Thursday, March 28, 2024

Trang mạng Etsy – nơi nghệ nhân trở thành doanh gia

Hà Giang/Người Việt

Theo đà tiến triển của kỹ thuật bán hàng trực tuyến ngày nay, trang mạng Etsy.com từ lúc ra đời đã làm thay đổi nếp sống những người giỏi thủ công nghệ, giúp họ có điều kiện rao bán những đứa con tinh thần của mình trên khắp thế giới, và trong một số trường hợp, biến nghệ nhân thành những doanh gia thành công.

Nghệ nhân của bất cứ nghệ thuật nào, làm nữ trang, thiết kế mỹ thuật, thiết kế thời trang, làm đồ gốm, tất cả đều có thể vào thị trường online vĩ đại Etsy mở một cửa tiệm, và bắt đầu bán sản phẩm của mình. Tính đến cuối năm 2016, Etsy có hơn 30 triệu người tạo tài khoản để mua hàng, 1.7 triệu cửa tiệm bán 45 triệu mặt hàng, đa số là hàng thủ công nghệ, và số doanh thu $2.9 tỷ Mỹ kim một năm.

Sử Di Phong là một người Mỹ gốc Việt làm nghề thiết kế mỹ thuật ở Garden Grove, Anny Choo là một nhà thiết kế thời trang ở tiểu bang Colorado, Mộc Cầm quản trị một nhà nghỉ tại Hà Nội, Alicia Zwicewicz, người Canada, chuyên làm đồ gốm. Họ ở bốn phương trời khác nhau, có nghề nghiệp và cuộc sống rất khác nhau, nhưng cả bốn người cùng là những nghệ nhân có cửa hàng trên Etsy, một thị trường trực tuyến vĩ đại được thiết lập từ năm 2005.

Thiệp cưới song ngữ

Thiệp cưới song ngữ của tiệm ClassicInvitations trên Etsy. (Hình: Người Việt).
Thiệp cưới song ngữ của tiệm ClassicInvitations trên Etsy. (Hình: Người Việt).

Cửa tiệm của Sử Di Phong tên là ClassicInvitations, bán thiệp cưới song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), có mặt trên Etsy từ năm 2012, và đến nay “số bán lai rai,” nhưng đủ để anh tiếp tục muốn phát triển doanh thương bán thời gian và cũng là sở thích này.

Sử Di Phong kể với nhật báo Người Việt rằng anh đến Mỹ từ năm 1992, ban ngày làm việc toàn thời gian cho một hãng thiết kế ở Long Beach, tối về mới chăm lo cho cửa tiệm nhỏ bé trên trang mạng Etsy.

“Có lẽ tôi cần phải đầu tư thêm thời gian để tạo thêm nhiều mẫu thiệp cưới song ngữ khác như Anh/Nhật, Anh/Triều Tiên.v.v…,” Sử Di Phong tâm sự.

“Tôi khám phá ra trang mạng Etsy khi vào Google tìm thiệp cưới song ngữ cho đám cưới của mình. Rồi từ đó nẩy ra ý nghĩ mở tiệm, vì tôi thích thiết kế,” anh kể.

Khách của Phong đa số là người Việt muốn có thiệp cưới bằng hai thứ tiếng, đa số là những người ở ngoài California.

Được hỏi về kinh nghiệm bán hàng trên Etsy, anh nói: “Phục vụ khách hàng vô cùng quan trọng. Khi trả lời câu hỏi phải làm sao viết bằng giọng văn đối thoại và xem khách hàng như một người bạn thân.”

Quần áo may tay

Một món hàng bán trên LinenClothingbyAnny. (Hình: Người Việt).
Một món hàng bán trên LinenClothingbyAnny. (Hình: Người Việt).

Anny Choo là một trong những nghệ nhân khá thành công trên thị trường mỹ thuật vĩ đại này. Cửa tiệm LinenClothingbyAnny của bà có mặt trên Etsy từ năm 2008, bày bán 480 mặt hàng, tất cả là trang phục Á Đông may tay, bằng vải lanh (linen), trong đó có cả một áo dài Việt Nam, được bà thiết kế để có thể mặc hàng ngày.

Theo trang mạng Etsy, LinenClothingbyAnny cho đến nay đã bán được gần 4,000 lần. Bà Choo không trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt về số doanh thu, mà chỉ nói “đủ để nuôi dưỡng sở thích thiết kế và may vá” mà bà đã có từ nhỏ. Nhưng chỉ cần tính nhẩm với giá trung bình khoảng $225 một món thì chúng ta có thể ước lượng là số doanh thu của tiệm quần áo rất độc đáo này trên Etsy trong vòng chín năm qua, đã lên đến gần $900,000, một con số không nhỏ.

Ngoài cửa tiệm trên Etsy, bà còn có trang web riêng và trang Facebook có cùng tên. Ba phương tiện tiếp thị này bổ túc nhau giúp LinenClothingbyAnny trở thành một cái tên quen thuộc của giới ưa chuộng quần áo may bằng linen.

Được hỏi về bí quyết thành công, bà Choo trả lời: “Thời trang là một hình thức nghệ thuật. Với tôi, quần áo thiết kế độc đáo may bằng vải lanh của Anny, là nhật ký của một phụ nữ chỉ mong có một cuộc đời đơn giản, nơi tôi trộn ý nghĩ và ước mộng vào thành từng tác phẩm mặc được.”

“Tôi mong sản phẩm của Anny sẽ mang đến cho khách hàng một thông điệp chân thành về lối sống đơn thuần qua một hình thức nghệ thuật,” bà nói.

Đồ gốm và túi vải

Cửa hàng Beardbangs trên Etsy. (Hình: Người Việt).
Cửa hàng Beardbangs trên Etsy. (Hình: Người Việt).

Mở cửa tiệm bán đồ gốm Beardbangs trên Etsy với nghệ nhân Alicia Zwicewicz tại Canada thoạt nhiên là cách để bà kết hợp sở thích làm đồ gốm và vẽ của mình với tài thiết kế mỹ thuật của chồng, cũng để hai vợ chồng cùng có một dự án làm việc chung.

Bearbangs mở cửa đón khách hàng vào Etsy mới từ năm 2014, mà đến nay đã thành công việc toàn thời gian của bà Alicia Zwicewicz. Riêng chồng bà vẫn giữ công việc toán thời gian mà ông ưa thích.

Bà Zwicewicz cho biết chỉ mê khía cạnh mỹ thuật của việc làm đồ gốm, nên rất mừng khi trang mạng Etsy lo hết tất cả mọi khía cạnh còn lại của việc cai quản một cửa tiệm để bà có thể “tiếp tục làm nghệ nhân mà vẫn có đồng ra đồng vào.”

Cho đến nay, Beardbangs đã bán được cho gần 2,000 người mua, mang đến cho bà một số tiền không nhỏ. Với cửa hàng Vnmhandmade, mới mở cửa được khoảng một tháng, Mộc Cầm là người đang chập chững học cách bán hàng trên mạng Etsy.

Tiếp xúc với nhật báo Người Việt, Mộc Cầm cho biết cô tình cờ tìm thấy Etsy khi vào Google để tìm hàng thủ công nghệ để bán cho khách du lịch ngoại của một nhà nghỉ ở Hà Nội mà cô cai quản.

“Cũng tình cờ một hôm xem bản tin tài chính kinh doanh thấy người ta nói về bán hàng mỹ nghệ qua Etsy.com, nên Mộc Cầm vào mạng xem thử và bắt đầu tìm hiểu để bán hàng trên đó.”

Theo Mộc Cầm, “nhiều nghệ nhân Việt Nam đã bắt đầu bán hàng qua Etsy và có kết quả nhất định, nhưng chưa nhiều, trong đó có một tiệm tên là LittleVietnam khá thành công.”

Về kinh nghiệm bán hàng với Etsy, Mộc Cầm cho biết cô mới đang ở trong giai đoạn học việc, và còn rất nhiều việc phải làm, phải học, nhưng cũng biết là “phải có những món hàng độc đáo, đầu tư kỹ càng cho việc viết nội dung, và áp dụng nhiều cách để tăng lượt xem cửa hàng” như nhờ các bạn trong diễn đàn, các bạn đồng hương vào xem rồi cho ý kiến về những món hàng của mình.

Cửa tiêm VNmHandmade. (Hình: Người Việt).
Cửa tiêm VNmHandmade. (Hình: Người Việt).

Biến nghệ nhân thành doanh gia

Ra đời từ năm 2005 tại Brooklyn, New York, từ ý tưởng của ba người bạn thân, một người thích làm đồ gỗ, một người thiết kế trang web, một người làm nghề tiếp thị, trang mạng Etsy thành công ngay từ những ngày đầu tiên, và giờ đây đã có 1,043 nhân viên, với hàng triệu người bán kẻ mua ở hầu như mọi quốc gia trên thế giới.

Như Sử Di Phong, Anny Choo, và Alicia Zwicewicz, giới nghệ nhân bán hàng trên Etsy đa số khởi sự chỉ muốn theo đuổi đam mê và muốn người đời thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của mình, và nếu có thêm chút tiền mua vật liệu để tiếp tục nuôi dưỡng sở thích thì càng tốt.

Lý do thành công của Etsy rất đơn giản – cả khách hàng lẫn người ban đều “mê” Etsy. Với người mua, không thị trường online nào tập trung được số lượng nghệ nhân đông đảo với những món hàng hết sức độc đáo như Etsy. Với nghệ nhân, Etsy cung cấp những gì họ cần để giới thiệu và bán sản phẩm của mình đến người ái mộ ở khắp nơi trên thế giới.

Trước khi có Etsy, những ai làm thủ công nghệ đều phải vất vả phải tìm cửa tiệm khác nhờ bán hàng, phải tham gia các hội chợ hay những buổi triển lãm khắp nơi mới mong bán được tác phẩm và thu được chút lợi nhuận, thì giờ đây chỉ với vài cái nhấp chuột, chụp vài tấm bỏ hình lên, miễn là sản phẩm của mình có sức thu hút, thế là khách hàng từ khắp thế giới sẽ tìm đến.

Etsy có rất nhiều người vào truy cập, được xếp hạng 136 trên thị trường toàn cầu, và hạng 41 trên toàn nước Mỹ. Không trang web cá nhân nào có thể có được 1% số người vào xem như vậy. Thêm vào đó, người vào Etsy đa số là những người đang có hứng mua sắm và sẵn sàng trả tiền để mang về cho mình món hàng dễ thương đang nhìn thấy qua màn ảnh.

Mở một cửa tiệm bán hàng trên Etsy hoàn toàn miễn phí. Sau khi đã mở tiệm rồi, lệ phí để liệt kê mỗi món hàng là 20 cent. Cho lệ phí 20 cent này, mỗi món hàng được bỏ lên năm tấm hình, và được rao bán trong bốn tháng hoặc cho đến khi món hàng đó bán xong. Nghệ nhân có số lượng nhiều của cùng một mặt hàng có thể để cho danh sách tự động gia hạn, và trả thêm 20 cent nữa cho mỗi lần gia hạn. Chủ nhân mới mở tiệm lần đầu trên Etsy sẽ được khuyến mãi, liệt kê 40 sản phẩm miễn phí. Khi có khách mua, Etsy giúp chủ tiệm thu tiền, rồi hàng tháng gửi tiền cho họ sau khi khấu trừ tiền liệt kê hàng và 3.5% lệ phí tính trên giá bán (không tính phần trăm trên cước phí).

Nhiều chủ tiệm, như Anny Choo và Alicia Zwicewicz, sau khi đã có nhiều người biết đến qua Etsy, bắt đầu mở trang web riêng cho mình. Nhưng cả hai đều cho biết họ “vẫn cần Etsy” vì thu hút được người lang thang trên Internet vào cửa tiệm mình không phải là việc dễ làm.

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT