Friday, March 29, 2024

Người Việt và thế hệ trẻ

Cát Linh/Người Việt

Little Saigon, California (NV) – Bốn mươi năm sau ngày tuần báo có tên “Người Việt Cali” ra đời ở thành phố San Diego, Nam California, báo Người Việt đã lớn mạnh từng ngày cùng với chính cộng đồng người Việt hải ngoại của mình.

Nhà thơ, nhạc sĩ trẻ Hà Minh Quang từng viết trong ca khúc Thương Ca Tiếng Việt rằng:

“Tiếng Việt ru bên nôi, tiếng Mẹ thương vô bờ.
Đưa con vào đời bằng vần thơ, những cánh cò baу rợp mộng mơ.
Tiếng Việt Ϲha dạу con, những chiều baу cánh diều.
Ϲâu đồng dao bên bạn quen, cho con nhìn quê mình tình уêu.
Tiếng Việt trong bài thơ, có người xưa chinh phụ
Ngồi mỏi mòn đợi chờ chinh phu hoá đá rồi lời ca vẫn còn.” 

Khoa Cát, xướng ngôn viên của đài Sài Gòn Tivi tại Little Saigon. (Hình: Người Việt)

Người Việt và thế hệ trẻ gốc Việt ở hải ngoại

Tiếng Việt còn, người Việt còn, hay ngược lại, người Việt còn, tiếng Việt phải được lưu giữ. Trong suốt 40 năm qua, Nhật báo Người Việt đã và đang thực hiện sứ mệnh ấy. Thế hệ người trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở hải ngoại tìm đến với tờ báo Người Việt như tìm đến một cuốn sách vỡ lòng có câu i, tờ để học “tiếng nước tôi, 4 ngàn năm ròng rã buồn vui.”

Bảo Trân, xướng ngôn viên của đài Little Saigon ở Nam Califonia chia sẻ tâm tình của cô:

“Đối với thế hệ trẻ như Bảo Trân được sinh ra và lớn lên ở HK thì Bảo Trân thường sử dụng báo Người Việt để học Tiếng Việt. Mỗi lần mở ra tờ báo là được học những từ mới.”

Người Việt nói tiếng Việt. Người Việt viết bằng tiếng Việt, để thế hệ trẻ ấy cũng dễ dàng tìm đến các thông tin cần biết về cộng đồng người Việt.

Khoa Cát, một xướng ngôn viên của đài Sài Gòn Tivi tại Little Saigon cho biết:

“Báo Người Việt là một cơ quan truyền thông rất uy tín. Khi Khoa Cát muốn tìm thông tin gì như nhà ở, việc làm thì tờ báo đầu tiên Khoa Cát nghĩ đến là báo Người Việt. Cho nên đối với Khoa Cát, báo Người Việt rất quan trọng.

Khoa Cát nghĩ rằng báo Người Việt đóng một vai trò rất quan trọng. Khoa Cát xin chúc Người Việt càng ngày càng phát triển.”

Bước chân đầu tiên của những người đi khai phóng nền tự do báo chí cho một dân tộc lưu vong ở nước Mỹ đã hình thành nên nền tảng truyền thông vững chắc cho người Việt hải ngoại.

Thế hệ những người có mặt trong cuộc di tản vĩ đại sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 của dân tộc Việt Nam đã và đang để lại cho thế hệ sau một con tàu truyền thông với đầy đủ ý nghĩa và bản sắc của sứ mệnh báo chí. Khi thế giới tin tức đòi hỏi tốc độ truyền tải mỗi ngày một nhanh hơn và phong phú hơn, Người Việt đã biết rằng, những con sóng sau sẽ phải cao hơn những con sóng trước. Thế hệ những người “khai hoang” nền báo chí Việt Nam hải ngoại bắt đầu hướng đến lượng độc giả là thế hệ trẻ khắp nơi trên thế giới.

Và không đâu xa, quê hương Việt Nam chính là nơi đang có rất nhiều người trẻ bắt đầu tìm đến Người Việt để tìm và xem tin tức cũng như những câu chuyện về đời sống cộng đồng.

Người Việt và thế hệ trẻ trong nước

Hoàng Quân, một thanh niên trẻ sống ở Sài Gòn chia sẻ rằng anh biết đến Người Việt Online cách đây không lâu:

“Tôi mới biết đến Người Việt Online qua Facebook, trang Fan Page của Người Việt Online. Ở hải ngoại có rất nhiều những trang báo đài khác nhau, Người Việt Online đăng nhiều tin tức mảng xã hội, dân sự phù hợp với văn hóa đời sống của người Việt Nam.”

Huỳnh Thành Phát, hiện đang ở Sài Gòn cũng vừa biết đến trang mạng xã hội Facebook vài tháng trở lại đây. Anh ghi nhận sự khác biệt của báo Người Việt với các trang mạng truyền thông xã hội khác ở hải ngoại:

“Theo em thấy thì trang Người Việt Online nhẹ nhàng hơn các trang hải ngoại khác vì trang Người Việt Online có đăng những tin tức phổ thông bình thường, dễ tiếp cận với người dân chứ không phải chỉ đăng chuyện chính trị thôi.”

Hơn 10 năm trước, nhà báo tự do Sương Quỳnh, ở Sài Gòn đã biết đến báo Người Việt, và bà cũng từng đến thăm công ty Người Việt ở Nam California vào năm 2009. Từ đó đến nay, tại cái nôi của cộng đồng người Việt hải ngoại đã có thêm rất nhiều những công ty truyền thông khác. Nhưng với nhà báo Sương Quỳnh, bà nhận thấy có sự khác biệt rõ nét ở Người Việt:

“Người Việt Tivi Online và báo giấy đưa rất nhiều thông tin trong nước, cập nhật rất tốt những tình hình trong nước và cả những thông tin rất cần thiết cho cộng đồng bên ấy. Tivi của Người Việt có những bài phân tích về tình hình chính trị rất tốt.”

Khi tự do báo chí, tự do ngôn luận đang ngày càng trở thành “tu chính án thứ nhất” cho toàn thể con người trên thế giới, thì nhu cầu về thông tin trung thực, chuẩn xác cũng là một đòi hỏi tất yếu.

Không những trung thực, khách quan mà tốc độ đưa tin nhanh trong thời đại mạng xã hội đang chiếm lĩnh thế giới tin tức chính là điều những người trẻ cần đến.

Hoàng Quân đưa ra nhận định cá nhân của anh về nguồn tin trung thực:

“Nguồn tin trung thực khách quan phải cần đủ những tính chất trung thực, không đánh giá vấn đề qua một khía cạnh.”

 “Tin tức ngày nay cần phải chính xác và rõ ràng, tránh những tin chưa kiểm chứng mà đã đăng lên.”

Còn với Huỳnh Thành Phát, nhà đài có một vai trò rất quan trọng trước khi tin tức được loan đến công chúng:

“Theo em thì nguồn tin trung thực và khách quan là nguồn tin có kiểm chứng bởi nhà đài. Khi người của nhà đài đọc được tin nào đó trên mạng, họ cử phóng viên đi đến hiện trường để kiểm tra xem tin đó có thật hay không, thì đó là nguồn tin có thể tin tưởng..”

Tiêu chí cho một bài báo, một nguồn tin là cần phải trung thực, khách quan, thế nhưng, chính những người từng làm báo trong nước nói rằng người dân trong nước rất khó để có thể tiếp cận nguồn tin như thế ở báo chí trong nước.

Nhà báo Sương Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm của bà:

“Báo chí chính thống thì không khách quan. Họ chỉ đi một chiều và đi theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo. Chỉ có trên mạng thì một số người, anh em đấu tranh đưa những thông tin trung thực. Đôi khi có những thông tin chưa chính xác lắm nhưng nếu họ đã trực tiếp ra hiện trường thì đều là những thông tin trung thực.

Tôi biết báo Người Việt có cập nhật nguồn tin của anh em đấu tranh trong nước.”

Trung thực, khách quan, có kiểm chứng, và nhanh chóng cũng chính là những tiêu chí hàng đầu của nghề làm báo mà những người đi trước đã đặt nền tảng cho truyền thông Người Việt suốt 40 năm qua.

Người Việt đã trải qua cột mốc lịch sử 40 năm thành lập, từ công nghệ làm báo thô sơ của thuở ban đầu cho đến ngày nay, một công ty truyền thông đa phương tiện (multimedia). Thế giới ngày nay là của những người trẻ, năng động, nhạy bén với tin tức, có nhu cầu và có quyền được biết những gì diễn ra trong nước và trên thế giới. Để những điều đó đến được với thế hệ trẻ một cách chu toàn nhất, Người Việt mong muốn lắng nghe mong mỏi từ chính những người trẻ ấy để hướng đến một công ty truyền thông đa phương tiện đáp ứng nhu cầu của độc giả và khán giả khắp mọi nơi trên thế giới.

Nhà báo Sương Quỳnh chia sẻ ý kiến bà dành cho Người Việt Tivi:

“Người Việt Tivi cần phải có những có những cộng tác viên trong nước để đưa những tin nóng. Đó là điều rất cần thiết với người Việt.”

Hoàng Quân cũng có cùng ý kiến với nhà báo Sương Quỳnh:

“Người Việt Online cần đẩy thêm thông tin trên trang Fanpage của Facebook, online và nhất là qua những cộng tác viên trong nước để phục vụ thêm những nguồn tin nóng hổi hơn hoặc được kiểm chứng rõ ràng.

Bổ sung thêm những cộng tác viên trong nước để hoàn thành những việc này.”

Còn Huỳnh Thành Phát, anh cho rằng người trẻ hiện nay đang rất cần những chuyên mục mới, phù hợp với xu thế của xã hội:

“Giới trẻ hiện nay rất quan tâm đến công nghệ và các chương mục phát triển bản thân. Em nghĩ Người Việt nên thêm vào một số chuyên mục như công nghệ và chuyên mục để những blogger có thể viết những bài viết phát triển bản thân. Đó là những điều mà giới trẻ quan tâm nhiều nhất.”

 Thấm thoát đã tròn 40 năm. Thế hệ trẻ chúng tôi xin tri ân những người đi trước đã đặt viên gạch đầu tiên cho một nền báo chí Việt Nam ở hải ngoại. (Cát Linh)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT