Saturday, April 20, 2024

Liệu lòng thù hận có thể được chữa lành không?

Katherine Kam/New America Media

LTS: Là một tân Phát Xít (neo-Nazi) Tim Zaal đã trải qua thời tuổi trẻ của mình trong vai trò lãnh đạo nhóm thù hận (hate group) chống lại nhóm người đồng tính, người da màu, và người Do Thái. Ở tuổi 17, ông ấy đã bạo hành một thiếu niên đồng tính. Vài thập kỷ sau, ở vị trí đại sứ cho sự khoan dung, Zaal một lần nữa đối mặt với người thiếu niên kia. Hiện tại hai người trở thành bạn thân. Trong bối cảnh nhiều “nhóm thù ghét” hình thành nhắm vào người nhập cư, người đồng tính và người da màu, Zaal đặt ra vấn đề về việc đâu là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này.

Liệu lòng thù hận có thể được chữa lành không? Câu hỏi này đeo đẳng Zaal trong suốt hai thập niên qua.

Khi Zaal 17 tuổi, ông cùng đám bạn bè đi kiếm chuyện gây sự trong đêm ở phía Tây Hollywood. Gần một điểm tụ tập đông đúc được gọi là Oki Dogs trên đại lộ Santa Monica, họ phát hiện ra một nhóm thanh niên và hét lên, “Hãy giết chết tụi pê-đê!” Thế là Zaal cùng đồng bọn đuổi theo một cậu bé đồng tính, vô gia cư, 14 tuổi, vào một con hẻm và đánh nó. Khi thằng bé té xuống, Zaal đá vào đầu nó bằng chiếc ủng đầy gai và đinh ốc, đánh đến thằng bé bất tỉnh.

Zaal đã là một tên phát xít ở tuổi mới lớn, nhưng ở tuổi hai mươi, ông trở thành một kẻ cuồng tín của lòng thù hận phân biệt chủng tộc. Ông và ba kẻ cuồng tín khác tấn công một cặp vợ chồng với một đứa bé người Iran mà họ tình cờ gặp trong bãi đậu xe ở siêu thị. Tội ác này trở thành đầu đề cho các trang báo ở miền Nam California. Zaal bị bắt. Cũng từ sự kiện này, ông trở thành nổi danh trong đám kỳ thị da trắng.

Zaal, người đàn ông với vóc dáng mạnh mẽ, để râu và có những hình xăm trên người, giờ đã 53 tuổi. Hơn hai thập niên qua, ông đã từ thoát ly khỏi những nhóm thù hận và tự nguyện trở thành phát ngôn nhân cho sự khoan dung. Du khách đến viện bảo tàng Los Angeles’s Museum of Tolerance say sưa lắng nghe ông nói về sự quay lưng lại với niềm tin mù quáng mà ông từng có. Viện bảo tàng này là nơi để người ta tìm hiểu về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những thành kiến, bao gồm cả các sự kiện Holocaust.

Viện bảo tàng đã thay đổi cuộc đời Zaal một cách bất ngờ. Khi Zaal gặp Matthew Boger, giám đốc viện bảo tàng, hai người đã chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời họ. Boger bị mẹ đuổi ra khỏi nhà ở miền Bắc California khi ông tiết lộ cho bà biết ông là người đồng tính. Ở tuổi mới lớn, Boger tìm đường đến Los Angeles và kiếm sống bằng nghề bán dâm. Ông thoát khỏi cuộc sống đường phố và thành công trong lãnh vực làm nghề uốn tóc trước khi trở thành thành viên của viện bảo tàng.

Khi cả hai nhắc đến khu Oki Dogs mà họ từng sống qua thời niên thiếu, họ lờ mờ nhận ra rằng họ đã từng gặp nhau trong quá khứ. Boger, giờ đã 50 tuổi, chính là cậu bé đồng tính từng bị Zaal đánh đập tàn nhẫn mấy mươi năm trước. Zaal thì vẫn còn nhớ trên con đường tối tăm mù mịt trở về nhà ở phía Đông thành phố San Gabriel Valley, ông tự hỏi không biết thằng bé kia có chết không. Giờ thì ông đã có câu trả lời.

Hồi ức xưa thoạt đầu khiến Boger cảm thấy tức giận. Nhưng theo Boger, sau thời gian suy tính kéo dài trong đau đớn, cùng với lời xin lỗi của Zaal, cả hai đã tạo dựng một tình bạn thân, như một gia đình. Khi người yêu của Boger chết vì bệnh ung thư, Zaal đã là người đầu tiên xuất hiện bên cạnh ông. “Tôi tin anh ấy bằng cả cuộc đời mình,” Boger nói.

“Tôi đã là một người hoàn toàn thay đổi,” Zaal nói. Ông kết hôn với một phụ nữ Do Thái.

Nhưng ông vẫn bị dằn vặt vì nỗi xấu hổ và cảm giác tội lỗi về những nỗi đau ông từng gây ra cho bao người vô tội trong suốt thời trai trẻ bởi sự thù ghét người Do Thái, người da màu, và người đồng tính.

Trong một lần nói chuyện ở viện bảo tàng, một du khách hỏi, “Matthew đã tha thứ cho ông. Chúa đã tha thứ cho ông. Nhưng ông có tự tha thứ cho mình không?”

“Điều đó còn phụ thuộc vào mỗi ngày trôi qua tôi cảm giác về việc tha thứ bản thân mình như thế nào,” Zaal trả lời.

Không có công thức trong việc tiếp cận để chữa lành lòng thù hận trong xã hội

Làm thế nào để chữa lành căn bệnh của lòng hận thù là câu hỏi đeo đuổi suốt cuộc đời của nhà tâm lý học Edward Dunbar.

Giáo sư tâm lý học Dunbar đã nghiên cứu về những tội ác thù địch ở Los Angeles và viết rất nhiều bài về các nhóm thù hận và bạo lực. Ông cũng đã tư vấn cho rất nhiều người tù phạm tội thù hận.

“Nếu bạn nghĩ xã hội phản ứng như thế nào về tội thù ghét, thì biện pháp chủ yếu là trừng phạt người phạm tội. Chúng ta cũng có những nỗ lực để đỡ nạn nhân. Nhưng cách tiếp cận phổ biến nhất là quản chế và giam giữ,” ông nói.

Theo giáo sư Dunbar, cộng đồng sức khỏe tâm thần biết rất ít về việc điều trị “bệnh” hận thù, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan. “Chúng tôi không biết chính xác cần phải làm gì và làm như thế nào với những người này. Chúng tôi không có cách tiếp cận giống nhau.”

Tuy nhiên, quan trọng nhất, như ông nói, “Tội phạm gây ra từ sự thù ghét không giống như bất cứ tội ác nào khác. Đó là một tội ác chống lại cả một nhóm người.”

Trong nhiều năm, Dunbar đã áp dụng các phương pháp của mình để tư vấn cho những người phạm tội có tội thù ghét, bao gồm đánh giá họ về bệnh tâm thần, khám phá các yếu tố khiến họ phạm tội thù ghét, và giúp họ đưa ra các kế hoạch thiết thực để chuyển hướng cuộc sống của họ ra khỏi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bạo lực. Ngoài việc tư vấn, một số cần thêm sự điều trị tâm thần hoặc giúp đỡ thoát khỏi sự lạm dụng rượu hay ma túy, ông nói.

Dunbar bổ sung thêm rằng nhiều người phạm tội mà ông có dịp tiếp cận đến từ môi trường gia đình có vấn đề khó khăn bất hòa.

“Họ là những đứa trẻ gặp vấn đề phiền muộn, những đứa trẻ không biết mình nên làm gì,” ông nói. “Vấn đề cơ bản của những cá nhân này không hẳn là sự thành kiến. Vấn đề cơ bản là họ có cảm giác thuộc về nhóm người có cuộc sống nghiêng về bạo lực, phản đối xã hội. Đó là nơi mà họ có sự ràng buộc và kết nối.”

Theo ông Dunbar, “Nếu chúng ta đem đến cho họ những thứ hợp lý để kết nối và chia sẻ, thì sự kỳ thị chủng tộc có thể bất ngờ không quan trọng với họ nữa.”

Christian Picciolini, giám đốc ExitUSA, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ những người đàn ông và phụ nữ thoát khỏi nhóm thù hận cho rằng, “Sức khỏe tinh thần của cộng đồng đang trong tình trạng cấp bách cần được quan tâm và giáo dục.”

Picciolini cũng là người đã trải qua 8 năm trong nhóm tân Phát xít (neo-Nazi) ở Chicago.

“Tôi đã trải qua nhiều trường hợp mắc phải vấn đề tâm lý như trầm cảm và tâm thần phân liệt,” ông nói.

Khoảng 70% những người liên hệ với ExitUSA là đàn ông và 30% là phụ nữ, Picciolini nói. Họ trong độ tuổi từ 15 đến 50.

“Tôi đã lắng nghe rất nhiều, lắng nghe những lỗ hổng thiếu sót của họ”, Picciolini nói. “Rồi tôi lấp đầy những lỗ hổng đó bằng cách giúp đỡ họ tìm công việc, hoặc xóa hình xăm hoặc chữa trị vấn đề tâm lý.”

Một khi cuộc sống của họ được cải thiện, chủ nghĩa cực đoan của họ sẽ từ từ phai nhòa.

Giống như việc thoát khỏi sự cuồng tín tôn giáo

Kết thúc chương trình ExitUSA và tham gia mạng lưới “cựu học viên”, những người đã rời khỏi nhóm thù hận hiện trở thành những người cố vấn. Khoảng 100 thành viên đã kết nối thông qua ExitUSA. Tim Zaal là một trong số đó.

Hiện tại, Zaal đang cố vấn cho ba người từng có lòng thù ghét những người khác chủng tộc, hai người đến từ California và một người ở miền Đông. “Đó là một phần quan trọng khi họ có người để chia sẻ, người có thể hiểu ngôn ngữ và tâm lý của họ”, Zaal nói. “Điều này giống như một cựu thành viên trong nhóm cuồng tín đang giúp đỡ những thành viên hiện tại trong nhóm thoát khỏi sự cuồng tín.”

Zaal nói rằng thời trẻ của ông bị bao trùm bởi chủ nghĩa của nhóm người da trắng cực đoan (white supremacy). “Mọi thứ đều là kẻ thù, kẻ thù. Giống như một kẻ cuồng tín.”

Rồi Zaal yêu một phụ nữ, cũng là người đã tham gia nhiều vào phong trào thù hận những người khác chủng tộc. Và họ có một đứa con trai.

“Chúng tôi đã nuôi dạy đứa con trong môi trường đó,” Zaal kể.

Zaal nhớ lại ngày ông đem đứa con trai 2 tuổi của mình đến một tiệm tạp hóa trong xóm. Một người đàn ông Mỹ gốc Phi bước ngang qua. “Thằng bé ngồi trong xe đẩy siêu thị giống như bao đứa trẻ khác, nhưng nó lại chỉ tay và nói, “Ba ơi, nhìn kìa, có một cục màu đen…”

“Người đàn ông lắc đầu trong sự kinh tởm và bước đi. Nhưng một người phụ nữ khác đang mua sắm ở cùng gian hàng bước đến nói với tôi rằng ‘Làm thế nào mà anh có thể dạy một đứa trẻ ngây thơ những từ ngữ mang tính hận thù như vậy?’” Zaal nhớ lại.

Thay vì khen con, Zaal lại cảm thấy như bị sỉ nhục. “Tôi đã gục đầu xuống,” ông kể.

Đó là khoảnh khắc làm Zaal thay đổi.

Ông nhận ra rằng con trai ông sẽ không có tương lai trên con đường ông đang bước đi.

Ông bắt đầu đi làm những công việc xây dựng, đôi khi ở Texas, và làm cùng nhiều người, khi thì người Latinos, khi thì người Mỹ gốc Phi. Ai cũng tốt với ông, đó chính là chìa khóa, ông nói. “Những người Mễ này, những người Mỹ gốc Phi này đang đối xử với tôi một cách trân quý, họ không là người xấu, họ không hề muốn giết tôi.”

Những cuộc va chạm đẩy ông vào sự bối rối và khủng hoảng.

Zaal bắt đầu nhận ra rằng ông không còn có thể hòa hợp được trong thế giới kỳ quặc của quyền lực tối cao thuộc về người da trắng.

“Tôi phải thoát ra khỏi nơi này,” ông quyết định.

Năm 1996, Zaal từ bỏ phong trào đó, và cũng chia tay luôn với mẹ của con trai ông, người quyết định ở lại trong nhóm thù ghét chủng tộc.

Tuy nhiên sau nhiều năm tránh xa người da màu, ông đã phải học cách để từ từ cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với những người không phải da trắng.

Sau đó, ông yêu một phụ nữ đến từ Texas. “Cô ta có giọng nói của người miền Nam, tóc đỏ, gương mặt tàn nhang, và khá xinh. Đó là mẫu người lý tưởng của tôi,” ông kể. Tuy nhiên, ông không hề biết rằng cô ta là người Do Thái.

Trong khi đó, người mà Zaal yêu biết về quá khứ của ông thông qua bạn bè ông.

“Mọi thứ đều diễn ra tuyệt vời cho khi tôi đi cùng cô ấy đến nhà thờ. Cô ấy đã nhìn tôi và nói, ‘Em hy vọng rằng anh biết em là người Do Thái. Anh có gặp vấn đề gì về chuyện này không?’”

“Tôi hoàn toàn không còn khái niệm gì về điều này nữa. Nhưng bạn nên biết rằng tôi đã từng là người như thế nào trước đây, một người thù hằn chủng tộc, chứ không chỉ là định kiến không thôi,” ông kể.

Họ đã kết hôn và chung sống với nhau tới ngày nay.

Kể lại chuyện cuộc đời mình là một phần công việc của Zaal ở viện bảo tàng, dù rằng, như ông nói, “Thật đau đớn và mệt mỏi khi nói về quá khứ của mình, nhưng đó là một cách tôi chuộc tội.”

Zaal nhận ra mục tiêu của mình khi nhìn vào gương mặt của những học viên trong hàng ghế thính giả. “Đó là phương thuốc khi tôi thấy ánh sáng lóe lên từ gương mặt họ. Điều này rất có giá trị.”

MỚI CẬP NHẬT