Friday, April 19, 2024

‘Nụ Hồng Đất Việt’ – đại hội 2019 của cựu nữ sinh Trung Học Lê Văn Duyệt

Uyên Vũ/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Đại hội thường niên của những cựu nữ sinh trường Trung Học Lê Văn Duyệt với chủ đề “Nụ Hồng Đất Việt” tưng bừng diễn ra vào chiều Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 2, Garden Grove.

Đại hội cũng là dịp tôn vinh người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại, như chủ đề “Nụ Hồng Đất Việt” mà Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung Học Lê Văn Duyệt muốn nhắm đến.

Bà Đinh Mỹ Đà, cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt niên khóa 1974, tân hội trưởng, cho biết: “Những năm trước, mỗi năm chúng tôi tổ chức theo một chủ đề khác nhau, như tình quê hương, tình thầy trò hay kỷ niệm dấu yêu xưa… Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thực hiện chủ đề về phụ nữ Việt Nam dù trường chúng tôi là một nữ trung học. Vì thế chương trình năm nay sẽ hoàn toàn dành cho việc nêu cao các đức tính của người phụ nữ Việt Nam.”

Tặng hoa cho các thầy cô. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Tân hội trưởng cho hay, Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt thành lập năm 1991, hiện có trên 1,000 hội viên ở khắp nơi trên thế giới, riêng tại Nam California đông nhất có khoảng hơn 200 người, đại hội năm nay có những người từ Pháp, Thụy Sĩ, Úc và cả Việt Nam về tham dự. Theo thông lệ thì vào Tháng Mười Hai, các ứng viên cho ban chấp hành đã vận động để ứng cử, sau đó sẽ bầu qua mạng online và công bố kết quả bầu cử vào dịp Tết Nguyên Đán.

Nhìn những cái ôm, cái bắt tay chân tình của các học trò dành cho thầy cô mình, hay thấy các mái đầu bạc phơ của các cựu giáo sư đang được các cựu nữ sinh dìu lên sân khấu, nhận những bó hoa để tỏ lòng tri ân, mới thấy tình nghĩa thầy trò, tôn sư trọng đạo được các cựu học sinh trân trọng biết dường nào. Điều đó càng đáng quý và mới hiểu có được kết quả đó là do nền giáo dục đề cao “nhân bản, dân tộc, khai phóng” của thời Việt Nam Cộng Hoà như lời Giáo Sư Vũ Ngọc Mai, cố vấn của hội, phát biểu.

Ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2019-2021 tặng hoa cho chị cựu Hội Trưởng Đặng Kim Kiểm. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Về chủ đề “Nụ Hồng Đất Việt,” bà Đinh Mỹ Đà nói: “Hầu hết chúng ta đều công nhận rằng, phụ nữ Việt Nam là những người hiền dịu, đoan trang, đảm đang, trung trinh, tiết hạnh và nhất là giàu lòng hy sinh… Chúng ta rất tự hào với Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Bà Huyện Thanh Quan… và với rất nhiều người phụ nữ Việt Nam đã quên đi đời mình, quên tuổi thanh xuân để tần tảo nuôi con, nuôi chồng trong những trại tù Cộng Sản và cả những người phụ nữ bình thường khác, thầm lặng nhưng vẫn trọn vẹn các đức tính trên.”

Quả vậy, với 14 tiết mục văn nghệ đề cao phụ nữ Việt Nam được trình diễn thật xuất sắc, chuyên nghiệp cho thấy việc chuẩn bị, dàn dựng và tập dượt công phu biết bao, giữa cuộc sống bộn bề tất bật nơi xứ Mỹ này. Như trong hai bản hợp ca “Mẹ Trùng Dương” và “Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Đây,” các thành viên trong màu áo tạo thành lá cờ vàng ba sọc đỏ đã khiến cả đại hội tán thưởng nhiệt liệt. Tiết mục “Hà Nội Ngày Tháng Cũ” do một cựu giáo sư đơn ca, có tiết mục hợp ca do cả các cô giáo và các học trò cùng trình diễn.

Hợp diễn ca vũ “Ngày Xưa – Dòng Sông Hát.” (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Tiết mục ca múa “Ngày Xưa – Dòng Sông Hát” phối hợp tuyệt vời giữa giọng hát hùng hồn và điệu múa gươm uyển chuyển, nhịp nhàng. Cũng vậy, các tiết mục khác như “Cánh Hoa Thời Loạn” diễn tấu về gương hy sinh của các bà vợ có chồng đi tù Cộng Sản, tiết mục “Thiếu Phụ Nam Xương” phối hợp cả ngâm thơ, hợp ca, diễn hoạt cảnh về một phụ nữ thời xưa đã từng được vua Lê Thánh Tôn ca ngợi. Cũng có bản song diễn “Bà Rằng, Bà Rí” thật vui nhộn.

Nhưng tiết mục công phu nhất, rực rỡ nhất vẫn là màn trình diễn “Áo Dài Việt Nam Qua Các Thời Đại” với dàn người mẫu 17 người là chính các cựu nữ sinh thướt tha trong nhiều kiểu áo dài. Qua lời diễn giải công phu của bà Kiều Nguyễn, mọi người biết được những giai đoạn lịch sử của tà áo dài, như một trang phục đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam.

Trình diễn kiểu áo dài ren. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Chương trình được điều phối thật duyên dáng của hai MC Thanh Hằng và Kim Kiểm, ngoài ra còn các tiết mục văn nghệ đặc sắc khác như bài song ca “Cô Gái Việt” của nhạc sĩ Hùng Lân, song ca “Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi” của Phạm Duy hay tiết mục đồng diễn “Cô Hàng Nước,” “Bà Mẹ Quê,” “Lối Về Xóm Nhỏ,” “Tôi Yêu”… và kết thúc với phần dạ vũ tưng bừng.

Đại hội của Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt cho thấy nền văn hóa của quê hương Việt Nam thật đậm đà, sâu lắng và cũng phải ghi nhận tình đoàn kết, kỷ luật và óc tổ chức của các cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt thật đáng trân trọng. (Uyên Vũ)

MỚI CẬP NHẬT