Friday, April 19, 2024

Nghề giặt ủi ở Little Saigon: Niềm vui khách hàng đổi lại sự cực nhọc

Công Thành/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – “Nghề may, sửa đồ và ‘dry cleaning’ có từ đời ba của tôi. Nghề này rất vất vả nhưng bù lại, được thấy niềm vui của khách hàng khi họ nhận được đồ đẹp. Điều đó đổi lại sự cực nhọc của những người làm nghề như chúng tôi,” chị Phú Tuyển, quản lý tiệm may, sửa và “dry cleaning” Tri Tailor & Alterations nằm trên đường Moran, Westminster, nói.

Tiệm Tri Tailor nằm ở địa chỉ 15060 Moran St., Westminster, CA 92683, ngay trung tâm Little Saigon, cách tòa soạn báo Người Việt khoảng 3 phút lái xe. Khu vực này cũng là nơi tập trung các trung tâm ca nhạc nên không ngạc nhiên khi tiệm của chị thường có các nghệ sĩ nổi tiếng và gia đình họ lui tới ủng hộ.

Tuy nhiên, theo chị Phú, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc làm đồ cho các em nhỏ. Có em sau khi nhìn thấy đồ của mình thì “mừng rỡ nhảy lên ôm hôn cảm ơn” khiến chị rất hạnh phúc. Nhìn thấy khách hàng vui vẻ và trân trọng đồ mình làm cho họ là niềm vui giúp chị Phú theo nghề trên 15 năm nay.

Chị Phú nói: “Phần nhiều khách hàng đến tiệm để nhờ làm nhỏ size, làm lớn size hoặc bóp tạo eo để đồ mặc được đẹp hơn, sau đó là ‘dry cleaning’ cho sạch.”

Bí quyết để tiệm được đông khách theo chị Phú là vì chị rất chiều khách: “Có những người khách quen ở xa đem đồ lại tiệm, dù 6 giờ đóng cửa nhưng tôi vẫn chờ. Hoặc nhiều khi tôi vừa đóng cửa đi về nhưng thấy khách xách đồ tới, cần gấp đồ cho ngày mai là tôi lại mở cửa để tiếp tục làm cho khách. Nhiều khách dễ thương lắm, thấy mình làm cực, nhiệt tình, thế là họ đưa luôn $20, $10 hay có khi $30 mặc dù tôi chỉ lấy giá $5.”

Anh Tony Lê cho biết ủi ép áo sơ mi cần phải rất tỉ mỉ. Người mới vào nghề dry cleaning thường sẽ gặp khó khăn khi làm việc với loại áo này. (Hình: Công Thành/Người Việt)

Khác với tiệm Tri Tailor, tiệm Skylark Dry Cleaners tọa lạc tại 14368 Brookhurst St., Garden Grove, CA 92843, chỉ làm duy nhất dịch vụ “dry cleaning.”

Tiệm này do gia đình anh Lê Phước Thụy làm chủ. Anh Tony Lê, em trai chủ tiệm, cho biết: “Đây là một trong những tiệm ‘dry cleaning’ lâu đời nhất ở Little Saigon. Gia đình tôi mua lại tiệm này từ 17 năm trước, vào năm 2002.”

Theo anh Tony, công việc dry cleaning chủ yếu là lấy công làm lời vì các chi phí cho công việc như tiền supply, tiền rent… ngày càng tăng cao trong khi tiệm không muốn tăng giá phục vụ khách hàng. Các công việc trong tiệm đều do chủ tiệm làm, và vì là chủ nên các anh phải làm nhiệt tình, hết khả năng, quan tâm đến khách nhiều hơn.

Anh Lê Phước Thụy cho phóng viên Người Việt xem cách làm việc của máy dry cleaning machine. (Hình: Công Thành/Người Việt)

“Đa số khách hàng của tiệm là khách quen với đủ các sắc dân như người Việt, Trung Đông, Mexico, Thái Lan, Nam Hàn,… Nhiều khách thân quen người Trung Đông vì quá bận rộn với công việc thường đem cả bao đồ đến để đó rồi đi. Họ rất tin tưởng tiệm chúng tôi,” anh Tony nói.

Anh kể: “Tiệm được nhiều khách quen yêu mến là vì thỉnh thoảng họ để quên check, tiền từ vài trăm đô la, thậm chí có lần cả $1,000 trong quần áo, chúng tôi đều gọi điện cho khách đến để trả lại. Món đồ giá trị nhất khách từng để quên trong đồ là hột xoàn. Khi chúng tôi đưa lại cho khách, họ rất vui mừng, biết ơn và thưởng cho chúng tôi. Hột xoàn đó do con của họ mua tặng, nhét vào túi áo, sau đó họ quên mất là để đâu, và đem đống đồ đi giặt.”

Sử dụng máy thổi cho thẳng là một khâu không thể thiếu đối vơi một số loại áo hoặc suit đắt tiền. (Hình: Công Thành/Người Việt)

Các công việc trong một tiệm “dry cleaning” bao gồm rất nhiều khâu, từ khâu nhận đồ, bỏ invoice vô, bấm tag, phân loại đồ, tẩy đồ, cho đến khâu dry clean, ủi ép hoặc dùng máy thổi cho thẳng. Tuy nhiên theo anh Tony, việc khó nhất thuộc về người đứng bàn tẩy.

“Người đứng bàn tấy phải xem các vết ố trên quần áo là loại gì, ví dụ: cafe, bún bò, máu… để bỏ thuốc thích hợp. Nếu bỏ sai thuốc thì vết ố sẽ không sạch,” anh Tony cho biết.

Về vấn đề sức khỏe của những người làm trong tiệm dry cleaning, anh Lê Phước Thụy, chủ tiệm, nói: “Các loại máy để làm dry cleaning cũ ngày xưa đúng là có ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng các máy mới bây giờ thì đã đỡ hơn rất nhiều.”

Máy dry cleaning cũng giống như chiếc xe hơi, cần phải bảo trì đúng cách để máy không gặp trục trặc. (Hình: Công Thành/Người Việt)

Anh Thụy cho biết tiệm anh luôn đặt uy tín lên hàng đầu, chấp nhận làm thêm giờ để có thể giao đồ đúng hẹn cho khách. Những lúc bị cúp điện hoặc trục trặc máy móc, anh Thụy sẽ nhờ những bạn bè cũng có tiệm dry cleaning giúp đỡ để làm cho khách. Anh trả ơn bằng cách những lúc khác nếu tiệm của các bạn anh gặp trục trặc thì anh giúp họ lại.

“Làm nghề này có cái vui là khi nào ra đường, không phải đi làm, thì quần áo của chúng tôi đều được dry cleaning sạch đẹp nhìn rất sang trọng. Nên nhiều người thấy cứ tưởng chúng tôi rất giàu có. Ít ai biết được những vất vả vì cuộc sống mưu sinh của chúng tôi,” anh Thụy cười hiền hòa.

Các invoice được chuẩn bị sẵn và sắp xếp ngăn nắp trước khi đồ dry clean xong để giao lại cho khách. Nếu xảy ra trục trặc như rơi mất tag trong lúc dry clean thì chủ tiệm sẽ biết và khắc phục. (Hình: Công Thành/Người Việt)

Phóng viên báo Người Việt đứng bên trong tiệm không mất nhiều thời gian để có thể cảm nhận được những khó khăn, vất vả của những người làm công việc này với máy dry cleaning lớn hoạt động liên tục cùng hơi nóng bay ra từ các máy ủi ép, máy thổi cho thẳng quần áo.

Dù không phải là công việc nhàn nhạ, nhưng mọi người trong tiệm đều tỏ ra vui vẻ, say sưa. “Mỗi lần gặp những khách hàng dễ thương, thấy khách hàng trò chuyện vui vẻ, hài lòng với quần áo của họ là bao nhiêu mệt mỏi của chúng tôi cũng tan biến hết,” anh Tony Lê nói. (Công Thành)

—-

Liên lạc tác giả: [email protected]

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT