Thursday, March 28, 2024

Little Saigon mê bonsai và non bộ

Quốc Dũng/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Từ 9 giờ sáng Chủ Nhật, 18 Tháng Chín, hàng chục hội viên của Hội Cây Kiểng Việt Nam đã tề tựu về hội quán của hội ở Garden Grove để cùng sinh hoạt thường kỳ, cũng như trao đổi và được hướng dẫn cách cắt tỉa, nuôi dưỡng bonsai.

Hội quán của hội cũng là tư gia của ông Lê Quang Bình, một người sáng lập và là cựu hội trưởng của hội. Trong khuôn viên nhà ông, nơi có treo hẳn hoi tấm biển “Hội Quán,” các hội viên đang trò chuyện vui vẻ, cùng thưởng thức những món ăn do mọi người đóng góp, cùng trao đổi kinh nghiệm nuôi cây, cùng ngắm biết bao cây kiểng đẹp mắt do ông chăm dưỡng hàng mấy chục năm.

Ông bảo: “Hồi trước, mỗi khi đi làm về tôi đều thấy căng thẳng. Để đối phó, chế ngự căng thẳng, bực dọc trong người, tôi tìm đến thú vui cây kiểng. Rồi dần dà thì hội ra đời, vào Tháng Tư, 1998, cho đến bây giờ đã được 18 năm. Lúc đầu thì ít người lắm, nhưng giờ hội đã có hơn 80 hội viên rồi. Tuy hội viên không nhiều như các hội bạn nhưng tình cảm và tình yêu cây kiểng của chúng tôi rất thắm thiết.”

Chốc lát lại có hội viên cầm trên tay một chậu cây nhỏ vào hội quán, rồi có người khệ nệ bưng vào một khay thức ăn. Buổi sinh hoạt càng lúc càng sôi nổi.

Ông Đan Nguyễn, hội trưởng, cho biết: “Hằng tháng chúng tôi sinh hoạt tại hội quán này vào Chủ Nhật tuần thứ ba, bắt đầu từ 9 giờ sáng cho đến xế chiều. Trước tiên là ngồi với nhau chia sẻ kiến thức về nuôi trồng cây kiểng, sau đó thì ban kỹ thuật sẽ hướng dẫn cách cắt tỉa. Nơi đây dành cho những ai có chung sở thích về cây kiểng, cùng gặp nhau để chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng, cắt tỉa bonsai, làm hòn non bộ.”

“Ở đây chúng tôi chỉ san sẻ kinh nghiệm nuôi trồng bonsai hay non bộ thôi chứ không dạy, không chủ trương mở lớp học. Bởi vì anh chị em trong hội có nhiều người chơi 10 năm, 20 năm, có người mới chơi tháng trước, hay có người chỉ mới ngày hôm qua nên học rất là khó. Vì vậy, không gì hơn là những gì tôi biết thì sẽ san sẻ với anh, cũng như anh biết thì san sẻ lại. Những gì không biết thì đặt câu hỏi để cùng nhau tìm hiểu về bộ môn này,” ông nói.

“Dù sinh hoạt song song hai bộ môn là bonsai và non bộ, nhưng anh chị em trong hội đa phần thích thú với bonsai hơn, còn non bộ chỉ khoảng 20% người quan tâm. Chủ yếu để thư giãn một cách nhẹ nhàng là chính,” ông hội trưởng nói thêm.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 19 tháng 9 năm 2016

Ông hội trưởng cho hay: “Chúng tôi chơi cây kiểng vì đây là món ăn tinh thần rất bổ ích, một thú điền viên để thư giãn rất tốt cho sức khỏe. Bởi vì sau những giờ làm căng thẳng trong công việc thì khi về nhà chỉ muốn được thư giãn đầu óc, muốn được ‘enjoy’ với thiên nhiên nhưng không có thời gian đi cắm trại, đi xa… thì việc cắt tỉa cây, chăm sóc cây là nhất rồi!”

“Tuy nhiên, trước khi chơi một môn nghệ thuật nào cũng vậy, phải biết qua những bước căn bản của nó. Từ một cái cây, phải hiểu đời sống của nó và nuôi nó, chăm bón như thế nào để cây tốt. Mình thích không cũng chưa đủ, phải bằng mọi cách giữ nó ở lại, nếu không thì cây chỉ ở bên mình một thời gian ngắn rồi chết,” ông nói.

“Vì vậy, khi đến với hội, anh em trong ban kỹ thuật sẽ góp ý cho hội viên cách nuôi cây như thế nào cho tốt, làm sao cho cây xanh. Sau khi nuôi được cây tốt, tức biết bón phân, tưới nước, làm cây… thì đến phần kỹ thuật, phải làm thế nào cho tàn, tán, nhánh cho đẹp. Người nào thích cây thì cần hai điều cơ bản là cách nuôi, và cách làm cây cho đẹp, vậy là đủ ‘enjoy’ rồi,” ông chia sẻ.

Trong lần sinh hoạt này, ông Dũng Phạm, trưởng ban kỹ thuật của hội, hướng dẫn cách cắt tỉa, nuôi dưỡng bonsai. Ông chọn một cây bất kỳ, sau đó tỉ mẫn hướng dẫn cách cắt tỉa và uốn cành một cây bonsai. Tay thoăn thoắt làm, nhưng ông luôn miệng giải đáp những câu hỏi của mọi người. Trong vòng một tiếng đồng hồ, ông chỉ dẫn một cách giản dị và dễ làm theo cách cắt tỉa uốn một cây trồng trong chậu làm mẫu.

Theo ông Dũng Phạm, để chỉnh xương, nắn gân cây khi muốn di chuyển một nhánh cây lớn về vị trí mong muốn khá đơn giản. Quấn băng keo nhựa lên nhánh cây rồi kẹp dây đồng song song với nhánh cây, sau đó uốn nhánh về vị trí mình muốn. Sau khi mở dây ra thì hình dạng vết thương trên nhánh phát triển rất tự nhiên. Tuy nhiên, tác phẩm sẽ thành hình một năm, hai năm, hay nhiều năm… tất cả đều do cách nuôi cây của mỗi người.

Sau khi cây bonsai ông trưởng ban kỹ thuật tạo hình xong, cây này được đem ra đấu giá. Giá khởi điểm là $100, cuối cùng có một hội viên chốt giá $150. Số tiền này được đưa vào quỹ hội để lo cho các hoạt động của hội, nhất là giúp hội có tiền mua cây cho hội viên thực hành.

Ông Đan Nguyễn cho hay: “Hội chúng tôi sinh hoạt chủ yếu ở hội quán này, 12211 Ditmore Dr., Garden Grove, CA 92841, điện thoại (714) 489-1261, (949) 331-4050. Thỉnh thoảng có đến nhà hội viên họp, hoặc mùa Hè có thể sinh hoạt ngoài công viên.”

“Mỗi năm hội tổ chức triển lãm hai lần, một lần ở chùa Việt Nam ở 12292 Magnolia St., Garden Grove, CA 92841, gần chỗ của hội quán; và một lần chung với các hội nghệ thuật khác ở Westminster Mall. Điều kiện để vô hội đơn giản lắm, chỉ cần yêu thích bonsai và non bộ,” ông nói thêm. (QUỐC DŨNG)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT