Thursday, March 28, 2024

Người Little Saigon phản đối ‘hợp pháp hóa cần sa’

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trong kỳ bầu cử vào Tháng Mười Một tới đây, cử tri tiểu bang California, tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ, sẽ quyết định có hợp pháp hóa việc dùng cần sa để giải trí hay không, thông qua lá phiếu.

Đây là một trong số 17 dự luật của tiểu bang sẽ đưa ra trưng cầu dân ý để cử tri chấp thuận hay không chấp thuận bằng kết quả biểu quyết trực tiếp. Như vậy, kỳ bầu cử tới đây, ngoài bầu tổng thống, các nhà lập pháp liên bang, tiểu bang, địa phương… thì cử tri California còn bỏ phiếu cho các dự luật này.

Đáng chú ý là Dự Luật 64 mang tên “Luật cần sa cho người lớn,” cho phép những người trên 21 tuổi được giữ, mang hay sử dụng 1 ounce (28.34 gram) cần sa dùng cho mục đích giải trí, và mỗi cá nhân được phép trồng sáu cây cần sa.

Vừa nghe chúng tôi nói đến dự luật này, bà Hoa Lê, cư dân Garden Grove, thốt lên: “Trời ơi, thật vậy à? Sao người ta lại cho sử dụng cái thứ nguy hiểm như vậy? Tôi phản đối, không bầu cho cái luật quái dị này. Nếu thông qua thì biết bao gia đình sẽ tan nát vì nó.”

Ông Bùi Thông Biên, cư dân Westminster, quả quyết: “Tôi hoàn toàn không đồng ý, hoàn toàn phản đối. Cần sa rất nguy hiểm, có hại cho con người nhiều hơn là có lợi.”

Ông Dương Sĩ Tín, cư dân Midway City, cho hay: “Quan điểm của tôi là không nên. Nếu sử dụng đúng thì tốt, nhưng đúng như thế nào khi đây gọi là giải trí. Trồng cần sa rất nguy hại, mấy đứa trẻ dễ bị hư hỏng.”

Ông Phan Văn Tánh, hội trưởng Hội Yểm Trợ Sức Khỏe Tâm Thần Người Việt Orange County, nói: “Tôi chống 1,000%, bởi vì cần sa là chiếc cầu bắc qua heroin. Hai điều cái cực kỳ nguy hiểm dễ nhận thấy là gây tai nạn xe cộ, và thứ hai, có cần sa ở nhà cũng giống như nhà có cây súng, không khóa lại, đứa trẻ sẽ lấy ra bắn người ta. Nghĩa là, cần sa hút dần dà thì gần như nghiện. Nếu trẻ em dưới 15 tuổi tập tành hút thì coi như cuộc đời đi học của trẻ là tiêu tùng, vì cần sa làm cho các tế bào não chậm phát triển, trẻ không học được, rất nguy hiểm.”

“Tôi mong khi quý vị cầm lá phiếu đi bầu sẽ không tán thành, sử dụng cần sa cực kỳ nguy hiểm. Thử hỏi, khi trong nhà có người cha, người anh, hay người thân nào hút cần sa thì những đứa trẻ dưới 21 tuổi dĩ nhiên sẽ hiếu kỳ, rồi ăn cắp, và hút. Đây là một vấn nạn, tôi mong rằng không thấy điều này trong tương lai,” ông cho hay.

Ông Tánh phân tích, cần sa là một loại ma túy có độc tính và gây nghiện rất cao không thua kém gì so với heroin, chỉ khác về mặt tác dụng lên hệ thần kinh trung ương. Heroin gây cho người sử dụng có cảm giác êm dịu đê mê, còn cần sa thì làm cho người dùng có những ảo giác.

“Chính ảo giác của cần sa làm cho tinh thần sai lệch. Tùy vào thần kinh của từng người mà cần sa có những tác động gây ảo giác khác nhau. Chẳng hạn, có người khi hút cần sa thì bỗng cười to dữ dội, lăn ra mà cười; hay người khác thì khóc lóc, than thở hoặc có nhiều hành vi vô nghĩa khác. Nguy hiểm hơn, người dùng cần sa còn có những cơn hoang tưởng giống như bệnh nhân mắc bệnh tâm thần hoang tưởng, chẳng hạn có thể nhảy từ nhà cao tầng xuống đất hoặc lao đầu vào xe đang chạy mà không có cảm giác sợ,” ông dẫn chứng.

Theo ông Tánh, khó mà để một người sử dụng cần sa làm chủ được hành vi của mình. Thêm vào đó, do cần sa có tính kích thích mạnh, lúc sử dụng thì người dùng không có cảm giác đau đớn, mơ mộng hão huyền nhưng khi hết tác dụng bản thân trở nên yếu ớt, mệt mỏi, suy nhược thần kinh.

“Vì quen với trạng thái lơ lửng của cần sa mà từ chỗ hút cần sa, sau này người dùng cảm thấy cần sa nhẹ quá, họ sẽ chuyển qua ma túy và mọi thứ. Khi đó rất nguy hiểm và không gì có thể cứu được,” ông khẳng định.

Bà Đỗ Kim Toàn, chủ nhân nhà thuốc Tana Pharmacy, Westminster, cho biết: “Tôi không đồng ý việc được sử dụng cần sa phổ biến như vậy. Hiện có biết bao nhiêu thứ khác gây hại rồi, cho hợp pháp cần sa thì sẽ đi tới đâu nữa? Tôi hoàn toàn phản đối. Dù cho rằng trồng cần sa sẽ thu được thuế, nhưng đừng vì tiền mà hủy hoại nhiều thế hệ tương lai. Thuế thì có nhiều thứ khác để lấy, chứ đâu phải chỉ cần sa mới đem về nhiều thuế?”

Trong khi đó, bà Hồng Nguyễn, cư dân Huntington Beach, cho hay bà không thấy ngạc nhiên khi tiểu bang California bỏ phiếu cho việc có thông qua cần sa hay không. “Sớm muộn gì ở đâu trên nước Mỹ cũng nói về vấn đề này. Tôi đọc trên mấy báo Mỹ, thấy người ta phân tích chuyện cho phép trồng cần sa sẽ thu nhiều thuế cho tiểu bang như thế nào cũng như giảm chi phí chi trả cho việc đang cấm như hiện nay. Tôi nghĩ cái gì cũng có mặt lợi, mặt hại, ăn thua là do chính quyền ở California quản lý như thế nào để nó không vượt quá tầm kiểm soát mà vẫn bảo đảm kinh tế phát triển,” bà nói.

Trái với nhiều người chống đối việc thông qua cần sa, bà Thanh Trần, cư dân Westminster, lại ủng hộ việc này. “Tôi có bà con ở tiểu bang Colorado, khi tiểu bang vừa thông qua cần sa, lập tức giá nhà tăng lên nhanh chóng. Tuy vậy, việc hợp pháp cần sa ở bên đó chẳng gây nguy hiểm gì, vì cho phép cần sa nhưng vẫn trong kiểm soát của cảnh sát. Tôi nghĩ ở đây mà thông qua, thị trường nhà đất California sẽ tăng lên khủng khiếp, vậy là có lợi cho tôi và những người khác có nhà mà muốn bán rồi, lời là cái chắc,” bà nói.

Được biết, hiện nay ở California, cần sa dùng vào mục đích y khoa là hợp pháp, nhưng sử dụng để giải trí là bất hợp pháp. Còn luật liên bang vẫn coi cần sa như chất kích thích, bị xếp vào hạng ma túy và bị cấm.

California là tiểu bang đầu tiên trên toàn quốc hợp pháp hóa cần sa dùng trong mục đích y khoa khi cử tri biểu quyết chấp thuận Dự Luật 215 ở kỳ bầu cử năm 1996.

Nếu sắp tới Dự Luật 64 được đa số cử tri chấp thuận, California sẽ là tiểu bang tiếp theo sau Colorado, Washington, Alaska, Oregon cho phép dùng cần sa vào mục đích giải trí.

Tuy nhiên, việc hút cần sa sẽ tiếp tục bị cấm ở những nơi mà thuốc lá đang bị cấm hút, kể cả nhà hàng, quán rượu và bên trong các nơi công cộng. Việc bán cần sa, kể cả để giải trí hay chữa bệnh, đều sẽ bị đánh thuế bán hàng 15%. Các thành phố và quận hạt trong tiểu bang có quyền cấm việc mua bán cần sa cũng như đưa ra mức thuế riêng của mình.

Ngày bầu cử sắp tới, cũng có tám tiểu bang khác trưng cầu dân ý về dự luật tương tự như Dự Luật 64 của California. (QUỐC DŨNG)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT