Tuesday, March 19, 2024

‘Những Ca Khúc Tìm Quen’ và nỗi ưu tư khắc khoải về quê hương

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Những ca khúc lạ mà quen, đã từng xuất hiện với những giai điệu và ca từ rất mượt mà, nồng ấm tình người của các nhạc sĩ Bùi Quốc Vinh, Nguyễn Đình Hiếu, Trần Kim Bằng, Phạm Ngọc Tuấn, và thân nhân của thi bá Vũ Hoàng Chương, một lần nữa đến với công chúng Little Saigon.

Vào chiều Thứ Bảy, 11 Tháng Mười Một, chương trình “Những Ca Khúc Tìm Quen” đã lôi cuốn khán thính giả Little Saigon chịu khó ngồi thưởng thức đến giờ chót tại Viện Việt Học, Westminster.

Cô Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, phát biểu: “Từ khi Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học được thành lập chín năm qua, nếu mỗi tháng một chương trình, một năm 12 chương trình thì đêm nay là chương trình thứ 108 của câu lạc bộ. Trong suốt chín năm qua, chúng tôi đã làm nhiều chương trình để gởi đến quý vị, tất cả những sự mượt mà, tính cảm, tình yêu, tình người, đặc biệt là tình tự quê hương.”

Mở màn là nhạc phẩm “California, Nhớ Về Quê Mẹ” sáng tác Bùi Quốc Vinh qua tiếng hát Ái Liên, “Bao năm qua nơi xứ lạ quê người/ Bao ân tình mở rộng trái tim hồng/ Bao gian nan bao thử thách/ Bao thăng trầm/ Bao hân hoan bao vẻ vang cùng chắp cánh thăng hoa.”

Nhạc sĩ Bùi Quốc Vinh là một thuyền nhân định cư tại San Diego từ năm 1980 đến nay, vào năm 2011 khởi sự viết hai nhạc phẩm đầu tay, thứ nhất là “Thuyền Nhân và Biển Cả” (Tiền Thuyền Nhân), bài  thứ hai là “California, Nhớ Về Quê Mẹ” (Hậu Thuyền Nhân). Cho đến nay, ông đã sáng tác 30 nhạc phẩm và ba vở ca nhạc kịch gồm “Thiên Hùng Tình Sử Ca 1 và 2,” “Nàng Cóc Tía,” và “Chàng Cóc Xanh Đổi Đời.”

Thiên Hương và Phạm Đình Ngà trong nhạc phẩm “Làm Quà” thơ Nguyễn Kim Hạnh, nhạc Nguyễn Đình Hiếu. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp theo, những vần thơ phổ nhạc của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, người được tôn là thi bá của thế kỷ 20 trong nền văn học Việt Nam, đã cùng với những tên tuổi lẩy lừng khác như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử… mở đường cho phong trào thơ mới của Việt Nam. Ông có những bài thơ tình trác tuyệt, đã hai lần đoạt giải văn chương toàn quốc trước năm 1975, thời trai trẻ ông đã có những bài “Thơ Say” nổi tiếng mà thời trước ai yêu thơ cũng đều biết.

Thơ Vũ Hoàng Chương giàu chất nhạc, hoài cổ, với nhiều nét Đông phương dù ông lớn lên giữa phong trào thơ mới, được đánh giá là “Tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc,” với tập thơ đầu tiên gồm 32 bài tự xuất bản.

Đằng sau những bài thơ say đó là tấm lòng ái quốc, như những bài “Trả Ta Sông Núi,” “Núi Sông Ấy Của Người Dân Việt,” cho nên sau Tháng Tư, 1975, ông đã bị giam vào khám Chí Hòa, và chỉ được thả ra khi kiệt sức, hấp hối và qua đời một năm sau đó năm 1976, lúc mới 60 tuổi.

Kế đến là nhạc của Nguyễn Đình Hiếu, người con rể của Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, về Ban Mê Thuột với gia đình năm học đệ thất, sống ở Sài Gòn sau khi xong trung học. Ông theo học kiến trúc, tốt nghiệp và đi dạy ở Sài Gòn, định cư ở Mỹ năm 2013, tham gia phong trào Du Ca Ban Mê lúc 17 tuổi, dưới sự dìu dắt của du ca trưởng nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc với ca khúc vừa sáng tác “Biển Sẽ Mất Em Ơi.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Vào năm 1954, có rất nhiều thanh niên trí thức văn nghệ sĩ miền Bắc trong làn sóng di cư vào Nam, rời bỏ hàng ngũ kháng chiến sau khi Việt Minh lộ nguyên hình Cộng Sản. Trong bối cảnh lịch sử ấy, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã viết gởi đến người bạn của mình, nhà văn Doãn Quốc Sỹ bài thơ “Nhịp Ba,” trong đó ông muốn gởi một ước mơ cao đẹp, một niềm tin đến cho cả miền Nam tràn đầy sức sống.

Và Mê Linh đã đưa đến đỉnh điểm cao vút của “Nhịp Ba” với nhạc Nguyễn Đình Hiếu, là nỗi khát khao tự do hạnh phúc, “Tình yêu tự do mãi mãi/ Sông bồi phù sa ruộng lúa trổ hoa/ Núi cao uốn cây rừng/ Nhịp Ba, Nhịp Ba, Nhịp Ba/ Tình yêu tự do mãi mãi anh ơi.”

Tiếp nữa là nhạc phẩm “Phố Cũ” sáng tác Trần Kim Bằng, thể hiện tình yêu, tình bạn, tình mẹ, và tình quê hương, “Trăng tan hiu hắt bên trời/ Yêu em thơ cũ yêu người trăm năm/ Yêu ai yêu biết bao giờ/ Yêu quê hương cũ yêu người trăm năm.” Ca sĩ Ái Phương chia sẻ bài này với âm hưởng nhạc jazz và blue, trong nỗi buồn nhè nhẹ, những tình cảm dạt dào và nỗi xúc động của người ly hương, ngậm ngùi khi tìm về chốn cũ đã quá nhiều thay đổi.

Trần Kim Bằng người Sài Gòn, vượt biên đến Hoa Kỳ năm 1981, sinh hoạt văn nghệ tại Quận Cam từ 1986 đến 1996. Sau khi về hưu, hiện ông đã trở lại với văn nghệ. Ông sáng tác khoảng 30 nhạc phẩm, với nhạc phẩm đầu tay viết về tình yêu năm 1988, sáng tác nhiều thể loại, về tình yêu, tuổi trẻ, lịch sử, và tình yêu quê hương.

Ca sĩ Minh Tâm hát nhạc phẩm “Mười Hai Tháng Sáu” thơ Vũ Hoàng Chương, nhạc Vũ Hoàng Tuân và Trần Hoàng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Miên man từ những dòng nhạc này là tâm tư của nhạc sĩ Phạm Ngọc Tuấn trong bài “Thoáng Trông Em Về Ta Hối Hả” do Phạm Ngọc Thảo trình bày, cho đến “Thu Mãi Quan San” của Trịnh Y Thư qua giọng hát của Thu Vàng, cùng sự góp tiếng của các ca sĩ Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Bùi Khanh, Hoàng Hà, Phạm Tuấn, Nguyễn Thái, Bùi Đình Giao.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc xuất hiện trong tiếng đàn và nhạc phẩm ông vừa sáng tác “Biển Sẽ Mất em Ơi,” người nghe như bức bối trước những chuyện sắp xảy ra khi mất dần chủ quyền biển đảo trên quê hương.

Và tiếng dương cầm thánh thót của Giáo Sư Lê Văn Khoa trong nhạc phẩm “Thao Thiết Sông Dài” sáng tác Trịnh Y Thư, thay cho giọng hát của ca sĩ Ngọc Hà, đã làm êm dịu lại không gian đang bức bối.

Và phải đến bài cuối cùng của đêm nhạc, “Mười Hai Tháng Sáu” thơ Vũ Hoàng Chương, nhạc Vũ Hoàng Tuân và Trần Hoàng do ca sĩ Minh Tâm trình bày, làm người nghe đau khổ, bấu víu vào những âm thanh nấc nghẹn tựa nỗi thê lương dữ dội khi người yêu đi lấy chồng “Men khói đêm nay sầu dựng mộ/ Bia đề tháng sáu, ghi mười hai/ Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc/ Tố của Hoàng nay Tố của ai…” Bài thơ tiễn biệt người yêu Tố lên xe hoa về nhà chồng, với tiếng lòng thổn thức của chàng trai thuở ban đầu biết đến nỗi biệt ly, trong những vỡ òa hụt hẫng, đã khép lại chương trình.

Đêm nhạc “Những Ca Khúc Tìm Quen” thật sự đã đưa người nghe đến gần với và chia sẻ thêm những ưu tư tình cảm của người nhạc sĩ trong bước đường ly hương, làm việc nghệ thuật với lòng tha thiết về quê cũ, luôn thấm đẫm tình người. (Văn Lan)

MỚI CẬP NHẬT