Wednesday, April 24, 2024

Người Gò Công ở Little Saigon làm lễ giỗ anh hùng Trương Công Ðịnh

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – “Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức lễ giỗ Ðức Bình Tây Ðại Tướng Quân Trương Công Ðịnh để tưởng nhớ công đức tiền nhân và để hậu thế noi gương sáng của ngài, vị anh hùng dân tộc có công đánh đuổi quân Pháp.”

Dược Sĩ Trần Nghĩa Ðời, hội trưởng Hội Ái Hữu Gò Công Nam California, nói như vậy tại lễ giỗ lần thứ 155 Đức Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Công Định vào trưa Chủ Nhật, 18 Tháng Tám, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, Garden Grove.

“Ðức Bình Tây Ðại Tướng Quân Trương Công Định là dân quê Quảng Ngãi theo thân phụ xuống Long An, rồi đến Gò Công lập gia đình. Ông là một vị anh hùng dân tộc, khởi nghĩa chống Pháp đầu tiên vào cuối thế kỷ 19 ở tại Gò Công. Ông bắt đầu khởi công chiến đấu mạnh từ vùng Vàm Láng, Gò Công còn được gọi là Đám Lá Tối Trời. Gò Công cũng là quê hương của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, mẹ của Vua Tự Đức; Nam Phương Hoàng Hậu, vợ của Vua Bảo Đại,” ông cho biết thêm.

Cũng theo hội trưởng, Hội Ái Hữu Gò Công Nam California được thành lập từ 1992. Hằng năm có hai lần hội ngộ gồm Lễ Giỗ Ðức Bình Tây Ðại Tướng Quân Trương Công Ðịnh được tổ chức vào khoảng Tháng Tám, và Tân Niên đón mừng năm mới.

Lễ đọc văn tế. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cô Phan Bích Thủy, phó hội trưởng ngoại vụ, cho biết: “Đức Ông là một vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, để lại cho hậu thế một tấm gương sáng chói vì dân, vì nước. Đức Ông không nệ gian khổ, hy sinh cả sinh mạng chỉ mong làm sao tròn trách nhiệm một công dân tốt đối với đất nước đang hồi nghiêng ngửa. Con dân đất Việt muôn đời tưởng niệm đến công lao Đức Ông. Dù ngài đã mất, nhưng oai danh thánh đức của Đức Ông vẫn anh linh hiển hách như lúc còn hiện tiền.”

“Trong lễ giỗ này, chúng tôi cũng tổ chức một chương trình văn nghệ ý nghĩa với những bài hát nói về quê hương dân tộc và lịch sử đấu tranh của những người có công dựng nước và giữ nước,” cô nói thêm.

Ông Hồ Minh Xuân, người điều hợp chương trình, nói: “Chúng ta từ lúc chào đời, ít nhất là cũng một lần nghe qua tiếng hát ngọt ngào lời mẹ ru con ngủ trong tiếng kẽo kẹt võng đưa: ‘Đố anh con rết mấy chân/ Cầu Ô mấy nhịp, chợ Đông Xuân mấy người?/ Mấy người bán áo con trai/ Chợ trong bán chỉ, chợ ngoài bán kim.’ Đó là những câu ca dao nói lên sự rạt rào tình yêu quê hương của người dân Gò Công nổi lên chống Pháp dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng Trương Công Định.”

Dược Sĩ Trần Nghĩa Ðời, hội trưởng, trong lễ giỗ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong diễn văn khai mạc, ông hội trưởng nói: “Hôm nay, quý vị mang đến tình yêu thương giữa đồng hương Gò Công và thân hữu, đồng thời cũng bày tỏ lòng sùng kính, biết ơn tiền nhân đã anh dũng chống ngoại xâm. Đó là những yếu tố quan trọng vô cùng quý báu rất cần thiết để cho Hội Ái Hữu Gò Công vững bền và phát triển.”

Trong phần lễ giỗ, ban tế lễ long trọng trong nghi thức cổ truyền, với ba lần thắp hương, dâng rượu và dâng trà trước bàn thờ Ðức Bình Tây Ðại Tướng Quân Trương Công Ðịnh, và đọc văn tế.

Trích đoạn văn tế, nghệ sĩ Ngọc Ẩn có đọc: “Hôm nay, chúng tôi thành kính tưởng niệm công đức của Đức Ông và chư vị. Chính khí của Đức Ông về với non sông mãi mãi. Lòng son của Đức Ông, hai vầng Nhật Nguyệt sáng tỏ bất diệt… Sinh vi Tướng, tử vi Thần. Trung hồn nay đã tách theo thần. Sáu tỉnh còn roi dấu Tướng Quân.”

Hội trưởng tặng quà kỷ niệm cho Hoàng Tử Nguyễn Phúc Bảo Ân. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong số đồng hương từ phương xa đến dự, bà Nguyễn Thị Tố Hoa, từ San Jose về, tâm tình: “Tôi là cựu học sinh Trung Học Công Lập Gò Công, mà nếu là cựu học sinh của xứ này thì ai cũng phải tôn kính Đức Ông Trương Công Định, vì ngài là vị anh hùng của xứ Gò Công. Vì thế, năm nào đến ngày giỗ của Đức Ông thì tôi cũng đến Little Saigon để tham dự. Hôm nay, cùng đi với tôi cũng có những chị em bạn từ San Jose, California, và Houston, Texas, cũng đến dự, vì họ cũng ngưỡng mộ Đức Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Công Định là người đã có công chống giặc ngoại xâm ở xứ Gò Công và nhiều nơi khác.”

Bà Lan Đỗ, từ Houston, Texas, cùng đi chung với bà Tố Hoa cũng có lời bày tỏ: “Tôi không phải là người Gò Công, nhưng sau năm 1975, tôi có quen chị Tố Hoa trong trường họp chúng tôi đi buôn bán kiếm sống tại Sài Gòn, vì chồng của chúng tôi lúc đó đang trong tù của Cộng Sản. Từ thâm tình đó nên khi được ra hải ngoại, chúng tôi vẫn còn liên lạc mật thiết với nhau. Cũng vì thế, cứ mỗi lần Hội Gò Công có tổ chức họp mặt thì chị Tố Hoa cũng có mời tôi tham dự. Vì được chứng kiến nhiều lần đồng hương Gò Công họp mặt, nên tôi thấy người dân Gò Công rất chân thành và hiếu khách.”

Bác Sĩ Phan Thị Bích Phương, từ Úc về, kể: “Tôi học trường Trung Học Công Lập Gò Công hết năm Đệ Nhị thì tôi lên Sài Gòn học Đệ Nhất Trường Nữ Trung Học Gia Long. Sau đó tôi tốt nghiệp Đại Học Y Khoa, Sài Gòn. Năm 1981 tôi đi vượt biên và được định cư tại Úc. Năm nào tôi cũng sang Mỹ để dự Lễ Giỗ của Đức Bình Tây Ðại Tướng Quân Trương Công Định để gặp lại đồng hương của xứ sở mình. Hơn nữa, mùa Hè tại nước Mỹ thì là mùa Đông ở bên Úc. Vì thế, năm nào đến Hè ở nước Mỹ thì tôi cũng đều sang đây, coi như vừa đi chơi, và vừa trốn lạnh ở bên Úc.”

Ban văn nghệ Gò Công trình diễn nhạc cảnh “Sài Gòn Đẹp Lắm.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong buổi tổ chức này có nhiều khách mời từ những hội ái hữu khác đến, trong đó có ông Trần Văn Phú, hội trưởng Hội Thân Hữu Kiên Giang Nam California. Ông Phú cho biết: “Trong sự giao tiếp giữa các hội đoàn với nhau, đồng hương của mình ở Little Saigon có thông lệ mật thiết về tình người xa xứ, nên có chuyện gì vui trong những buổi họp mặt của các hội ái hữu ở đây thì cứ mời qua mời lại. Vì thế chúng tôi mới có mặt hôm nay.”

Nghị Viên Westminster Tài Đỗ cũng có mặt, ông nói: “Lần nào cũng vậy, khi Hội Gò Công có tổ chức họp mặt thì ban tổ chức đều có mời tôi đến dự. Cho nên tôi lúc nào cũng ủng hộ Hội Gò Công, vì họ rất dễ thương, hiền hòa và chân thật.”

Đặc biệt lễ giỗ có sự hiện diện của vị hoàng tử con trai út của Vua Bảo Đại, đó là ông Nguyễn Phúc Bảo Ân. Ông cho biết: “Tôi sang định cư tại Hòa Kỳ được 15 năm, hiện đang cư ngụ tại Westminster. Lúc trước tôi có làm việc tại một hãng của người Nhật, nhưng bây giờ thì tôi đã về hưu rồi, và cuộc sống của tôi cũng vẫn bình thường như mọi người thôi.” (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT