Thursday, March 28, 2024

Họp báo tổ chức Kỷ Niệm 100 năm Cải Lương

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Vào chiều Thứ Ba, 14 Tháng Mười Một, tại nhà hàng Seafood Word, Westminster, nhiều đại diện truyền thông báo chí, các ca nghệ sĩ và đồng hương đã đến tham dự buổi họp báo về việc tổ chức đại nhạc hội kỷ niệm “Hành Trình Một Trăm Năm Cải Lương”, do Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang và Chương trình cổ nhạc Văn Lang của Little Saigon TV sẽ đồng tổ chức vào lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu, 24 Tháng Mười Một, 2017 tại Saigon Performing Arts Center 16149 Brookhurst St., Fountain Valley, CA 92708.

Theo ban tổ chức, chương trình này sẽ được đài Little Saigon TV trực tiếp thu hình và phát sóng trên băng tần 18.9.

Một chương trình đại nhạc hội gồm những bài tân nhạc, cổ nhạc, trích đoạn tuồng cải lương, múa,… Với một lực lượng ca nghệ sĩ hùng hậu như: Phượng Liên, Vũ Luân, Kim Tiểu Long, Tuấn Châu, Giang Bích Phượng, Thanh Kim Mỹ, Xuân Mỹ, Cẩm Thu, Lê Tín, Hữu Thọ, Minh Cảnh Em, Liên Thảo, Thanh Vũ, Cảnh Trân, Tuấn Phong, Minh Hùng, Phượng Hồng, Quốc Hải, Thanh Thái, Thanh Hiền, Thanh Tú, Quỳnh Hoa, Thân T. Liêm,…

Ban cổ nhạc gồm các nhạc sĩ Hồng phúc, Kim Đồng, Anh Khoa, Thanh Tùng.

Điều hợp chương trình MC Phạm Khanh và Mai Chân.

Bảng quảng cáo chương trình đại nhạc hội Kỷ Niệm 100 năm Cải Lương. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

“Mục đích của đêm văn nghệ này nhằm tri ân những nghệ nhân đã có công sáng lập bộ môn Cải Lương trong tinh thần ‘Ăn trái nhớ kẻ trồng cây’, đây cũng là một trong nhiều lãnh vực để bảo tồn và phát huy văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt tại xứ người, đồng thời cũng là dịp để cho tuổi trẻ hải ngoại hiểu biết về nguồn cội của nghệ thuật Cải Lương,” cô Mai Chân, Trưởng đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, kiêm trưởng ban tổ chức cho biết.

“Buổi trình diễn này rất có giá trị mà ban tổ chức muốn giới thiệu đến khán giả mộ điệu xa gần để biết về xuất xứ, sự hình thành và diễn biến của nghệ thuật sân khấu cải lương như thế nào. Và quí vị cũng sẽ thấy lại những hình ảnh về dàn dựng của sân khấu xưa bằng những tài liệu quý giá, qua những bước tiến mà tiền nhân đã trải qua rất nhiều khó khăn để hình thành một sân khấu cải lương được đầy màu sắc, lộng lẫy như ngày hôm nay,” Mai Chân cho biết thêm.

Có mặt trong buổi họp báo, Giáo sư Trần Văn Chi, cố vấn đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, cho hay: “Chương trình văn nghệ Giỗ Tổ Ngành Sân Khấu đã được anh chị em trong Hội Nghệ Sĩ Cải Lương quan tâm và ủng hộ ban tổ chức thực hiện hằng năm trong nhiều năm qua. Nhưng hiện nay, vì có những người cố vấn của hội như soạn giả Yên Lang đã qua đời cũng như ông Nguyễn Minh Chiêu đã bị bệnh. Vì thế, tưởng rằng chương trình kỷ niệm Một Trăm Năm Cải Lương không thể thực hiện được. Nhưng cuối cùng thì cô Mai Chân và đài Little Saigon TV đã cố gắng để thực hiện chương trình này trong một ngày gần đây.”

Cũng theo trưởng ban tổ chức, qua tài liệu của học giả Vương Hồng Sển, soạn giả Nguyễn Phương, Giáo sư Trần Văn Chi và Giáo Sư Trần Quan Hải thì danh từ cải lương có lẽ do từ câu: “Cải biến kỳ sự, sử ích tự thiên lương.”

Nghĩa là đổi những cái cũ thành những cái mới, cải sửa lại cho hay hơn, cho hoàn hảo hơn. Cải Lương là một loại kịch hát có nguồn gốc từ sự thể hiện qua sân khấu; những âm điệu, bài bản được biến thể từ nhạc cung đình Huế và những thang âm ngũ cung: hò, xự, xang, xê, cóng của những nhóm đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long tạo thành.

Để nói rõ điều này hơn, Giáo sư Trần Văn Chi cho biết: “Sân Khấu Cải Lương là đặc thù của Nam Bộ hay nói nghĩa khác là của đất Nam Kỳ Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tại vì Cải Lương được xuất phát đầu tiên từ loại nhạc lễ được đưa sang cho nhóm đờn ca tài tử, sau này được hát ra bộ rồi mới đến sân khấu Cải Lương.”

Nhưng nhạc lễ là được phát xuất từ Huế, tại sao lại trở thành loại nhạc của Cải Lương của Nam Bộ?

Để trả lời câu hỏi này, giáo sư giải thích: “Đây là câu hỏi lớn mà những người nghiên cứu về văn hóa không nói được, từ ông Vương Hồng Sển và nhà văn Sơn Nam cũng không biết được.” Ông giải thích tiếp: “Tại vì, khi những người từ Huế vào miền Nam, khi họ nghe những bài thơ ca, điệu nhạc như hát ru con, hò, nói thơ và nói vè,… thì từ những thể hát hò và nói vè đó mới đẻ ra được đờn ca tài tử. Thời đó, các nơi khác không có đờn ca tài tử mà chỉ có tại Đồng Bằng Sông Cửu Long mà thôi.”

Khi nói về xuất xứ của người dân Nam Bộ, giáo sư kể: “Ngày xưa, những người dân Nam bộ có rất nhiều người có xuất xứ từ những người bỏ xứ gốc của mình ra đi, một là những người nghèo đi tìm đất sống, hai là những người bị án khổ sai, lưu đày,… Thế nên, khi được hội ngộ tại Nam Bộ thì tinh thần họ rất cởi mở, và họ muốn có một cái gì đó để làm niềm vui cho họ. Vì thế, người ta mới mượn lối đờn ca tài tử để tìm thú vui cho mình. Trong số đó có những người từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam sinh sống.”

Cũng theo Giáo sư Chi, vào khoảng năm 1912 – 1914 trở về trước, tại miền Nam, ca tài tử có hát kiểu “độc thoại”. Từ năm 1915, mới có ca kiểu “đối thoại” (ca ra bộ). Trong thời gian này, ở Mỹ Tho có ban tài tử của ông Nguyễn Tống Triều, người Cái Thia, tục gọi Tư Triều. Ban đờn ca tài tử này gồm có: Tư Triều (đờn kìm), Mười Lý (thổi tiêu), Chín Quán (đờn độc huyền), Bảy Vô (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), và ca sĩ là cô Ba Đắc. Họ là những tài tử được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại các cuộc triển lãm ở Pháp. Khi về, họ cho biết, ban tổ chức có cho họ được đờn ca trên sân khấu và được công chúng đến xem rất đông.

Nói về sự ra đời của Cải lương, Mai Chân cho hay: “Đúng ra, Cải Lương đã được thành hình từ năm 1916, nhưng kể từ ngày 16 Tháng Mười Một, 1917, khi tuồng Gia Long Tẩu Quốc được trình diễn tại nhà hát Tây Sài Gòn, thì từ cách hát mới lạ nầy đã mở đầu cho nghệ thuật mới. Từ lối đờn, ca ra bộ đều được chỉnh đốn, thêm sửa, vừa canh tân, vừa cải cách nên Cải Lương đã được hình thành từ đây.”

Mai Chân kể thêm: “Cũng từ năm1917, ông André Thận (Lê Văn Thận), ở Sa Đéc có gánh hát xiệc, ông liền đem màn ca ra bộ trước khi trình diễn hát xiệc. Sau đó, ông Năm Tú (Châu Văn Tú) ở Mỹ Tho mua lại gánh xiệc của ông André Thận rồi sắm thêm màn cảnh, y phục và nhờ ông Trương Duy Toản (tác giả vở Kim Vân Kiều), họa sĩ Trần Ngọc Điếu vẽ phong cảnh cho tuồng, đã đánh dấu sự ra đời của loại nghệ thuật sân khấu Cải Lương.”

Cũng theo Mai Chân, từ đó, Cải Lương xuất hiện lần đầu tiên trên bảng hiệu gánh hát Tân Thịnh của thầy Năm Tú với câu đối: Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
Sau đó, ông André Thận và thầy Năm Tú đã đưa cải lương lên sân khấu thiệt thọ với nhiều vỡ tuồng như “Trang Tử Thử Vợ”, “Kim Vân Kiều”,… được diễn tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và Sài Gòn,… Lúc này, Cải Lương mới được thành hình thật sự vì có nhiều uy tín vang vội khắp nơi và được hãng đĩa Pháp đã sản xuất rất nhiều tuồng hát Cải Lương qua đĩa hát 78 vòng trên toàn quốc.

Có mặt tại buổi họp báo, nghệ sĩ Phương Liên chia sẻ: “Trên 50 năm tôi đã có mặt trên sân khấu Cải Lương từ trong nước cũng như ở hải ngoại. Sau hơn nửa thế kỷ phục vụ cho nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, cho đến nay, thì Cải Lương cũng đã trưởng thành được một trăm năm. Tuy rằng, ở hải ngoại Cải Lương không được khởi sắc lắm, nhưng Cải Lương không thể mất được trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam, và nhất là đối với những nghệ sĩ như chúng tôi.”

Vì số ghế có giới hạn, muốn nhận vé xin liên lạc: Little Saigon TV: (714) 979 9562, Thanh Kim Mỹ: (714) 251 7533, Mai Chân: (714) 260 3856, Phạm Khanh: (714) 653 0605.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT