Tuesday, April 16, 2024

Hội Xuân tưng bừng với các mầm non Bắc Ninh

Linh Nguyễn/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Hội Xuân Bắc Ninh năm nay tưng bừng diễn ra lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật, 4 Tháng Ba, với sự góp mặt đầy sức sống của thế hệ trẻ Bắc Ninh, tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim. Chương trình văn nghệ thu hút rất đông khán giả, được xem là xuất sắc với các mầm non, và các “liền anh, liền chị” của Ban Văn Nghệ Bắc Ninh, trình diễn trong suốt bốn tiếng đồng hồ.

Theo thông lệ, mõ làng Bắc Ninh Ngô Tất Tố từ bên trong chạy lên sân khấu, báo cho dân làng khắp nơi biết ngày Hội Xuân Bắc Ninh bắt đầu.

Các em nhỏ xếp hàng tiến đến chỗ ông bà Nguyễn Ngọc Kỳ, chúc tuổi quý cụ và nhận lấy các phong bao mừng năm mới. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông Nguyễn Hữu Hòa, hội trưởng Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California, phát biểu: “Mỗi năm hội muốn duy trì thông lệ tốt đẹp, tổ chức Hội Xuân để đồng hương Bắc Ninh tại đây có cơ hội gặp gỡ, hàn huyên, tâm sự ngày thêm gắn bó.”

Ông đặc biệt cám ơn sự khuyên bảo và hướng dẫn của ông bà Nguyễn Ngọc Kỳ, cựu hội trưởng sáng lập; và các thành viên ban cố vấn, như quý ông Vũ Văn Hưởng, Đinh Hồng Phong, Đỗ Việt Anh và Giáo Sư Lê Hồng.

Đoàn lân do Phương Lan hướng dẫn, đặc biệt gồm các thiếu nhi, theo tiếng trống dồn dập, từ phía khán giả, từ từ tiến lên sân khấu, đem không khí Tết tràn lan đến mọi người tham dự.

Tiếng MC Hồng Vân giới thiệu em Emily Nhã Vân Nguyễn, 13 tuổi, một hậu duệ Bắc Ninh, trình diễn bài hát chầu văn “Cô Đôi Thượng Ngàn.”

Em Emily Nhã Vân Nguyễn, 13 tuổi, hậu duệ Bắc Ninh, trình diễn bài hát chầu văn “Cô Đôi Thượng Ngàn.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Mỗi tay, em Emily cầm hai cái chén nhỏ, vừa hát, vừa nhún nhẩy, vừa chập những cái chén tạo âm thanh đặc biệt. Bài hát rất hiếm thấy một em nhỏ trình diễn, ngoại trừ các nghệ sĩ chuyên nghiệp như Nga My – Trần Lãng Minh, vì rất khó.

Chị Trần Thanh Vân, mẹ của Emily, một thành viên Ban Văn Nghệ Bắc Ninh, giải thích lý do cô con gái muốn học hát bài chầu văn này: “Khi cháu tập hát với các em lớn trong Đoàn Vũ Dân Tộc Lạc Hồng cùng Thầy Châu, cháu nhận ra sự độc đáo của điệu hát này. Cháu về nhà yêu cầu mẹ dạy. Thêm chị Búp Lê trong ban tổ chức, biểu đồng tình nên để cho cháu Emily thử. Thế là hai mẹ con bắt đầu tập hát.”

Chị kể thêm: “Từ đó, mỗi khi lên xe là hai mẹ con chúng tôi tập hát bài chầu văn. Tiếng Việt cháu mới học được một năm ở Viện Việt Học nên tôi phải sửa cho cháu cách phát âm từng chữ khi hát. Khi hát cháu nói phải ‘gò’ lắm mới được như thế.”

Cũng theo lời bà mẹ, em Emily có khiếu thích âm nhạc từ khi mới được bốn, năm tuổi. Em được mẹ dạy hát bài “36 Thứ Chim” điệu Quan Họ. Em học dương cầm, đờn tranh, đờn cò. Nhạc lý vững cũng là yếu tố giúp Emily thích hát Quan Họ như mẹ. Còn em hát chầu văn thì đây là lần đầu.

Em Emily xác nhận: “Bài hát chầu văn không khó, nhưng con phải tập sáu tháng mẹ mới nói là tạm được.”

Hoạt cảnh thời trang “Trở Về Dòng Sông Tuổi Thơ” của các cựu nữ sinh Trưng Vương do Vân Thu thực hiện. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Hát chầu văn có người cho là vướng vất âm thanh ma quái nhưng lại có vẻ vui qua giai điệu dồn dập.

“Cá nhân tôi có về Bắc Ninh nghe hát, nhưng chỉ biết điệu chầu văn được các bà ở miền quê hát khi lên đồng, lên bóng. Các cụ bà rất thích. Điệu nhạc rất vui. ‘Cô Đôi’ là một bà tiên. Khi múa, phải dỗ dành cho cô ‘nhập.’ Mời cô xuống. Đó là lý do quý vị nghe tiếng tôi và chị Búp Lê hát phụ họa phía sau, rằng ‘cháu lạy cô, cô về, cô ban phước, ban lộc’,” chị Thanh Vân nói với nhật báo Người Việt.

Trước đó, ba cháu thiếu nhi Thu Anh, Anh Thư và Khải Bùi hợp ca bài “Em Bé Quê” gợi nhớ hình ảnh của một thời quê hương thanh bình, nhạc Phạm Duy.

Em Kim Thanh và thiếu nhi của Sonata Music School trình diễn bài “Thương Ca Tiếng Việt.”

Rồi giây phút mà mọi người mong đợi bắt đầu.

Các “liền chị” trong những chiếc áo dài tứ thân màu xanh đậm, quần lĩnh đen thắt lưng dải lụa, đầu đội khăn đỏ, cổ đeo vòng kiềng, tay cầm nón quai thao. Các “liền anh” ai nấy chỉnh tề trong chiếc áo the thâm, quần trắng, đầu đội khăn đống màu đen. Mọi người vừa đi vừa hát bài “Trầu Cau Quan Họ” mở đầu chương trình văn nghệ.

Tiếp theo, ban văn nghệ nhộn nhịp hợp ca bài “Xuân và Tuổi Trẻ” trong khi các em nhỏ xếp hàng tiến đến chỗ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ, cựu hội trưởng sáng lập và các cụ trong ban cố vấn, để chúc tuổi quý cụ và nhận lấy các phong bao mừng năm mới.

Ông Đinh Hồng Phong, cố vấn Hội Bắc Ninh, là người may mắn trúng xổ số bức tranh “Mẹ và Con” của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, một đồng hương Bắc Ninh, năm nào cũng tặng tranh để xổ số gây quỹ.

Ông Đinh Hồng Phong (giữa) trúng xổ số bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Thật là tuyệt vời khi tôi được trúng số bức tranh này. Tôi vừa suy nghĩ thương nhớ vợ tôi năm nay vừa ra đi, để tôi lần đầu tiên đi hội Xuân một mình. Thế là hôm nay tôi trúng bức tranh có hình ảnh của bà đâu đó,” ông Phong xúc động nói.

Tiếp theo, bài hát Quan Họ “Cái Hời Cái Ả” một lần nữa được ban văn nghệ Bắc Ninh làm sống động khán phòng và đặc biệt không kém là bài “Hát Ru” do Xuân Mai trình bày với Ngọc Trâm phụ diễn.

Hoạt cảnh “Đào Liễu” qua điệu hát chèo, do Búp Lê trình bày với phần phụ diễn của Phi Yến, thật dễ thương áo cánh nâu, khăn mỏ quạ với chiếc quang gánh hai thúng đầy… hoa. Kèm theo là hoạt cảnh thời trang “Trở Về Dòng Sông Tuổi Thơ” của các cựu nữ sinh Trưng Vương do chị Vân Thu thực hiện.

Hoạt cảnh “Đào Liễu” với Búp Lê (phía sau) qua điệu hát chèo, Phi Yến phụ diễn. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Xen vào chương trình còn có các bài hát đơn ca như “ Mẹ Việt Nam Ơi, Chúng Con Vẫn Còn Đây” qua tiếng hát Tenor của danh ca Vũ Anh; “Phiên Gác Đêm Xuân” của chị Thanh Hà; “Hướng Về Hà Nội” qua tiếng hát của Bác Sĩ Đặng Văn Phúc, giọng ấm áp không kém phần điêu luyện.

MC Nhã Lan giới thiệu ban “AVT-Bolsa” với bài “Chúc Xuân” phảng phất hình ảnh của ban kích động nhạc AVT ngày nào, xuất hiện lần đầu trong hội Xuân với sự trình bày của Hoàng Cương, Quỳnh Đặng và Việt Linh.

Sau phần trình diễn, người MC khả ái hỏi ý khán giả rằng ban “AVT-Bolsa” có nên đổi là “AVT-Bắc Ninh” không, vì cả ba thành viên đều mang giòng máu Bắc Ninh. Mọi người đồng ý tán thưởng giơ tay.

Đặc biệt chương trình được ông Phương giới thiệu lần đầu ban văn nghệ Bắc Ninh hướng dẫn khán giả tập hát bài “Xin Ra Về” thể điệu Quan Họ để mọi người tham dự cùng hát trước khi chấm dứt chương trình.

Trưởng ban tổ chức năm nay là ông Phạm Đăng Phương. Trưởng ban văn nghệ là anh Ngô Bá Toàn. Cả hai được mọi người khen ngợi ban tổ chức chương trình năm nay  “hay” và “quy mô.”

Phần nghi lễ năm nay do ông Nguyễn Hoa Cương, phó chủ tịch nội vụ Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California, phụ trách. Đặc biệt có ba cựu quân nhân Hải Quân VNCH phụ trách toán quốc kỳ khiến lễ khai mạc hội Xuân thêm phần long trọng. Em Emily hát bài quốc ca.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ, cựu hội trưởng sáng lập, nhiều lần xúc động rớm nước mắt khi thấy càng ngày các mầm non hậu duệ tham gia đông hơn, và hát các làn điệu Bắc Ninh bằng tiếng Việt sõi hơn, nhờ cha mẹ sát cánh với hội để hướng dẫn con em.

Bác Sĩ Hà Thúc Như Hỷ, một khách tham dự, cho biết: “Hội Bắc Ninh năm nào cũng giữ vững truyền thống duy trì điệu hát Quan Họ. Chỉ hội Bắc Ninh mới có thể giữ được thôi. Ngôn ngữ rất quan trọng trong công tác bảo tồn văn hóa.”

Đặc San Bắc Ninh dày 141 trang, bìa màu tranh Họa Sĩ Nguyễn Thị Hợp, được phát tặng từng người tham dự. Theo trưởng ban tổ chức, đó là kết quả do công khó của ông Đỗ Việt Anh và các tác giả, cùng thân hữu ban biên tập thực hiện. (Linh Nguyễn)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Lễ chào cờ năm 2018 của liên đoàn Hướng Đạo Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT