Wednesday, April 24, 2024

Lễ Thanh Minh ở Orange County giúp nhắc nhớ nguồn cội

Văn Lan/Người Việt

FULLERTON, California (NV) – Lễ Thanh Minh không những là một lễ hội truyền thống hằng năm của người Việt, mà còn là một phong tục để kính nhớ ông bà cha mẹ đã quá vãng, vừa được Hội Nghĩa Trang Việt Nam tổ chức tại Nghĩa Trang Việt Nam vào sáng Thứ Bảy, 13 Tháng Tư, trong khuôn viên Nghĩa Trang Loma Vista Memorial Park, 701 E. Bastanchury Rd., Fullerton, CA 92853.

Từ sáng sớm đã có rất đông người đi tảo mộ, mang nhang đèn hoa quả bánh trái, với tấm lòng thành kính nhớ ông bà cha mẹ hoặc người thân đã khuất. Có những đại gia đình bốn thế hệ gồm ông bà, cha mẹ, con cái dâu rể, và cháu chắt cùng đi tảo mộ.

Bên ngoài, nhiều người đi thắp nhang cho người người quá cố không có thân nhân đến viếng, thì bên trong Miếu Địa Tạng ở nghĩa trang, ban tổ chức ngồi tụng niệm kinh cầu siêu cho vong linh người quá vãng trước pho tượng Đức Địa Tạng Vương, được tôn thờ như một vị bồ tát chuyên cứu người còn trầm luân nơi địa ngục.

Người cha trẻ Nguyễn Hùng Thiện, cư dân Rancho Cucamonga, cùng vợ và bốn con nhỏ, chị gái và anh rể đi từ rất sớm, cắm lều gần đó, bày nhang đèn bánh trái ra cùng các con thành kính khấn vái bên mộ ông bà nội.

Đọc kinh cầu siêu trong Miếu Địa Tạng Vương Bồ Tát. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Anh Thiện cho biết: “Mỗi năm em đều lên đây cùng vợ và bốn đứa con, 7, 5, 2 và 1 tuổi. Các dịp lễ Father’s Day hoặc Mother’s Day, em cũng đều dẫn con lên đây thăm mộ ba má em, trong không khí thiên nhiên trong lành như thế này rất thích. Con em nói rằng rất thương ông bà nội tuy không biết ông bà nội như thế nào, và rất muốn có ông bà mà không có!”

“Truyền thống này xuất phát từ hồi nhỏ ở miệt An Giang, Việt Nam, mỗi lần Thanh Minh là ba em hay chở lên nhà người bác để thăm mộ ông nội, cho đến bây giờ em vẫn nhớ phong tục này. Qua xứ Mỹ em thường dẫn con đi Lễ Thanh Minh, mong sau này khi lớn lên các con vẫn luôn nhớ về nguồn cội,” anh nói tiếp.

“Hên quá tuần rồi có lên thăm mộ ba má, đọc được thông báo ban tổ chức dán lên tường mới biết để hôm nay đi dự cùng với cô bác cho đông vui!” anh Thiện cho hay.

Đại gia đình ông Trần Xê, bốn thế hệ gồm có ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt, khoảng 30 người quây quần bên mộ ba má, ông bà, bày hương hoa nhang đèn ra cúng bái. Không khí không chỉ trầm tư nhớ về người quá cố mà còn rôm rả bên câu chuyện xưa với những kỷ niệm khó phai.

Đại gia đình ông Trần Xê với bốn thế hệ thăm viếng mộ ông bà cha mẹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Trần Xê cho biết: “Chúng tôi quê gốc miệt Rạch Giá, từ khi gia đình vượt biên qua tới Mỹ bây giờ cũng hơn 40 năm rồi, trong lòng vẫn luôn nhớ về ngày tháng ở quê nhà, với tình thương của gia đình, ông bà cha mẹ luôn mang nặng trong lòng. Không có ngày này thì con cháu đâu có dịp mà quây quần gặp nhau, mỗi dịp Lễ Thanh Minh thì gần như đầy đủ hết, chỉ thiếu những người ở xa thôi. Con cháu tuy ở xa ít gặp, nhưng cũng nhờ ngày Thanh Minh này gặp nhau riết rồi cũng biết hết, đó cũng là cái hay của phong tục tập quán ông bà mình để lại.”

“Năm nào Lễ Thanh Minh tất cả gia đình chúng tôi đều quy tụ về đây để tưởng nhớ ông bà cha mẹ mình, theo tục lệ ngày xưa cũng có cúng kiến vật thực dâng lên cha mẹ như hồi còn sống. Một năm đi hai lần, Thanh Minh vào Tháng Ba Âm Lịch và một vào Tháng Bảy Vu Lan,” ông nói tiếp.

Đi viếng mộ ông bà cụ thân sinh và chị ruột, cô Bùi Phong Thu, hiệu trưởng Trung Tâm Việt Ngữ Hồng Bàng, cho biết: “Thành lập hơn 30 năm nay, nghĩa trang này theo lời Giáo Sư Cao Trung, cựu giáo sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nói rằng địa thế phong thủy khu này rất tốt, đầu gối về núi, chân thì gác về biển. Lễ Thanh Minh bà con đi viếng mộ đông lắm, còn rằm Tháng Bảy thì con cháu của các cụ ngày xưa trong hội thành lập nghĩa trang đến viếng, có một sư cô đến tụng kinh. Ngày trước thì Hòa Thượng Thích Quảng Thanh chùa Bảo Quang có đến, nhưng bây giờ thầy bận Phật sự đa đoan nên hầu như không lên được”.

Nói về lai lịch của nghĩa trang, cô Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: “Từ hồi gia đình tôi vượt biên sang đây, cũng hơn 30 năm, ông cụ tôi và các cụ Lý, cụ Thịnh, cụ Cao và một nhóm người nữa thành lập nghĩa trang này. Nay các cụ đều ra đi hết rồi, chúng tôi là hậu duệ hằng năm đều tập hợp lại, cùng nhau cúng thỉnh hương linh về nghe pháp, tiếp tục việc làm của các cụ.”

Bà con người Việt viếng mộ thật đông trong Lễ Thanh Minh tại Nghĩa Trang Việt Nam. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Nguyệt là con cụ Nguyễn Đăng Khiêm, chủ tịch Hội Cao Niên Orange County, Hội Nghĩa Trang Việt Nam tại Fullerton, Hội Đồng Hương Hưng Yên hải ngoại, thành viên ban quản trị chùa Trúc Lâm Yên Tử, và cụ là một trong những người thành lập Nghĩa Trang Việt Nam.

Ông Đặng Văn Cấp, con cụ Lý, người đồng thành lập nghĩa trang này, nói vui: “Các cụ người Việt mình thích cùng chung nhau ở đây, được nói tiếng Việt cho vui, khỏi nói tiếng Mỹ. Cả gia đình tôi, các ông anh, ngay chính hai vợ chồng tôi cũng có chỗ đàng kia kìa.” Nói rồi ông Cấp chỉ một khu mộ dưới tàng cây bóng mát suốt ngày.

Sau giờ tụng niệm trong Miếu Địa Tạng, mọi người cùng bày mâm quả bên mộ người thân, cùng thắp nén nhang kính viếng, hoặc chia nhau đi thắp nhang cho những ngôi mộ chung quanh, trong khi các em nhỏ chạy quanh.

Trong tâm thức người Việt, kính nhớ ông bà tổ tiên là một đạo lý ngàn đời, từ xa xưa ngày Tết Thanh Minh là một lễ hội quan trọng, dù đi đâu xa cách nhưng ngày Thanh Minh cúng kiến ông bà cha mẹ là mọi người đều cố gắng về gặp nhau, cùng nhau thăm viếng, vun bồi và nhổ cỏ quanh phần mộ, hoặc ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình trong ngày cúng giỗ.

Đó là những tiềm thức ẩn chứa trong lòng người Việt, dù đi đâu bất kể chân trời góc biển nào, và Lễ Thanh Minh là một ngày như thế, nhắc nhở mọi người về lòng hiếu kính luôn nhớ về nguồn cội. (Văn Lan)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT