Thursday, March 28, 2024

Một người Việt tị nạn làm nhân vật số 2 một tiểu đoàn Mỹ

CĂN CỨ FORT BRAGG, North Carolina (NV) – Bản tin của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hôm Thứ Hai vừa đăng bài viết “Face of Defense: Vietnam Native Finds Success in US Army,” nói về một người lính Mỹ gốc Việt, tên là Thịnh Huỳnh, có cấp bậc thượng sĩ thường vụ (Command Sergeant Major) của Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 504, thuộc Sư Đoàn 82 Nhảy Dù.

Trong quân đội Mỹ, thượng sĩ thường vụ là nhân vật quan trọng thứ nhì, chỉ sau đơn vị trưởng.

Theo Chính Sách Chỉ Huy Quân Đội Mỹ, người giữ chức vụ thượng sĩ thường vụ là hạ sĩ quan cao cấp nhất trong một đơn vị cấp tiểu đoàn hoặc cao hơn. Người này có trách nhiệm thực hiện các chính sách và tiêu chuẩn, và cố vấn cho đơn vị trưởng trong việc thi hành nhiệm vụ, huấn luyện, phong thái binh sĩ, và chỉ huy tất cả từ hạ sĩ quan trở xuống của đơn vị.

Theo bản tin, ông Thịnh ra đời trong một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Việt Nam, trải qua thời kỳ khó khăn sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, gia đình phải kiếm ăn hàng ngày.

“Chúng tôi nghèo đến nỗi tôi từng nhìn người ta ăn,” ông Thịnh nói. “Chúng tôi ít khi được ăn. Chúng tôi chỉ được ăn hai hoặc ba bữa ăn mỗi tuần.”

Trước năm 1975, gia đình ông làm ruộng. Sau đó, chính quyền Cộng Sản tịch thu ruộng của nhà ông để chia cho người của họ, ông Thịnh kể.

“Họ lấy luôn cả nhà của gia đình tôi,” ông nói.

Chính vì vậy mà gia đình ông quyết định trốn thoát khỏi Việt Nam, hy vọng có đời sống tốt hơn.

Năm 1986, ông Thịnh, lúc đó 10 tuổi, cùng gia đình vượt biên, trên một con thuyền nhỏ chật người, như cá trong hộp, lênh đênh trên Biển Đông.

“Tôi từng thấy hình vẽ các nô lệ trên thuyền, và thấy chúng tôi chẳng khác gì họ,” ông kể. “Chúng tôi bị nhét chật cứng, không cựa quậy được.”

Và ông chứng kiến nhiều sự việc mà ông không ngờ con người dám làm để mà sống sót, những chuyện mà trẻ em như ông đáng ra không nên được chứng kiến.

Ông kể, có người cố uống càng nhiều nước càng tốt, như là để dự trữ, mà không cần đếm xỉa gì đến những người sau, có khi chỉ được vài ngụm một ngày.

Sau 10 ngày trên biển, cuối cùng, chiếc thuyền chở 86 người tấp vào đảo Pulau Bidong của Malaysia.

Trong thời gian ở trại tị nạn, ông cố gắng học đọc và viết, và học văn hóa nước Mỹ.

Ngày 28 Tháng Chín, 1989, ông Thịnh và gia đình đến một thành phố nhỏ ở tiểu bang Iowa.

“Nếu không có nước Mỹ, có lẽ tôi đã chết từ cả chục năm trước,” ông Thịnh Huỳnh nói. “Nếu không trốn khỏi Việt Nam, cuộc đời tôi sẽ không được như ngày nay.”

Mê đi lính từ khi còn trong trường học, ông Thịnh chọn tập trung học những môn liên quan đến quân đội Hoa Kỳ.

Năm 1996, ông gia nhập quân đội Mỹ lúc 20 tuổi, nhưng không dám nói với gia đình vì sợ mẹ buồn.

“Khi tôi tham gia quân đội, tôi không nói cho cha mẹ biết, mà chỉ cho họ biết hai ngày trước khi tôi vào trại huấn luyện,” ông kể.

“Mẹ tôi rất bực mình, bởi vì lúc đó tôi đang học đại học,” ông Thịnh kể. “Không ai muốn đứa con của mình, vừa thoát khỏi cuộc chiến Việt Nam, bây giờ lại đi lính Mỹ.”

Cho dù cha mẹ lo lắng, ông Thịnh vẫn giữ nguyên quyết định của mình, vì ông tin rằng, không có gì tốt hơn là phục vụ cho đất nước mà bây giờ ông gọi là quê hương.

“Kể từ khi vào trại tị nạn, tôi luôn mơ ước trở thành binh sĩ Hoa Kỳ,” ông Thịnh nói. “Mỗi ngày, tôi đều nói ‘Tôi cần vào quân đội Mỹ.’ Và đó là điều tôi làm. Tôi tham gia quân đội. Tôi không hối tiếc gì cả.”

Hai mươi tuổi, và sau đó ra chiến trường sáu lần, binh sĩ Nhảy Dù này nói rằng, ông có được sức chịu đựng, danh dự, và một tình yêu vô cùng lớn đối với nước Mỹ.

Mặc dù từng chỉ huy nhiều người lính, ông Thịnh không bao giờ nghĩ có ngày ông trở thành thượng sĩ thường vụ trong Sư Đoàn 82 Nhảy Dù.

“Tôi không bao giờ đưa ra mục tiêu là mình sẽ làm thượng sĩ thường vụ,” ông nói. “Mục tiêu của tôi là luôn luôn chăm sóc cho binh sĩ của tôi. Bây giờ, trong vai trò lãnh đạo này, tôi rất vui. Đây là một vinh dự trong một đơn vị đầy lịch sử, tự hào, truyền thống, và có một số binh sĩ và lãnh đạo tốt nhất trong Lục Quân.”

Người thượng sĩ Mỹ gốc Việt này nói, ông tin rằng, những gì trải qua ở Việt Nam làm cho ông trân trọng tự do ông có trong vai trò một công dân Mỹ.

“Tôi sẽ không bao giờ coi nhẹ nước Mỹ, hoặc tự do mà tôi có ở đây,” ông Thịnh nói. “Tôi biết lớn lên tại một nơi không có tự do sẽ ra sao, vì tôi sẽ phải sợ cho số phận của mình mỗi ngày.”

Như vậy, sau gần 30 năm rời Việt Nam, cuối cùng, Thượng Sĩ Thịnh Huỳnh tìm được cho mình một nơi mà ông gọi là quê hương.

“Ngay khi bước chân lên nước Mỹ, tôi biết ngay, nơi này bây giờ là quê hương của tôi,” ông chia sẻ. “Tôi sinh ra ở Việt Nam, nhưng tôi bỏ trốn. Nước Mỹ bây giờ là quê hương của tôi.” (Đ.D.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT