Thursday, March 28, 2024

Người gốc Á ở Quận Cam: thích ăn ngon nhưng rất ít người học làm đầu bếp

WESTMINSTER, California (NV) – Cho đến bây giờ, các bậc cha mẹ gốc Á Châu cũng thường chỉ muốn con cái của mình đi học những ngành nghề ổn định như bác sĩ, kỹ sư, dù rằng có nhiều nghề ngày càng phổ biến, trong đó có nghề đầu bếp nhà hàng.

Trong độ mười năm gần đây, sức ảnh hưởng của các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook, Twitter và Instagram ngày càng lớn mạnh. Nhiều người đi ăn rồi chụp hình lại, đăng lên các trang mạng xã hội này để khoe với bạn bè. Cũng có nhiều người đi ăn rồi quay phim lại bữa ăn của mình, trò chuyện với chủ quán và đầu bếp giới thiệu cho các nhà hàng. Còn có nhiều người đi du lịch nước ngoài chỉ để ăn và quay phim lại nguyên một chuyến đi của mình rồi đưa lên YouTube.

Vì vậy, ngày càng có nhiều người muốn tìm hiểu về câu chuyện của những đầu bếp và muốn tìm hiểu cách họ làm việc ra sao.

Học làm đầu bếp ở đây không phải chỉ là học nghề mà phải đến trường học, có chứng chỉ đàng hoàng, không khác gì học đại học.

Đây là một nghề có sự  kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học, vì một món ăn được trình bày thật đẹp là nghệ thuật, còn sự phối hợp của các vật liệu và mùi vị có thể được coi là khoa học vì đầu bếp phải có thử nghiệm rất nhiều lần để có được một sản phẩm vừa ý.

Đa số các phụ huynh gốc Á Châu không muốn con mình theo học những nghề “lạ” như làm đầu bếp, một phần vì không biết nghề này lương bổng ra sao, đòi hỏi những gì, một phần vì họ coi đây là “học nghề” chứ không phải học đại học để có bằng cử nhân hay cao học hoặc tiến sĩ.

Bà Thị Huyền, cư dân Garden Grove, cho biết: “Làm đầu bếp mà cũng có trường học sao? Tôi cứ tưởng là chỉ cần đi học nghề tại mấy quán ăn và nhà hàng là được. Tôi đâu biết là đầu bếp mà cũng phải qua đào tạo đến vậy.”

Cũng như bà Huyền, nhiều phụ huynh gốc Á Châu cũng không biết nghề này đòi hỏi những gì và phải được huấn luyện sao.

Tuy thật sự không cần phải đi học để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng những đầu bếp thành công thường đã qua đào tạo của các trường ẩm thực vì các trường này dạy những thao tác và kỹ thuật căn bản rất kỹ. Nếu muốn ghi danh học các trường ẩm thực, các học viên chỉ cần có bằng trung học là đủ.

Lương bổng và giờ giấc làm việc của một đầu bếp chuyên nghiệp ra sao?

Theo thông số của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, mức lương trung vị của một đầu bếp vào năm 2016 là $43,180/năm và $20.76/giờ.

Một đầu bếp giấu tên người gốc Mễ Tây Cơ, xin gọi là anh T, ở Huntington Beach chia sẻ với nhật báo Người Việt về giờ giấc làm việc của mình. Anh T cho biết: “Làm nghề này tuy vui nhưng rất cực, vì giờ làm việc vừa dài vừa không cố định. Chưa kể là còn phải làm việc vào cuối tuần.”

Các sinh viên học nấu ăn ở OCC. (Hình: OCC cung cấp)

“Nhiều khi một ngày tôi phải làm việc từ 12 đến 16 tiếng đồng hồ. Buổi sáng phải vào nhà hàng sớm để chuẩn bị vật liệu cho cả ngày. Đến trưa thì phải nấu nướng để bán thức ăn trưa từ 11 giờ đến 3 giờ chiều. Đến lúc này thì nhà hàng đóng cửa, rồi tôi và các đồng nghiệp phải chuẩn bị thêm các vật liệu chỉ dành cho buổi tối. Bán buổi tối từ 6 giờ đến 10 giờ tối, xong rồi còn phải dọn dẹp nhà bếp và chuẩn bị vật liệu cho ngày hôm sau, nhiều khi 2 hay 3 giờ sáng tôi mới về đến nhà. Ngày thường thì chừng nửa đêm là xong rồi, còn mấy ngày cuối tuần thì toàn về nhà trễ như vậy,” anh cho biết thêm.

Giờ giấc của nghề đầu bếp nhà hàng rất mệt mỏi, vậy tại sao anh T và nhiều đầu bếp khác lại thích theo nghề này?

Anh T chia sẻ: “Tôi nghĩ nhiều người khác cũng như mình, thích nấu ăn và thích nhìn người khác thưởng thức những món ăn do chính tay mình nấu. Từ nhỏ, tôi rất thích nhìn cảnh mẹ và bà ngoại nấu ăn, rồi xin họ dạy tôi nấu. Lúc nào mà tôi ở nhà, cứ thấy mẹ hay bà trong bếp là chạy vào xin phụ nấu ngay.”

Còn về chuyện học hành để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, anh T kể: “Hồi đó tôi tốt nghiệp trung học xong, muốn tìm trường ẩm thực để học nghề, nhưng thấy các trường tư tốn nhiều tiền quá. Nghe một số thầy cô và bạn bè nói đi học thử ở đại học cộng đồngOrange Coast College (OCC) cho đỡ tốn kém vì tiền học phí như học các lớp bình thường, chưa kể là còn có trợ cấp cho những sinh viên từ gia đình có thu nhập thấp.”

“Tôi học ở đây hai năm, có chứng chỉ rồi đi làm cho nhiều nhà hàng ở Orange County. Tôi hành nghề đến giờ đã được gần 15 năm,” anh cho biết.

OCC là một trường đại học có chương trình ẩm thực nổi tiếng và nhận được nhiều giải thưởng. Chương trình này có rất nhiều sinh viên ghi danh học nhưng rất ít người gốc Á Châu.

Đại diện Trường OCC cho Người Việt biết một chút về chương trình: “Chúng tôi dạy rất đủ, từ những kỹ thuật căn bản trong nhà bếp, cho đến cách tiếp khách và giữ vệ sinh nhà hàng. Về đầu bếp thì chúng tôi chia thành hai chương trình, một là đầu bếp nhà hàng, hai là đầu bếp làm bánh. Chương trình nào cũng có hai mức căn bản và cao cấp. Ghi danh học rất dễ vì không khác gì ghi danh để đi học các môn bình thường ở OCC, chỉ cần chọn mục ẩm thực (culinary arts) thôi.”

Giáo Sư William Barber cho biết: “Các sinh viên do chúng tôi đào tạo đều có việc làm tốt sau khi ra trường vì chương trình của chúng tôi được American Culinary Federation Foundation Accrediting Commission chứng nhận.”

Còn những học sinh trẻ tuổi, chưa vào đại học cũng có thể theo học nghề đầu bếp bằng cách ghi danh học ở Orange County School of the Arts, hay còn gọi là OCSA. Đây là một trường dạy các ngành nghệ thuật cho những học sinh từ lớp 7 đến 12.

Trường Orange County School of the Arts, ở Santa Ana. (Hình: OCSA cung cấp)

Chương trình ẩm thực của OCSA dành cho các học sinh từ lớp 9 đến 12. OCSA cho biết các em phải nộp đơn để được trường xem xét nhận. Đơn ghi danh một đoạn văn khoảng 500 chữ để giới thiệu về bản thân mình, mục tiêu cho tương lai là gì và tại sao các em lại muốn học ở OCSA.

Ngoài ra, đơn ghi danh của các em còn phải có hai lá thư giới thiệu của các thầy cô khác. Các em cũng phải đính kèm theo một công thức món ăn ưa thích của mình, cùng với một tấm hình của món ăn đó.

Không chỉ vậy, các em còn phải quay một đoạn phim dài từ ba đến năm phút giải thích tại sao các em muốn học ở đây rồi đưa lên YouTube cho trường xem.

OCSA cho biết tuyển chọn gắt gao như vậy là vì đây là một trường nghệ thuật rất có tiếng tăm ở California và có những chương trình rất tốt cho các học sinh.

Trong xã hội, các nghề lao động chân chính không nghề nào là hèn thấp cả. Nghề đầu bếp tuy cực khổ, làm nhiều giờ, nhưng cho những người theo học được thử sức tính sáng tạo và được làm nghề mình ưa thích.

Anh đầu bếp T có vài lời cuối: “Tôi rất vui vì được theo nghề mình thích, tuy cực. Tôi được thử sức sáng tạo của mình, phải liên tục nghĩ ra những món ăn mới, những mùi vị mới để gây ấn tượng với khách hàng. Là một đầu bếp đã lâu năm trong nghề, tôi khuyên những học sinh, sinh viên nếu thích nghề này thì cứ học.” (Thiện Lê)

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Đối thoại trong gia đình để hiểu những uẩn khúc của con em”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT