Thursday, April 18, 2024

Hội thảo giới tính: 22% tội thù ghét là nhắm vào người LGBT

Thiện Lê/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Tuy không quá đông, nhưng cũng có khoảng hàng chục phụ huynh người gốc Việt và con cái đến phòng họp của bệnh viện Orange Coast Memorial Medical Center ở Fountain Valley để dự hội thảo giới tính liên quan đến người đồng tính nam nữ, song tính và chuyển giới (LGBT).

Diễn giả chính của hội thảo là Bác Sĩ Lynn Hunt, giáo sư nhi khoa của đại học University of California Irvine (UCI) và chủ tịch hiệp hội y tế nhi khoa Hoa Kỳ về sức khỏe của người thuộc nhóm LGBT. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của Bác Sĩ Quỳnh Kiều, một bác sĩ nhi khoa lâu năm ở Orange County, và còn có sự xuất hiện của nhiều chuyên gia tâm lý.

Mở đầu cuộc hội thảo là bài giảng của Bác Sĩ Hunt. Trong tiếng Việt chỉ có từ “giới tính,” nhưng trong tiếng Anh có đến hai từ “sex” và “gender” đều cùng một nghĩa là giới tính. Vậy hai từ này khác nhau ra sao?

Bà Hunt cho biết giới tính theo từ “sex” có nghĩa là giới tính của một con người khi được sinh ra, được gọi là trai gái theo cấu tạo cơ thể của mình. Còn từ “gender” có nghĩa là giới tính theo cách hành xử, theo thái độ, theo cảm xúc của một con người. Nhiều người sẽ thể hiện giới tính của mình theo cách ăn mặc, theo tóc tai và theo cách hành xử, mỗi văn hóa mỗi khác.

Phòng họp tuy không quá đông, nhưng cũng có một số phụ huynh và con cái đến dự hội thảo. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Xin tạm gọi “sex” là giới tính bên ngoài, còn “gender” là giới tính bên trong cho dễ hiểu.

Vì vậy, một người chuyển giới có thể nhận dạng mình là nam hay nữ, không cần biết cấu tạo cơ thể ra sao, nghĩa là nam ở ngoài nữ bên trong hoặc ngược lại. Bác Sĩ Hunt cho biết các em nhỏ thường hay nhận ra giới tính bên trong của mình từ rất sớm, từ 4 đến 6 tuổi là các em có thể nhận ra rồi.

Các em chuyển giới thường hay bị người ngoài đánh giá vì họ nhìn thấy bên ngoài là nam mà lại đi làm chuyện của nữ hoặc ngược lại. Bà Hunt cho biết tuy chuyển giới không có nguy hiểm gì đến sức khỏe, nhưng các em thường hay bị kỳ thị và bị bắt nạt, dẫn đến nhiều vấn đề về tâm lý.

Giáo sư còn cho biết thêm rằng 40% thanh thiếu niên là người thuộc nhóm LGBT và có nguy cơ tự tử cao hơn người thường gấp mười lần. Khi những người này bị vấn đề tâm lý, họ sẽ dính vào con đường nghiện ngập rượu hoặc ma túy và có thể quan hệ tình dục thiếu an toàn. Cũng theo bà, 22% tội thù ghét là nhắm vào người LGBT.

Bà Hunt nhấn mạnh rằng sự chấp nhận của gia đình sẽ giúp những thanh thiếu niên LGBT giảm đi nguy cơ bị bệnh tâm lý rất nhiều. Ngoài ra, các giáo viên ở trường cũng nên để ý để gọi những người theo đúng danh xưng.

Cũng có mặt tại hội thảo giới tính là Bác Sĩ Hoàng Nguyễn, giám đốc y tế của trung tâm bênh nhân tâm thần nội trú của bệnh viện trẻ em Orange County (CHOC). Ông chia sẻ một số hiểu biết của mình, cho rằng cộng đồng người gốc Việt vẫn chưa chấp nhận được người LGBT. Ông cho biết có một số văn hóa không có định nghĩa nam nữ rõ ràng và dễ chấp nhận những người LGBT hơn.

Bác Sĩ Quỳnh Kiều cũng đóng góp nhiều hiểu biết tại hội thảo. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Theo ông, khi trong một gia đình người Việt có con cái mà giới tính bên trong không phù hợp theo cấu tạo cơ thể thì sẽ có nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, bố mẹ sẽ đòi từ con, rồi người con sẽ bị trầm cảm hoặc nhiều vấn đề tâm lý rồi dẫn đến tự tử.

Anh Hiếu Nguyễn, một trong những sáng lập viên của hội Viet Rainbow of Orange County, cũng chia sẻ một số kinh nghiệm của mình. Anh cho biết rằng hội của mình không được tham gia diễn hành Tết vì cộng đồng người Việt không chấp nhận, vì họ coi LGBT như là một “bệnh Tây.” Anh cũng chia sẻ một số khó khăn với gia đình khi thú nhận mình là một người LGBT. Con khó mà nói chuyện bố mẹ, rồi bố mẹ không chấp nhận được giới tính của con mình.

Trong lúc khán giả và các diễn giả thảo luận, một người mẹ, chỉ xưng tên là Hà, chia sẻ câu chuyện đầy cảm động của bà.

Bà Hà kể rằng con gái của bà giấu kín từ nhỏ rồi cho bà biết cô là con trai ở bên trong từ lúc cô 12 tuổi. “Tôi phủ nhận chuyện đó rồi nói với con rằng trẻ con không nên nói mấy chuyện này và dặn con không được nói cho ai nghe hết,” bà kể.

Bà cho rằng mình chỉ làm theo cách dạy của văn hóa mình, theo cách dạy của bà ngoại, chỉ muốn nuôi con gái đẹp, thành một công chúa.

Từ đó trở đi, cứ mỗi sinh nhật từ 12 đến 17 tuổi của con gái mình, cô đều nhắc lại mình là con trai với bà Hà. Trong lúc này, bà cũng thấy con gái mình có nhiều thay đổi như cắt tóc và cách mặc quần áo giống con trai, rồi biểu hiện cũng thay đổi.

Bà Hà, người mẹ với câu chuyện đầy cảm động. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Đến lúc này, bà vừa kể vừa rơi nước mắt, cho biết khi con mình vào lớp học, thầy cô giáo không cần biết giới tính bên trong ra sao, chỉ nhìn bên ngoài rồi gọi danh xưng theo như vậy thôi và con bà rất buồn vì điều đó. Bà chia sẻ một kỷ niệm đau buồn là khi con mình được nhận giải trong lúc tốt nghiệp trung học, người thầy gọi sai danh xưng, không đúng theo giới tính của con mình. Bà kể rằng con mình buồn rồi không muốn bước lên nhận giải, lúc lên nhận rồi mặt con vẫn đau buồn. Đến lúc đó, bà nhận ra được rằng mình đã xử sự sai và nuôi con sai.

Từ đó, bà thấy gia đình cần phải thay đổi. Bà đã tìm đến nhiều chuyên gia tư vấn và tham gia các hội đồng tính để hiêu con hơn. Bây giờ, gia đình bà Hà đã yên ổn, êm ấm, con thì đã thành con trai rồi và gánh vác được mọi chuyện trong nhà.

Hội thảo giới tính tại bệnh viện Orange Coast Memorial Medical Center không chỉ dạy cho người Việt ở Orange County hiểu biết về người đồng tính nam nữ, song tính và chuyển giới, mà còn cho thấy được những khó khăn những người LGBT phải gặp khi tiếp xúc với gia đình và cộng đồng người Việt. (Thiện Lê)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Dân Việt Nam uống cà phê ‘phin’ hay cà phê ‘pin’?”

MỚI CẬP NHẬT