Tuesday, April 16, 2024

Lớp vẽ cao niên VSAC tưng bừng tổ chức hội Tết Xuân Mậu Tuất

Linh Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Lớp vẽ cao niên VSAC tưng bừng khai mạc hội Tết Xuân Mậu Tuất từ 11 giờ sáng đến 5 giờ chiều Thứ Tư, 24 Tháng Giêng, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.

“Đây là một thông lệ, mỗi năm nhân dịp Xuân về, lớp vẽ chúng tôi tổ chức hội Tết với đầy đủ các sinh hoạt Tết cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt năm nay kỷ niệm năm năm lớp vẽ mà chúng tôi cùng nhau sinh hoạt. Mục đích là để chung vui trong giai đoạn tuổi vàng, gặp gỡ hàn huyên, sau bao đổi thay trong cuộc đời,” bà Minh Hiếu, trưởng lớp, nói với nhật báo Người Việt.

Bà cho biết các thành viên “ban hành động” ráo riết chuẩn bị trước cho việc tổ chức trong suốt hai tháng trời để có ngày hôm nay.

Lắc bầu cua. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Sở dĩ nói ‘ban hành động’ là để nói lên đặc tính dấn thân của nhóm anh chị em tình nguyện, chia sẻ các công việc. Chúng tôi tâm nguyện làm là làm cho bạn bè. Làm là để cho bạn bè vui. Thế là đủ. Vì thế, chúng tôi tụ họp từ 9 giờ 30 sáng để trang hoàng và kê bàn ghế,” bà nói.

Tuy làm việc vất vả, nhưng “ban hành động” lại ra thông cáo phải đồng phục, áo T-shirt đen, quần đen, khăn quàng lụa trắng, áo phải có logo VSAC. Chưa hết, nhớ đem theo áo dài, vì có màn trình diễn áo dài, và biểu diễn nhảy “line dancing” của cô Mai nữa.

Còn vấn đề ăn thì trưởng lớp lại nhắn nhủ: “Giờ ăn chính thức là bốn giờ chiều. Nhớ mua thức ăn ủng hộ tại các gian hàng cho đỡ đói. Mục đích để chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, gây quỹ luôn một thể!”

Học viên lớp VSAC trình diễn nhảy Line Dancing. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Một người khác, phải gọi là cánh tay phải của trưởng lớp, ông David Phạm, đứng gần, cho biết: “Tuy ban tổ chức muốn có thật nhiều gian hàng, nhưng vì diện tích phòng sinh hoạt có giới hạn, nên chúng tôi chỉ thực hiện 20 gian hàng tiêu biểu. Từ gian hàng bánh chưng, bánh tét, bánh kẹo, mứt, đến gian hàng nữ trang, đến bò khô, gan cháy, và cả hột vịt lộn với rau răm. Đầy đủ!”

 

Về không khí Tết, gian hàng bánh chưng của hai chị Khiêm Trinh và Kỳ Dung cũng được nhiều thành viên và khách du Xuân chiếu cố.

“Bánh chưng rất ngon, nóng hổi, rất tiện để cúng, biếu hoặc ăn sáng. Chỉ có $5! Mua đi anh!” lời mời chào sao mà ngọt thế! Chắc năm nay lớp VSAC sẽ phát tài lắm đây.

Ca sĩ Ngọc Quỳnh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Thêm phần nhộn nhịp, ban bán vé số lên tiếng: “Ba đô một vé, trúng $1 triệu ngay tại chỗ. Không phải chờ đợi. Không sợ quên hay mất.”

Rồi tiếng hát từ đâu đó vang lên, chắc là để cò mồi: “Xổ số kiến thiết ‘lớp ta’, mua lấy xây nhà (nursing home), cùng nhau hưởng già!”

Giữa sàn nhà là hai nhóm lắc bầu cua. Một do anh Thiệp và chị Mộng Tâm phụ trách.

“Năm nay lỗ vốn, vì quên chọn anh Thiệp làm nhà Cái. Chưa lắc đã thiệp thì còn làm gì được!” anh Bình xách máy hình đi ngang, nhận xét. Chắc anh cũng không được hên năm nay?

Nhóm lắc bầu cua thứ hai do anh Hưng Huỳnh và chị Anh Đào đứng cái.

“Nhóm này có vẻ ăn nên làm ra, chắc là nhờ có anh Hưng, lại thêm chị Đào!” một người khác nhận xét.

Khách và thân hữu tới chơi ủng hộ lớp vẽ ngồi kín sáu hàng ghế. Mọi người quần áo chỉnh tề như ngày Tết, vừa ngồi nhâm nhi các món ăn, vừa đưa mắt thưởng lãm các bức tranh của chính các thành viên lớp vẽ cao niên treo hai bên tường.

Trên trần nhà là các chiếc dù và lồng đèn do các học viên vẽ và trang trí. Đặc biệt sau lưng gian hàng viết chữ thư pháp là một bức tranh biếm họa lớn, do giảng viên Nguyễn Cao Hiệp vẽ trong lớp vẽ thứ hai, do Bower Museum bảo trợ cho lớp vẽ trong năm đầu tiên. Hôm nay anh cũng có mặt để chung vui với các học trò cũ.

Gian hàng bánh chưng. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Chương trình xen kẽ các màn đơn ca, hợp ca, với tiếng hát Hồng Tước, Ngọc Qùynh, Minh Hạnh, Mai Chi, Tường Anh, v.v… mang âm hưởng của không khí Tết năm nào còn ở Sài Gòn.

“Học sinh hành khúc,” “Em đi chùa Hương,” hay “Nắng có còn Xuân” là tên một số các bài hát được mọi người thưởng thức.

Sau giờ ăn, chương trình tiếp tục với màn trình diễn áo dài. Trong khi đó, ban tổ chức cho xổ số, khiến không khí có vẻ như nặng nề, hồi hộp. Nhưng khi có người trúng số thì lại cũng có những tiếng thở dài. Một số người nhìn nhau như thầm nói, “phải chi tôi trúng thì đỡ căng thẳng hơn?”

Về cảm tưởng của người tham dự, đa số đều nhận xét là tiết mục nào cũng hay, vì đã nói lên sự cố gắng của mọi người muốn chung vui, đóng góp.

Ông Nguyễn Đức Cẩm, 70 tuổi, thành viên lớp VSAC, chia sẻ: “Lớp này năm nay mục nào cũng vui. Dù mới chỉ tham dự lớp này được tám tháng, tôi thấy thoải mái tâm hồn.”

Nhạc Sĩ Hoàng Bá, 75 tuổi, cư dân Anaheim, tình nguyện dạy lớp tây ban cầm, cho biết: “Tuổi về hưu nên quan trọng là họ có hạnh phúc không? Nếu hạnh phúc và cho nhau hạnh phúc là thành công rồi!”

“Trong khi dạy đàn, tôi rất khó thuyết phục quý bà cắt móng tay, đừng để móng dài. Tôi đầu hàng!” nhạc sĩ cười, nói thêm.

Riêng màn trình diễn áo dài có vẻ được mọi người thích thú, trong đó có ông Chính Lê, ông Thiện Đỗ và chị Mộng Tâm.

Riêng chị Thư An, một thành viên khác của lớp vẽ, góp ý: “Nhóm Liên Hoa rất xuất sắc trong bài ‘Bóng Hồng Việt Nam’ vì những tà áo dài và hình ảnh các chiếc nón lá khiến người xem cảm thấy gần gũi với quê nhà.”

“Sau những âm thanh rộn rã, bài thể dục dưỡng sinh do anh Lâm Nguyễn trình bày, khiến chúng tôi thấy tâm hồ lắng đọng. Thích lắm!” chị nói.

Anh Bình Nguyễn, phó nhòm của lớp, thở dài: “Năm nay chụp hình miễn phí nên lỗ nặng!”

Lớp vẽ cao niên VSAC sinh hoạt từ 1 đến 4 giờ chiều mỗi Thứ Tư, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, đến nay được tròn năm năm. (Linh Nguyễn)

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Nghiện game dưới góc nhìn bệnh lý”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT