Thursday, March 28, 2024

Trần Nguyên Thắng, người chu du khắp năm châu lục

Quốc Dũng/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Vốn nghĩ du lịch là tốn kém nên chưa bao giờ ông có suy nghĩ “xách ba lô lên và đi.” Một dịp tình cờ, khi đang làm kỹ sư cho một hãng Nhật thì ông được một suất đi du lịch sang Canada, lúc ấy ông 34 tuổi. Chuyến du lịch đầu tiên trong đời đã làm ông thay đổi mọi suy nghĩ của mình. Và từ chuyến đi đó, số lần đi du lịch của ông mỗi năm mỗi nhiều, đến nỗi ông không nhớ hết mình đã đi qua bao nhiêu quốc gia. Nhưng ông biết rằng, ông đã chu du khắp năm châu lục!

Ông Trần Nguyên Thắng, người thích đi du lịch để khám phá suốt 30 năm qua, cũng ngót nghét gần bằng tuổi mà ông có chuyến du lịch đầu tiên vào năm 1988, cho biết: “Trừ Bắc Cực và Nam Cực tôi chưa có cơ hội đi, còn lại mỗi châu lục tôi đặt chân đến, mỗi vùng đất đều có điểm nổi bật riêng khiến tôi lúc nào cũng muốn đi nữa. Có lẽ vì vậy mà vừa làm chính ở hãng, nhưng tôi vẫn mở một văn phòng du lịch. Cuối cùng thì nghề tay trái lại là nghề tay phải giúp tôi ổn định cuộc sống đến bây giờ.”

Bước chân không mệt mỏi

Ông cho hay: “Phần lớn những đất nước ở Âu Châu và Á Châu tôi đi khá nhiều. Riêng những đất nước xa xôi ít người đặt chân tới như Phi Châu, Nam Phi, Ai Cập, Morocco, Zimbabwe… thì tôi cũng đi tới rồi. Từ quốc gia phát triển đến quốc gia chậm phát triển, với tôi, mỗi nơi có một cái hay riêng. Về văn hóa, thiên nhiên, con người… thì mỗi quốc gia đều có điểm nổi bật riêng, không có nước nào hay hơn nước nào.”

“Chẳng hạn, thắng cảnh thiên nhiên thì không có thắng cảnh thiên nhiên nào giống nhau giữa các quốc gia. Ví dụ đơn giản nhất, nói đến biểu tượng của Nhật chắc chắn mọi người đều biết đến ngọn núi Phú Sĩ cực kỳ nổi tiếng. Nhưng có dịp đến Nam Phi, tôi lại biết đến núi Table, thuộc thành phố Cape Town, là ngọn núi rất đặc biệt,” ông nói.

Ông kể: “Gọi là ngọn núi, nhưng ngọn Table Mountain không có đỉnh núi nhọn, ‘đỉnh núi’ chỉ là một mặt phẳng kéo dài suốt từ Đông qua Tây dài đến gần 3 km. Ngoài ra, triền núi Table Mountain thẳng đứng từ chân núi lên đỉnh, nên từ xa nhìn hình dáng của Table Mountain không khác gì ‘một cái bàn’ đặt lừng lững đứng giữa lưng trời.”

“Mây trắng không bay trên trời cao mà mây lại bay sát ôm ấp mơn trớn lấy mặt núi phẳng. Bay qua khỏi mặt núi, mây không bay lên cao như bình thường mà mây vẫn bay ôm dọc theo triền núi và đổ xuống chân núi rồi từ từ tan biến vào không gian. Hình ảnh này đã làm tôi sững sờ trước kiến tạo lạ lùng của thiên nhiên, một hình ảnh mà tôi chưa từng được thưởng ngoạn ở các nơi khác,” ông chia sẻ.

Nhận xét về những người ông đã tiếp xúc trong suốt hành trình du lịch của mình, ông nói: “Con người ở mỗi địa phương, mỗi khu vực đều có những nét văn hóa riêng. Và mỗi điểm văn hóa đó đều ảnh hưởng đến đời sống con người của khu vực đó, thành thử có những nét đặc biệt của nó.”

“Nói về văn hóa nhân văn, con người càng lúc càng đi lên cao thì phải nói một trong những đất nước mà tôi rất yêu quý, đó là Nhật. Bởi vì người Nhật tạo cho tôi thấy được một sự văn minh vượt bậc. Trong cái văn minh đó tôi cảm nhận được sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, cảm nhận được cái trật tự của con người, cảm nhận được cái đời sống của con người xứng đáng với sự liên kết, liên đới nhau. Người Nhật hoàn toàn tự giác, mà không có sự ràng buộc của pháp luật,” ông nói tiếp.

“Hay ở quốc gia nghèo nàn, chưa có nơi nào tôi nhớ bằng Nepal và Ấn Độ. Đây cũng là quê hương của Đức Phật và sự giác ngộ. Nepal là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với tỉ lệ thất nghiệp khá cao. Đặc biệt, tôi đã đến Bagmati, con sông linh thiêng nhất của người Nepal, như sông Hằng của người Ấn. Nằm bên bờ Bagmati còn có ngôi đền Hindu lớn nhất Nepal là Pashupatinath, đây cũng là ngôi đền thờ thần Shiva quan trọng nhất đất nước này,” ông chia sẻ.

Ông kể một cách thú vị: “Một trong điểm chính của ngôi đền thu hút sự hiếu kỳ của tôi là ‘nghi lễ thiêu xác’ cho những tín đồ Hindu mới qua đời. Nơi ấy có một văn hóa mà người ta cho rằng sau khi chết thì thân xác con người sẽ trở về với dòng sông mẹ. Sông mẹ đó chính là sông Hằng. Người ta cho rằng sông Hằng là suối tóc của một vị thần trong tôn giáo Hindu, đó là thần Shiva. Nên khi chết thì người Nepal mong thân xác họ được thiêu để trở lại với dòng sông mẹ. Đó là một tập tục, và qua đó tôi thấy những người chết đều được thiêu bên cạnh sông Hằng và tất cả tro bụi đều được hất thẳng xuống sông.”

Câu chuyện ông kể lại tăng thêm kịch tính khi ông giải thích: “Bên cạnh những thân xác đang dần tan thành tro bụi trên giàn thiêu là hình ảnh những đứa bé hồn nhiên tắm lội nô đùa giữa dòng sông Bagmati. Hình ảnh tương phản này đã giúp tôi nhìn sự chết một cách bình thản hơn. Sống chết chỉ là một cách gọi để phân biệt giữa một thân xác bất động và một thân xác hoạt động. Tôi cảm nhận sinh hoạt của những đứa bé tắm trên dòng sông, mà phía bên trên là giàn thiêu, đó là sự sống và sự chết rất cạnh nhau. Nó cạnh nhau đến mức, người ta có thể vui đùa mà không nghĩ ngợi gì, người ta vẫn bình thản giữa sự sống và sự chết. Đây là một điều rất đáng suy ngẫm.”

Chuyến đi đến công viên động vật hoang dã Safari, Nam Phi. (Hình: Trần Nguyên Thắng cung cấp)
Chuyến đi đến công viên động vật hoang dã Safari, Nam Phi. (Hình: Trần Nguyên Thắng cung cấp)

Kinh nghiệm khi đi du lịch

Thời gian đi du lịch của ông Trần Nguyên Thắng cũng là thời gian để một chàng thanh niên bước vào độ tuổi chín muồi, 30 tuổi! Có lẽ vì vậy, với kinh nghiệm của mình, ông tạm chia làm hai dạng đi du lịch, đó là một dạng là du khách và một dạng là lữ khách.

“Du khách là dạng đi theo nhóm, dự định đi một số điểm để thăm viếng thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, đền đài… sau đó về nhà với những tấm hình kỷ niệm. Tuy nhiên, đi với tính cách là du khách thì thường không học hỏi được nhiều, tức không được đào sâu chi tiết. Đó là chưa kể, phần lớn mọi người đi du lịch chủ yếu muốn được thưởng thức món ăn ngon, thích cảnh đẹp, thích tiện nghi… là chính,” ông nói.

“Dạng thứ hai, đó là lữ khách. Đây là những người thực sự muốn tìm hiểu về văn hóa, thiên nhiên, con người một cách chi tiết hơn trong chuyến hành trình. Và thường thì dạng lữ khách là những người trẻ thích đi cá nhân, đi để tìm hiểu, đào sâu vấn đề,” ông nói tiếp.

Ông cho biết: “Mua tour du lịch thì cũng có ba bảy đường. Do đó, điều cần nhất của du khách là nên đi theo một công ty du lịch tương đối có uy tín. Bởi vì không đi như vậy thì du khách dễ bị hiểu sai lệch về một kiến thức văn hóa, hoặc không được hướng dẫn đúng một đền đài cần xem.”

“Đó là chưa kể, những tour du lịch rẻ tiền thì phần lớn họ chỉ đưa du khách đến những cửa hiệu buôn bán đắt đỏ để lấy tiền hoa hồng, thay cho đến những cửa hiệu bán đúng giá. Và cũng một phần vào du khách, bởi vì có một số du khách đi du lịch cũng chỉ muốn mua sắm, thích được hưởng sự tiện nghi, thoải mái,” ông nói thêm.

Ông nhắn nhủ: “Khi mua tour du lịch, du khách phải biết mình muốn gì. Sau đó phải nghiên cứu kỹ bằng cách đọc qua các thông tin quảng cáo mà công ty du lịch giới thiệu. Bởi vì nhiều tour du lịch họ viết rất hay, nhưng không có nghĩa họ bao gồm cả những điều đó trong chương trình. Ví dụ, có tour quảng cáo đến Paris sẽ được thưởng thức ngọn tháp Eiffel, nhưng không có nghĩa du khách sẽ lên được ngọn tháp, mà chỉ đi ngang cho xem thôi. Do đó du khách phải hỏi thật kỹ trước khi mua tour.”

“Điều quan trọng không kém đó là hành lý, đây là vấn đề nhức đầu. Nam giới tương đối thoải mái hơn nữ giới, bởi vì hành lý của phụ nữ thường nặng nề với đồ trang điểm, giày, quần áo rất nhiều… Đi du lịch chúng ta nên gọn, nhẹ. Một chuyến du lịch hai tuần chỉ nên mang theo bốn đến năm quần, khoảng 10 áo, một đôi giày là đủ,” ông chia sẻ.

Khoác lên người bộ kimono truyền thống Nhật Bản. (Hình: Trần Nguyên Thắng cung cấp)
Khoác lên người bộ kimono truyền thống Nhật. (Hình: Trần Nguyên Thắng cung cấp)

Du lịch để mở mang tầm mắt

Ông Trần Nguyên Thắng tâm sự: “Trước đây tôi không thích đi du lịch, vì tôi nghĩ mất thời gian và tốn kém. Tuy nhiên, chuyến đầu tiên tôi đi du lịch đến Canada khoảng năm 1988-1989, thì tôi mới nhận thấy du lịch thật sự cần thiết, bởi vì nó tạo cho tôi một cái nhìn, một kiến thức mới hơn. Thật sự sau khi đi một chuyến du lịch thì tôi thấy đồng tiền trả rất xứng đáng cho sự hiểu biết của mình, cho tôi mở mang tầm mắt và đầu óc của mình.”

“Và cũng từ những chuyến đi đó, tôi đến với nghề du lịch rất tình cờ. Tôi mở một văn phòng du lịch song song với thời gian làm việc chính là kỹ sư của một hãng Nhật. Dần dần gầy dựng văn phòng thì tôi nghỉ làm ở hãng, và tôi quyết định làm luôn về du lịch từ năm 1996 đến nay. Cuối cùng thì nghề tay trái là nghề tay phải cho đến bây giờ,” ông chia sẻ.

Ông giám đốc công ty du lịch ATNT Tours có địa chỉ tại 9106 Edinger Ave., Fountain Valley, CA 92708, điện thoại: (714) 841-2868, gợi ý: “Nếu tài chánh không bị eo hẹp và có sức khỏe thì du lịch là một trong những cách giúp cho con người thăng tiến rất nhiều. Nhưng thế giới bây giờ xảy ra nhiều chuyện khủng bố, bệnh dịch… nên những điều đó khiến người muốn đi lại ngại. Tuy nhiên, nếu bạn dự định đi du lịch thì cứ đi, đừng nên sợ hãi chuyện xấu sẽ xảy đến với mình. Bởi vì những gì mình sợ điều này hay điều kia xảy ra với mình thì nhiều khi chính những điều đó là rắc rối xảy ra cho mình hơn là chuyến đi du lịch.” (QUỐC DŨNG)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình: Sun Moon Lake – Hồ Nhật Nguyệt

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT