Friday, March 29, 2024

Nghị viên Tài Đỗ muốn minh bạch, Phó thị trưởng Kimberly nghĩ ‘bị ám chỉ’

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Cuộc họp Hội Đồng Thành Phố Westminster diễn ra vào tối Thứ Ba, 12 Tháng Hai, bỗng dưng trở nên đầy kịch tính và trở thành đề tài được người dân bàn tán.

Sự việc xảy ra khi Nghị viên Tài Đỗ chia sẻ những điều ông học được sau khi tham gia khóa học ba ngày về luật lệ cũng như các chuẩn mực đạo đức mà một nghị viên thành phố cần biết, thì Phó thị trưởng Kimberly Hồ cho rằng mình bị  “làm mất danh dự” và đe dọa kiện ông Tài.

Cuộc phỏng vấn của phóng viên Người Việt với bốn thành viên gốc Việt trong Hội Đồng Thành Phố (HĐTP) Westminster vào hai ngày cuối tuần cho thấy những gì diễn ra trong phiên họp vừa qua thực ra chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.

Trong khi ông Tài cho rằng ông là người hiểu luật và bảo vệ luật với vai trò của một cảnh sát viên suốt 23 năm qua, thì Thị trưởng Trí Tạ, phó Thị trưởng Kimberly Hồ và Nghị viên Charlie Nguyễn Mạnh Chí nhận xét ông Tài là người không biết luật và thiếu trách nhiệm với những phát biểu của ông.

Người dân thành phố Westminster nói chung, cũng như người dân gốc Việt nói riêng, còn có thể nhìn thấy điều gì ở phần chìm của tảng băng trôi?

Hội đồng thành phố Westminster trong một phiên họp. (Hình: Facebook Raymond Addington)


* Phó Thị trưởng Kimberly Hồ: ‘Nghị viên Tài Đỗ ám chỉ HĐTP không minh bạch’

Ngọc Lan: Cô có thể giải thích rõ hơn tại sao những phát biểu của Nghị viên Tài Đỗ trong buổi họp lại khiến cô tức giận và nói rằng ông làm mất danh dự của cô và có thể sẽ kiện ông ta?

Phó Thị trưởng Kimberly Hồ: Nếu chỉ nghe những gì diễn ra trong buổi họp thì chỉ là nghe được một chút thôi. Trước đó, trong các buổi họp, cả họp công khai trước công chúng lẫn họp ‘close door’ (chỉ các thành viên HĐTP với nhau), Tài Đỗ luôn ám chỉ HĐTP này đã làm cái gì mờ ám và nhắc đi nhắc lại về vấn đề tham nhũng.

Tôi thấy anh ta là người mới lên nhưng không có sự tôn trọng tối thiểu đối với HĐTP. Anh ta muốn nói ai thì cứ nói thẳng ra, còn đây anh ta cứ ám chỉ cả HĐTP này. Ngay cả anh Charlie Nguyễn Mạnh Chí cũng khó chịu khi nghe nói vậy. Anh ta phải can đảm nói rằng anh ta đang nói ai, và phải nói rõ, chứ đừng ám chỉ, nói anh ta lên đây là để làm cho thành phố trong sáng hơn, rồi nói về vấn đề tham nhũng, đó là hai vấn đề nghe anh ta nói hoài.

Ngọc Lan: Trước những gì diễn ra trong buổi họp, có bao giờ cô hỏi thẳng Nghị viên Tài Đỗ rằng ông ta muốn nói ai, có thể nói thẳng tên ra chưa?

Phó Thị trưởng Kimberly Hồ: Đã là nghị viên HĐTP thì khi nào mình có vấn đề gì thì mình phải nêu ra trong những buổi họp chứ không nói riêng với nhau. Như đã nói, nếu anh ta chỉ nói một lần thì tôi cũng bỏ qua. Nhưng vì nghe nhiều lần quá thì tôi mới quyết định phát biểu thật rõ và thật mạnh mẽ để anh hiểu là những điều anh ta nói không chấp nhận được.

Ngọc Lan:: Nghĩa là buổi họp vừa rồi là lần đầu tiên cô phát biểu mạnh mẽ về cách nói của Nghị viên Tài Đỗ?

Phó Thị trưởng Kimberly Hồ: Đó không phải là cách nói, mà là lời nói. Lời nói ám chỉ và có dụng ý như vậy là không nên, là HĐTP này tham nhũng, HĐTP này không minh bạch, tôi bước vào đây là làm cho minh bạch, làm cho hết tham nhũng.

Tôi cảm thấy đây không phải là việc làm của chính anh ta. Có thể anh ta nghĩ là anh ta nợ ai đó đã bỏ anh ta vào chiếc ghế này, giúp anh ta trong việc tranh cử. Thành ra, tôi nghĩ rằng anh ta cần phải chấm dứt.

Phó Thị trưởng Kimberly Hồ. (Hình: Người Việt)

Ngọc Lan: Như vậy, theo như cô nói, có thể hiểu nôm na là Nghị viên Tài Đỗ bị một sự giật dây của ai khác?

Phó Thị trưởng Kimberly Hồ: Tôi không nói vậy, tôi chỉ nói là đó là trường hợp có thể.

Khi mình làm việc với nhau thì mình không nên ám chỉ như vậy. Anh ta vào đây, tôi mong  anh ta giúp một tay, xăn tay áo lên và trước khi muốn thay đổi điều gì thì cần nên học hỏi.

Tôi là người rất là hiền, là người rất là tốt, tôi rất hòa đồng, làm việc biết nhìn trước nhìn sau và phải có sự khéo léo. Mình không thể làm việc với nhau bằng cách ám chỉ người này thế này thế kia, trong khi mình là người mới lên, rồi mỗi khi có điều gì thì lại bào chữa rằng ‘tôi là một người mới’.

Ngọc Lan: Qua những gì cô nói, tôi cảm nhận rằng cô rất bực bội về Nghị viên Tài Đỗ. Cô có nghĩ trong tương lai nếu không có sự thay đổi thì sự bất hòa này giữa các nghị viên có ảnh hưởng đến công việc điều hành thành phố không?

Phó Thị trưởng Kimberly Hồ: Tôi không thể trả lời câu hỏi này vì chương trình nghị sự (agenda) nào cũng phải có 3/5 phiếu bầu thì mới có thể thông qua. Mình làm gì cũng phải có đồng viện. Anh ta không thể làm một mình.

Với bất kỳ công việc gì anh ta mang ra thì phải làm cho người ta hiểu, và anh ta phải có ít nhất 3 vote thì mới làm được việc. Nhưng với cử chỉ, thái độ như vậy, anh ta sẽ không làm được việc. Anh ta cần phải học hỏi rất nhiều.

Ngọc Lan: Là một phụ nữ làm chính trị, nhưng khi nêu ra vấn đề liên quan đến sự bất bình đối với đồng viện, cô đã có sự xúc động rất mạnh, như nghẹn ngào, nức nở. Theo cô, trong những lần tới, nếu có chuyện tương tự xảy ra, thì cô vẫn để có sự xúc động như vậy hay là chị thấy mình cần nên tiết chế cảm xúc của mình lại?

Phó Thị trưởng Kimberly Hồ: Chị vui lòng nêu tên một người nào không có xúc động tôi nghe. Tôi là người lãnh đạo rất có bản lãnh. Nhưng sự xúc động thì ai cũng có.

Ngọc Lan: Liên quan đến sự việc này, cô có điều gì muốn chia sẻ thêm không?

Phó Thị trưởng Kimberly Hồ: Tôi là người hòa đồng, thì với những gì đã xảy ra tôi cũng không để nó ảnh hưởng đến công việc đâu. Tôi sẽ tiếp tục làm những công việc tốt cho cộng đồng này.

* Nghị viên Tài Đỗ: ‘Tôi chỉ muốn sự minh bạch. Tôi không hiểu họ nói ám chỉ là cái gì?’

Ngọc Lan: Ông nghĩ gì khi những chia sẻ của ông tại buổi họp HĐTP lại đưa đến phản ứng khá mạnh mẽ của Phó thị trưởng Kimberly Hồ?

Nghị viên Tài Đỗ: Khi tôi đi tham dự khóa học 3 ngày dành cho nghị viên mới thì tôi có học được nhiều điều và muốn chia sẻ lại với HĐTP. Tôi rất là ngạc nhiên khi nghị viên Charlie Chí Nguyễn cũng đi học chung với tôi mà lại đặt ra câu hỏi với luật sư  thành phố là những gì tôi nói có đúng không. Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên, vì ông và tôi cùng ngồi trong cùng phòng để mà nghe cùng một người giảng dạy về những luật đó. Rồi sau đó bà Kimberly Hồ phát biểu rằng tôi đã cố ý mạ lị thành phố, HĐTP và còn hăm dọa để thưa tôi về tội mạ lị. Tôi rất ngạc nhiên, rất buồn vì không hiểu tôi đã nói cái gì để bà có phản ứng mạnh như vậy. Đây là những người đều đã có kinh nghiệm nhiều hơn tôi.

Ngọc Lan: Đây là lần đầu tiên ông thấy thái độ của các đồng viện của ông phản ứng như vậy, hay là trước đây họ cũng đã từng thể hiện sự bất bình đối với những phát biểu của ông?

Nghị viên Tài Đỗ: Đây là lần đầu tiên. Mà trong một số buổi họp chúng tôi cũng có những bất đồng ý kiến, nhưng đây là lần đầu tiên tôi bị chỉ trích là người mới không có nên phát biểu bừa bãi, và phải học hỏi thêm. Trong khi họ nói rằng tôi phải học hỏi thêm nhưng mà tôi không được họ hướng dẫn hay giúp đỡ tôi trong thủ tục hội họp của HĐTP.

Nghị viên Tài Đỗ. (Hình: Tái Đỗ cung cấp)

Ngọc Lan: Có bao giờ ông nêu lên câu hỏi là ông cần sự giúp đỡ của họ, vì ông là người mới không?

Nghị viên Tài Đỗ: Tôi có nói là tôi muốn làm việc chung với họ. Thực sự thì tôi chưa bao giờ mở miệng ra hỏi họ, vì tôi cho rằng đó là bổn phận và trách nhiệm của những người nghị viên đã có kinh nghiệm trong HĐTP, cũng như ông thị trưởng có kinh nghiệm, ông biết về luật lệ, ông phải là người giải thích cho tôi biết cách mà một nghị viên phát biểu hoặc các thủ tục ra làm sao trong các buổi họp, tôi chưa được những người đó đứng ra hướng dẫn.

Ngọc Lan: Như ông nói là ông cảm thấy buồn, không hiểu tại sao họ lại nói như vậy, thì ông có đi hỏi họ không?

Nghị viên Tài Đỗ: Tôi nói là tôi rất hối hận khi những điều tôi nói lại làm bà Kimberly phật lòng và có phản ứng mạnh như vậy. Tôi muốn ngồi xuống nói chuyện với bà để học hỏi những khác biệt của nhau, để có thể làm việc chung với nhau. Tôi có gửi cho bà tin nhắn muốn mời bà và con trai bà đi ra uống cà phê để nói chuyện thêm nhưng tôi không được trả lời. Tôi cũng có gửi tin nhắn cho ông Thị trưởng Trí Tạ để nói rằng tôi muốn làm việc với ổng, thì ổng cũng trả lời là ổng muốn làm việc với tôi, rồi tôi hỏi ổng khi nào ổng muốn ngồi xuống uống cà phê nói chuyện thêm nhưng tôi cũng không có câu trả lời. Tôi muốn ngồi xuống nói chuyện thêm để mà giải quyết vấn đề một cách yên lặng và thỏa đáng hơn, để cho mình làm việc chung với nhau, để đưa thành phố đi lên, chứ tôi không muốn mọi người nhìn thấy và cảm nhận là HĐTP có bất đồng không muốn làm việc với nhau. Đó là điều tôi không muốn xảy ra. Tôi rất là muốn làm việc với họ để đưa thành phố đi lên.

Tôi làm việc 23 năm trong ngành cảnh sát, lúc nào liên hệ với người dân tôi cũng rất lo lắng, luôn quan tâm đến việc tôi làm. Cho nên khi vào HĐTP, trong các buổi họp tôi luôn coi chừng cử chỉ, lời nói, hành động. Tôi không biết đã nói gì để làm cho người ta phật lòng. Tôi muốn xin bà chỉ dạy thêm, nhưng bà trả lời không vô chi tiết lắm. Sau khi tôi coi lại video buổi họp HĐTP, tôi cũng thấy  là tôi không có nói gì đụng chạm tới ai hết, tôi chỉ chia sẻ kiến thức của tôi thôi. Vì HĐTP, ông thị trưởng, và nhiều người không biết là chúng tôi không có quản lý thành phố. Thị trưởng và HĐTP chỉ ra quyết định những gì cần phải làm. Còn lại phải đưa tất cả mọi chuyện cho tổng quản trị thành phố để ông ta làm việc. Chính vì vậy tôi muốn HĐTP hiểu rõ vấn đề đó để bảo vệ nhân viên thành phố, vì họ không thể bị HĐTP hay thị trưởng tới liên lạc thẳng, bắt họ làm việc. Đó là điều tôi muốn nói trong buổi họp.

Tôi lúc nào cũng muốn ‘reach out’ với mọi người để mà phân bày những gì tôi muốn nói, những gì tôi muốn làm. Đối với tôi, sự trao đổi rất quan trọng. Tôi không muốn ‘assume’, điều gì cũng phải rõ ràng, cũng như hiểu rõ những ý của bà Kimberly tại sao bà nói như vậy, nhưng tôi không có được câu trả lời. Cũng không ai hỏi tôi hay nói cho tôi biết những gì họ suy nghĩ hết.

Ngọc Lan: Một số nghị viên cho rằng trong một số cuộc họp ông hay ám chỉ HĐTP này có những điều tham nhũng, có những điều không rõ ràng, và chính điều đó khiến họ cảm thấy bị xúc phạm. Ông có nghĩ là ông có những lời lẽ ám chỉ như vậy không?

Nghị viên Tài Đỗ: Tôi không hiểu họ nói ám chỉ là cái gì. Sau khi nhậm chức, tôi không rõ những gì tôi nói mà họ cho là ám chỉ là nghĩa gì, vì những buổi họp này được thu băng lại để cất giữ trong website của thành phố. Ngày đầu tiên mà tôi đi họp, tôi bỏ vô ‘agenda’ hai việc, thứ nhất là tôi muốn ủng hộ diễn hành Tết của cộng đồng, thứ hai tôi muốn HĐTP giới hạn nhiệm kỳ và giới hạn tiền gây quỹ của những ứng cử viên. Đó là hai điều tôi muốn làm, vì khi tôi tranh cử, đó là những điều tôi hứa với cư dân thành phố. Khi tôi nêu hai vấn đề đó có thể họ cho rằng tôi ám chỉ, nhưng tôi chỉ thực sự muốn làm việc vì thành phố.

Ngọc Lan: Việc ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần về tính minh bạch trong các cuộc họp có thể khiến người khác cảm thấy là ông muốn ám chỉ họ không? Thành phố này như thế nào mà ông cứ muốn làm cho nó minh bạch?

Nghị viên Tài Đỗ: Tôi làm cảnh sát 23 năm rồi. Tôi làm cảnh sát giống như làm ‘fish bowl’, tất cả người xung quanh đều có thể thấy con cá bơi trong chậu như thế nào. Cho nên  việc làm minh bạch là chuyện rất bình thường với tôi. Tôi nghĩ hệ thống chính quyền cũng cần phải minh bạch như vậy, để dân hiểu rõ nỗi khổ của thành phố và họ gần gũi với thành phố hơn, gần gũi với chính phủ hơn, ủng hộ chính phủ hơn. Đây là những điều rất cần thiết, vì không ai có thể chống lại những gì minh bạch rõ ràng hết. Đó là ý của tôi. Không hiểu lý do tại sao họ lại cảm thấy tôi nói về họ.

Ngọc Lan: Vậy ông có thấy HĐTP có gì không minh bạch không?

Nghị viên Tài Đỗ: Tôi rất là ngạc nhiên khi ‘ethical training’ nói là các thành viên HĐTP không được quyền tiếp xúc thẳng với nhân viên thành phố mà không qua tổng quản trị. Điều khiến tôi ngạc nhiên là những người đã làm việc lâu năm lại phải đặt câu hỏi để hỏi lại ông luật sư và ông tổng quản trị thành phố xem những gì tôi nói có đúng hay không, hình như họ không biết thì phải.

Ngọc Lan: Chức vụ phó thị trưởng thành phố Westminster xưa nay được luân phiên. Nhưng vì sao vừa rồi ông lại không bỏ phiếu đồng ý để bà Kimberly giữ chức vụ này? Và ông có nghĩ việc làm này của ông cũng là nguyên nhân của sự bất hòa không?

Nghị viên Tài Đỗ: Lý do tôi không bỏ phiếu cho bà Kimberly là vì tôi làm việc lâu năm trong ngành cảnh sát, đối với những người được đưa lên là những người có kinh nghiệm, trong khi bà Kimberly chỉ mới có 2 năm làm nghị viên thành phố thôi, về kinh nghiệm bà thua ông Sergio Contreras rất nhiều, ông làm nghị viên 8 năm rồi. Đó là lý do vì sao tôi không bỏ phiếu chấp thuận, chứ tôi không có ý cá nhân gì đối với bà. Tôi thấy những người có kinh nghiệm là những người đáng đưa lên chứ không phải vì bè phái.

Về câu hỏi đây có phải là nguyên nhân mối bất hòa không thì tôi không dám đoán, vì những gì tôi nói ra đều phải có bằng chứng, nếu không có bằng chứng thì tôi không thể đoán để nói ra, như vậy là không công bằng cho mọi người.

Ngọc Lan: Giả sử ông là người đơn độc trong HĐTP do không đi cùng con đường, không nói cùng tiếng nói với các đồng viện, thì các ý kiến, các vấn đề ông đưa ra không nhận được sự biểu quyết của họ thì ông có thể làm được gì?

Nghị viên Tài Đỗ: Chính vì vậy tôi cần sự ủng hộ của cư dân thành phố. Nếu họ cảm thấy những gì tôi làm là đúng, cần phải lên tiếng ủng hộ tôi thì những gì tôi làm sẽ đạt được kết quả. Còn nếu cư dân thành phố không dám lên tiếng, không dám chỉ trích những người dân cử thì tất cả mọi chuyện không có gì thay đổi hết, tại vì người mà cư dân bầu lên là để phục vụ cư dân chứ không phải là người để cư dân sợ hãi. Cư dân cần liên lạc với họ, nói cho họ biết để họ thay đổi. Cửa tôi lúc nào cũng mở, ai cũng có thể gọi tôi, viết thư cho tôi và tôi sẽ trả lời từng người một chứ không bao giờ bỏ qua. Tóm lại, tôi cần sự ủng hộ của cư dân thành phố.

* Nghị viên Charlie Nguyễn Mạnh Chí: ‘Nghị viên Tài Đỗ luôn luôn nói chuyện với tính cách ám chỉ’

Ngọc Lan: Trong cuộc họp, ông cũng có phát biểu bày tỏ sự không bằng lòng với những phát biểu của nghị viên Tài Đỗ. Ông có thể cho biết nguyên nhân?

Nghị viên Charlie Nguyễn Mạnh Chí: Cá nhân tôi luôn muốn hòa đồng với mọi người, đó là điều đầu tiên tôi muốn xác thực. Tôi muốn làm việc cho cộng đồng, cho thành phố, và khi quyết định điều gì tôi luôn thận trọng và tôi cũng tôn trọng tất cả đồng nghiệp của mình. Cho nên bình thường, tôi không muốn nói đến những điều như thế này, nhưng khi bị hỏi thì tôi phải nói cảm nghĩ của tôi.

Nghị viên Nguyễn Mạnh Chí. (Hình: Facebook Nguyễn Mạnh Chí)

Mọi chuyện không phải bắt đầu từ lúc đó mà có lẽ đối với cái nhìn của tôi thì khi ra tranh cử, những điều mà Nghị viên Tài Đỗ, khi đó là ứng cử viên thôi, nói thành phố thế này thành phố thế kia, trong đó có hai điểm chính là không trong sáng và tham nhũng. Đồng thời nói ông muốn ‘clean up’ thành phố, phải dẹp tan tất cả. Khi là ứng cử viên thì mình nói cái gì cũng được, bởi vì mình tranh cử mà. Nhưng khi đã trở thành nghị viên làm việc cho thành phố, thì tôi nghĩ rằng Tài Đỗ không thể nào có những tư tưởng đó trong đầu, nhất là khi làm việc với các nghị viên khác.

Ngay từ những phiên họp đầu, Nghị viên Tài Đỗ luôn luôn nói chuyện với tính cách ám chỉ những người dân cử trong thành phố là có vấn đề tham nhũng hoặc là không trong sáng. Với cá nhân tôi thì tôi không nghĩ như vậy, ông ta không phải nói tôi, vì tôi cũng chỉ mới vào HĐTP cũng như ông Tài mà thôi, nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy những lời nói đó có ảnh hưởng tới những người đang tại chức.

Nếu Nghị viên Tài Đỗ có cảm thấy người này có khuynh hướng như vậy hay người kia đã làm chuyện như vậy thì cứ thẳng thắn kêu tên người đó ra, chứ đừng nên trong mỗi phiên họp ám chỉ chung như vậy.

Ngọc Lan: Chỉ một vài người trong HĐTP có phản ứng với những phát biểu của nghị viên Tài Đỗ hay tất cả?

Nghị viên Charlie Nguyễn Mạnh Chí: Gần như mọi người đều có phản ứng với những phát biểu của anh ta. Và mỗi lần như vậy thì anh ta im lặng.


* Thị Trưởng Trí Tạ: ‘Nghị viên Tài Đỗ có những lời phát biểu không dựa trên một dữ kiện hay bằng chứng nào’

Ngọc Lan: Trong vai trò một thị trưởng, ông nghĩ như thế nào về sự việc xảy ra giữa các nghị viên thành phố trong phiên họp vừa rồi?

Thị Trưởng Trí Tạ: Phản ứng của Phó thị trưởng Kimberly Hồ thực ra dựa trên một số nguyên nhân chứ không chỉ đơn giản là những gì xảy ra trong buổi họp vừa qua. Những buổi họp trước đó, mỗi khi Nghị viên Tài Đỗ phát biểu thì lúc nào ông cũng đề cập đến việc ông muốn có những sự thay đổi, ông muốn phải làm việc theo những cách mà ông cho là nó hợp lý. Phó thị trưởng Kimberly thì lập luận là dù sao bà cũng đã ngồi trong HĐTP được 2 năm rồi. Nếu nói một cách công tâm thì một người từng ngồi ở vị trí này 2 năm phải có kinh nghiệm hơn một người vừa mới đắc cử. Trước khi trở thành nghị viên, ông Tài Đỗ chưa nắm một chức vụ dân cử nào và nhiều lần trước đó ông Tài cũng đã có những lời phát biểu không dựa trên một dữ kiện hay bằng chứng nào. Thành ra những điều đó đã dồn nén lại, khiến cho Phó thị trưởng Kimberly phải có những lời phát biểu như mọi người thấy trong cuộc họp vừa qua.

Thị Trưởng Trí Tạ. (Hình: Người Việt)

Ngọc Lan: Trong HĐTP, chỉ tính 4 người gốc Việt thì ông là thị trưởng có nhiều thâm niên lẫn kinh nghiệm, kế đến là phó thị trưởng Kimberly, và lần này có thêm Nghị viên Charlie Nguyễn Mạnh Chí và Tài Đỗ, trong đó ông Charlie cũng từng xuất hiện nhiều trong các sinh hoạt cộng đồng nơi đây, chỉ duy nhất có ông Tài Đỗ là một gương mặt mới. Như vậy, khi những thành viên từng xuất hiện nhiều trong cộng đồng có sự xung đột với một thành viên mới, thì điều này có thể gây cho người ta hiểu là, nói một cách bình dân, là ‘ma cũ ăn hiếp ma mới.’ Ông nghĩ như thế nào về điều này?

Thị trưởng Trí Tạ: Dư luận hay suy nghĩ đó chúng tôi tôn trọng, nhưng trong trường hợp này thì xin thưa là không phải như vậy. Nghị viên Nguyễn Mạnh Chí và Nghị viên Tài Đỗ cùng đi học một khóa huấn luyện y như nhau, cùng ngày, cùng giờ, cùng chỗ, học về những luật căn bản điều hành thành phố. Tuy nhiên, khi Nghị viên Tài Đỗ đưa ra những vấn đề để hỏi thì không phải trong những training, mà ông có những suy nghĩ theo ý của ông. Đó là chuyện bình thường, mỗi người có ý kiến riêng. Nhưng điều chúng tôi muốn nói là cả 2 người đều là người mới, tuy nhiên, có thể Nghị viên Nguyễn Mạnh Chí đang là chủ tịch của Sở Vệ Sinh trong 2 năm, thành ra ông có kinh nghiệm hơn, những điều mà ông Chí phát biểu là những điều chín chắn, với những lập luận của một người có sự chuẩn bị trước mỗi buổi họp. Còn nghị viên Tài Đỗ vẫn có quyền phát biểu những gì anh nghĩ, nhưng theo thiển ý của chúng tôi, thì nếu anh chịu khó đọc thêm những luật lệ, chịu khó học thêm sự điều hành cũng như lịch sử thành phố Westminster cũng như cộng đồng thành phố Westminster thì có thể giúp cho anh rất nhiều trong những buổi họp về sau.

Ngọc Lan: Khi có sự xung đột giữa các thành viên trong HĐTP với nhau, thì trong vai trò thị trưởng, ông có nghĩ rằng ông cần phải làm gì đó để mọi người đoàn kết gắn bó lại với nhau không?

Thị trưởng Trí Tạ: Cộng đồng Việt Nam luôn kêu gọi sự đoàn kết, tôi cũng muốn thấy sự đoàn kết. Tập thể người Việt hải ngoại cũng kêu gọi sự đoàn kết trong 44 năm qua. Nhưng có đoàn  kết hay không là do từng thành viên trong cộng đồng. Có đoàn kết hay không là do từng thành viên trong HĐTP. Mà đoàn kết phải do sự nỗ lực, phải do tinh thần làm việc, thành thật cống hiến, phục vụ. (Ngọc Lan)


Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT