Thursday, March 28, 2024

Little Saigon tổ chức Lễ Giỗ Tổ Ngành Kim Hoàn 2018

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

STANTON, California (NV) – Trên 400 quan khách, chủ nhân các tiệm kim hoàn, thợ bạc, những người sinh sống bằng nghề kim hoàn đã đến dự Lễ Giỗ Tổ Ngành Kim Hoàn 2018, do Hội Ái Hữu Kim Hoàn Nam California tổ chức vào tối Thứ Sáu, 6 Tháng Tư, tại nhà hàng Diamond Seafood, Stanton.

Theo ban tổ chức, hằng năm Lễ Giỗ Tổ Ngành Kim Hoàn được hội tổ chức vào khoảng Tháng Hai Âm Lịch, và tùy theo hoàn cảnh của từng địa phương mà định ngày tổ chức. Tại Hoa Kỳ, ngày giỗ tổ cũng được đồng hương tổ chức ở nhiều nơi khác như Houston, Texas; San Jose, California; Washington DC…

Trước năm 1975, tại Sài Gòn, các hội kim hoàn tổ chức giỗ tổ vào ngày 8 Tháng Hai Âm Lịch, còn ở miền Trung thì tổ chức vào ngày 27 Tháng Hai Âm Lịch.

Tại Little Saigon, lễ giỗ tổ năm nay có nét đặc biệt là các thành viên nam trong ban tổ chức đều mặc y phục áo dài truyền thống đủ màu, đủ sắc, với nhiều hoa văn khác nhau, còn phụ nữ mặc áo dài màu xanh nước biển.

Trên sân khấu, ban tổ chức đặt một bàn thờ tổ rất trang trọng với nhiều nhang đèn, hoa trái và hai con heo quay, giữa bàn thờ có tấm bảng màu đỏ với hình chữ nổi bằng vàng “Tổ Sư Tọa Vị.”

Ban tổ chức trong lễ dâng hương tại Lễ Giỗ Tổ Ngành Kim Hoàn 2018 tại nhà hàng Diamond Seafood, Stanton. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Do ông Phạm Minh Ánh, hội trưởng, vì bị bệnh vắng mặt nên ông Lưu Sĩ Trí, chủ nhân tiệm vàng Jean và Kim Thu trong khu Phước Lộc Thọ, kiêm trưởng ban tổ chức.

“Hằng năm, hội chúng tôi đều có tổ chức ngày cúng tổ sư. Trước là để anh chị em trong ngành cùng nhau thắp nén hương cầu nguyện cho ngành kim hoàn được nhiều may mắn. Sau là để đồng hương trong ngành có dịp hàn huyên tâm sự, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp và phát triển quan hệ làm ăn với các đồng nghiệp từ nhiều nơi tụ về. Đồng thời, để thêm phần hào hứng, hội có tổ chức chương trình văn nghệ đặc sắc, gồm các tiếng hát trong ban văn nghệ của hội và những ca sĩ có tiếng tăm ở Little Saigon,” trưởng ban tổ chức cho hay.

Đoàn lân Thiên Long với ba con lân lớn múa chào mừng mọi người đến dự.

Trong lễ cúng Tam Vị Thánh Tổ và lễ dâng hương, ban tổ chức mời những thành viên trong ban tổ chức, gồm có các ông, bà Kim Phước, Minh Ánh, Lưu Cầu, Kim Phước, Hiếu Diamond, Ngọc Bích, Minh Hải, Long Phụng, Quang Hồ, Tư Trí, Kim Thọ, Kim Nga, Minh Tài,… lên sân khấu để hành lễ giỗ tổ, với phần điều hợp của ông Lưu Sĩ Trí.

Sau đó, những chủ nhân, những người trong ngành nghề kim hoàn tuần tự lên bái tổ tạ ơn.

Ông Lưu Sĩ Trí, trưởng ban tổ chức (đứng, thứ hai, trái) và các ca nghệ sĩ trong Lễ Giỗ Tổ Ngành Kim Hoàn 2018 tại nhà hàng Diamond Seafood, Stanton. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chương trình văn nghệ được mở đầu với ban hợp ca Kim Hoàn Phước Lộc Thọ qua nhạc phẩm “Mừng Xuân Mới” và liên tục với tiếng hát của những ca nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Carol Kim, Ngọc Thúy, Thanh Thủy, Vũ Luân, Nguyễn Tâm, Phạm Anh Tuấn,… với phần điều hợp của ca sĩ Lưu Việt Hùng.

Xen kẽ chương trình văn nghệ có phần xổ số để gây quỹ tổ chức, với nhiều lô trúng có giá trị.

Cuối cùng là phần dạ vũ.

Trong số khách mời đến dự có Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng. Theo Luật Sư Dũng, “những thành viên trong Hội Kim Hoàn đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng người Việt ở đây trong những lễ hội truyền thống và nhiều phương diện khác, thí dụ như ông bà chủ nhân tiệm vàng Jean và Kim Thu lúc nào cũng hỗ trợ cho Hội Ung Thư Việt Mỹ trong những công tác từ thiện.”

Ông Lưu Cầu, chủ nhân tiệm vàng Kim Hoa, trong khu Phước Lộc Thọ, thành viên trong ban tổ chức, cho hay: “Sở dĩ hàng năm chúng tôi tổ chức ngày giỗ tổ là để kính tổ và yêu nghề, đồng thời cũng để gây tình thân thiết của những người trong nghề với nhau. Riêng gia đình chúng tôi sang Mỹ làm nghề kim hoàn đã trên 30 năm, và năm nào chúng tôi cũng có cúng tổ. Khoảng hơn 13 năm nay, những người trong ngành mới thành lập Hội Ái Hữu Kim Hoàn Nam California. Từ đó, hằng năm, hội đều có tổ chức ngày cúng giỗ tổ sư được quy mô hơn.”

Theo Lệ Châu Hội Quán – nhà thờ tổ nghề thợ kim hoàn sớm nhất được xây tại Sài Gòn năm 1892 – trên Wikipedia, thì “nghề kim hoàn là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời. Nhưng tra trong thư tịch cổ, không thấy ghi ai là vị tổ khai sáng nghề kim hoàn vào thời kỳ xa xưa trên đất Việt.”

Người ta chỉ biết, đến nay, “Làng nghề kim hoàn sớm nhất được biết đến là làng Châu Khê, thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, đã có lịch sử tồn tại trên 500 năm, bắt nguồn từ Lưu Xuân Tín, quan Thượng thư bộ Lại dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460–1494) có công khởi dựng nghề đúc bạc nén của làng.

Và hai người làm nghề kim hoàn nổi tiếng được thờ ở Lệ Châu Hội Quán là Cao Đình Độ và Cao Đình Hương, chỉ là người sống ở giữa thế kỷ 18.

Ban văn nghệ Kim Hoàn Phước Lộc Thọ trình diễn nhạc cảnh “Mừng Xuân Mới ” trong Lễ Giỗ Tổ Ngành Kim Hoàn 2018 tại nhà hàng Diamond Seafood, Stanton. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cao Đình Độ (1744-1810) người làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình ông vốn làm nghề nông, nhưng lòng ông luôn ao ước được trở thành người thợ kim hoàn giỏi. Để học được nghề, ông phải cải trang thành người Hoa, xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long. Bởi lúc bấy giờ chỉ có người Hoa, mới biết cách chế tác. Sẵn bản tính hiếu học, trung thực, hiền lành, ông Độ được chủ thương và tận tình truyền dạy nghề cho ông. Sau một thời gian rèn luyện, ông đã thành thạo nghề.

Năm 1790, vua Quang Trung đã cho triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc của làng Kế Môn, vào triều đình để lập cơ vệ Ngân Tượng, chuyên lo việc chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức trong cung điện. Nhờ làm việc tốt, Cao Đình Độ được phong chức Lãnh binh.

Năm 1810, ông Cao Đình Độ qua đời. Con là Cao Đình Hương được kế tục sự nghiệp của cha với chức lãnh binh, nhưng ít lâu sau, ông xin từ quan. Lúc bấy giờ Thượng thư bộ Lại là Trần Minh, mời ông về dinh phủ dạy nghề kim hoàn cho ba người con trai là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và ba người cháu là Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật.

Sau hơn 10 năm truyền dạy nghề, năm 1821, ông Cao Đình Hương qua đời. Theo mong muốn của thầy trước khi mất, là nghề kim hoàn được truyền bá rộng khắp, ba anh em Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền đến làng Định Công (Hà Nội), ba người họ Huỳnh vào đất Phan Thiết, rồi cả hai nhóm đều mở lò và thu nhận đệ tử.

Không rõ năm nào, ba anh em họ Trần bỏ đất Bắc để vào Nam. Và sau khi truyền nghề cho 36 đệ tử ở Chợ Lớn, ba anh em lại tiếp tục đến các tỉnh miền Tây, sang Campuchia, Lào, Thái Lan… rồi cả ba người qua đời khi nào, ở đâu không ai được rõ.

Nếu như hai ông họ Cao có công khai sáng nghề kim hoàn, thì ba ông họ Trần, ba ông họ Huỳnh là người có công phổ biến nghề trên khắp đất nước Việt và các nước lân cận.

Được biết hiện nay, tổng số thợ bạc và chủ tiệm kim hoàn tại California khoảng trên 500 người. (Lâm Hoài Thạch)

Mời độc giả xem phóng sự “Còn cần lắm những tấm lòng vàng ở trại phong Di Linh”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT