Friday, March 29, 2024

Nhạc trưởng Trần Chúc hứa hẹn một buổi thuyết trình âm nhạc thú vị

Linh Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Lần đầu tiên tại Little Saigon, nhạc trưởng Trần Chúc sẽ tổ chức một buổi thuyết trình đầy thú vị và hữu ích về “Ngôn Ngữ Dẫn Xuất,” dành cho người thưởng thức âm nhạc, từ 4 giờ đến 6 giờ 30 chiều Thứ Bảy, 10 Tháng Sáu, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683. Vào cửa miễn phí.

Trong buổi nói chuyện này, người nhạc trưởng với 50 năm kinh nghiệm “dẫn xuất” các dàn nhạc giao hưởng và ca đoàn Việt, và cả dàn nhạc Mỹ từ năm 2010, sẽ đề cập đến những kỹ thuật truyền thông của nhạc trưởng với các nhạc công, được thể hiện qua “ngôn ngữ dẩn xuất quy ước,” “các mô hình nhịp 2/4, 3/4, 4/4, C, 3/8, 6/8…

“Nhìn vào sự diễn tả của nhạc trưởng, các nhạc công phải biết khi nào họ bắt đầu chơi đàn, ca viên biết khi nào hát? Khi nào ngắt? Ngắt tình tứ hay ngắt hùng hổ? Hay ngắt như muốn ‘bóp cổ người tình’ khi hát bài ‘Anh còn nợ em’ hoặc ngắt kiêu hãnh như khi hát ‘Kiêu hùng Việt Nam?'” nhạc trưởng Trần Chúc nói với nhật báo Người Việt.

“Tôi có thể nói với quý khán thính giả đến nghe sẽ không thấy chán, vì câu chuyện có tính cách thực tế,” ông khẳng định.

Đoạn ông đề cập đến yếu tố ánh mắt (eye contact) nhìn vào đối tượng, và nói: “Có phải là ánh mắt ‘đưa tình’ tán tỉnh ca viên hay nhạc công không? Hay là ‘contact lens’ bị rơi xuống đất?”

Còn một số danh từ chỉ nhịp điệu, như “Prep beats, downbeats, upbeats, beat patterns” có nghĩa là đánh ai không? Ưu khuyết điểm theo mô hình nhịp là gì?

Phận sự tay trái và tay phải của nhạc trưởng là gì?

“Làm sao để diễn tả chơi nhanh, hát nhanh, hay chơi và hát chậm lại; khi nào thì chơi lớn, khi nào thì hát nhỏ? Chưa kể đến các bài hát Việt thì nhạc công Mỹ làm sao để chơi cho đúng tâm tình Việt? Tất cả sẽ phải được người nhạc trưởng diễn tả qua ‘Ngôn Ngữ Dẫn Xuất’ tự nhiên, qua nét mặt, cử chi qua bàn tay, cánh tay…” ông giải thích.

Nói như thế, không có nghĩa là nhạc trưởng không làm lỗi. Khi ấy, theo ông, là người “Concert master,” phải nhảy vào để “cứu bồ” và người này phải biết làm gì, nhất là khi nhạc trưởng không dùng hoặc dùng không đúng “Ngôn Ngữ Dẫn Xuất,” mà toàn thế giới đã dùng hơn 200 năm rồi.

Ông Chúc nói thêm rằng: “Chỉ cần 10 giây thôi là nhạc công Mỹ biết ông bà nhạc trưởng thuộc loại nhạc trưởng nào: loại ‘đánh trứng’ hay loại ‘chim đập cánh,’ loại ‘xách quần,’ loại bánh ‘pizza,’ hay là loại ‘rắn mổ.'”

Các hành động của nhạc trưởng, theo ông, phải thể hiện để diễn tả được khi hát và dẫn xuất tình tứ “Gởi bướm đa tình về hoa…” hay khi hát và dẫn xuất hùng hồn “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha ông miệt mài…”

“Ca nhạc trưởng nên thông thạo ‘Ngôn Ngữ Dẫn Xuất’ quốc tế, hiện hữu hơn 200 năm, để rõ ràng, minh bạch hướng dẫn ca sĩ, ca đoàn, dàn nhạc trong việc phát xuất và chuyên chở đến khán thính giả những tâm tình của nhà soạn ca khúc, nhà soạn hòa âm phối khí,” vị nhạc trưởng khuyên nhủ. “Nếu ngôn ngữ dẫn xuất quốc tế này được sử dụng thì khán thính giả Việt, Mỹ, Philippines, Hispanic gì cũng hiểu hết.”

Sau cùng là nhạc trưởng phải nắm vững “Căn bản luyện giọng” và động từ “dẫn xuất,” theo ông, là để dịch chữ “conduct” trong tiếng Anh, bắt nguồn từ tiếng La Tinh, có nghĩa là “hướng dẫn, đi đầu.”

“Tôi chủ trương người nhạc trưởng là phải làm sống lại tình cảm qua tiếng nhạc, tiếng hát và gởi đến khán thính giả, để khán thính giả cũng có thể sống lại với những tình cảm đó, nếu không là không có tôi!” vị nhạc trưởng khẳng định.

Nhạc trưởng Trần Chúc hiện nay là giám đốc âm nhạc và đồng sáng lập dàn nhạc Magnifica Chorale (từ 2005 đến nay) và ban hợp xướng Viện Việt Học (2015 đến nay). Ông cũng là giám đốc âm nhạc giáo xứ San Gabriel Mission, Los Angeles. Ông đồng sáng lập Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi và là giám đốc âm nhạc (1989-2004). Ông từng là ca trưởng ca đoàn nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, ca đòan Trùng Dương trước 1975, và ca đòan Học Viện An Phong Dòng Chúa Cứu Thế.

Ông trải qua nhiều chức vụ trong lãnh vực âm nhạc, như nhạc trưởng, ca sĩ giọng Tenor, nhà soạn nhạc, soạn hòa âm cho ca đoàn và dàn nhạc giao hưởng.

Ông Chúc trước đây là kỹ sư nhu liệu điện toán, nay về hưu. Trang web của ông là: www.tranchuc.wordpress.com.

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT