Friday, March 29, 2024

Một ngày đáp xe điện lang thang đến Phố Tàu

Phụng Linh/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Tôi đã có dịp đi xe lửa ở Việt Nam, từ Sài Gòn đến Nha Trang, rồi Hà Nội. Tôi cũng từng ngồi metro đi lòng vòng Tokyo của nước Nhật, đã đáp metro đi lại giữa lòng thủ đô Paris của nước Pháp. Nhưng cho đến khi ngồi metro link đi từ trạm Anaheim của thành phố Orange County, Nam California đến khu phố Tàu của thành phố Los Angeles, tôi mới nhận ra đó là loại phương tiện vận chuyển không bao giờ bị tắt đường, rẻ tiền và… vui.

Đậu chiếc xe hơi vốn oi nồng, chật hẹp tại trạm metro chính của thành phố Anaheim, tôi chuẩn bị lên metro link khoảng giữa trưa Chủ Nhật cuối tháng qua. Tôi ngạc nhiên vì giá vé dành cho người từ 65 tuổi trở lên chỉ bằng một nửa giá dành cho người lớn. Như vậy là tôi đi một chuyến metro từ trạm Anaheim ở gần nhà đến địa điểm mà tôi muốn tới là Chinatown của thành phố Los Angeles chỉ tốn 4.25 Mỹ kim. Giá vé mà một người bạn đồng hành của tôi phải mua là 8.75 Mỹ kim. Tôi hiểu rằng sự ưu đãi này cũng là biện pháp khuyến khích hành khách lớn tuổi sử dụng loại phương tiện vận chuyển công cộng này, mặc dù có vẻ như người lớn tuổi không đủ sức khoẻ, không đủ mạnh đôi chân, nói tóm lại là không thích hợp để chạy đua với giờ xuất bến của metro link so với xe buýt.

Từ trạm xe điện nhìn ra phố Tàu Los Angeles. (Hình: Phụng Linh/Người Việt)
Từ trạm xe điện nhìn ra phố Tàu Los Angeles. (Hình: Phụng Linh/Người Việt)

Chiếc metro link chỉ gồm sáu toa hành khách nhưng rộng rãi, giống hệ thống “tàu chợ” ở Việt Nam nối liền các thành phố Anaheim, Orange, Santa Ana, Tustin, Irvine, Laguna Niguel, Mission Vidjo, San Juan Capistrano, San Clemente, San Clemente Pier, Oceanside và Fullerton, Buena Park, Norwalk, Santa Fe Spring, Commerce và Los Angeles. Dừng lại nhiều trạm, nhưng chỉ vỏn vẹn gần 20 trạm đấy thôi, metro link có vẻ là phương tiện dành cho người địa phương. Vì vậy mà tôi không lạ khi thấy có một khoảng không gian trên tàu làm chỗ đậu xe đạp.

Ngồi trên xe lửa lắc lư, thỉnh thoảng rúc còi inh ỏi, tôi nhắm mắt lại để hồi nhớ chặng đường dài trên chuyến tàu xuyên Việt “xình xịch” từ Nam ra Bắc. Nhưng không tài nào nhớ được. Chiếc metro link chạy nhẹ và êm hơn nhiều, không ồn ào, lộn xộn như xe lửa Việt Nam. Khung cảnh bên ngoài ở đây cũng hoàn toàn khác hẳn, không có những con đường rầy ngập mùi hôi thối, không bị vây chặt giữa những dãy nhà san sát hai bên, cũng không có một màu xanh của những cánh đồng lúa xa tít đến chân trời. Chỉ có những cây cọ dừa cao một bên đường là quen thuộc với tôi.

Nếu đi xe hơi trong giờ cao điểm, chuyến đi từ Anaheim đến Los Angeles mất gần 2 tiếng đồng hồ, nhất là đoạn đường bao quanh khu phố Tàu. Đi metro link chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ.

Trạm xe lửa Los Angeles nằm dưới mặt đất khá rộng làm tôi ngạc nhiên. Tuy không lớn bằng trạm metro Paris, hay Tokyo, nhưng Los Angeles cũng có đầy đủ tất cả các cửa hàng, quán ăn, các ngõ đi ra ngoài, đến các trạm nối chuyến chi chít rất dễ bị lạc lối. Ở đây có một trạm nhận hành lý của hành khách đi Amtrak nối từ thành phố San Diego giáp ranh biên giới Mexico đến thành phố Seattle của tiểu bang Washington State và Vancouver của Canada.

Phút thư giãn của hành khách trạm xe điện Los Angeles. (Hình: Phụng Linh/Người Việt)
Phút thư giãn của hành khách trạm xe điện Los Angeles. (Hình: Phụng Linh/Người Việt)

Tôi đến Chinatown, phố tàu của người California với cảm giác nhẹ hẫng, có lẽ vì không thấy mệt trên đoạn đường xe lửa ngắn ngủi. Phố Tàu hiện ra trước mặt. Tôi đi loanh quanh Sài Gòn Market, cũng mua một dĩa xoài, mít gọt sẵn, và không có nhu cầu mua áo T-shirt bày bán ở đây chỉ có 2 Mỹ kim một chiếc.

Loanh quanh một hồi, tôi trở lại trạm xe lửa Los Angeles để tiếp tục ngắm nhìn người người qua lại, nhận ra hai, ba thanh niên Hoa Kỳ đang cùng đàn và hát với nhau cạnh một chiếc piano đặt ở góc nhà ga. Chiếc đàn này dành cho mọi người, ai biết chơi thì cứ đến chơi. Âm thanh vui nhộn của những bản nhạc không ngừng nghỉ lan toả khắp nhà ga, làm tất cả mọi người qua lại cảm thấy vui nhộn không kém.

Bạn tôi mua một cái bánh bày bán trong cửa hàng Wetzel’s Pretzels, bỗng nhận ra thông báo mời gọi dùng ứng dụng của iPhone để yêu cầu cửa hàng cung cấp mỗi người một cái bánh miễn phí. Thế là hai chúng tôi được hai cái bánh Pretzels mà không phải trả tiền.

Chúng tôi quay trở về Anaheim bằng Amtrak, với giá vé đắt gấp 3 lần: 27.75 Mỹ kim và không có vé dành cho người cao niên. Chúng tôi chọn phương tiện này dù đắt để có dịp chen chân với dòng hành khách rộn rịp lên xuống với nhịp độ tất bật khác thường so với metro link.

Amtrak không có nhiều điểm dừng, chỉ dừng lại một số trạm chính để dành thời gian ngược xuôi gần như từ Nam ra Bắc của tiểu bang California. Đặc biệt là amtrak có vài hàng ghế có khay đặt laptop để hành khách có thể làm việc trong những chuyến đi dài, với một lộ trình dầy đặc.

Thời gian đi từ Los Angeles trở về Anaheim bằng amtrak cũng chỉ hơn một tiếng đồng hồ. Tôi thong thả trở lại Aneheim, không thấy nóng, cũng không thấy mệt như ngồi trên chiếc xe hơi ngược xuôi, thường xuyên bị căng thẳng. Còn một điều nữa khiến hành khách metro link khó bỏ qua loại phương tiện vận chuyển công cộng này. Bạn sẽ được giảm thuế nếu mỗi tháng chi đến 255 Mỹ kim để đi lại bằng metro link.

Chuyến đi xe lửa đầu tiên từ thành phố Anaheim của California đến Los Angeles khiến tôi mơ mộng một ngày nào đó sẽ ngồi trên amtrak xuôi đến tận Seattle để thăm viếng người thân. Đúng là phương tiện đi lại mang lại cảm giác an toàn hơn, có nhiều thời gian để ngắm cảnh hai bên đường và ít căng thẳng. Một phụ nữ không còn trẻ như tôi đã bắt đầu thấy ngán cái cảnh ghì chặt tay lái xe hơi để lên đồi xuống dốc.

Mời độc giả xem phóng sự: “Đi ăn vịt quay Bắc Kinh ở Virginia”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT