Thursday, March 28, 2024

Lễ Tạ Ơn của một người vô gia cư ở Little Saigon

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Dù sống lang thang ở vỉa hè khu Little Saigon hơn một năm nay, nhưng ông buộc mình phải sống với ba điều, đó là không tham lam, chân tình và đói thì xin.

Năm nay 47 tuổi, ông Thanh Phạm, một người vô gia cư, xin tiền trước cửa tiệm bánh mì Cali trong khu chợ ABC, Westminster, cho biết ông bắt đầu cuộc sống không nhà năm ông 32 tuổi.

“Năm 1999, một trận bão kéo dài từ ngày 2 đến ngày 8 Tháng Năm tại Oklahoma đã cuốn mất vợ tôi và hai con còn rất nhỏ,” ông hồi tưởng trong nỗi nghẹn ngào.

Năm đó, vợ ông, bà Bùi Thu Trâm, vừa được 29 tuổi.

Ông cố dằn xúc động, nói: “Con gái tôi, bé Kiều lên 4 (tuổi) và con trai tôi, bé Tuấn vừa lên 2 (tuổi).”

Như người mất hồn, ông không thể nào trở lại cuộc sống bình thường được nữa. Ông bắt đầu lang thang đây đó, kiếm tiền một cách bấp bênh. “Tôi đến Galveston ở Texas làm nghề đánh cá.”

Ông ngập ngừng: ”Nhưng một thời gian sau, chán quá, tôi lại bỏ đi. Đi mà không biết đi đâu. Nhớ vợ quá, nhớ con quá, cái đầu tôi muốn nổ tung và con mắt tôi nóng rần và tôi bị ngộp thở.”

Sau cổ ông xâm số 99, năm ông mất vợ con. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông mong cái chết sẽ giúp ông thoát khỏi cảnh cô đơn và nỗi nhớ nhói tim, quặn lòng. “Nhưng sao mà bao nhiêu lần bệnh tật suýt chết, tôi lại vẫn ngồi đây, nhớ gia đình như máu, như thịt của mình,” ông than thở.

Ông bị cao áp huyết nặng và khi vợ con còn sống, ông đã uống thuốc ba lần một ngày và hai tuần phải gặp bác sĩ một lần. Vậy mà ông vẫn phải đi cấp cứu ba lần ngay đầu năm 1999. “Trước đó, tôi cũng vô bệnh viện để họ giảm áp huyết. Thuốc không đủ cho tôi,” ông nói.

“Không hiểu vì lý do gì mà từ 1999 đến giờ, không uống một viên thuốc nào, tôi vẫn chưa chết được,” ông tâm sự.

Ông nói: “Tôi không biết vì sao ông trời không cho tôi chết chung với vợ con tôi. Nhiều lần tôi nhảy ra đường nhưng người ta thắng kịp, chỉ đụng gãy chân tôi thôi.”

Có lần ông ra xa lộ, định nhảy từ cao xuống nhưng bị cảnh sát bắt vô nhà thương tâm thần.

Ước mơ đêm Tạ Ơn của ông Thanh. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Lễ Tạ Ơn là lúc tôi nhớ gia đình nhất. Vợ tôi hay chiên chim cút thay vì ăn gà Tây, bởi vì thấy nó bự quá, nhìn thấy sợ,” ông nhớ lại.

Đêm Lễ Tạ Ơn, vợ ông thường cám ơn trời đất và nói nếu không có ông, chắc bà sẽ chết mất. Bà xin luôn ở bên ông để nhắc ông uống thuốc.

“’Đàn ông gì mà sợ viên thuốc nhỏ xíu xiu,'” ông nức nở khi nhắc lại lời vợ ông thường động viên khi ông uống thuốc.

Sống với nhau năm, sáu năm, vợ chồng ông chưa một lần lớn tiếng với nhau. “Tụi tôi có giao hẹn với nhau là không giận nhau qua đêm. Chuyện gì cũng phải giải quyết trước khi đi ngủ,” ông nói trầm buồn.

Lễ Tạ Ơn năm nay, nếu xin được đủ tiền, ông sẽ mua bốn chai rượu volka hiệu Popov để đỡ nhớ vợ con. Ông lấy trong túi nylon ra một cái vỏ chai đang đựng nước để khoe.

“Mỗi chai giá $6.5. Bây giờ tôi chỉ có nó để giải sầu,” ông chia sẻ. “Vừa giải sầu, vừa cho bớt lạnh. Ban đêm trời rất lạnh mà cái túi ngủ của tôi vừa bị người ta lấy mất rồi. Thôi kệ, họ cần hơn mình thì họ lấy.”

Ông thành thật nói: “Tôi xin cám ơn mọi người đã giúp tôi sống qua ngày. Nhưng nếu không ai cho (tiền) nữa, để tôi chết đói hay chết cóng, tôi cũng xin cám ơn luôn.” (Đằng-Giao)

–—-

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 23 tháng 11 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT