viên lọc máu và bệnh nhân tham dự để đóng góp ý kiến cũng như chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Maxey trình bày về tình trạng tệ hại của các trung tâm lọc máu tại California như nhân viên quá ít, thời gian dành cho bệnh nhân không đủ, và thiếu vệ sinh vì chính phủ không kiểm soát chặt chẽ.

Bà Gualvez nói: “Tôi nghe rất nhiều người, từ bệnh nhân đến y tá, cán sự xã hội, đến chuyên viên, than phiền về chuyện không đủ chuyên viên và y tá để chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân tại các trung tâm lọc máu ở nhiều nơi khắp tiểu bang.”

Bà Allen đồng ý và thúc dục: “Tình trạng này ngày một tệ hơn nếu chúng ta không đoàn kết để cùng cất lên tiếng nói, gây được chú ý trong giới lập pháp.”

Ông Handford kể một câu chuyện thương tâm: “Cách nay không lâu, vì không đủ thời gian nghỉ ngơi sau khi lọc máu xong, khi bị hối thúc phải rời ghế, một bệnh nhân ngã gục và chết ngay tại chỗ. Tôi biết bệnh nhân này không đến nỗi phải chết oan như vậy. Ông ấy chết vì bị hối thúc phải ra khỏi chỗ ngay để nhường ghế cho bệnh nhân khác.”

Xác bệnh nhân được đưa vào phía sau, để chờ xét nghiệm, trong lúc mọi việc vẫn tiếp diễn bình thường, như không có việc gì xảy ra, theo lời ông kể.

Ông Handford thêm: “Tôi vô cùng chán ngán với chuyện có quá ít thời gian trong lúc có quá nhiều bệnh nhân chờ đợi như vậy.”

Y tá và bệnh nhân  cùng lên tiếng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Y tá và bệnh nhân cùng lên tiếng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông hiểu đây là một kinh doanh đối với giới chủ nhân, nhưng với các y tá, chuyên viên và bệnh nhân, những cái chết do thiếu thời gian để bệnh nhân nghỉ ngơi là một sự cảnh báo sâu xa cho nhiều người liên quan.

Ông Gonzales, một bệnh nhân lọc máu 21 năm, nói: “Tôi cũng từng chứng kiến cảnh người ta ngã quỵ khi vừa lọc máu xong. Lúc đó, tôi nghĩ, sao mà mạng người rẻ rúng quá như vậy. Từ đó đến nay, tôi sống trong sự nơm nớp lo âu, không biết bao giờ đến phiên mình. Lọc máu để kéo dài sự sống, nhưng sống mà phải hồi hộp như thế thì cũng chẳng vui gì.”

Rất đông người chia sẻ những gì họ đã thấy, cũng như trường hợp kể trên, và ai cũng muốn sớm có một sự cải thiện tại các trung tâm lọc máu ở California.

Ông Maxey nói: “Đây là một tội ác. Và tội ác này là do giới chức tại Washington, DC không đặt vấn đề y tế lên hàng đầu.”

Nhiều y tá và chuyên viên lọc máu cho biết họ phải làm tại hai nơi khác nhau vì các trung tâm không trả lương đủ cho họ sống. Việc này cũng ảnh hưởng đến phẩm chất công việc trong ngày của họ.

Thêm vào đó, họ phải làm việc thật nhanh, không thể cẩn thận chăm sóc cho bệnh nhân.

Theo luật y tế hiện tại, sau khi lọc máu xong, mỗi bệnh nhân chỉ được ngồi nghỉ 15 phút rồi nhường ghế cho người khác.

“Thời gian này quá ít cho chuyên viên để bảo đảm vệ sinh cho bệnh nhân và quá ít để bệnh nhân phục hồi sức khỏe,” bà Gualvez nói. “Người ta ví sau ba đến bốn tiếng đồng hồ lọc máu, bệnh nhân mệt mỏi như vừa chạy xong sáu dặm đường.”

Dự Luật SB 349 đòi hỏi mỗi bệnh nhân phải có 45 phút nghỉ ngơi trước khi rời ghế. Các chuyên viên có mặt đồng ý rằng đây là thời gian tối thiểu cho cả họ và bệnh nhân. Họ cần thời gian để chuẩn bị, điều chỉnh lại máy móc cho bệnh nhân kế tiếp, trong lúc bệnh nhân cần phục hồi sức khỏe, đợi cho máu đông lại để tránh bị nhiễm trùng.

Bà Allen nói: “Từ 17% đến 20% bệnh nhân chết mỗi năm vì không đủ thời gian nghỉ ngơi. Sau khi lọc máu xong, bệnh nhân bị mệt tim, áp huyết tăng cao, và dễ bị nhiễm trùng. Thời gian 45 phút nghỉ ngơi mà SB 349 đề nghị là hợp tình, hợp lý nhất.”

Ngoài ra, SB 349 còn yêu cầu tăng thêm chuyên viên để tương ứng với số bệnh nhân và chính phủ phải thường xuyên kiểm soát các trung tâm lọc máu, mỗi năm một lần thay vì sáu năm một lần như bây giờ.

California hiện là một trong vài tiểu bang có nhiều trung tâm lọc máu kém cỏi nhất trên toàn quốc.

Ông Handford nói: “Hiện tại, trong mỗi lần lọc máu, mỗi chuyên viên phải coi sóc tới tám bệnh nhân. Để có thể sóc họ chu đáo, mỗi chuyên viên chỉ nên coi ba hay bốn bệnh nhân thôi. Y tá và cán sự xã hội cũng vậy, phải lo cho quá nhiều bệnh nhân. Như thế, chủ nhân các trung tâm lọc máu thu quá nhiều tiền trong lúc bệnh nhân và người đóng thuế chịu nhiều thiệt hại nhất.”


Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT