Friday, April 19, 2024

Khi bác sĩ làm… ca sĩ

Trúc Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Từ xưa đến nay, âm nhạc luôn là “món ăn tinh thần” cho mọi người, kết nối mọi người với nhau. Dù hát hay, hát dở, ai cũng thích hát và thích dùng âm nhạc để bày tỏ nỗi hoan lạc hoặc xoa dịu lòng mình. Không phải chỉ có ca sĩ mới hát hay, mà thực ra đâu đó xung quanh ta còn có nhiều người khác hát hay nhưng vì lý do nào đó, họ không thể đi hát như ca sĩ chuyên nghiệp.

Bác Sĩ Phạm Đăng Long Cơ: Mê ca hát và muốn làm ca sĩ từ hồi bé

Bác Sĩ Phạm Đăng Long Cơ kể rằng ông mê hát từ hồi nhỏ, khi gia đình ông còn sống ở miền Bắc Việt Nam. Hồi đó, đài Pháp Á tổ chức thi hát cho thiếu nhi, ông rất muốn tham gia và muốn làm ca sĩ, nhưng cha mẹ ông không đồng ý vì cho rằng “xướng ca vô loài”. Lớn lên một chút gia đình ông di cư vào Nam. Lúc này thì cuộc sống khó khăn cho nên ông không nghĩ đến chuyện hát hò nữa.

Rồi ông đậu vào trường đại học Y Khoa, phải vùi đầu vào học, phải học thật giỏi mới tránh được chuyện… đi lính. Thời đó, ông hâm mộ Elvis Presley và thường hát những bài của Elvis Presley trong các chương trình văn nghệ của trường. Ông và Elvis Phương cùng tuổi, lúc bấy giờ Elvis Phương đã nổi tiếng.

Bác Sĩ Phạm Đăng Long Cơ nói rằng ông muốn làm ca sĩ từ hồi bé. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Gia đình ông rời Việt Nam Tháng Tư 1975, định cư ở Hoa Kỳ. Ông học để lấy lại bằng bác sĩ nơi quê hương thứ hai này.  Rồi đi làm và mặc dù rất bận rộn với công việc, cuộc sống thường ngày nhưng chưa bao giờ niềm đam mê âm nhạc tắt trong ông.

“Mỗi sáng trên đường đi làm, tôi hát. Chiều trên đường về, tôi hát. Những dịp gặp gỡ bạn bè, tiệc tùng, tôi hát. Nhiều người khen tôi có giọng hay nhưng đôi khi hay lạc nhịp. Thế là các đây khoảng 5 năm tôi đi học nhạc ở nhạc sĩ Lê Hồng Quang, rồi sau đó là học piano với nghệ sĩ Phạm Tấn Triệu. Thực tình là cũng có vài sân khấu chuyên nghiệp mời tôi hát nhưng vì nhiều lý do, tôi từ chối, chỉ nhận lời duy nhất chương trình tất niên của Trung tâm Asia”, Bác Sĩ Phạm Đăng Long Cơ kể.

Bác Sĩ Long Cơ cho biết, ông rất thích nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Ông thường hát góp vui trong các buổi họp mặt hay các sinh hoạt liên quan đến nghề nghiệp, hoặc giữa các bác sĩ với nhau. Ông cho biết, ông và những người bạn bác sĩ khác, những người cũng đam mê ca hát, từng suy nghĩ về việc tổ chức một đêm nhạc “bác sĩ hát” để có một kỷ niệm đặc biệt trong đời.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận: “Âm nhạc giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn”.

Cũng say mê ca hát từ nhỏ, Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận từng là thành viên Phong Trào Du Ca Việt Nam tại Sài Gòn từ năm 16 tuổi. Phong Trào Du Ca gắn liền với phong trào hoạt động xã hội của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam, bùng lên mạnh mẽ tại miền Nam vào giữa thập niên 1960.

Sang Mỹ năm 1975, mặc dù cuộc sống những năm tháng đầu của người di cư khó khăn, rồi phải dành hết thời gian cho việc học, đi làm, nhưng cũng như Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ, tình yêu và đam mê âm nhạc vẫn luôn trong lòng Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận. Năm 1989 bà cùng bạn bè thành lập Ban Hợp xướng Ngàn Khơi.

“Có thể nói, âm nhạc là một liều thuốc tinh thần vô cùng hiệu nghiệm, thực sự bổ ích. Nhờ âm nhạc mà tôi vượt qua những lúc khó khăn, tìm được sự thăng bằng trong cuộc sống. Âm nhạc còn giúp kết nối mọi người với nhau, tìm được sự đồng cảm, có thêm bạn bè”, Bác Sĩ Nhuận chia sẻ.

Hiện tại, dù bận rộn đến đâu, Bác Sĩ Nhuận cũng dành thời gian tập luyện cùng Ban Hợp xướng Ngàn Khơi mỗi tuần một lần. Ngoài ra, bà còn thành lập Ban Hợp xướng Trưng Vương, dạy hát miễn phí cho bạn bè, người quen. Thỉnh thoảng bà cũng được mời hát trong các chương trình văn nghệ của các nghệ sĩ, như trong đêm nhạc của nghệ sĩ guitar Phương Thảo, bà hát bài Serenade của Schubert.

Đặc biệt, Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận còn là thành viên sáng lập Hội VASCAM (Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật và Âm Nhạc Cho Người Mỹ Gốc Việt). Thời gian qua, Hội VASCAM tổ chức nhiều đêm nhạc giới thiệu những nhà sáng tác người Mỹ gốc Việt thuộc nhiều thế hệ khác nhau đến với cộng đồng người Việt ở California.

Bác sĩ Ngô Bá Định: “Nói đến nhạc là tôi nói đến… sáng!”

Qua điện thoại, bằng giọng nói hứng khởi, Bác Sĩ Định nói rằng, ông thích tất cả các dòng nhạc khác nhau, từ nhạc Mỹ, nhạc Việt, nhạc xưa, nhạc nay, thậm chí cả cải lương, ông cũng thích nghe. Ông còn kể vanh vách tên bài hát nào của nhạc sĩ nào, sáng tác trong hoàn cảnh nào, ai là người thể hiện hay nhất.

Bác Sĩ Định kể, ông tự học guitar và hát từ lúc 6, 7 tuổi. Thời đi học ở Việt Nam, ông thường hay vừa đàn vừa hát trong những buổi văn nghệ của trường. Năm 17 tuổi, sang Mỹ định cư, ông cũng thường xuyên tham gia các phong trào ca hát ở trường trung học, đại học, cũng như các buổi văn nghệ của Hội sinh viên Việt Nam.

Tự nhận mình là người không chuyên trong âm nhạc, chỉ là “bác sĩ đi hát”, nhưng sự nghiên cứu, tìm tòi và hiểu biết về âm nhạc của Bác Sĩ Định khiến nhiều người nể phục. Ông còn hát qua điện thoại cho phóng viên báo Người Việt nghe, để dẫn chứng cho lời ông nói, rằng, cùng một lời nhưng khi hát cho một người nghe thì hát khác, hát trước đông người, phải hát khác.

Bác Sĩ Định từng được mời hát trong đêm nhạc “Ngày nữa để yêu thương” của ca sĩ Quang Dũng, cũng như hát chung với các ca sĩ Lệ Thu, Ý Lan, Nguyên Khang… ở vài sân khấu khác và Hội quán Lạc Cầm. Ngoài ra, còn có rất nhiều lần hát trong các sinh hoạt chuyên ngành y học.

“Hồi còn nhỏ, tôi thường hát nhạc Mỹ, từ nhạc đồng quê (Country music) cho đến nhạc Rock. Nhưng lớn lên một chút, tôi thích và hát đủ thể loại nhạc. Hồi nhỏ, tôi mê và đọc truyện kiếm hiệp. Trong các nhân vật, tôi mê nhất là Vương Trùng Dương và luôn ao ước lớn lên sẽ trở thành bác sĩ đa khoa, chữa được nhiều bệnh cho mọi người. Cuối cùng tôi đã thực hiện được ước mơ đó. Với âm nhạc cũng vậy, tôi muốn đa dạng”, Bác Sĩ Định kể.

Ông cho biết, mỗi lần đứng trên sân khấu, ông thường hát hai bài, một bài nhạc xưa và một bài nhạc mới. Vì sao? Vì có nhiều khán giả lớn tuổi họ không thích nghe nhạc mới và cũng có nhiều khán giả trẻ, họ thích nhạc trẻ hơn.

“Khán giả ngày nay ở đâu cũng vậy, đi xem ca nhạc, chẳng những chỉ nghe mà còn phải nhìn nữa, cho nên các ca sĩ chuyên nghiệp họ phải tập luyện và đầu tư thời giờ, công sức, tiền bạc nhiều lắm. Những bác sĩ đi hát như tôi, không phải chỉ để cho vui mà là đam mê, bởi cái máu âm nhạc đã ngấm vào người từ hồi bé rồi. Nhưng vì hoàn cảnh công việc tôi không thể đi hát thường xuyên hay đầu tư nhiều như ca sĩ chuyên nghiệp được”, Bác Sĩ Định nói. (Trúc Linh)

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Thăm đền Karnark ở Ai Cập”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT