Friday, April 19, 2024

Hợp-Đồng dài hạn, phòng tranh chung từ nửa thế kỷ

Tiểu Quyên

WESTMINSTER, California (NV) – Hai họa sĩ Nguyễn Đồng-Nguyễn Thị Hợp sẽ lại triển lãm chung tại phòng sinh hoạt báo Người Việt vào cuối tuần này, từ Thứ Sáu, 4 Tháng Năm đến Chủ Nhật 6 Tháng Năm, 2018.

Cuộc triển lãm “50 năm nhìn lại” của đôi họa sĩ đã ký “hợp-đồng” dài hạn và tốt đẹp với nhau, gồm các họa phẩm tiêu biểu của nhiều thời kỳ sáng tác, minh họa hay đồ họa.

Họa sĩ Nguyễn Đồng cho biết, anh chị khi mới gặp nhau, đã thấy được các điểm tương hợp về nhiều phương diện, nên đã ký hợp đồng sống chung.

Họa sĩ Hợp tâm sự: “Tôi và anh Đồng gặp nhau khi cùng làm việc cho chương trình truyền hình giáo dục, lúc đó có tên gọi là Ủy Ban Vô Tuyến Truyền Hình Giáo Dục, mà lúc bắt đầu chỉ có một chương trình hằng tuần thôi, đó là chương trình ‘Đố Vui Để Học’. Chúng tôi chia sẻ nhiều sở thích về mỹ thuật đã đành, mà còn trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa, đặc biệt chúng tôi cùng thích nghe âm nhạc cổ điển Tây phương cũng như ca nhạc truyền thống dân gian Việt Nam. Chúng tôi trở thành vợ chồng vào năm 1968, ít lâu sau biến cố Mậu Thân. Vì sống chung nên khi làm việc đương nhiên có cơ hội trao đổi ý kiến qua lại, có thể phê bình lẫn nhau, và có những bức vẽ chỉ có tính cách minh họa hay trang trí thì chúng tôi cùng vẽ chung. Những tác phẩm vẽ chung này tự nhiên có một bút pháp khác, không mang sắc thái riêng biệt của Nguyễn Thị Hợp hay của Nguyễn Đồng. Có thể có nhiều điểm chung giữa chúng tôi trong quan niệm sống, trong cách nghĩ, trong nguồn cảm hứng… nhưng về đề tài, bút pháp, kỹ thuật, sự tìm tòi… thì bắt buộc mỗi họa sĩ phải rất riêng biệt. Bút pháp trong hội họa, giống như tuồng chữ viết của mỗi người, sinh ra là như thế, có thể tập luyện cho nhuần nhuyễn tinh vi hơn, nhưng khó có thể thay đổi vì những yếu tố khác.

Kỳ triển lãm 50 năm này, cũng là để kỷ niệm 50 năm chung sống của hai người.

Họa sĩ Nguyễn Đồng sinh năm 1940, tốt nghiệp ban Triết, Đại Học Đà Lạt 1965. Anh học vẽ với họa sĩ Nguyễn Cường từ những năm học trung học ở Cần Thơ. Rất tích cực trong Hội Họa Sĩ Trẻ Sài Gòn thập niên 1960-1975, họa sĩ Nguyễn Đồng đã mang các vốn liếng tư tưởng triết học, ảnh hưởng vào các đường nét và mầu sắc sáng tạo. Theo nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy: “Đó là những tra vấn và đối thoại với cuộc đời và số phận con người, và như vậy, nghệ thuật chính là một cách thế hiện hữu ở đời… Mặc dầu vậy, khi thể hiện trên mặt bố, trên khung vải hay với những phác thảo bằng bút sắt trên giấy, nhưng hình ảnh ẩn chứa nhiều thao thức thời đại của Nguyễn Đồng đã mang lại cho chúng ta nhiều cảm giác thơ mộng rất hiện đại.”

Trong Ðầm. Tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Đồng. (Hình: Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp cung cấp)

Kỳ triển lãm đầu tiên tại Sài Gòn của họa sĩ Nguyễn Đồng, là bày tranh chung với các bạn Nguyễn Ngọc Thạch, Đinh Ngọc Mô (đã mất) và Nguyễn Hữu Cầu, tại Sài Gòn năm 1965. Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Thị Hợp có triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Đài Bắc (Đài Loan) năm 1967. Sau khi sống chung, hai họa sĩ đã triển lãm vài lần với Hội Họa Sĩ Trẻ, và từ năm 1979, gia đình hai họa sĩ rời Việt Nam, tới định cư tại nước Đức. Thập niên 1980,  hai người đã triển lãm nhiều lần tại Đức, Pháp và Âu châu. Họa sĩ Nguyễn Đồng vẽ nhiều tranh về cảnh miền quê Việt Nam, với bút pháp mới mẻ, vì anh được tiếp xúc với rất nhiều phái hội họa mới của thế giới. Tuy tranh của anh ít dấu thao thức trăn trở như thời trước 1975, nhưng ngắm tranh của anh, người coi vẫn cảm nhận được “chiều sâu” của tâm thức người vẽ.

Về họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, thì nhà sử học về hội họa Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy cho rằng: “Đó là một hòa hợp của màu và nét, qua một số thủ pháp hội họa tập hợp lại của phương Đông và phương Tây, dung nạp tất cả để biến thành bút pháp của mình, hội họa của Nguyễn Thị Hợp là một hòa hợp rất tinh vi cái thực và cái thần của hiện thực, đó là một hòa sắc rất Nguyễn Thị Hợp, và cũng rất là Việt Nam.”

Trong một lần gặp gỡ, chúng tôi hỏi họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vì sao trong nhiều bức tranh phụ nữ và tranh mẹ con chị lại thường vẽ các bà để ngực trần, chị cười rất hồn nhiên: “Vì tôi thấy đẹp quá!”

Trong ký ức của người nữ họa sĩ hiền hậu chân chất ấy, những hình ảnh đẹp đẽ của các bà mẹ Việt Nam còn đậm nét nguyên sơ của thời thơ ấu, khi chị sống với gia đình tại vùng Cửa Đông, Hà Nội.

Nguyễn Thị Hợp tâm sự: “Lúc đó mới có 7-8 tuổi, tôi thường say sưa ngắm cái cảnh đẹp đẽ của mấy bà bán hàng rong vạch yếm cho con bú, ngay trước cửa nhà tôi. Các bà ấy gánh hàng và gánh cả con thơ trong hai cái thúng. Trước cửa nhà tôi có bóng mát cây cao, nên buổi xế chiều, họ thường tới ngồi nghỉ mệt, rồi vạch yếm ra cho con bú một cách rất thoải mái, tự nhiên. Cái yếm của các bà chỉ là mảnh vài chéo, có dây đeo vào cổ, khi cần, vạch vú ra rất dễ, thật là giản dị và tiện lợi. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ con bú đẹp đẽ ấy. Nó gợi lên những cảm xúc tràn đầy hạnh phúc của em bé được bú sữa no nê và bà mẹ lúc ấy chắc cũng rất sung sướng.”

Đêm Hè. Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp. (Hình: Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp cung cấp)

Hình ảnh sống động và hồn nhiên của các bà mẹ cho con bú, có lẽ đã đi vào tiềm thức của cô bé con ngây thơ và có năng khiếu nghệ thuật Nguyễn Thị Hợp từ thuở đó. Khi vẽ hình phụ nữ khỏa thân, ngay cả trong tranh minh họa một câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương chăng nữa, tranh “nude” của Nguyễn Thị Hợp vẫn chuyên chở được những rung động thuần nghệ thuật nơi cá tính mẫn cảm của chị. Người xem tranh nhận ra được những nét đẹp, vẻ tươi mát của người phụ nữ khỏa thân mà tâm hồn họ hình như không bị vẩn đục chút nào.

Theo họa sĩ Nguyễn Quỳnh, giáo sư nghệ thuật tại Đại Học El Paso và giáo sư Triết tại San Antonio (Texas), một đồng môn nổi tiếng của Nguyễn Thị Hợp, thì ngay từ buổi mới vô trường, chị Hợp đã “chứng tỏ có một căn bản rất vững vàng và tài hoa về nét vẽ.” Nguyễn Quỳnh kỳ vọng ở người bạn rất nhiều khi ông nhận được hai tấm bích chương in tác phẩm của hai vợ chồng Đồng-Hợp, nhân kỳ triển lãm Mỹ Thuật Việt Nam tại Bonn năm 1981.

Nguyễn Quỳnh viết: “…Dù chỉ qua ấn bản, tôi nhận ra ngay bút pháp độc đáo của Nguyễn Thị Hợp. Rõ ràng bút pháp này đã và đang còn phát triển vượt xa tất cả các tranh và minh họa của Hợp trước kia. Năm 1989 tôi có dịp gặp họa sĩ Nguyễn Cầm ở Nữu Ước. Trong khi hàn huyên tôi được Cầm cho biết thế này: ‘Sau khi Mai Trung Thứ (một họa sĩ có bút pháp rất đặc biệt) qua đời, giới yêu tranh lụa Việt Nam tại Pháp vẫn mong ước được thấy một cái gì tiếp nối. Cảm được điều đó, phòng tranh La Sensitive tại Paris đã khám phá ra Hợp – năm 1983’. Nếu đúng như lời Cẩm nói thì tôi sẽ không ngạc nhiên. Không những thế, tôi còn mừng cho giới yêu tranh lụa Việt Nam tại Pháp, vì tranh Nguyễn thị Hợp mới hơn và tài điệu hơn tranh Mai Trung Thứ. Nguyễn Thị Hợp lúc đó còn trẻ và còn nhiều hy vọng khai phá, đóng góp cao hơn nữa…”

Đó là thời gian gia đình anh chị Đồng-Hợp đang sinh sống tại Hamburg, Đức Quốc (1980-1986). Thời gian này, Nguyễn Thị Hợp sáng tác nhiều tranh lụa, vẽ lại những hình ảnh hòa bình tươi đẹp của dân Việt Nam. Hình như chị đã quên những năm chiến tranh dài dặc, những ngày cực khổ, ngồi bó gối trên con tàu vượt biên 700 người, những ngày dài chờ đợi trong trại Pulau Bidong… Nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy, năm 1998, đã viết về tranh lụa của Nguyễn thị Hợp như sau:

Chương trình triển lãm “50 năm nhìn lại” của hai họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp.

“Tranh lụa của Nguyễn thị Hợp rất vững chãi về bố cục và hình họa, rất đầm ấm linh hoạt với màu sắc tươi sáng mà đậm đà, tạo nên được một phong cách riêng biệt rất thơ mộng và dân tộc. Tranh của chị góp thêm vào dòng tranh lụa đã hình thành vững chắc từ hơn nửa thế kỷ qua với các nhà danh họa Lê văn Đệ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tường Lân… Kỹ thuật tuyệt luân, tâm hồn hài hòa, sẽ giúp cho người vẽ xây dựng được tác phẩm đầy rung cảm… mang lại cho người xem, những cái đẹp vô cùng tinh tế, thanh nhã, gợi cảm và sâu sắc. Đó chính là điều Nguyễn Thị Hợp đã làm được…”

Ngày nay, Nguyễn Thị Hợp vẫn say sưa sáng tác và hầu như năm nào cũng cùng họa sĩ Nguyễn Đồng triển lãm tranh ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ. Trong đó có cuộc triển lãm lớn của tổ chức Smithsonian Institution, trưng bày tranh của nhiều nghệ sĩ trong 12 tiểu bang, từ 1995 tới 1998. Trong nước Việt Nam ngày nay, viện bảo tàng quốc gia tại Hà Nội hiện đang sở hữu hai bức tranh Nguyễn Thị Hợp vẽ từ năm 1976 và 1978.

Những năm gần đây nhất, bắt đầu từ thập niên 1990, hai họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng vẽ rất nhiều tranh Phật Giáo, khởi từ việc minh họa các tác phẩm của Thiền Sư Nhất Hạnh, do nhà Parallax Press và Lá Bối xuất bản.

Đâu đó có người đã nói: “Khi các thi sĩ làm thơ, khi các nhạc sĩ sáng tác một bản nhạc hoặc khi các họa sĩ phất cây cọ lên là lúc các vị ấy rất Thiền – nghĩa là rất tỉnh thức, tâm hồn sáng tạo hiện khởi ra ở trình độ tuyệt vời nhất.” Người nghệ sĩ khi sáng tác phải chăng là những người đang Sống thật trọn vẹn, và họ đã bắt được cái Đẹp trọn vẹn xuyên thời gian, vượt không gian, qua những rung cảm từ bộ thần kinh bén nhạy của họ? Từ đó, họ sáng tác, diễn tả ra thành ngôn ngữ, biểu hiện thành những đường nét, những thanh âm đặc sắc mà lúc bình thường chính họ cũng không thể làm.

Tâm thức ngây thơ, dung dị mà tinh tế của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp được thể hiện trong những nét vẽ đa dạng của chị, trong tất cả mọi loại tranh, dù là vẽ trên lụa (sở trường độc đáo của chị) hay trên giấy, nhưng có lẽ đặc biệt nhất là trong những bức tranh Phật Giáo. Dù đó chỉ là các bức minh họa trong sách, hay là những tấm bưu thiếp nhỏ, tranh Phật Giáo của Nguyễn Thị Hợp thể hiện rực rỡ cái tâm trong sáng của con người ít lụy vào cuộc đời thực tế. Tôi và nhiều người bạn thân rất ưa thích mấy mẫu chị vẽ đức Phật sơ sinh hoặc các sư cô trẻ tuổi mà chị thường âu yếm gọi là “baby-nuns.” Có lẽ đó là những bức tranh có đường nét thanh thoát nhẹ nhàng nhất, hợp với tính tình hồn nhiên như em bé nơi chị nhất. (Tiểu Quyên)

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Giấc ngủ vô cùng quan trọng(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT