Thursday, March 28, 2024

Cựu chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt VNCH họp mặt tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Chủ Nhật, 8 Tháng Mười, Hội Thân Hữu Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) tổ chức buổi hội ngộ thường niên tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster, với sự tham dự của nhiều niên trưởng trong QLVNCH, cùng đại diện các đoàn thể, hội đoàn và gia đình của cựu chiến sĩ LLĐB.

“Trong tinh thần của các chiến sĩ LLĐB, khi nhận lệnh công tác để lên đường thì không hẹn ngày về. Vì thế, tình đồng đội của chúng tôi vô cùng gắn bó, cho đến lúc trước khi chết, chúng tôi vẫn nhớ đến đồng đội. Tôi đã từng làm những bài điếu văn trước khi các chiến hữu của chúng tôi lên đường nhảy vào lòng địch, lý do là sợ khi bạn của chúng tôi chết, thân xác sẽ được vùi thây tại những rừng sâu hiểm độc, chúng tôi sẽ không bao giờ gặp được bạn của chúng tôi nữa,” Hội Trưởng Trần Ngọc Lễ nói.

“LLĐB là một đơn vị của QLVNCH được khởi đầu từ các toán Biệt Kích để thi hành các công tác đặc biệt như xâm nhập vào miền Bắc, hoặc đến những mật khu của Việt Cộng đặt trên đất Lào và Cambodia. Mục đích để sưu tầm tin tức tình báo, bắt cóc, phá hoại các mục tiêu quân sự của đối phương. Sau này, các toán Biệt Kích này được phát triển thêm thành một đơn vị tác chiến, có vai trò như một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ,” ông cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đức Tiến, trưởng ban tổ chức, cho hay: “Tôi về đơn vị LLĐB năm 1969. Đầu tiên tôi vào trình diện Thiếu Tá Phạm Xuân Trường, trưởng phòng Tổng Quản Trị tại Bộ Tư Lệnh LLĐB, Nha Trang, ông cho biết là các chiến sĩ LLĐB từ Bến Hải đến Cà Mau, trong đó có Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và Trung Tâm Hành Quân Huấn Luyện Delta, tổng cộng quân số chưa tới 2,000 người. Lý do là nhiệm vụ của các chiến sĩ LLĐB chỉ cần một toán nhỏ xâm nhập vào lòng địch để lấy tin tức. Nếu có nổ súng thì chúng tôi khó có thể trở về.”

Ban văn nghệ Tập Thể Chiến Sĩ Tây Nam Hoa Kỳ đồng ca bài “Vẫn Còn Đây.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Trước đây, LLĐB được gọi là Lực Lượng Biệt Cách Dù, trong đó có Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù được nằm trong binh chủng LLĐB. Sau này LLĐB giải tán thì Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù được tách ra sáu đại đội, trong đó hai đại đội được chuyển sang Trinh Sát Dù, còn bốn đại đội thì được thành lập Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, sau này được phát triển mạnh hơn với danh xưng là Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù,” ông kể.

“Khi mới thành lập, LLĐB được tổ chức có đơn vị như Sở Bắc với nhiệm vụ hành quân thả toán xuống Bắc Việt. Riêng tại chiến trường miền Nam thì có Biệt Kích Biên Phòng, Lực Lượng Hành Quân Delta, cùng hoạt động phối hợp với Sở Không Yểm với Biệt Đoàn 83 Thần Phong và Phi Đoàn 219 King Bee, Sở Phòng Vệ Duyên Hải với Lực Lượng Biệt Hải và Hải Kích… Thế nên, những chiến sĩ LLĐB tuy không nhiều, nhưng đã đóng góp nhiều chiến công chung với những đơn vị bạn như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Hải Quân, các đơn vị sư đoàn, và còn nhiều đơn vị khác,” ông kể thêm.

Nói về sự kiêu hùng của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, ông nhắc đến hai câu thơ để đời: “An Lộc địa sử ghi chiến tích/ Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.”

Ông cũng nhắc đến hai đơn vị trưởng anh hùng của LLĐB là cố Đại Tá Lê Quang Tung, cựu tư lệnh LLĐB, bị sát hại trong cuộc binh biến ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, và cố Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, cựu tư lệnh LLĐB, đã tuẫn tiết không đầu hàng giặc trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975.

Ông Trần Ngọc Lễ (trái), hội trưởng, và ông Nguyễn Đức Tiến, trưởng ban tổ chức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cựu Đại Úy Nguyễn Đa, cựu liên toán trưởng đoàn công tác 71 LLĐB, đơn vị cuối cùng đóng tại Đà Nẵng, cho hay: “Toán xâm nhập của chúng tôi chỉ có từ bốn đến sáu người mà thôi, khi đến điểm công tác là xem như chúng tôi đã hoàn tất nhiệm vụ, còn sống hay chết thì chưa quyết định được, và chúng tôi không được nổ súng. Nhưng nếu có nổ súng thì 99% là chúng tôi phải bỏ xác lại điểm.”

“Có lần chúng tôi gồm bốn người được lệnh xâm nhập vào mật khu Đông Nam ở Cambodia của Cộng Sản đóng quân từ cấp trung đoàn. Các anh em trong đơn vị tiễn chúng tôi đi lần đó vẫn mong chúng tôi được trở về sau khi xong công tác. Nhưng thật ra họ biết là chúng tôi khó thoát dưới lằn đạn của địch quân trong chuyến này. Nhưng anh em chúng tôi không nao núng vì khi đã là chiến sĩ của LLĐB là phải chấp nhận cái chết. Nhưng rất may là lần đó khi chúng tôi vừa đến điểm xâm nhập thì Cộng Sản mới vừa chuyển quân về nơi khác, bởi vì chúng tôi phát hiện những tro củi để nấu nướng vẫn còn mới,” ông kể.

Dược Sĩ Nguyễn Đình Thức, đại diện Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, nói: “Tôi được hân hạnh là một dược sĩ quân y của Binh Chủng LLĐB đầu tiên. Hôm nay, ngoài đến chung vui với các anh em, tôi còn có nhiệm vụ chuyển lời của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn tới các anh em: ‘Chúc tất cả cựu chiến sĩ LLĐB và gia đình luôn bình an và mạnh khỏe, và có một đêm họp mặt đầy tình chiến hữu và vui vẻ.’ Và tôi xin đại diện cho bà trao bằng vinh danh của Thượng Viện California cho ông trưởng ban tổ chức.”

Ông Trần Nam, hội trưởng Hội Ái Hữu Quân Trường Đồng Đế Nam California, tặng cho ban tổ chức một đồng hồ treo tường có khắc hình phù hiệu của Binh Chủng LLĐB. Đồng hồ này được bán đấu giá để gây quỹ tổ chức.

Buổi họp mặt có phụ diễn chương trình văn nghệ với những tiếng hát của gia đình cựu chiến sĩ LLĐB và thân hữu đóng góp. (Lâm Hoài Thạch)

Mời độc giả xem chương trình dạy nấu ăn “Tôm kho tàu gạch đỏ au”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT