Friday, March 29, 2024

Vụ bé Yến Anh bị sát hại: Còn đó tình người đầy ắp yêu thương!

Sổ tay phóng viên

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Đọc bài báo, không cầm được nước mắt. Thấy đau đớn quá, nên bằng mọi cách phải đến đây thắp cho cháu bé nén nhang đó cô.”

Người đàn ông ngoài 80 tuổi, một bên mắt không còn nhìn thấy rõ, lái xe hơn hai tiếng đồng hồ từ Los Angeles đến nhà quàn Peek Family trên con đường kẹt cứng xe vào buổi sáng cuối tuần, chỉ để bày tỏ lòng cảm thương của mình với bé Dương Nguyễn Yến Anh, một cô bé 10 tuổi hoàn toàn xa lạ đã bị cha dượng cướp đi mạng sống bằng sáu nhát dao oan nghiệt.

Ông Toàn, người đàn ông nói trên, là một trong số rất đông những người xa lạ khác, đã có mặt tại phòng số 2 của nhà tang lễ hôm Thứ Bảy, 15 Tháng Chín, để góp phần làm ấm lên sự quạnh quẽ của một đám tang thiếu vắng họ hàng, láng giềng, bè bạn. Họ đến để đặt vào tay người mẹ – người đàn bà bất hạnh hơn bất kỳ một người đàn bà nào khác – sự góp sức, sẻ chia, giúp cô vượt qua phần nào nỗi đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác ở một nơi mà cô và những đứa con thơ dại của mình chỉ mới đặt chân đến chưa đầy hai năm rưỡi.

Ngoài ba mẹ con, đám tang không có bất cứ người thân nào, chỉ có những người xa lạ đến với nhau, chia sẻ nỗi đau cùng nhau. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Không có ai đứng sẵn để thắp nhang trao cho khách viếng. Không có ai đứng sẵn để đáp lễ những cái cúi đầu vái lạy. Đám tang đơn chiếc đến vô cùng. Một mình mẹ bé, người còn mang đầy những vết thương trên người, gần như xa lạ với gần hết khách viếng thăm, không cáng đáng được tất cả nghi thức thông thường cần có. Nhưng khi đã đến vì hai chữ “tình người” thì còn ai chấp nhất những chuyện vụn vặt như thế.

Có người đến một mình. Có người đến cùng gia đình. Có người lớn tuổi. Có người trẻ tuổi. Có người đến, lặng lẽ viếng bé, lặng lẽ ra về, rất nhanh. Có người đến, dừng lại, ngồi im lặng trong gian phòng. Đầy cảm thương.

Tôi nhớ hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi, cầm đến bó hoa, đặt lên bàn thờ bé Yến Anh. Thắp cho bé nén nhang. Đứng thật lâu trước quan tài cô bé chưa kịp đón sinh nhật 11 tuổi. Rồi tìm một chỗ ngồi. Im lặng.

Tôi nhớ một bà bác. Sụt sùi như mất người thân. “Con tôi làm trong nhóm cấp cứu vụ này. Khi đó nó đâu biết chuyện gì xảy ra, đâu biết ai là ai. Nó chỉ gọi điện thoại nói với tôi ‘Con đi làm công việc này hơn 20 năm rồi, chứng kiến bao nhiêu cái chết của những đứa trẻ vì bệnh tật, vì tai nạn, nhưng đây là lần đầu tiên con nhìn thấy một đứa bé nhỏ xíu bị người ta đâm như vậy…’ Đến khi đọc báo tôi mới biết chuyện gì đã xảy ra. Con bé còn nhỏ hơn cháu ngoại tôi nữa,” bà lại khóc.

Bà ngồi, cùng người mẹ đau khổ, cùng tôi, suốt mấy giờ liền.

Tôi nhớ Thu Hà, người đã thức từ lúc 3 giờ sáng để đi làm, và ghé đến nhà quàn sau giờ tan sở. Ngồi lại cùng tôi, cùng nhiều người xa lạ khác, trò chuyện cùng mẹ bé xem có thể giúp được gì trong những ngày sắp tới. Cách của Thu Hà, cũng như bao người, vì nghĩa tình đồng hương, vì lòng trắc ẩn, “Bé này bằng tuổi con em đó chị,” không phải vì nhân danh cho một chức nghị viên có mặt để được lên báo, lên hình. Bởi, nơi này không có xướng danh, không có phát biểu.

Tôi nhớ ca sĩ Nguyễn Tiến Dũng cầm đến hộp bánh trung thu, “Mùa trung thu là của con nít, mang bánh đến cho bé vui.” Mẹ bé mắt lưng tròng, “Dạ, để em mang lên chùa cúng con em.”

Em trai 6 tuổi ôm di ảnh chị 10 tuổi, bên cạnh những người xa lạ nhưng lại tràn đầy lòng thương yêu, vỗ về. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tôi nhớ khay bánh mì của chị Ngọc Đan Thanh mà tôi gọi đùa “bánh mì cứu đói.” “Chị biết mà, trong những lúc như vầy có ai đâu mà lo cho mấy đứa ăn uống.” Chị chu đáo đến bất ngờ. Chị đến thay cho nhiều bạn bè của chị, từ nhiều nơi, nhưng cứ dặn đi dặn lại, “Em đừng nói với mẹ bé chị là ai, chị đến như mọi người.”

Tôi nhớ những dòng tin nhắn của anh Mai Phi Long hỏi thăm về đám tang của bé, để rồi cố gắng chạy đến, cũng là thay mặt cho những bạn bè nổi tiếng khác luôn muốn ẩn mình, thực hiện nghĩa cử của tình đồng hương ấm áp.

Tôi nhớ gia đình chị Phước, chị Hoàng, cũng dành một sáng Thứ Bảy đẹp trời để có mặt trong đám tang đơn chiếc của một người xa lạ.

Tôi nhớ sự hối hả của chị Hoa, chủ nhân Bolsa Travel, tạt vào đốt cây nhang, nói dăm ba câu, rồi vội vã đi. Rồi lại quành trở lại, cầm thêm vài chiếc bao thư, “Của bạn bè chị mới gửi thêm cho em” đặt vào tay người mẹ trẻ.

Tôi nhớ anh chủ Quán Mi đi cùng một người bạn, ngồi lại cùng chúng tôi, cũng với lý do: nhìn vắng lặng quá, trong ngày Thứ Sáu.

Tôi nhớ tên được chừng ấy người, và vô số người tôi không biết tên. Tôi nhớ một em, cũng vội vã chạy đến, nhờ “Chị đưa cái này cho chị San giúp em, em là khách hàng của chị ấy. Giờ em phải đi đón con em.” Tôi nhớ người phụ nữ trẻ, dáng thanh thoát, nhẹ nhàng, có mặt nơi nhà quàn khi lễ nhập quan vừa xong, cũng là một người xa lạ, để chia sẻ nỗi mất mát cùng người mẹ mất con, để gửi tờ chi phiếu giúp người mẹ qua cơn ngặt nghèo.

Tôi nhớ một chú nói nhà ở Long Beach cũng dành ngày cuối tuần cho đám tang một người chẳng hề quen. Tôi nhớ Hằng Ny cùng những bạn bè, ai cũng có sự bận rộn trong ngày Thứ Bảy, nhưng vẫn dành chút ưu tiên đến viếng cô bé xa lạ qua đời trong cái chết đầy tức tưởi.

Tôi nhớ bà vú già lụm cụm của anh Linh Vũ, người cùng em gái mình tạm thời đứng ra bảo bọc cho người mẹ bất hạnh và hai đứa con nhỏ của cô, cùng đại gia đình anh chị em ruột, cả dâu cả rể không cùng gốc Việt, cả những người cháu không rành tiếng Việt của anh, họ đến như dự tang lễ người thân, dù chưa một lần gặp mặt.

Tôi nhớ vợ chồng anh Tom Trần, người đứng ra thành lập quỹ Gofundme với hy vọng có đủ tiền làm đám tang cho bé Yến Anh, đã quá bất ngờ khi bài báo Người Việt đăng lên, số tiền tăng hơn gấp 4 lần mức ước mơ.

Tôi nhớ các sư thầy, các Phật tử chùa Huệ Quang đã có mặt trong những lúc quan trọng để thực hiện trọn vẹn nghi thức cho người vừa khuất.

Tôi nhớ anh Đỗ Thanh, anh Triết Trần, chị Di Ái Hồng Sâm, chị Mai Bùi – phu nhân nghị viên Phát Bùi, những “người của công chúng” cũng có mặt tiễn đưa.

Và còn biết bao người nữa, tôi không thể nào biết mặt biết tên, những người qua đường link tôi dẫn đến quỹ Gofundme, qua địa chỉ hướng đến chùa Huệ Quang, đã không chút đắn đo mở hầu bao đóng góp trong khả năng mình có, như một nghĩa cử tiễn biệt, chúc lành cho một linh hồn nhỏ đang bay về một nơi rất xa…

Chị Nguyễn Thanh San, mẹ bé Yến Anh, và anh Tom Trần, người gây quỹ lo chi phí đám tang, qua bài báo này muốn gửi lời cám ơn đến tất cả những người đã quan tâm đến sự ra đi của Yến Anh, đến cuộc sống trước mắt của người mẹ phải lo cho hai con nhỏ nhưng lại mất đi khả năng làm việc bằng tay, lời tri ân tận đáy lòng của họ.

Ai đó cho rằng kiếm được đồng hương tử tế ngày nay thật khó. Tôi lại không nghĩ vậy. Người tốt vẫn luôn là số đông. Họ bao dung, rộng lượng và tử tế đến vô cùng. Họ luôn có mặt ở nơi cần có, không toan tính, không phán xét, không đòi hỏi sự đáp trả. Họ chính là những người khiến tôi luôn cảm thấy tự tin khi viết câu “Vẫn còn đó tình người đầy ắp yêu thương.”

—-

Liên lạc tác giả: [email protected]

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT