Tuesday, April 16, 2024

Little Saigon: Cảnh sát bắt cô gái tâm bệnh, tòa thả, gia đình đi tìm

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sáng Thứ Ba, 19 Tháng Sáu, ông Nguyễn Điền và bà Đỗ Mai ra tòa Westminster với niềm tin là sẽ đưa con gái tên Nguyễn Thị Ngọc Anh về nhà sau khi bị bắt hôm 18 Tháng Năm. Nhưng ông bà cùng chưng hửng khi được Chánh Án Kevin J. Haskins báo tin rằng tòa không biết con gái họ đâu cả.

Không được gặp con cả tháng, giờ lại được báo tin này, bà Mai òa khóc ngay tại tòa.

Bà Mai thắc mắc: “Không biết con tôi đâu, sao họ lại hẹn chúng tôi ra tòa hôm nay để đưa cháu về?”

Lúc này, bà Lauren Wilson, luật sư công (public defender) của cô Ngọc Anh, xin lỗi vì đây là một sự lầm lẫn của bà. Bà nghĩ rằng cô Ngọc Anh còn trong tù.

Sau khi biết sự việc, Thị Trưởng Westminster Trí Tạ lập tức gặp bà Mai và ông Điền, đồng thời yêu cầu cảnh sát giúp đỡ họ tìm cô Ngọc Anh.

Bệnh thì cho uống thuốc, sao lại nhốt tù?

Khi còn ở tòa, câu hỏi lớn nhất trong đầu bà Mai vẫn là con gái bà ra sao trong cả tháng trời. “Một tháng một ngày rồi. Nó bị bệnh như vậy, rồi người ta dụ dỗ hay bắt cóc, hãm hại, giết chết thì sao?” bà lo lắng nói.

Hết thắc mắc này, đến thắc mắc khác, bà Mai cố nuốt nước mắt: “Nó bị tâm thần, đã không biết gì hết, sao lại nhốt tù, rồi lại bắt cách ly gia đình?”

Không có giải đáp, bà tiếp: “Mà họ thả nó ra như vậy, nó biết đi đâu? Nó không có tiền bạc, ăn đâu ngủ đâu, sống hay chết? Tôi phải làm gì bây giờ?”

Cha mẹ cô Nguyễn Thị Ngọc Anh hằng ngày trông mong cô. (Hình: Mai Đỗ cung cấp)

Đầu đuôi câu chuyện

Cách nay một tháng, ngày 18 Tháng Năm, cô Ngọc Anh, một bệnh nhân tâm thần, “lên cơn” phá phách, hành hung người nhà. Như những lần trước, gia đình gọi cảnh sát đến nhờ đưa con vô bệnh viện.

Bà Mai kể: “Lần này, nó mở nước xả tùm lum, rồi tạt nước nóng vào người tôi. Chân tôi đau nên chạy không kịp, cũng bị trúng chút xíu nước nóng. Tôi sợ để nó ở nhà nguy hiểm nên mới kêu đứa con trai gọi 911 để họ đưa vô bệnh viện.”

Bà sụt sùi: “Tưởng bệnh viện giữ con tôi cho uống thuốc vài ngày rồi trả về như mọi lần. Không ngờ cảnh sát đưa vào tù, sau đó báo cho gia đình biết con tôi đã nhận tội và bị lệnh cách ly gia đình.”

Theo bà Mai, hôm ấy, bà đã nói với thông dịch viên của cảnh sát Westminster rằng bà không muốn thưa con mình và cũng không muốn xin lệnh bắt con gái phải cách ly.

Bà tiếp: “Anh ta (thông dịch viên) nói trong tù cũng có cho uống thuốc.”

“Tôi chỉ muốn con tôi vô bệnh viện uống thuốc thôi. Có thuốc, nó ngoan lắm,” bà nghẹn ngào nói.

Ngày 4 Tháng Sáu, bà Mai đến tòa Westminster để được giúp điền đơn xin hủy lệnh cách ly thì hay tin con bà đã được nhà tù Orange County thả lúc 3 giờ 30 phút trưa Thứ Bảy, 2 Tháng Sáu.

Hồ sơ bệnh án

Cô Ngọc Anh, năm nay 31 tuổi, được bệnh viện UCI chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và tự kỷ năm 2006.

Bà Mai kể: “Mỗi lần nó không uống thuốc thì lên cơn phá phách, có khi nó đánh người nhà, mà người bị nhiều nhất là tôi. Tôi nhờ cảnh sát đưa nó vô bệnh viện để người ta cho nó uống thuốc. Thường thì mười ngày, nửa tháng thì họ cho về.”

Trở lại câu chuyện hôm 18 Tháng Năm, vài ngày sau bà Mai nhận giấy mời ra tòa Westminster vào ngày 11 Tháng Sáu trong tư cách nhân chứng của một vụ hành hung mà con bà là bị cáo.

Tuy nhiên, đến ngày 1 Tháng Sáu, một người tên Theresa, nhân viên phòng “Victim Witness” từ tòa án, gọi đến báo cho bà biết tòa đã xử và con bà đã nhận tội, nhưng “tòa ra lệnh cách ly chứ không cho về nhà, nên hoặc bà phải kiếm chỗ nào để đưa con bà tới ở tạm vì tối nay hay sáng mai họ thả, hoặc bà sẽ xin xóa lệnh cách ly để mang con bà về.”

Trong những điều luật của lệnh cách ly có điều khoản cấm cô Ngọc Anh đến gần mẹ trong vòng 100 yard, không được gặp, gọi điện thoại, email hay viết thư tay cho bà và cũng không được nhờ một ai khác nhắn tin cho bà, trừ luật sư.

Bà Mai thở dài: “Tôi lo quá, gia đình tôi qua đây không bà con, bạn bè thì nghe nói nó bệnh vậy cũng sợ, đâu ai dám chứa. Con tôi bệnh, sao thả nó mà không cho chúng tôi biết?”

Vấn đề pháp lý của sự việc

Một luật sư tại Orange County không muốn nêu tên giải thích: “Vì cô Ngọc Anh trên 18 tuổi nên tòa không có trách nhiệm thông báo cho gia đình biết những gì liên quan đến cô, trừ khi cha mẹ có giấy phép được làm người giám hộ.”

Luật sư giải thích: “Với những người dưới 18 tuổi thì cha mẹ tự động là người giám hộ. Nhưng khi trên 18 tuổi, thì họ là người thành niên, dù não bộ có vấn đề.”

Trong trường hợp con cái có vấn đề về trí não, cha mẹ muốn có thẩm quyền, muốn được nhận thông báo này kia, muốn được thay họ làm các loại giấy tờ, hay cho họ được lấy chồng lấy vợ… thì phải xin tòa cho phép làm giám hộ cho một người thành niên (conservatorship).”

Bà Mai lại ứa nước mắt: “Bây giờ con tôi đâu?”

Cha cô, ông Điền, nói: “Con tôi nói được tiếng Mỹ và xưng tên là ‘Anh Nguyễn.’”

Cần cộng đồng trợ giúp

Không bỏ lỡ cơ hội giúp cư dân, ông Trí Tạ hứa: “Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để đưa cô Ngọc Anh về với gia đình càng sớm càng tốt.”

Phó Cảnh Sát Trưởng Bill Collins cho phóng viên nhật báo Người Việt biết rằng mỗi khi có báo cáo về bệnh nhân tâm thần lên cơn phá phách, cảnh sát luôn đến hiện trường với những chuyên viên thẩm định tâm thần.

Ông nói: “Vì cô Ngọc Anh tạt nước sôi vào mọi người, những chuyên viên thẩm định đồng ý là tạm thời đưa cô vào tù.”

Ông thở dài: “Theo luật, cảnh sát phải làm vậy. Chúng tôi không thể làm gì khác.”

Hiện thời, Cảnh Sát Westminster đã cho người ráo riết liên lạc với bệnh viện hoặc những nơi họ nghĩ có thể tìm được cô Ngọc Anh để sớm đưa cô về gặp cha mẹ, anh em.

Ai biết tin tức về cô Ngọc Anh, xin gọi cảnh sát Westminster (714) 898-3315 hay gia đình cô (714) 230-5035. (Đằng-Giao)


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT