Friday, March 29, 2024

Nhiều nỗi niềm trong đêm thơ Á Nam Trần Tuấn Khải tại Viện Việt Học

“Trong thời kỳ thuộc địa, Việt Nam bị sự bảo hộ của Pháp, dĩ nhiên là những tâm hồn bất khuất, những trái tim đầy máu nóng với dân chủ và nhân quyền, không thể nào chịu dưới ách đô hộ của người Pháp. Ngọn lửa cách mạng đã bùng lên, các nhà chí sĩ đã dấn thân, đã lên đường theo tiếng gọi con tim, mặc dù qua bao bước gian nan và thử thách, trong đó có cụ Á Nam.”

Bà nói tiếp: “Là người được phép hầu trà cho nội tổ chúng tôi, người có liên hệ với những hoạt động trong phong trào Văn Thân, Đông Du và Duy Tân, cụ Á Nam đã lần lượt bước đi một bước dài hoạt động trên con đường thi ca cách mạng, cụ thể là những vần thơ đầy tâm huyết. Đêm nay chúng tôi xin lần lượt giới thiệu các nghệ sĩ sẽ trình bày những bài thơ của thân phụ chúng tôi, ra đời năm 1914, khi cụ mới được 19 tuổi và những tác phẩm về sau nữa.”

Thi phẩm đầu tiên, “Hỡi Cô Bán Nước” theo điệu Lẩy Kiều, được diễn ngâm qua sự diễn tả của nữ sĩ Chinh Nương Trần Thị Hồng Khương, với phần phụ họa của tiếng sáo Ngọc Nôi.

Bài này được cụ Á Nam sáng tác, mượn cảnh cô hàng bán nước để nhắn nhủ mọi người. Lời thơ thật nhẹ nhàng nhưng nghe ra thật thống thiết khi diễn tả cô hàng bán nước với ý ngầm phê phán và cảnh tỉnh bọn người làm tay sai cho giặc, cúi đầu làm nô lê, đồng thời nói lên nỗi nhục của người dân mất nước.

“Bây giờ cô cậy cô khôn. Thừa cơ đem nước bán buôn kiếm lời,” mà bán nước thì lời lãi chẳng đáng bao nhiêu so với những nghề khác, để đến nỗi cụ phải nói “Nữa mai bể cháy nước khô. Thân cô chết héo thì cô bán gì?” Thật là lời tâm huyết của người chí sĩ khi muốn nhắn nhủ đến những kẻ bán nước cho giặc, trong bối cảnh ngày xưa mà cũng đúng trong thực tế đang diễn ra hiện nay.

Tiếp theo, bài thơ “Để Hồn Tự Lập 2” qua phần diễn ngâm của Hà Phương và tiếng sáo Ngọc Nôi cùng 2 bài “Nỗi Chị Khuyên Em” nghệ sĩ Bích Thuận diễn ngâm theo điệu làn điệu Huế, nội dung là lời khuyên của chị là Bà Trưng Trắc nói với em là Trưng Nhị khi sắp dấy binh đánh đuổi thái thú Tô Định để trả thù chồng, nợ nước.

Bài “Hai Chữ Nước Nhà” do nghệ sĩ Trần Lãng Minh diễn ngâm, nói lên lời khuyên của Nguyễn Phi Khanh khi bị giặc Minh bắt đi đày qua Tàu, khi đến cửa ải Nam Quan, đã khuyên con là Nguyễn Trải đừng than khóc nữa mà hãy trở về lo chuyện phục thù, cứu dân giúp nước. “Nữa mai mốt giết xong thù nghịch. Mũi Long Tuyền rữa sạch máu tanh. Làm cho động đất trời kinh. Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày.”

Toàn thể văn nghệ sĩ, thi hữu trong đêm thơ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Toàn thể văn nghệ sĩ, thi hữu trong đêm thơ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hai bài này trích trong tập “Bút Quan Hoài,” một cuốn sách của cụ Á Nam bị thực dân Pháp cấm năm 1928.

“Đêm Nghe Người Hàng Xóm Khóc,” bài thơ tiếp nối chương trình qua phần diễn dọc của nghệ sĩ An Hảo.

Để thay đổi không khí, nữ sĩ Chinh Nương đã cống hiến thính giả bài “Biệt Ly” sáng tác Doãn Mẫn với phần đệm đàn guitar của Kim Ngân.

Tiếp theo, Nga Mi trong bài “Giấc Mơ Hồi Hương” sáng tác Vũ Thành, Trần Lãng Minh đệm guitar.

Bài “Hội Nghị Diên Hồng” do ban nhạc Viện Việt Học trình diễn đã kết thúc đêm thơ Á Nam Trần Tuần Khải với chút nỗi niềm bâng khuâng.

Phải nói rằng thi văn Á Nam trần Tuấn Khải là nỗi niềm yêu nước nồng nàn cháy bỏng, âm thầm nhưng quyết chí, thật gần gũi với dân chúng thời bấy giờ. Với lời thơ hết sức chân thành, giản dị mộc mạc nhưng không kém phần sâu sắc, gợi lên một phong trào yêu nước mạnh mẽ qua thi ca, những bài “Bút Quan Hoài,” “Đêm Nghe Người Hàng Xóm Khóc,” “Mong Anh Khóa,” “Tiếng Quốc Ca,” “Bến Sông Chiều Đất Khách,” “Chiều Thăm Đống Đa,” “Kỷ Niệm Đức Hưng Đạo Đại Vương,”… đã thể hiện hết tâm can của người thi sĩ bằng tấm lòng của những người con đất Việt, qua sự trình bày của các ca nghệ sĩ: Nga Mi-Trần Lãng Minh, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Trúc Minh, Bích Thuận, An Hảo, Duy Khang, Phương Lan, Tâm Hương, Trần Thạch, Xuân Thanh, Hà Phương và tiếng sáo Ngọc Nôi.

Tất cả đã đưa người nghe trở về với những ngày đầu thế kỷ trước, khi nước nhà còn trong cảnh tối tăm. Và giòng thơ ca yêu nước của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải xuất hiện như một ánh đuốc soi sáng cho niềm tin dân tộc mãnh liệt, quyết chí đấu tranh cho tự do, nhân quyền.

Và đêm thơ hôm nay với sự chọn lọc và trình diễn của các nghệ sĩ thân hữu, đặc biệt với sự xuất hiện qua giọng ngâm điêu luyện của nữ sĩ Chinh Nương, đã để lại một dấu ấn khó quên trong lòng người thưởng thức.

Nữ sĩ Chinh Nương Trần Thị Hồng Khương là con gái thứ sáu của văn hào Á Nam Trần Tuấn Khải. Bà đã nối bước thân phụ khi theo đuổi nghiệp thi văn thấm đẫm lòng yêu nước thương nòi.

Định cư tại Mỹ năm 1990, bà là người hoạt động trong nhiều phong trào tranh đấu cho giới tu sĩ, dân oan, người vô tội tại Việt Nam. Hiện bà là phát ngôn nhân chính thức của Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước do chiến sĩ Lê Chân Nguyễn Thị Ngọc Hạnh sáng lập, làm việc trong chương trình radio toàn dân cứu nước, và Tổ Chức Liên Minh Việt Nam, Tây Tạng, Lào. Đây là tổ chức của Đoàn Chí Nguyện Quân tranh đấu cho việc giải thể chế độ cộng sản trên toàn thế giới mà việc làm mới đây nhất trong Tháng Bảy vừa qua là rải truyền đơn tại Thiên An Môn, để chống lại chế độ Cộng Sản Bắc Kinh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT