Friday, March 29, 2024

Little Saigon: Lễ Giỗ Tổ Hát Bội 2017 đầy bản sắc dân tộc

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Lễ Giỗ Tổ Nghiệp do Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Hát Bội, với sự hướng dẫn của nghệ sĩ Ngọc Bầy, vừa trình diễn mừng tổ nghiệp hàng năm, vào lúc 1 giờ trưa Thứ Bảy, 30 Tháng Chín, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.

Tiếng trống chầu, tiếng trống con, các loại nhạc cụ đờn tranh, đờn cò, đàn kìm huyên náo cả thính phòng, làm mọi người nhớ lại thời trước, với những ngày Lễ Kỳ Yên, hoặc cúng đình đầu năm.

Chín tiếng trống khai chầu vang lên, nghệ sĩ Ngọc Bầy dẫn đầu đoàn nghệ sĩ, trong trang phục cổ truyền, mỗi người cung kính mang trước ngực một chậu hoa vàng nhỏ tượng trưng lòng thành kính, trang nghiêm tiến lên sân khấu dâng hương, và dàn nhạc trỗi lên cúng tổ.

Đặc biệt, lễ cúng tổ hôm nay có Giáo Sư Trần Văn Chi cầm chầu đánh trống. Trước khi trình diễn, giáo sư có phần diễn giải cho khán thính giả hiểu về ý nghĩa của việc cầm chầu.

Giáo Sư Trần Văn Chi giải thích về cách cầm chầu, đánh trống chầu tại Lễ Giỗ Tổ Hát Bội 2017. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo Sư Chi giải thích đi coi hát bội, không đơn thuần là chỉ thưởng thức bộ môn nghệ thuật, mà đó là cả một nền văn hóa, và cúng tổ nghiệp là để nhớ công ơn người sáng tổ, uống nước nhớ nguồn, cho người nghệ sĩ có được ngày hôm nay.

“Ngày xưa hát bội không có tờ chương trình phát sẵn như bây giờ, các điệu múa hát rất là biểu tượng, mang tính ẩn dụ, người thì vẽ mặt xanh đỏ trắng vàng, điệu bộ rất chuyên môn, lời ca tiếng hát thì dùng chữ Nho, khán thính giả không hiểu hết. Do đó hát bội phải được duyệt một cách nghiêm túc, và người cầm chầu thường là người đại diện cho địa phương đó, phải có sự hiểu biết và có uy tín. Khi nghe hát, đánh một tiếng trống là khen được, ba tiếng trống là khen hay, đánh liên hồi nhiều tiếng trống là xuất sắc, còn dở quá thì nhận được tiếng gõ đánh ngang hông trống, chỉ nghe tiếng lốc cốc mà thôi. Nghệ sĩ trình diễn được nhiều tiếng trống khen thưởng sẽ được thưởng tiền nhiều và mời đi diễn nhiều nơi nữa.”

Giáo Sư Chi cũng cho biết dân gian có câu “Ở đời có bốn cái ngu. Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” là để chỉ cho việc cầm chầu rất khó thuyết phục, ông thì cho rằng diễn hay quá mà chỉ thưởng có một tiếng trống, bà thì ý kiến rằng hát tệ quá mà thưởng nhiều là không đúng. Nội dung tuồng tích hay là một chuyện, còn người diễn có nghệ thuật, chiếm cảm tình khán thính giả lại là chuyện khác. Do đó phải có người am hiểu, có uy tín và công bằng giữ nhiệm vụ đánh trống, coi hát bội phải có người diễn giải bằng tiếng trống để hướng dẫn người nghe là như vậy.

Kỳ này có một cải tiến rất mới trong khi hát cúng tổ, theo soạn giả Phạm Văn Phú cho biết, đó là một màn hình TV rất lớn đặt dưới sân khấu, giúp cho các nghệ sĩ mới vào nghề đứng trên sân khấu, có thể nhìn vào đó để nhớ lời mà hát. Đó là hình thức nhắc tuồng ngày xưa cho đến hôm nay vẫn còn áp dụng, vì lời diễn tuồng đôi khi bằng chữ Nho, rất khó nhớ, người diễn có khi thao thức suốt cả đêm để học bài cho thuộc.

Tiết mục mở màn là trích đoạn “Quang Trung Bắc Tiến” do các nghệ sĩ Thanh Long, Hồng Nga, và giáo sư Ngọc Bầy thủ diễn, nhận được từng tràng tiếng trống chầu khen thưởng, và tràng pháo tay nồng nhiệt, cùng khán thính giả thưởng tiền trong những màn trình diễn độc đáo.

Tiếp theo là trích đoạn “Trưng Trắc Tiễn Thi Sách” do Ái Liên và Lam Phương.D thủ diễn. Xen kẽ trong chương trình còn có các màn tân cổ giao duyên, với trích đoạn “Đêm Mê Linh”, Đình Hiếu và Ngọc Hà diễn, trích đoạn “Chiêu Quân Cống Hồ”, những bài tân nhạc, cùng dàn nhạc do các nhạc sĩ Hai Chơn (đờn kìm), Phương Nghi (đờn tranh), Ngọc Thanh (guitar cổ nhạc), Hoàng Thanh (ketboard) cùng dàn âm thanh, đã góp phần cho buổi diễn hết sức thành công, với tiếng trống chầu khen thưởng dồn dập, tiếng vỗ tay tán thưởng trong không khí hết sức vui vẻ rộn ràng của ngày giỗ tổ.

Ông Lê Văn Đảo, cư dân Westminster, đi dự lễ cúng tổ hát bội hôm nay mà nhớ lại thời xa xưa, khi hát bội còn thịnh hành, vào những dịp cúng đình ở quê vào đầu năm mới, hoặc Lễ Kỳ Yên, có khi kéo dài suốt ba đêm, bà con tấp nập hương hoa trà bánh dâng cúng, có cả nguyên con heo quay, và hát bội dĩ nhiên là màn trình diễn không thể thiếu được.

“Tui là dân Bình Minh, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Thời đó ba tôi được mời cầm chầu, đánh trống trong những dịp cúng đình. Tôi còn nhỏ, chưa biết thưởng thức nghệ thuật hát bội, chỉ đi theo lượm quạt giấy khán giả quăng lên sân khấu, trong đó có kẹp tiền thưởng nghệ sĩ trình diễn cho những đoạn hát hay. Thưởng tiền là một tục lệ tốt đẹp, bởi vì người nghệ sĩ chỉ biết đem hết tài nghệ ra trình diễn cúng tổ, còn thù lao thì có tính toán gì đâu. Nhứt là mọi người đi xem hát đều được mời bữa ăn trưa, cùng nhau hưởng lộc Tổ, giống y hệt hồi xưa,” ông Đảo hào hứng kể.

Các nghệ sĩ trong trích đoạn “Đêm Mê Linh” tại Lễ Giỗ Tổ Hát Bội 2017. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Huê Mỹ, người đi xem, cho biết “hồi nhỏ ở xóm Bùi Viện, Quận 1 Sài Gòn, nơi có nhiều đào kép cư ngụ.”

“Hát bội và cải lương đã thấm vào lòng từ hồi nào, hồi nhỏ má tôi hay dẫn đi coi hát, bà nói ông vẽ mặt đen dữ lắm, còn ra bộ như đi ngựa. Ông xã tôi lúc trước thích tân nhạc, nhưng bây giờ lại mê vọng cổ và hát bội, ông nói những bộ môn này quá hay, nó đi sâu vào lòng người, dễ cảm mến và rất gần gũi với tâm hồn Việt. Hôm nay đi nghe chương trình này, tui thấy thấm vô cùng, rất cảm phục cô Ngọc Bầy cố ráng giữ nền văn hóa cổ truyền bao năm nay, ra tới hải ngoại vẫn tiếp tục dạy học trò bộ môn này,” cô Huê Mỹ kể lại chuyện xưa đã hơn 50 năm rồi.

Giáo Sư Trần Văn Chi cho biết, ông Quốc Thái, tổng giám đốc đài truyền hình Vstar sẽ cố gắng thiết lập một chương trình hát bội hàng tuần, để phát hình cho bà con thuởng thức những tuồng tích hay, cũng là để giới thiệu đến công chúng, nhất là các em nhỏ sinh ra và lớn lên tại Mỹ, hiểu được loại hình nghệ thuật này, cũng là bảo tồn văn hóa cổ truyền dân tộc, rất đáng trân trọng.

Cô Ngọc Hiền, cư dân Westminster, nghệ sĩ trẻ nhất trong đoàn, học trò của giáo sư Ngọc Bầy được hơn 3 tháng nay, cho biết: “Hiện nay bộ môn hát bội ở Mỹ bị mai một, lớp trẻ chúng em muốn truyền bá cho thế hệ trẻ ở đây nét tinh hoa văn hóa của dân tộc, bộ môn này được tiếp nối như là nghệ thuật cao cấp của cung đình. Để tiếp cận và phổ biến bộ môn này, em xin thọ giáo cô Ngọc Bầy, cũng nhờ được học kịch nghệ từ trước nên mạnh dạn hôm nay đóng vai Bùi Thị Xuân để góp mặt cùng các anh chị trong đoàn.”

Giáo Sư Dương Ngọc Bầy ngỏ lời cảm ơn đến nhật báo Người Việt đã ủng hộ phòng hội của báo cho Lễ Giỗ Tổ. Giáo Sư Trần Văn Chi cũng ngỏ lời cảm ơn đến tất cả đồng hương, vì lòng trân quý với bộ môn hát bội mà đến xem diễn. Ông nói tuồng tích diễn có hay cách mấy mà không có người coi thì kể như không có ý nghĩa gì.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT