Thursday, March 28, 2024

Nhà thơ Viên Linh ra sách ‘Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam’

Nguyên Huy/Người Việt

MIDWAY CITY, California (NV) – Nhà thơ Viên Linh, người sáng lập và hiện là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí văn học “Khởi Hành,” vừa hoàn tất cuốn sách biên khảo “Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn,” mà theo ông là “sau 10 năm bỏ công sưu tầm tài liệu.”

Sách dày gần 500 trang do nhà xuất bản Khởi Hành phát hành. Theo tác giả, ông chưa có ý định ra mắt sách, chỉ mới liên lạc với một vài nhà sách ở California và nhật báo Người Việt.

“Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam” viết về 60 nhà văn, trong đó có một vài nhân vật lịch sử như Trưng Nữ Vương, Lý Chiêu Hoàng, Lý Thường Kiệt… là “những chuyện lịch sử đặc thù đã in vết trong tâm hồn người viết qua thời gian” như tác giả viết trong bài tựa ở đầu sách.

Bài tựa còn cho biết sở dĩ tác giả chỉ đề cập đến 60 nhà văn là vì “Bộ sách này viết về các tác giả danh tiếng của một nền văn học, phần lớn xuất hiện vào nửa sau của thế kỷ 20 tại Việt Nam, và suốt trong khoảng thời gian mà người viết bước vào sinh hoạt báo chí ở miền Nam từ 1955 tới 1975 và tại hải ngoại từ 1975 tới 2017, trước sau trên 60 năm.”

Sáu mươi nhà văn được dàn trải trong cuốn sách không theo thứ tự vần A, B, C,… như thường thấy mà theo năm sinh của các nhà văn này, trong cách sắp xếp theo lịch sách, một điều mới mẻ trong cách trình bày của các nhà biên khảo.

Sách có 12 chương, ứng với 12 tháng trong năm, mỗi tháng có một số nhà văn có ngày sinh trong tháng đó. Mục đích là để cho người đọc mỗi tháng có thể “chiêm niệm văn chương” qua những nhà văn đã sinh ra trong tháng đó. Chẳng hạn, Tháng Giêng, tính từ đầu tháng có Xuân Vũ, Tam Ích, Mai Thảo, Nguyễn Bính, Tuệ Mai và Viên Chiếu Thiền Sư.

Chân dung của 60 nhà văn này là những điều “mắt thấy, tai nghe” được tác giả kể lại, trừ các nhân vật lịch sử. Với những nhân vật lịch sử, tác giả trích dẫn những tài liệu kim cổ viết về nhân vật lịch sử ấy qua những điều mà tác giả tâm đắc về tư tưởng hay về những hoạt động yêu nước cao cả của những nhân vật này.

Theo tác giả Viên Linh, với 60 năm lăn lộn trong nghề báo và giới văn chương nghệ thuật miền Nam Việt Nam, ông đã có dịp, hoặc ngẫu nhiên, hoặc cố ý, được gặp gỡ, quen biết, trò chuyện với những nhà văn này. Do đó chân dung các nhà văn được ông kể qua những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên hay cố ý rất sống và hiện thực, không màu mè tô vẽ, thêm bớt. Những câu chuyện kể lại ấy đã định hình được chân dung mỗi nhà văn cho dù tác giả không mô tả.

Viên Linh là một nhà thơ và trong cuộc đời, ông không làm một nghề gì khác ngoài việc làm báo, viết báo, làm thơ. Ông chủ trương tạp chí “Thời Tập” vào những năm trước năm 1975 và tạp chí “Khởi Hành” “nối dài” từ trước 1975. Cả hai tạp chí này đều là những tờ báo văn chương, nghệ thuật.

Niềm đam mê văn chương nghệ thuật trong ông đã khiến ông không tiếc thời gian để sưu tầm trong lãnh vực này. Sự đam mê và sưu tầm ấy là có chủ đích, nhất là sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam vào năm 1975.

Sự “tàn sát” của Cộng Sản để tiêu diệt nền văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam là chủ trương tam vô của họ, tức vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo, mà nền văn chương nghệ thuật miền Nam là nền văn học nghệ thuật đã duy trì và phát huy được những tính chất ấy.

Nó là cội nguồn tinh thần, văn hóa của dân tộc Việt Nam nên khi thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Cộng Sản, ông đã gắng công sức hơn nữa để không những duy trì được nền văn chương nghệ thuật ấy mà còn phát huy được nó trong những tác phẩm của ông và tạp chí “Khởi Hành” do ông chủ trương.

Theo quan điểm của ông, văn chương nghệ thuật miền Nam mới chính là dòng văn học nghệ thuật của dân tộc. Nó là một nền văn học nghệ thuật truyền thống của dân tộc mà những người Việt làm văn học nghệ thuật ở hải ngoại sau 30 Tháng Tư, 1975, còn duy trì và phát huy được.

Cuốn biên khảo này giá $35, liên lạc nhà xuất bản Khởi Hành, P.O.Box 670 Midway City, CA 92655, email: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT