Thursday, March 28, 2024

Little Saigon: Các cơ sở thương mại chuyển hướng theo ‘bán hàng online’

Trúc Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Theo khảo sát hồi năm 2016 của Trung tâm nghiên cứu Pew ở Washington D.C, trên toàn nước Mỹ có 79% người mua sắm trên online, tăng từ 22% của năm 2000. Để bắt kịp xu hướng mua sắm online càng ngày càng tăng, nhiều chủ nhân của các cơ sở thương mại ở Little Sài Gòn bắt đầu chuyển hướng, nhưng cũng có nhiều người vẫn “bình chân như vại.”

Bán hàng online dễ dàng và tiện lợi

 

Một cơ sở thương mại là Skylark Nail Supply trên đường Brookhurst, thành phố Garden Grove thành lập năm 2001 và bắt đầu bán hàng online vào giữa năm 2016. Chị Hà Phạm, người quản lý, cho biết: “Lúc đầu khi chưa có website bán hàng, nhiều khách hàng ở xa gọi điện đến mua hàng, nhân viên phải mất rất nhiều thời gian nói chuyện với khách vì phải giải thích chi tiết các sản phẩm. Đến giữa năm 2016, chủ tiệm Skylark quyết định làm website. Từ đó mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều. Khách mua online chiếm khoảng 30% doanh thu của tiệm.”

Tuy nhiên, chị Hà Phạm cho biết thêm, phần lớn khách mua online là người Mỹ, Mễ, Philippines và số ít người Việt trẻ. Chủ tiệm nail là người Việt lớn tuổi không có thói quen mua hàng online.

Nhà sách Tự Lực trên đường Brookhurts cũng đã chú trọng mảng bán hàng online từ nhiều năm trước. Ông Đào Trung Tín, quản lý nhà sách Tự Lực, cho biết khách hàng online chiếm khoảng 40%. Không chỉ người Việt sống quanh vùng Little Saigon hay ở tiểu bang khác trong nước Mỹ mà còn rất nhiều người Việt sống ở Châu Âu, Úc, Canada… thường xuyên mua sách.

“Có nhiều người nói rằng những người ngày nay còn giữ thói quen đọc sách là những người lớn tuổi hay trung niên. Nhưng không phải vậy. Có rất nhiều bạn trẻ đến mua sách. Điều này cho thấy rằng các bạn trẻ ngày nay cũng rất quan tâm đến giá trị tinh thần, làm đẹp thêm tâm hồn mình bằng sách,” ông Đào Trung Tín nói thêm.

Tiệm Skylark Nail Supply (Hình do Skylark cung cấp)

Không phải sản phẩm nào cũng có thể bán online

Tuy nhiên, không phải cơ sở thương mại nào trong vùng Little Sài Gòn cũng muốn đầu tư vào bán hàng online. Có nhiều chủ tiệm vẫn “bình chân như vại” trước “cơn lốc” mua sắm online.

Một phần vì khách hàng tại vùng Little Saigon không có thói quen mua hàng online, hoặc các sản phẩm không phù hợp bán online, hoặc chủ nhân không thể quản lý việc bán hàng online, mà nếu thuê một người chỉ để phụ trách việc này thì không có khả năng chi trả.

Ông Roger Nguyễn, chủ tiệm Tektronic ở thành phố Fountain Valley, cho hay ông chưa có ý định làm website bán hàng online vì sản phẩm chính của tiệm là dàn karaoke, micro, ghế massage. Khách hàng nào mua dàn karaoke cũng muốn hát thử và cần hướng dẫn sử dụng nên không ai mua online cả.

Bên trong nhà sách Tự Lực. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Ông Steven Chien, quản lý của tiệm Vua Khô Bò trên đường Bolsa, cho hay gần như rất hiếm có khách vào website của công ty để đặt mua hàng. Phần lớn khách hàng đến mua trực tiếp, chỉ một số rất ít khách ở tiểu bang khác đặt mua qua điện thoại.

Tiệm Yến Sào Hải Yến trên đường Bolsa cũng chưa chú trọng bán hàng online vì khách mua yến sào đa số là người lớn tuổi và trung niên.

“Nhóm khách hàng này thường thích mua hàng trực tiếp nên gia đình chưa chú trọng việc bán hàng online. Tuy nhiên vẫn có khách ở tiểu bang khác đặt mua hàng qua điện thoại. Yến sào bị làm giả rất nhiều vì giá thành cao nên đôi khi khách cũng ngại mua qua mạng,” anh Lê Nguyễn, người quản lý của tiệm nói.

Cửa hàng Vua khô bò trên đường Bolsa. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Cũng theo anh Lê Nguyễn, tiệm Hải Yến là nơi duy nhất được dán tem USDA (U.S. Department of Agriculture) trên sản phẩm.

Xây dựng được trang web bán hàng online tốn nhiều tiền và phức tạp hơn nhiều so với trang web giới thiệu hàng hóa bình thường. Ông Andrew Trần, chủ nhân Wholesale Signs & Printing, cho biết: “Tổng thời gian xây dựng một website bán hàng, từ lúc bắt đầu mua domain, hosting cho đến khi hoàn tất mọi thứ khoảng trên dưới hai tháng với giá tiền ít nhất $2,000. Số tiền này chưa bao gồm chụp hình và chỉnh sửa hình ảnh các sản phẩm mà các chủ nhân muốn đưa lên website.”

Tuy nhiên, theo ông Andrew Trần, chuyện chi phí hay thời gian, công sức xây dựng website không phải là vấn đề khiến nhiều người e ngại. Cái khó là việc duy trì và làm sao để website hoạt động hiệu quả. Bởi có một website bán hàng, nghĩa là cần phải có thêm một người làm quản trị mạng. Người này chịu trách nhiệm việc cập nhật hình ảnh sản phẩm mới, kiểm tra đơn đặt hàng của người mua, nói chuyện với người mua, phải biết cách quảng cáo website trên các trang mạng xã hội, làm sao để khách hàng có thể tìm thấy mình qua Google…”

“Nhiều khách hàng của tôi ban đầu họ rất hào hứng xây dựng website bán hàng, nhưng sau một thời gian họ bỏ cuộc vì cảm thấy phức tạp quá,” ông Andrew Trần cho biết thêm.

Như vậy, xem ra chuyện bán hàng online không phải cứ “thích là được,” mà còn tùy thuộc vào sản phẩm, khách hàng và cả điều kiện của người chủ công ty hay chủ tiệm.

Đi một vòng nhiều tiệm trong vùng Little Sài Gòn, phóng viên báo Người Việt nhận thấy, mặc dù nhiều người kêu ca bán buôn càng lúc ế vì “bị online dập” nhưng chỗ nào cũng đông người, ai cũng nói cười vui vẻ và có lẽ cũng vì Tết Mậu Tuất đang đến rất gần. (Trúc Linh)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự cộng đồng “Little Saigon chuẩn bị chợ hoa Tết 2018”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT