Little Saigon

Bán tiệm tóc, tiệm nail: Nhiều người Việt bị lừa vì chiêu ‘đưa check giả, xin tiền cò’

CYPRESS, California (NV) – Một chủ tiệm tóc người Việt xém bị lường gạt sau khi rao đăng báo bán tiệm. Một người bạn của chủ tiệm này cho biết, bạn của người này ở tiểu bang Arizona trước đó bị lừa tương tự khi bán tiệm nail, và mất $5,000.

Chị Phượng Trần, chủ nhân tiệm tóc ở Cypress, cho biết: “Tôi bán tiệm tóc đang làm ở Cypress vì xa quá, muốn bán để dời xuống Garden Grove làm cho gần nhà. Sau khi đăng báo bán thì có một ông xưng tên Hoàng, nói giọng Bắc, nghe giống giọng Nghệ An, Thanh Hóa, muốn mua giùm cho em rể là một đại gia gốc Hoa.”

“Môi giới” Hoàng và “đại gia” Danny 

Chị Phượng kể: “Tôi đăng báo bán tiệm tóc với giá $45,000, ông Hoàng bằng lòng mua không cần trả giá, và còn đề nghị tôi nâng giá lên $52,000, bởi vì ông muốn ăn lời $7,000 trong đó, do em rể giàu lắm, và ông muốn lấy công đi tới đi lui.”

“Tôi cũng thật tình với ông Hoàng là tiệm tôi chưa có máy giặt, máy sấy nên tôi trừ $2,000 để ông mua máy này phục vụ cho công việc. Như vậy tôi chỉ bán tiệm với giá $43,000, ông Hoàng có thêm tiền lời, với tổng cộng $9,000,” chị kể tiếp.

“Ông Hoàng còn dặn, buổi tối sẽ có người tên Danny, em rể ông, gọi cho tôi và tôi nhớ nói tiệm bán $52,000 để ông lấy được tiền lời. Tôi thấy mình không bị thiệt thòi gì, và ông Hoàng cũng thật tình muốn mua, nên gật đầu đồng ý,” chị kể thêm.

Chị cho hay, ông Danny rất đúng hẹn, ngay tối đó gọi lại cho chị để xác nhận có phải tiệm bán giá $52,000 không và cũng không mặc cả, đồng ý mua ngay, vì tiệm thuận đường cho “vợ bé của ông ở Việt Nam sắp qua” có chỗ làm việc.

Sau cuộc điện thoại, ông Danny nhắn tin: “Anh là Danny Chan. Gửi cho anh xin full name. Cảm ơn em. Ngày mai anh Hoàng sẽ làm việc với em.”

Theo chị Phượng, sáng hôm sau ông Hoàng chạy tới tiệm đưa cho chị một chi phiếu $9,000 và đưa tờ hợp đồng “rất là chuyên nghiệp.”

“Nội dung là, tôi là chủ tiệm đã thỏa thuận và đồng ý sang tiệm cho Cindy Chan với giá tiền là $52,000. Cindy Chan đồng ý đặt cọc (deposit) số tiền $9,500 được trả bằng một chi phiếu. Số tiền deposit này sẽ không được hoàn trả lại cho người mua nếu đã được chấp thuận. Số tiền deposit cũng không được hoàn trả nếu người mua đổi ý. Và nếu chủ bán tiệm đổi ý không bán tiệm cho Cindy Chan thì phải bồi thường số tiền bằng tiền đặt cọc cho Cindy Chan,” chị nói.

“Hợp đồng còn ghi tiếp, số tiền còn lại $42,500 sẽ được tiếp tục trả trong hai ngày sau đó với $17,500 là chi phiếu và $25,000 tiền mặt. Và sau khi hoàn tất thủ tục tiền bạc, được chủ phố đồng ý chấp thuận thì chủ tiệm sẽ bàn giao tiệm cho Cindy Chan. Bên mua đồng ý trả tiền thuê những ngày còn lại trong tháng, cũng như trả tiền an ninh cho chủ phố,” chị nêu lại nội dung trong hợp đồng.

Khi cầm tờ chi phiếu $9,000 của ông Hoàng trao, chị Phượng được ông liên tục hối thúc đi nhà băng để rút tiền.

Nội dung tin nhắn “đại gia” Danny nhắn cho chị Phượng Trần. (Hình: Phượng Trần cung cấp)

“Trên đường đi nhà băng, ông Hoàng nói tôi nhận check thì nhớ cho ông vài ngàn uống cà phê. Tôi mới tự nói trong lòng, tiền chưa cầm được mà đòi lấy gì, cứ bỏ vô rồi tính sau. Tôi vào nhà băng Bank of America nhưng nhân viên nói là check đó tiền nhiều quá, và kêu tôi mang sang chính nhà băng Wells Fargo để rút tiền,” chị kể.

“Tôi đem check vô Wells Fargo, nhân viên ngân hàng nói 10 ngày nữa cái check mới clear. Không biết sao lúc đó ông Danny biết mà ông ấy gọi cho tôi, tôi nghĩ chắc ông Hoàng có gọi báo, nên ông Danny dặn tôi lấy cái check lại, ông ấy sẽ đưa cái check khác cho tôi,” chị kể thêm.

Hôm sau, ông Hoàng đưa chị một chi phiếu $15,000 của Citibank và cũng dặn: “Em nhớ cho anh vài ngàn uống cà phê. Tôi nghĩ trong lòng, tôi phải lấy hết $43,000 thì mới đưa tiền cho ông được, chứ tiền chưa cầm trong tay thì làm sao mà đưa trước được,” chị nói.

“Nhưng khi bỏ check vô thì nhân viên ngân hàng nói rằng check đó đọc không được, nếu tôi muốn thì đến Citibank vì check này của Citibank. Tôi bắt đầu nghi ngờ vì cả hai check tôi đến Bank of America để lấy tiền và đều không được, ngay cả đến Wells Fargo cũng không được. Ông Hoàng mới nói, để ngày mai ông ấy đưa cái check khác,” chị nói thêm.

Lại qua một ngày. “Tôi có nghi ngờ về cái check chứ chưa nghĩ ông Hoàng muốn gạt tiền mình. Tôi nói với ông rằng, đưa cái check đàng hoàng đi, chứ đưa check không có tiền, kỳ cục quá. Ông Hoàng sừng sộ lên, nói làm gì không có tiền, ông Danny giàu lắm làm gì không có tiền. Tôi mới nói, thôi vậy tính sau đi, ông muốn mua tiệm hay không tôi cũng không cần thiết nữa,” chị nhớ lại.

“Sau đó tưởng rằng ông Hoàng bỏ luôn, ai ngờ ông ấy cứ gọi tôi hoài. Rồi hôm sau ông ấy tới tiệm nữa, tiếp tục đưa cái check $25,000 của Bank of America, lấy từ credit line ra để đưa. Trên đường đi rút tiền, ông Hoàng cũng liên tục nói: ‘Em bỏ cái này vô nhớ lấy cho anh vài ngàn để anh uống cà phê. Bữa giờ đi lên đi xuống nhiều quá, mệt quá, mà không có ngàn nào hết,’” chị kể.

Lần này chị Phượng nhờ người em làm ở ngân hàng coi giùm chi phiếu, và người này khẳng định: “Check giả đó.” Chị nói với ông Hoàng thì ông này vẫn khẳng định “làm sao giả được” nhưng lấy lại chi phiếu và hẹn hôm sau sẽ đưa tiền mặt hết cho chị.

“Tôi bực quá nên nói với ông ấy là ông làm ăn gì kỳ cục quá, nếu ông muốn mua tiệm thì đưa tiền mặt, đưa $3,000 tiền mặt rồi deposit thì tôi giữ tiệm cho ông ấy, còn không thì tôi không bán. Ông Hoàng đồng ý, nhưng cả ngày hôm đó ông ấy mất tăm, tôi gọi hoài không được,” chị cho biết.

“Sau đó thì tôi nhận được tin nhắn của ông Danny, ông ấy nói đang ở Hồng Kông, khi về tới sẽ gọi cho tôi liền. Hôm sau nữa thì nhận được cuộc gọi của ông Hoàng, ông ấy nói điện thoại bị mất nên không liên lạc được với tôi, và nói tôi chờ ông Danny về rồi nói chuyện,” chị nói.

Chị kể, khi gặp Danny, chị nói thẳng: “Hai anh muốn mua thì đưa tiền mặt cho tôi, chứ tôi không muốn lấy check nữa. $1,000, $2,000, $3,000 gì cũng được, không cần $15,000, $20,000 đâu. Anh đưa tiền mặt thì tôi giữ cái tiệm này cho anh, còn không thì tôi bán cho người khác.”

Sau đó hai người thương lượng gì đó, rồi nhắn là “bị đụng xe, đi không được” và từ đó biến mất luôn. 

Cả tin, mất tiền 

Chị Như Nguyễn, cư dân Garden Grove, bạn của chị Phượng Trần, kể: “Chuyện của Phượng giống y chuyện của người bạn tôi bán tiệm nail ở tiểu bang Arizona. Cũng là người đàn ông xưng tên Hoàng, người lùn lùn, đen đen, khoảng trên 60 tuổi, nói giọng Bắc, cũng mua tiệm cho người quen là người gốc Hoa.”

“Phượng đỡ một cái là không bị mất tiền. Còn người bạn tôi thì mất $5,000 do bỏ check vô nhà băng mà không biết có clear hay không. Cứ nghĩ bỏ vô là đã xong rồi nên rút tiền đưa cho ông Hoàng,” chị nói.

Chị cho hay, người bạn của chị sang tiệm nail với giá $50,000, được hai người đàn ông đưa chi phiếu $10,000 và $20,000. Sau khi cầm được chi phiếu $30,000 nên đưa tiền “cò” cho ông Hoàng tổng cộng hai lần rồi ông này hứa vài ngày nữa đưa tiền đủ.

“Đưa tiền cho ông Hoàng xong thì hai ngày liên tiếp bạn tôi gọi cho hai người này thì không ai bắt máy. Cả hai ông đều biến mất tiêu,” chị Như nói.

Còn chị Trang Lê, chủ nhân tiệm nail ở Yorba Linda, kể: “Sau khi đăng báo bán tiệm thì có người tên Lê Hoàng, giọng miền Bắc, gọi cho tôi nói là muốn mua tiệm cho em gái ông là vợ của một đại gia người gốc Hoa. Ông nói là em gái ông có hai tiệm nail ở Ontario nên giờ muốn mua tiệm của tôi để phát triển thêm.”

“Ông Hoàng nói với tôi, ông không trả giá, nhưng tôi phải kê lên $9,000 thành $69,000, bởi vì ông ấy chỉ làm giùm cho em gái ông thôi, nên ông muốn lấy được tiền xăng, cà phê. Tôi thấy cũng lạ, anh em với nhau mà sao lại ăn tiền lời, nhưng vì ông ấy nói do gia đình đại gia nên tôi cũng không bận tâm,” chị kể tiếp.

“Sau đó thì ông Danny gọi cho tôi, hỏi cặn kẽ giá cả, và hứa chiều Thứ Bảy sẽ đưa ông Hoàng mang check $9,000 để đặt cọc. Do chiều cuối tuần nên nhà băng không làm việc, vì vậy tôi bỏ check vào trạm ATM. Sau này, xảy ra sự việc thì mới biết là check giả,” chị nói.

Chị cho biết, sau đó ông Hoàng “đưa cho tôi một bản hợp đồng khá là chuyên nghiệp. Nhưng trong đó có điều khá nghi ngờ là ‘Nếu chủ đất không đồng ý thì người bán tiệm không phải trả lại tiền đặt cọc.’ Ông ấy mới nói là chắc do đánh máy bị sai, với lại người bán có lỗ đâu mà sợ. Nếu không đồng ý thì ông ấy sẽ sửa lại bản hợp đồng.”

“Rồi ông ấy nói, có được tiền cọc $9,000 rồi thì cho ổng vài ngàn tiền cà phê. Không biết tại sao lúc đó thắc mắc cái hợp đồng như vậy nhưng tôi vẫn rút ra $2,000 đưa cho ông Hoàng. Đó là chưa kể, không hiểu sao tôi lại bất cẩn bỏ check vô máy ATM mà không chút đắn đo. Nhận tiền xong rồi thì ông ấy lên xe lái đi ngay,” chị thở dài nói.

“Chuyện tôi bị lừa do tôi quá cả tin, vì vậy tôi nói lên để nhiều người biết mà phòng hờ, nó sẽ đi gạt tùm lum người nữa,” chị nói. (Quốc Dũng)

—————–
Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com

Trung Quốc đáp máy bay quân sự xuống Trường Sa là phi pháp
Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Hoa Kỳ

Người tố cáo nói Boeing ‘ưu tiên lợi nhuận hơn an toàn’

Những người tố giác hoạt động của hãng máy bay Boeing cáo buộc rằng nhà…

24 mins ago
  • Hoa Kỳ

Chino ‘hoảng hốt’ vì tiểu bang California chuyển tử tù ở San Quentin tới

Hơn một chục tử tù ở San Quentin đã được chuyển tới California Institution for…

24 mins ago
  • Little Saigon

Thiếu niên 13 tuổi bị bắn chết ở Anaheim, cảnh sát bắt 2 nghi can

Khi tới hiện trường, cảnh sát thấy một nạn nhân dính ít nhất một vết…

26 mins ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Nhớ hoài những chuyện biển dâu…

Nguyễn Diệu Anh Trinh/SGN Năm 1975, tôi đang học dở dang niên học lớp 10,…

56 mins ago
  • Việt Nam

3 tháng đầu năm, Trung Quốc chi $400 triệu mua củ mì Việt Nam

Hơn 65% lượng củ mì xuất cảng sang Trung Quốc là dạng tiểu ngạch, giao…

1 hour ago
  • Hoa Kỳ

Đại gia đình Kennedy ủng hộ Biden, quay lưng với RFK Jr.

Đảng Dân Chủ cho rằng ông Robert F. Kennedy Jr. ra tranh cử sẽ giúp…

2 hours ago

This website uses cookies.