Friday, March 29, 2024

Quỳnh Nguyễn, chủ thầu xây dựng lập ‘bảo tàng viện’ tại nhà

Ngọc Lan/Người Việt

 

Ngọc Lan/Người Việt

(Bài viết đăng trên Giai Phẩm Xuân Người Việt 2018)

SPRINGFIELD, Virginia (NV) – Những ai biết Quỳnh Nguyễn, chủ nhân công ty xây dựng ‘BQN’s Home Improvement LLC’ ở Virginia, cũng đều muốn được một lần đến thăm nhà anh. Lý do? Không phải chỉ vì để xem mẫu thiết kế nhà, mà quan trọng hơn, là được nhìn ngắm những bộ sưu tập độc đáo, từ đèn dầu, đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường, hộp quẹt, xe đồ chơi, và đặc biệt, là bộ sưu tập rượu, dù anh không phải là “sâu rượu” (bởi, như anh nói, nếu là dân nghiện rượu, thì nhà anh chắc chỉ sưu tập vỏ chai mà thôi).

Đam mê sưu tập rượu

Gần như toàn bộ gian tầng hầm trong ngôi nhà của ông chủ thầu xây dựng này là dành để trưng bày rượu. Khoảng 400 chai rượu các loại, với tuổi đời cao nhất khoảng 65, và chai có giá mắc nhất vào khoảng $12,000.

Không biết vị rượu ngon dở thế nào, nhưng chỉ riêng hình thù các chai rượu đã cuốn hút sự chú ý của người xem. Có bộ chai rượu khi ráp nối lại chính là một toa xe lửa dài. Có bộ chai bên trong có hình 12 con giáp bằng pha lê. Có chai để trong bóng tối thì sáng phát lên. Có chai trông như một chiếc điện thoại bàn cổ xưa. Mỗi chai mỗi dáng vẻ độc đáo, ngộ nghĩnh, lẫn kiêu kỳ.

Quỳnh Nguyễn bên một bộ sưu tập rượu Hennessy. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Niềm đam mê sưu tập rượu xuất hiện từ khi tôi có chai rượu đầu tiên. Nhìn chai lạ, đẹp, tôi lại muốn có thêm chai thứ hai, thứ ba. Và ngay từ lúc đầu tiên mua nó, tôi đã nghĩ đến chuyện vừa chơi vừa kiếm tiền. Tính từ khi có cái nhà đầu tiên vào năm 2005 để chưng bày rượu, đến giờ tôi có khoảng 400 chai trong bộ sưu tập của mình,” Quỳnh cho biết.

Với anh, “Muốn sưu tập bất cứ món gì thì trước hết phải có sở thích về nó. Thứ hai là phải hiểu giá trị của nó.”

Tuy nhiên, như Quỳnh nói, “Một trong những điều khiến tôi muốn sưu tập nhiều hơn nữa là do tiểu bang Virginia là nơi chính phủ ‘control’ rượu. Tất cả nhà hàng, quán xá muốn bán rượu đều phải mua của chính phủ, không được mua ở ngoài. Không tư nhân nào được quyền kinh doanh rượu ở tiểu bang Virginia.”

“Khi hiểu điều đó thì mình hiểu luôn là với những ai ở tiểu bang Virginia mà muốn chơi rượu thì phải đi tiểu bang khác, điều này khiến cho những loại rượu mình sưu tập được càng hiếm hơn,” anh giải thích.

Một lý do nữa khiến anh đi vào đam mê sưu tầm rượu còn là vì “do công việc, mỗi ngày tôi lái xe trung bình khoảng 150 miles, có ngày lên đến 400 miles. Khi lái xe như vậy qua nhiều nơi mỗi ngày, tôi có cơ hội nhìn thấy rất nhiều tiệm rượu ở Virginia, Washington D.C, và những nơi lân cận. Mình khám phá ra thêm là mỗi tiệm rượu như vậy họ được bán bất cứ loại rượu gì có trên đời này mà họ có. Cho nên mình sẽ không thấy tiệm nào giống tiệm nào hết.”

Cũng theo người ham mê sưu tầm rượu này, thì trừ trường hợp mắc quá không thể mua nổi, còn lại nếu tài chính cho phép sẽ mua liền chai nào cảm thấy ưng ý, bởi vì công việc khi đi đấu thầu mua nhà nhiều khi khó mà quay trở lại nơi đã qua, nên việc gặp lại chai rượu mình thích là rất khó.

Trả lời cho câu hỏi rượu sưu tầm có khác gì so với rượu uống bình thường, Quỳnh cho rằng “có những chai sưu tập uống không ngon như rượu thường hay uống mỗi ngày. Nhưng đã là chai sưu tập thì không thể uống vì mình mua lúc này nhưng tháng sau nó đã hết rồi, không sao tìm ra được.”

Và như chạm vào nỗi đam mê, Quỳnh giải thích thêm về những khác biệt của rượu một cách say sưa, “Rượu chia ra làm nhiều dòng. Ví dụ như Cognac thì có những tên riêng của nó như XO, VSOV, VS, tên gọi đó cũng cho người ta biết về tuổi của nó, như Cognac VS thì có tuổi chừng 5 năm,VSOV thì có thể là 8 năm, XO là từ 15 đến 20 năm, cao hơn nữa như LV13 thì phải là 40 tuổi. Những chai chừng 40 tuổi có giá khoảng $2,000 trở lên. Với Whisky thì lại dùng năm, 5, 7, 12, 18 năm, 25 năm chẳng hạn. Thường dòng Whisky từ 20 năm trở lên có giá vài ngàn trở lên.”

“Người ta gọi tôi là Mr. Cognac, vì tôi thích sưu tầm các loại Cognac, nhưng một lần tình cờ tôi mua một chai Whisky giá $950 vì cái chai quá đẹp mà cái hộp cũng đẹp, giờ trên Internet người ta báo giá chai đó $12,000,” Quỳnh khoe.

Cũng theo anh, “Ở mỗi tiểu bang, mỗi khu vực, người bỏ rượu khác nhau. Thành ra rượu mỗi nơi mỗi khác. Khi qua Cali có thể nhìn thấy nhiều loại rượu mà vùng miền Đông không có. Có những chai mua trong chợ ABC ở ngay Little Saigon rất rẻ tiền, chỉ khoảng $40, nhưng mang về bên tôi có thể bán được $100.”

Một số mẫu hộp quẹt trong bộ sưu tập của Quỳnh Nguyễn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Sưu tầm hộp quẹt từ sự tình cờ 

Nếu rượu là món sưu tập đầu tiên, có chủ ý của Quỳnh, thì khoảng 500 cái hộp quẹt các loại nằm chễm chệ trên các kệ trưng bày ở nhà anh lại đến từ một tình cờ.

“Một ông khách người Mỹ mang mấy thùng hộp quẹt đến cầm lấy $2,500 tại một tiệm cầm đồ của bạn tôi ở Maryland, rồi bỏ luôn. Bạn tôi kẹt tiền, nhờ tôi lấy đống hộp quẹt đó về rồi trả lại cho bạn số tiền $2,500. Tôi mang về để trong nhà xe cả nửa năm không đụng đến, cho đến khi dọn dẹp mới mở thùng ra coi. Thì ra trong đó có 180 cái, đủ thứ hình thù,” Quỳnh kể.

Có hộp quẹt, Quỳnh lại đi tìm mua kệ về chưng lên, và “khi chưng lên rồi mới nhìn thấy hay hay, bắt đầu tìm hiểu về hộp quẹt thì mới biết là nhiều cái đã không còn xuất hiện.”

Ngoài những cái Zippo sản xuất tại Mỹ, tại Nhật, tại Đại Hàn, tại Đức,… bộ sưu tầm hộp quẹt của Quỳnh còn không biết bao nhiêu loại mà thoạt nhìn, chẳng ai có thể nghĩ rằng đó là cái bập lửa. Bởi có cái không khác gì hình dáng thỏi son môi, có cái nhìn như chai gỗ (ky) trong trò chơi bowling, có cái nhìn như chiếc tàu thủy, cái lại giống như bình trà, cái thì giống ống nhòm, cái thì hình khẩu súng, cái lại như chiếc bình hoa bằng men sứ. Đó là chưa kể những chiếc hộp quẹt có hình dáng ông già Noel cỡi tuần lộc kéo theo xe quà phía sau, cái có hình dáng của một con voi uy nghi, một con ngựa hùng dũng, cái như chai nước ngọt Coca Cola, và cái thì như một trái… lựu đạn.

Tương tự như vậy, trong một lần nhìn thấy có người mang vô tiệm buôn bán đồ cũ để tặng mấy trăm chiếc ly nhỏ uống rượu, anh cũng mua, để bây giờ những chiếc ly bằng thủy tinh hay pha lê bé xíu đó cũng đã ngót nghét 600 cái.

Sưu tập đèn dầu để hoài niệm những ngày xưa. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Sưu tầm ‘hoài niệm’ qua đồng hồ, đèn dầu

Vừa mở những chiếc tủ, chiếc hộp đựng đồng hồ đeo tay các loại ra cho xem, Quỳnh vừa tâm sự, “Tôi rất thích đồng hồ, từ thời đi học phổ thông 17, 18 tuổi lúc nào cũng có cái đồng hồ trên tay. Ngày đó đồng hồ quý lắm, vì nó không chỉ để coi giờ mà còn là vật tùy thân, có thể mua bán được. Nhớ lúc ‘cúp cua’ nghỉ học đi uống cà phê, tập tành làm người lớn, không có tiền cả đám lớp tôi cứ thay phiên nhau cầm đồng hồ, có khi đến mấy tháng sau mới có tiền chuộc về. Tôi nhớ có lần đi coi đá banh bị giựt mất cái đồng hồ, tiếc ơi là tiếc.”

Quỳnh kể, anh bắt đầu thu thập đồng hồ, nhất là đồng hồ vàng, cũng từ một lần tình cờ khi vào tiệm sửa đồng hồ, trang sức, thấy có người mang đồng hồ cũ tới bán, mà người mua chỉ căn cứ vào giá trị vàng của cái đồng hồ để trả tiền, không cần quan tâm đến máy móc của nó.

“Thấy tôi nhìn cái đồng hồ cũ mà chủ tiệm vừa mới mua vào với giá $200, ông ta nói cái đồng hồ đó còn chạy tốt, nếu muốn ổng bán lại cho tôi $250. Thế là tôi mua,” Quỳnh nhớ lại.

Cũng trong dòng hồi tưởng của mình, Quỳnh kể, “Có một ngày bước vào tiệm đồ cũ, tôi nhìn thấy cái đồng hồ lên giây, như những cái Seiko, Citizen lên giây tự động mà một thời mình ước mơ nhưng không làm sao mua được. Thế là tôi mua nó, như mua một kỷ niệm, mua để thỏa mãn những ước mơ ngày thơ bé mình chưa thực hiện được, dù nó không còn chạy nữa.”

“Có nhiều đêm làm việc xong, mọi người trong nhà đi ngủ hết, tôi vào phòng lấy những cái đồng hồ vàng lên giây, ngồi nghe tiếng tíc tắc của nó, cảm thấy nhớ quá khứ, nhớ thời mình nghèo thật nghèo, cái gì cũng không có, trong khi giờ mình có thể mua được cái đồng hồ vàng rồi. Nghe tiếng tíc tắc của thời gian và ngẫm chuyện đời, thấy đời hay hay,” Quỳnh chia sẻ.

Không chỉ sưu tầm đồng hồ đeo tay, nhà anh còn có vô số những đồng hồ quả lắc đủ cỡ lớn nhỏ, đủ hình thù kỳ lạ.

“Tôi cứ thích khi rảnh, ngồi lên giây các đồng hồ quả lắc, rồi chúng cứ lần lượt gõ đinh đong đinh đong. Tôi cảm thấy mình phiêu diêu, ‘relax’ khi nhắm mắt ngồi nghe tiếng quả lắc đong đưa như vậy,” anh nói.

Đèn dầu cũng là món đồ chơi của nhà sưu tập bất đắc dĩ này.

Một số chiếc đồng hồ vàng trong bộ sưu tập của Quỳnh Nguyễn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Quỳnh kể, “Một lần đi tới tiệm đồ cũ, tôi thấy cái đèn dầu hột vịt y như hồi ở Việt Nam. Nhìn cái đèn dầu trên đất Mỹ mà tự dưng thấy nhớ Việt Nam quá. Nó làm cho mình nhớ lại cả một thời tuổi thơ, những ngày cúp điện, thắp đèn dầu học bài. Thế là tôi mua cái đèn dầu đó với giá $5. Mang về cứ nhìn nó là thấy nhớ nhà. Nhớ da diết. Rồi tôi chụp hình nó bỏ lên Facebook chơi. Ai ngờ có quá nhiều người vào để nhắc lại những kỷ niệm với đèn dầu, trong đó có một anh bỏ đưa lên cả một bài nói về lịch sử cây đèn dầu, thấy hay lắm. Thế là đi đó đi đâu tôi cũng để ý đến đèn dầu.”

Theo Quỳnh, phần lớn đèn dầu là anh lượm ở DC, ở Virginia khi đi dọn nhà, sửa nhà cho người ta. Bên cạnh đó cũng có những chiếc đèn phải bỏ tiền ra mua, dù không nhiều.

Quỳnh cho biết, “Có cây đèn dầu tôi mua giá $50. Người bán đèn kể cây đèn đó có từ đời ông bà của ông ta còn làm việc trong những nông trại. Cái đèn chuyển qua nhiều đời. Người cuối cùng giữ cây đèn đó là anh của ông ta. Rồi ông anh cũng mất, giờ ông ta bán nhà thì muốn bán luôn cây đèn dầu, vì sợ khi ổng mất thì cây đèn sẽ bị vứt đi, trong khi ổng nhìn thấy mình có vẻ ham thích cây đèn đó.”

“Mua những thứ này thấy có những điều hay lắm, vì đôi khi họ bán cho mình là vì họ nhìn thấy ở mình sự thích thú với món đồ đó, mình sẽ là người tiếp tục cất giữ nó, nên họ bán không phải vì tiền, như có ông bán cho tôi 4 cái đèn dầu với giá chỉ $1 khi nghe tôi nói ở nhà tôi có tới 50 cái đèn dầu các loại, trong khi tôi lên eBay xem thấy một cái như vậy họ rao bán tới mấy chục đồng,” Quỳnh kể.

Hiện tại nhà của chủ thầu xây dựng này có khoảng 70 cái đèn dầu các loại.

Những chiếc hộp quẹt zippo gợi nhớ một thời chiến tranh Việt Nam. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cóp nhặt ‘những ngày xưa’

“Ngoài rượu là do sự thích thú mình có khi tới Mỹ, còn lại toàn bộ những gì mình sưu tầm là đi từ những hoài niệm đi tới,” Quỳnh nói.

Anh nhận xét, “Có nhìn những thứ đồ như thế này mới thấy con người ngày nay rất thông minh, thông minh đến độ họ tính được những món đồ có thể thọ được bao lâu, nghĩa là họ tính được đến lúc nào món đồ sẽ hư, đến lúc đó họ sẽ phải thay, sẽ có đồ mới thế vào. Đó là cái làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên, có lưu giữ những thứ này mới thấy cái hay của người xưa. Người xưa làm thì không biết món đồ đó sẽ tồn tại bao lâu, họ chỉ làm bằng tay, bằng tất cả tâm sức họ có, điều đó nó lớn hơn giá trị của món đồ nữa.”

Anh nói có những món đồ anh nhặt về mà không hề biết tác dụng của nó là gì. Rồi trong những lúc rảnh rỗi, ngồi cầm món đồ lên, nhìn ngắm, vặn xoay mới khám phá ra những bí ẩn của nó.

“Nhiều món đồ tôi mua, như bộ rượu hình toa tàu, là của những ông bố, bà mẹ sưu tầm, để lại. Khi họ qua đời, con cháu không biết giá trị của chúng, cứ mang bán hết, thật rẻ. Hiểu điều đó nên tôi sẽ không bao giờ để cho ngày đó đến với mình. Tôi không muốn mai mốt con tui cũng làm vậy khi nó không biết giá trị của những món đồ này,” anh tâm sự.

Chính vì vậy, nhà sưu tầm này đã tính trước, “Tôi sẽ bán đấu giá tất cả những gì tôi sưu tập được trước khi tôi qua đời hay bất cứ lúc nào thích hợp, vì đời mà, đâu biết trước khi nào mình xuống dốc, lúc nào phá sản, thất nghiệp. Thành ra có thể tôi bán trước khi về hưu để không thấy nó bị mai một, bị mất đi giá trị của những món đồ mình đã bỏ tâm huyết vào đó.” (Ngọc Lan)

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với chủ đề “Hỗ trợ, vấn an và động viên con em”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT