Thursday, March 28, 2024

‘Nhạc chiều 29 Tháng Tư’: Nỗi đau của những người mất nước!

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Hôm nay là chiều 29 Tháng Tư, ngày mai đánh dấu 43 năm chúng ta đã mất miền Nam Việt Nam. Nhưng 43 năm qua, chúng ta cũng đã giữ được những gì nên giữ lại cho văn hóa của dân tộc Việt, và cho nhân cách của người dân miền Nam và thể chế VNCH.”

Lời của xướng ngôn viên Trần Nhật Phong nói trong buổi văn nghệ “Nhạc chiều 29 Tháng Tư” do nhạc sĩ Nghiêm Ðông Quân và bạn bè thực hiện vào chiều Chủ Nhật, 29 Tháng Tư, 2018, tại thính đường Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, trên đường Magnolia, Westminster.

“Đúng ngày này vào 43 năm trước, tôi chỉ là một cậu bé còn ngơ ngác chưa biết chuyện gì đã xảy ra cho miền Nam Việt Nam. Nhưng rồi thời gian trôi dần, và những gì mà chúng tôi cảm nhận được sau 1975; những gì mà chúng tôi đã bị phân biệt về cách đối xử của chế độ Cộng Sản đối với các con em của các cựu quân nhân trong QLVNCH; và những gì đã xảy ra khi mà chúng tôi tìm đường vượt biển,” Trần Nhật Phong chia sẻ thêm.

Trong phần giới thiệu về một nhạc sĩ, cũng theo ông Phong, cùng trong chiều hướng đó, từ năm 1965, anh là người đã khơi dậy lòng yêu nước của các cựu sinh viên; người đã tạo ra phong trào ca hát của sinh viên học sinh với danh xưng “Nguồn Sống.” Rồi sau đó, anh đã hoạt động rất mạnh trong lãnh vực văn nghệ, đồng thời anh cũng là một kỹ sư công chánh.

Thời gian trôi qua, sau 1975, cũng như nhiều người khác, anh phải trả giá trong những nhà tù của Cộng Sản. Nhưng, những sáng tác của anh vẫn không dừng lại; vẫn bùng phát ngay cả trong nhà tù.

Khi đến Hoa Kỳ, trong những năm của thập niên 90, anh đã sinh hoạt rất thân cận với đồng hương, và đã đóng góp rất nhiều cho sự xây dựng văn hóa trong cộng đồng của người Việt tại hải ngoại.

Hoạt cảnh “Vá Cờ Tổ Quốc” trong “Nhạc chiều 29 Tháng Tư” tại thính đường Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Chúng tôi muốn nói đến một người, tên của anh là Nghiêm Phú Phát. Lúc ở trong tù, khi anh viết nhạc đấu tranh anh lấy tên tác giả là Nghiêm Đông Quân. Rồi thời gian gần đây, tâm linh của anh đã chuyển hướng về viết những ca khúc Phật ca nhiều hơn và có tên là Tâm Nguyện,” Nhật Phong giới thiệu tiếp.

Mở đầu chương trình văn nghệ là hoạt cảnh “Vá Cờ Tổ Quốc” dựa trên bài thơ của Ngô Minh Hằng với tiếng hát của Vũ Hùng do chính tác giả hát và phần phụ diễn của ca sĩ Lan Hương, và bài “Cờ Vàng Lộng Gió Tung Bay,” với ban tam ca Hoài Hương, gồm Vũ Hùng, Xuân Thanh và Lan Hương cũng do Vũ Hùng sáng tác. Hai hoạt cảnh này đã hâm nóng tinh thần đấu tranh chống cộng sản của đồng hương trong những ngày của Tháng Tư Đen tại Little Saigon.

Bài nhạc “Đừng Nghe, Hãy Nhìn” của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, do chính tác giả trình bày, như để nhắc nhở đến mọi người về câu nói để đời của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm.”

“Ca khúc này tôi viết vào năm 1976, tức là khi tôi bị vào trại tù Cộng Sản hơn nửa năm. Trong thời gian này, có lúc anh em bạn tù có ngồi lại bên nhau, và nói với tôi rằng, ‘Phát ơi! có câu nói nào mà được để đời không?’ Thì anh em chúng tôi đồng ý là lời của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ để đời. Sau đó, tôi đã hát bài nhạc này nhiều lần trong trại tù. Và từ đó cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ hát lại tại nước Mỹ. Nhưng, hôm nay, vào những ngày cuối đời của tôi…,” nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát xúc động tâm tình sau khi ông hát bài nhạc này.

Bài nhạc “Đừng Nghe, Hãy Nhìn” của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, do chính tác giả trình bày, trong “Nhạc chiều 29 Tháng Tư” tại thính đường Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Lý do tại sao anh tổ chức “Nhạc chiều 29 Tháng Tư”? Để trả lời câu hỏi của Trần Nhật Phong, nhạc sĩ Nghiêm Đông Quân cho biết: “Một số bạn cùng tù với tôi hỏi: ‘Lúc cậu ở tù, cậu viết những bài hát để cho chúng tôi nghe, và từ những bài hát đó chúng ta đã làm một số công việc. Nhưng suốt thời gian sang Mỹ đến giờ, chúng tôi không được nghe, là tại sao?’ Đó là lý do tại sao hôm nay tôi lại tổ chức buổi hát này.”

Một câu hỏi nữa: “Anh là người đã trải qua một giai đoạn lịch sử cũng như những người lớn tuổi khác. Vậy, trong buổi hát này, cảm xúc của anh như thế nào?” Nhạc sĩ trả lời: “Như mọi người đã thấy nỗi cảm xúc của tôi rất nặng. Vì nỗi cảm xúc này là nỗi cảm xúc của tất cả những người mất nước. Chỉ có điều là, người này chỉ để yên và người kia thì nuốt trong lòng mình. Tôi chỉ biết nói thế thì cũng đủ lắm rồi.”

Theo nhạc sĩ kể, thi sĩ Nguyễn Thanh Châu, bạn của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, có nói: “Sài Gòn ơi! ta sẽ trở về. Sài Gòn ơi! ta phải về như đã hẹn lời thề,…” câu này như nói lên tâm trạng của nhiều người Việt xa xứ. Và, từ ý nghĩa đó, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đã soạn ra bài nhạc: “Hẹn Thề Cùng Sài Gòn” do ban tam ca Hoài Hương đồng hát cùng giọng bè của nhạc sĩ.

Có mặt trong buổi ca nhạc, Bác Sĩ Nghiêm Phú Francis tức nhạc sĩ Nghiêm Phú Phương, anh ruột của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát. Bác sĩ có mặt để có niềm cảm xúc vui mừng khi được nghe và thấy buổi nhạc do em mình tổ chức vào những ngày tháng cuối đời của ông và của người em mình. Được biết, tiếng đàn đầu đời của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát là do sự hướng dẫn của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phương và cố nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, nguyên Giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn trước 1975, là anh cả của hai nhạc sĩ này.

Từ trái, MC Trần Nhật Phong, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phương và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, trong “Nhạc chiều 29 Tháng Tư” tại thính đường Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chương trình được tiếp nối với những tiếng hát Hoàng Đình Ngoạn, Diệu Trang, Văn Dũng, Ái Liên, Trương Minh Cường, Lâm Dung, Phương Lan, Thu Vân, Ngọc Bích, Ngọc Hoa, Kỳ Hương, Bích Liên, Phạm Tuấn,… Hợp cùng tiếng đàn piano của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát và ngón đàn guitar của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thư, con trai của nhà văn Nguyễn Đình Toàn.

Một trong những tiếng hát, cô Diệu Trang, thành viên trong ban Hương Thiền bày tỏ: “Trong buổi ca nhạc này, khi nghe những bài nhạc mà thầy Nghiêm Phú Phát đã cất giữ từ lâu, và đến bây giờ thầy mới hát cho mọi người cùng nghe trong thính phòng này, thì mình mới thấy một điều mà trong đạo Phật có nói là có có không không, và ở đời mọi sự nó đều biến chuyển như một khoảng đời mà thầy đã trải qua.”

Trong số khán giả đến dự, bà Suzanne Nguyễn, cư dân Santa Ana, định cư tại Hoa Kỳ 1993, chia sẻ: “Tôi là một trong những đồng hương tị nạn Cộng Sản cùng gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Vì ba của tôi cũng là một sĩ quan trong QLVNCH. Cho nên trong máu của tôi cũng là huyết thống của những chiến sĩ tranh đấu vì đại nghĩa. Trong chương trình ca nhạc này, với những ca khúc đấu tranh và những giọng ca không chuyên nghiệp, nhưng họ đã hát bằng tấm lòng yêu dân tộc và quê hương của mình. Vì thế đối với tôi, đây là một chương trình ca nhạc rất có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm Quốc Hận 30 Tháng Tư.”

Nhà văn Chu Tất Tiến cũng có mặt và tâm tình: “Khi thấy trong phòng hội đầy lá cờ vàng tung bay trên tay của khán giả, và những bài nhạc đấu tranh của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cũng như những bài nói về sự mất mát của dân tộc và quê hương Việt Nam, làm tôi rất cảm động.”

“Nhạc chiều 29 Tháng Tư” trong hội trường nhỏ của Thư Viện Toàn Cầu, tuy nhỏ, nhưng đủ chứa đựng những tâm hồn còn nghĩ đến nỗi đau của dân tộc và đất nước trong những ngày của Tháng Tư Đen. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát hay Nghiêm Đông Quân đã đưa khán giả về hồn quê hương, dân tộc và những nỗi đau quặn thắt của những đồng bào ruột thịt còn trong nước.

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Giấc ngủ vô cùng quan trọng:(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT