Tuesday, April 23, 2024

Little Saigon: Nghề làm bảng hiệu có ‘lung linh’ như ánh đèn?

Trúc Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nếu đi trên đường Bolsa, hay những con đường chính khác của khu Little Saigon vào buổi tối, nhiều người có thể nhận ra diện mạo của Little Saigon đã thay đổi rất nhiều nhờ các bảng hiệu làm đường phố thêm sáng và lung linh khi màn đêm buông xuống. Nhưng nghề làm bảng hiệu (hay bảng đèn) của người Việt ở vùng Little Saig như thế nào, có “lung linh” như các ánh đèn hay không?

Nghề “signs” nay đã khác xưa!

Theo ông Andrew Trần, chủ nhân ‘Wholesale Signs & Printing,’ nghề làm bảng hiệu (trong nghề gọi là “làm signs”) thực ra có từ khi người Việt bắt đầu kinh doanh trên đất Mỹ. Nhưng hồi đó, các bảng hiệu được làm thủ công và sử dụng đèn neon, hay còn gọi là “neon sign”. Theo thời gian, kỹ nghệ phát triển, ngày nay phần lớn bảng đèn được cắt bằng máy, kiểu chữ cầu kỳ hơn và đặc biệt dùng đèn LED. Công suất đèn LED chỉ có 12w nên rất an toàn, không sợ bị điện giật như đèn neon với công suất trên 12,000w.

Ông Andrew Trần cho rằng bảng hiệu là thứ quan trọng đầu tiên của cửa hiệu kinh doanh, nhưng người Việt chúng ta thường lại xếp vào thứ sau cùng cần phải làm. “Dĩ nhiên là phải tuân theo quy định của chủ phố nhưng bảng hiệu phải làm sao có thể nhìn thấy từ xa, màu sắc nổi bật và phải làm nổi được mặt hàng hay sản phẩm kinh doanh. Tôi ví dụ, ‘Jennifer Nails & Spa’, thì rõ ràng chữ ‘Nails & Spa’ phải được làm rõ chứ không chữ ‘Jennifer,’ ông Andrew giải thích.

Nhưng ông Hùng Trần, nhân viên lâu năm của Butterfly Sign ở thành phố Midway, lại suy nghĩ khác. Vì Butterfly Signs có từ 1984 nên ông nhìn thấy được thay đổi về thị hiếu của khách hàng. Trước đây các bảng đèn thường có nền màu vàng, chữ màu đỏ nhưng thế hệ trẻ ngày nay không còn thích kiểu bảng đèn như vậy. Họ không cần nhìn thấy từ xa bởi ngày nay khi tìm nơi ăn uống, mua sắm, dịch vụ, giới trẻ có xu hướng tìm trên internet.

Theo hình dung của nhiều người, nếu cần gắn bảng hiệu, chỉ cần gọi đến một cơ sở nào đó, người ta đến đo đạc, báo giá. Nếu đồng ý, người ta sẽ làm, trong vài tuần sẽ có bảng hiệu lung linh. Nhưng theo ông Nguyễn Thành Phước, chủ nhân công ty Blue Signs, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Ông Nguyễn Thành Phước, chủ nhân Blue Signs. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Khi cần gắn bảng hiệu, phần lớn khách hàng có thói quen gọi nhiều nơi khác nhau, sau đó chọn nơi báo giá rẻ nhất. Những nơi nhận giá rẻ có thể là một người thợ của một công ty nào đó, nhận làm thêm bên ngoài hoặc người không có giấy phép làm nghề. Vì làm giá rẻ nên họ làm bằng phương pháp thủ công, cắt chữ không đẹp, lên đèn không đủ sáng, màu đèn không đẹp. Tệ hơn, nếu có chuyện gì xảy ra, họ “bỏ của chạy lấy người,” bỏ luôn số điện thoại, khách hàng chẳng biết tìm họ ở đâu!

Nói về chuyện ham rẻ, đặt hàng ở những nơi mà mình không biết rõ để rồi ‘tiền mất tật mang,’ ông Andrew Trần kể một câu chuyện mới xảy ra gần đây.

Có một khách hàng ở thành phố Ventura, sau khi nghe công ty anh báo giá $3,500 cho bảng đèn, khách hàng này gọi một người khác theo quảng cáo trên báo. Người này báo giá chỉ $2,500. Khách hàng của anh chọn người thứ hai. Sau khi nhận được $1,250 đặt cọc, người kia “biến mất”, số điện thoại cũng “mất tích” luôn. Thế là người khách hàng gọi lại anh Andrew Trần kể sự tình và nhờ anh làm bảng đèn. Vậy là thay vì chi $3,500 lúc đầu, cuối cùng người khách này phải chi đến $4,750 cho bảng hiệu.

Cái công đoạn mà nhiều người làm “signs” ngán là thời gian làm việc với khách hàng.

“Có khi cả ngày chạy gặp hết khách hàng này đến khách hàng khác, thương lượng tới lui nhiều ngày nhưng không được hợp đồng nào. Bởi vậy, tôi thích làm gia công hơn là đi gặp khách hàng,” ông Nguyễn Thành Phước thật thà cho biết.

Phố Bolsa về đêm. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Dẫn phóng viên báo Người Việt đi thăm cơ sở của Blue Signs, giới thiệu từng loại máy móc hiện đại mới mua gần đây, ước tính hơn $200,000, ông Phước nói: “Với tất cả những máy móc này, các loại bảng hiệu, kiểu chữ dù khó đến đâu chúng tôi cũng làm được”.

Nhưng nhiều người làm “signs” ngày nay không muốn đầu tư nhiều tiền cho công việc, bởi không biết đến bao giờ mới lấy lại được vốn.

Nghề “signs” không hề “lung linh”!

Ông Hùng Trần, nhân viên của Butterfly Signs, cho rằng nghề làm “signs” hiện đang bị bão hòa. Có quá nhiều cạnh tranh, phá giá, đặc biệt các nơi “wholesale signs” của Mỹ làm rất rẻ. Người Mỹ đầu tư máy móc rất nhiều, công nghệ hiện đại nên phần lay-out và cắt chữ, họ làm rất rẻ nhưng phần lắp đặt thì người Việt làm rẻ hơn.

Dù than thở nhưng tất cả những người chủ của các cơ sở làm ‘signs’ đều cho phóng viên báo Người Việt biết sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào không thể tiếp tục được nữa. “Cứ đi rồi đường sẽ mở ra dưới chân mình”, ông Nguyễn Thành Phước, chủ nhân Blue Signs tự tin.

Cũng theo ông Phước, một trong những cái khó nữa của chủ nhân giới làm “signs” là thiếu thợ. Đăng báo tìm thợ rất nhiều lần vẫn không kiếm được thợ. Bởi nghề này không có trường lớp đào tạo. Lớp học cho chủ nhân để lấy giấy phép kinh doanh thì có, còn đào tạo riêng để làm nghề “signs” thì hiện tại vẫn chưa. Đa số thợ làm “signs” bắt đầu bằng việc học nghề tại cơ sở họ xin vào làm, với mức lương chủ trả theo mức lương tối thiểu của tiểu bang Califinia, tức là khoảng $10.50 một giờ và 8 tiếng một ngày.

Thời gian “vừa học vừa làm” này kéo dài từ 6 tháng cho đến một năm, tùy theo khả năng của người thợ. Khi thạo việc, thợ có thể được nhận $14,00 – $15,00 một giờ.

Thu nhập này không phải là cao nên dẫn đến việc nhiều người thợ “đánh lẻ”, nghĩa là họ tự đi đăng báo, tìm kiếm khách hàng riêng để làm thêm. Việc này dẫn đến nhiều rủi ro cho khách bởi những thợ này không có giấy phép kinh doanh, không có bảo hiểm nên khi xảy ra chuyện rắc rối, họ thường bỏ trốn.

Kiểu dáng bảng hiệu Butterfly Signs gần đây được thay đổi theo phong cách hiện đại. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Chủ nhân một công ty làm bảng hiệu khác xin được giấu tên, kể với phóng viên báo Người Việt một “kinh nghiệm đau thương” của công ty ông, xuất phát từ lỗi của người khác. Hơn 3 năm trước, công ty ông nhận dời và lắp đặt lại đèn quảng cáo trên cửa kính cho một văn phòng bảo hiểm nằm trong khu Catinat, thành phố Westminster. Khoảng 2 năm sau ngày lắp đặt, chủ văn phòng bảo hiểm thay đổi số điện thoại nên nhờ một người khác đến tháo phần số điện thoại cũ ra, gắn số mới vào.

Hơn 2 tháng sau ngày số điện thoại mới được gắn lên, văn phòng bảo hiểm này bị cháy. Mặc dù được cơ quan điều tra xác định nguyên nhân cháy là do chập điện ở phần số điện thoại mới gắn lên, do người khác làm, nhưng ông vẫn bị mời làm việc nhiều lần, thậm chí công ty ông còn bị cắt luôn phần bảo hiểm.

“Sở dĩ họ mời tôi làm việc nhiều lần vì người gắn số điện thoại lên cửa kính đó chỉ là người làm dạo, không có giấy phép, không có bảo hiểm. Họ không thể nắm người ‘không có tóc’ nên họ nắm tôi. Lúc xảy ra vụ cháy, cơ quan cứu hỏa điều 5 xe chữa cháy tới, họ phun nước rất nhiều, ngập luôn các cửa hàng ở tầng trệt. Nghe nói bảo hiểm chi khoảng nửa triệu đô để đền bù mọi thiệt hại,” ông kể.

Vị chủ nhân công ty làm bảng hiệu này nhắn nhủ đến mọi người rằng, nếu muốn làm bảng hiệu, hãy tìm đến những nơi uy tín, có giấy phép, có bảo hiểm đàng hoàng, mặc dù giá cả ở nơi này có thể đắt hơn chút xíu. Nhưng nếu có chuyện gì xảy ra tại cửa hiệu của mình, như tai nạn trong lúc gắn bảng hoặc xảy ra hỏa hoạn như câu chuyện ông kể, người chủ sẽ không bị thiệt hại.

“Tôi nói không phải để dọa, nếu trong lúc gắn bảng hiệu, người công nhân té xuống bị thương nặng hoặc tệ hơn là chết, mà người này hoàn toàn không có giấy phép làm nghề, cũng không có bảo hiểm, thử nghĩ xem người đứng ra thuê công nhân này sẽ gặp rắc rối như thế nào trước pháp luật?” – Vị chủ nhân này cảnh báo. (Trúc Linh)

Mời độc giả xem phóng sự “Chợ đồ giả giữa Los Angeles”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT