Wednesday, April 24, 2024

Nghề chụp hình có còn ‘sống được’ ở Little Saigon?

Trúc Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Có lẽ ai trong chúng ta cũng thích chụp hình, bằng chứng là ở các buổi tiệc, lễ hội… gần như ai cũng tự chụp hoặc chụp cho người khác bằng điện thoại hay camera. Thế nhưng, ở quanh vùng Little Saigon, các studio lại khá yên ắng, rất ít khách chụp hình chân dung.

Gian nan mở tiệm

Anh Benjamin Vũ, chủ nhân một studio chụp ảnh cùng tên ở thành phố Westminster cho hay, để mở được studio chụp hình không dễ dàng chút nào.

Trước nhất, người chủ phải xin giấy phép tiểu bang, sau đó là xin giấy phép thành phố. Rồi mua sắm các máy móc, dụng cụ phục vụ cho việc chụp hình. Trang trí studio, làm bảng hiệu, in các hình mẫu treo trên tường, in nhiều cuốn album cưới làm mẫu… rồi đăng quảng cáo trên báo, internet. Rất nhiều việc phải làm và rất nhiều tiền phải chi.

Sau những chi phí và công việc ban đầu, tiếp theo là làm sao để khách hàng biết đến mình càng nhiều càng tốt trên internet, cũng như luôn thấy sự hiện diện của mình.

Tác phẩm Hoài Thương của nhiếp ảnh gia Benjamin Vũ. (Hình do tác giả cung cấp)

Cũng như nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, internet là một nơi quan trọng cho các studio chụp hình. Nếu chủ nhân studio giỏi tiếng Anh, rành internet, biết cách làm sao khách hàng có thể tìm thấy mình trên Google, Yelp thì đó là lợi thế. Bởi ngày nay, trước khi mua gì, từ hàng hóa cho đến dịch vụ, người mua thường tìm kiếm thông tin trên internet, xem sản phẩm đó, dịch vụ đó bao nhiêu “star”. Cho nên người làm kinh doanh, dịch vụ bây giờ không thể làm một cách cẩu thả, bởi nếu khách hàng không hài lòng, họ sẽ viết ý kiến không tốt trên internet và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình.

Để mở được một studio đã khó và để duy trì được lại càng khó hơn. Studio của anh Benjamin Vũ đã duy trì được 15 năm và được “5 sao” trên Yelp, nhưng khi phóng viên báo Người Việt hỏi về tương lai, Benjamin lại không mấy lạc quan: “Rất khó để nói trước điều gì vì nghề chụp ảnh ngày nay không còn như trước đây, nhiều studio phải đóng cửa vì khách hàng càng ngày càng ít, tiền thu vào không đủ trả tiền ‘rent’ hay còn gọi là phí thuê cơ sở.”

Hỏi có đoán được vì sao khách hàng càng ngày càng ít, anh Benjamin cho hay: “Giới trẻ ngày nay họ vẫn còn thích chụp hình, nhưng kiểu là dùng điện thoại chụp cho vui thôi, chứ họ không thích ‘diện’ đồ đẹp rồi đến những nơi có cảnh đẹp chụp bộ ảnh như thường thấy ở Việt Nam. Giới trẻ ở đây Mỹ hóa rồi, họ bình dân lắm. Nghệ sĩ ở đây cũng hiếm khi chụp hình để gửi cho báo chí đăng như ở Việt Nam.”

Hình cưới do nhiếp ảnh gia Benjamin Vũ chụp. (Hình do tác giả cung cấp)

Khách hàng nhiều nhất của studio Benjamin Vũ là khách chụp hình cưới và chụp kỷ niệm gia đình. Cũng có khách hàng đến studio chụp chân dung nhưng rất ít. Giá trung bình để chụp một bộ ảnh cưới là khoảng $3,500. Còn một bộ ảnh chân dung gia đình có giá trên dưới $1,000.

Nghề ‘khó sống’

Anh Phú Lê, một nhiếp ảnh gia tự do ở thành phố Westminster, rất đam mê về nhiếp ảnh và có gần 6 năm trong nghề nhưng không nghĩ đến chuyện sẽ mở một studio vì thấy rằng rất khó để “sống được” với nghề nhiếp ảnh.

Anh Phú Lê cũng cho rằng mở một studio chụp hình rất tốn kém và phức tạp. Nhưng cái chính là ngày nay khách chụp hình không nhiều. Chụp ảnh cưới, không phải tuần nào cũng có. Còn chụp chân dung, chụp gia đình, ai cũng bận rộn từ sáng đến tối, ngày nghỉ phải lo bao nhiêu chuyện cho gia đình hoặc bản thân mình, lấy đâu ra thời gian mà đi chụp hình!

“Tôi thực sự đam mê nghề nhiếp ảnh và đến giờ tôi vẫn tiếp tục tìm tòi, học hỏi về nghề. Hằng năm tôi đều tham dự triển lãm WPPI (Wedding & Portrait Photographers International) ở Las Vegas học hỏi kinh nghiệm, xem họ có gì mới. Mặc dù vậy, nhưng tôi xác định đây chỉ là nghề tay trái, nên cũng có chút kén chọn khách hàng, không phải ai tôi cũng nhận chụp.” – Anh Phú Lê cho biết.

Hỏi không có studio, không quảng cáo, vậy làm sao khách hàng biết đến? Anh Phú Lê cho biết, khách hàng chụp ảnh phần lớn là khách hàng của anh ở công ty khác, nơi anh làm “sale” bán ghế massage cho tiệm nail.

Cũng đồng ý với ý kiến rằng các studio chụp hình bây giờ, nhìn chung, hơi khó khăn hơn trước, nhưng anh Huy Khiêm, chủ nhân Huy Khiêm Photography ở thành phố Garden Grove, có cái nhìn khác.

Hình do nhiếp ảnh gia Huy Khiêm chụp và cung cấp.

Theo anh, có nhiều nguyên nhân, nhưng một phần là do “photographer” bây giờ nhiều quá, ai cầm máy cũng trở thành “photographer”. Nhiều người không có studio, chỉ cần cái camera là nhận khách, giá nào cũng chụp. Chính vì vậy mà các studio dần mất khách.

“Nhưng tôi may mắn vẫn có khách hàng ổn định vì studio của tôi là một trong những studio lâu đời ở đây, 20 năm rồi. Khách hàng nói đến Huy Khiêm là nói đến chất lượng, nên họ chấp nhận trả chi phí, có thể hơi cao một chút, để có bộ ảnh đẹp.”, anh Huy Khiêm cho hay.

Nhiếp ảnh gia Huy Khiêm nổi tiếng trong cộng đồng người Việt về chụp ảnh chân dung. Anh cũng là tên tuổi quen thuộc chuyên chụp ảnh cho nghệ sĩ, báo chí. Không chỉ vậy, anh còn có khách hàng ổn định về ‘commercial’.

Hình cưới do nhiếp ảnh gia Huy Khiêm chụp. (Hình do tác giả cung cấp)

Giá chụp ảnh cưới ở studio Huy Khiêm từ $2,000 – $4,500. Còn bộ ảnh chân dung có giá từ $650 trở lên.

“Nghề nhiếp ảnh hiện nay, nói là khó nhưng cũng không hoàn toàn như vậy. Nhiếp ảnh gia, người chủ studio, nếu luôn học hỏi, tìm tòi, biết cập nhật xu hướng nhiếp ảnh mới, hết lòng với công việc của mình thì sẽ tồn tại được thôi. Cũng có khách hàng chọn ‘photographer’ có giá rẻ, nhưng vẫn có rất nhiều khách hàng đặt phẩm chất lên hàng đầu, họ sẽ chọn nhiếp ảnh gia giỏi”, anh Huy Khiêm nhắn gửi. (Trúc Linh)

——

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Điều khó diễn đạt của vết thương lòng nơi trẻ em”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT