Friday, March 29, 2024

Nghe lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang hát ‘Khúc Hát Mùa Xuân’

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Tiếng dương cầm lả lướt vang xa, cùng những tà áo dài duyên dáng đủ các sắc màu, các học viên thiếu nhi và nguời lớn cùng thi tài trong những khúc hát cuối khóa mùa Xuân của lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang, diễn ra trong chiều Thứ Bảy, 2 Tháng Ba, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

Phần đầu chương trình dành trọn cho các em thiếu nhi qua các nhạc phẩm Xuân bất hủ rộn ràng, và thật đặc biệt khi các em phát âm tiếng Việt thật trong sáng, rõ ràng, tuy đôi lúc còn pha lẫn chút ngọng nghịu đáng yêu.

Mở màn cho chương trình thiếu nhi, trong chủ đề “Đón Xuân” các em đã thể hiện hết mình sự rèn luyện qua giọng hát, âm điệu và phong cách tự nhiên trong trình diễn, đã làm hài lòng khán giả.

Nhất là nhạc sĩ Lê Hồng Quang, người trực tiếp giảng dạy của lớp thanh nhạc, thường khuyên các học trò của mình hãy tự tin, phát huy hết tất cả những gì đã học, đừng lo lắm khi hát trước công chúng, bởi vì các học trò lo 1 mà thầy lo tới 10 lần hơn!

Cô Dolly Bích Ngọc trình diễn thật điêu luyện nhạc phẩm “Xuân và Tuổi Trẻ.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cả thính phòng tưng bừng sắc Xuân, rộn ràng qua nhạc phẩm “Đón Xuân” sáng tác Phạm Đình Chương do em Kellyann Thu Anh trình diễn thật mượt mà, trong giai điệu tươi vui của ngày Xuân nắng ấm chan hòa, tình Xuân phơi phới, vì “Xuân dâng niềm vui, cho ngày xanh không hoen lời than. Sầu thương xóa mờ. Tình yêu đời càng thêm chan chứa. Khát khao Xuân tươi thái hòa.”

Em Radall Jamieson, nhạc sinh nhỏ nhất của đêm diễn, đứng thấp hơn chiếc đàn dương cầm, chững chạc qua ca khúc “Không Dám Đâu” sáng tác Nguyễn Văn Hiên, trong chiếc áo dài Việt Nam truyền thống, cùng phong cách trình diễn thật tự nhiên và tự tin trước khán giả, đã nhận được tràng pháo tay nhiệt liệt tán thưởng.

Tiếp tục với nhiều nhạc phẩm về mùa Xuân, một rừng sắc màu với các em thiếu nhi và các tà áo dài duyên dáng, trình bày những ca khúc ngợi ca tình yêu gia đình, ông bà cha mẹ, nhiều mộng mơ của tuổi măng non, đã chiếm được cảm tình người nghe, với sự trình bày điêu luyện của các em Kenrick Khải Bùi, Jazmyn Bùi, Bảo Lam, Kariam Anh Thư, Quỳnh Như, Minnie Nguyễn Hoàng, Gia Nghi, Hoàng Mỵ Thanh Thanh, và Gia Hân.

Mẹ em Randall Jamieson, cô Thủy Jamieson, cựu sinh viên Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn thời trước, cho biết: “Cháu mới 4 tuổi, theo học nhạc từ hồi Tháng Sáu, 2018, rất tự tin khi hát trên sân khấu lớp thanh nhạc này bốn lần rồi. Ở trường Preschool, được dạy ca hát múa, ngoài ra cháu có học piano riêng, và nhờ học tiếng Việt ở Trung Tâm Việt Ngữ nên cháu nói tiếng Việt rất giỏi. Hồi Tết vừa rồi cháu cũng được đi hát trình diễn ở Hội Chợ Tết ở Mile Square Park.”

Tốp ca nữ và nhạc sĩ Lê Hồng Quang trong nhạc phẩm “Mẹ Việt Nam & Mẹ Xinh Đẹp.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Theo truyền thống Việt, em dạy Randall theo lối ‘Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn,’ nên cháu biết nghe lời cha mẹ, siêng năng học hành lắm, học nhạc chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến việc học ở trường. Những bộ môn nghệ thuật là món quà tinh thần của tâm hồn, sẽ theo mình suốt hành trình trong đời, và âm nhạc là món quà vô giá mà con em nhận được!” cô Thủy nói thêm.

Phần thứ hai của chương trình với chủ đề “Lời Xuân Chưa Cạn,” và “Hoa Xuân” dành cho các học viên lớn tuổi, với những bài hát để đời của các nhạc sĩ tài hoa Việt Nam và ngoại quốc. Đây là phần khó nhất cho các học viên người lớn, đòi hỏi phải vững vàng về kỹ thuật phát âm, luyến láy, và cả phong cách trình diễn.

Mở màn cho phần này là hợp ca “Mẹ Việt Nam & Mẹ Xinh đẹp” sáng tác Phạm Duy, soạn hòa âm Giáo Sư Nguyễn Châu, do tốp ca nữ và nhạc sĩ Lê Hồng Quang trình bày.

Khi trình diễn nhạc phẩm “Lá Thư Gửi Mẹ” sáng tác Nguyễn Hiền, cô Thanh Mai cho biết: “Tôi chọn bài hát này vì lời nhạc ý nghĩa cao cả lắm, nói về đời trai thời loạn lên đường vì tiếng gọi non sông. Lời bài hát thật cảm động khi nói lên tâm trạng người trai ‘Gót thù xéo thảm thê. Bầy trai thầm rơi lệ. Súng gươm hẹn mai về,’ và lời hẹn cùng mẹ già nơi quê nhà một ngày về thanh bình ‘Mẹ ơi! Thôi đừng khóc nữa. Cho lòng già nặng sầu thương. Con đi say tình viễn xứ. Đâu có quên tình cố hương!’ Đây là một bức tranh rất đẹp cho tình yêu quê hương và cả tình cảm gia đình!”

Toàn thể lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang trong buổi hát cuối khóa mùa Xuân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Ngày xưa đi học tôi hay hát nhạc Pháp, vì học ban B nên không để ý đến văn chương lắm. Nhưng khi học hát tiếng Việt, nhất là những bài nói về tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước, cảnh núi sông tươi đẹp của quê hương mình, tôi rất thích và thấm từng câu chữ, ý nghĩa trong bài hát. Bây giờ ở tuổi mình, học hát là cách tốt nhất để luyện trí nhớ, học hát cũng chính là học văn chương Việt Nam nữa,” cô Thanh Mai chia sẻ.

Cô Dolly Bích Ngọc, trình bày nhạc phẩm “Xuân và Tuổi Trẻ” La Hối soạn nhạc, phổ thơ Thế Lữ, tâm tình: “Trong kho tàng âm nhạc miền Nam, bài này ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang bị Pháp đô hộ. Tuy cũng có những người yêu nước chống Pháp, nhưng phần lớn giới trẻ lúc bấy giờ buồn thảm ủy mị, xuống tinh thần lắm. Nhạc sĩ La Hối phổ nhạc bài thơ này, được phổ biến rộng khắp đất nước để khơi dậy lòng Xuân phơi phới của bao lớp thanh niên, để thấy đời thêm thắm tươi. Nhân mùa Xuân về, tôi chọn bài ‘Xuân và Tuổi Trẻ’ rất có giá trị trong lịch sử Việt Nam, hát để khuyến khích người Việt hải ngoại luôn nhớ về quê hương mình.”

Đó là lý do khiến cô Bích Ngọc hát này hết sức thành công, tuy cho biết cô cũng khớp khi hát trước công chúng, mặc dù đã từng lên sân khấu này năm lần rồi, trong hơn một năm học thanh nhạc.

Buổi thi hát cuối khóa còn kéo dài với giai điệu Xuân vẫn còn vương trong từng nhạc phẩm bất hủ, để lại nhiều dư âm trong lòng người thưởng thức. (Văn Lan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT