Thursday, March 28, 2024

Nuôi bonsai ở Little Saigon, nghề chơi thật lắm công phu

Nguyên Huy/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Sáng Chủ Nhật vừa qua đông đảo hội viên và người chơi cây cảnh của Hội Cây Kiểng Việt Nam vừa tề tựu về hội quán của hội trên đường Ditmore, trong thành phố Garden Grove, để cùng sinh hoạt thường kỳ, cũng như trao đổi và được hướng dẫn bonsai.

Ông Phạm Chí Nhân, người chuyên về phản xạ thần kinh, là một thành viên của hội, mang chín cây bonsai đến để cùng bà con thân hữu thưởng ngoạn.

“Ở tuổi hưu, nhiều anh em bà con thân hữu chúng tôi đã chọn chơi cây cảnh làm thú tiêu khiển tuổi già. Hôm nay, tôi đem đến chín cây bonsai mà tôi đã chăm sóc uốn nắn từ sáu năm nay để anh chị em bà con trong hội cùng thưởng thức. Đây là những cây bonsai đã từng được tham dự trong các buổi triển lãm của hội hằng năm,” ông cho biết.

Ông Đan Nguyễn, một trong những người phụ trách điều hành hội, cho biết Hội Cây Kiểng Việt Nam được thành lập được 20 năm, quy tụ cả trăm người chơi cây cảnh. Mục đích chính của hội là tạo nơi sinh hoạt cho hội viên đến để trao đổi kinh nghiệm với nhau, truyền bá cho nhau những tin tức mới về thú vui tao nhã này.

“Những buổi sinh hoạt như thế này thường diễn ra một vài lần trong tháng. Chúng tôi gặp gỡ nhau vào buổi sáng trước 10 giờ cùng uống trà, cà phê, nhâm nhi chút bánh, trái cây trong khi ngắm nhìn các cây cảnh của anh chị em hội viên mang lại. Đến đúng 10 giờ, ban Kỹ Thuật gồm có năm anh em bắt đầu mời bà con hội viên đem cây đến để các kỹ thuật viên hướng dẫn,” ông nói.

Cảnh trước trụ sở Hội Cây Kiểng Việt Nam. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ông Dũng Phạm, một kỹ thuật viên của hội, đứng giảng trước một cây tùng bách của một hội viên mang đến để xin hội chỉ cho cách uốn nắn tạo dáng cho cây được như ý mình muốn.

Miệng nói, tay làm, ông hướng dẫn hội viên phải tạo như thế nào để thân cây có vẻ già cằn cỗi u nần, nứt nẻ hoặc có bọng. Vẻ già nua của thân cây phải tạo sao cho tự nhiên chứ không phải là là sự tàn úa của cây. Đó là cành lá phải được tươi tốt, mạnh khỏe. Đến phần cành lá, ngoài việc tạo cho nó vẻ tươi tốt, còn phải cho cành lá được hài hòa, cân đối, đúng chỗ. Đến lá cây phải giữ cho được tươi tốt để biểu hiện được sức khỏe của cây.

Với chiếc kéo nhỏ trên tay, ông cắt, tỉa chậm chạp để cho người xem có thể theo dõi được. Cắt và tỉa thế nào cho đúng kỹ thuật để không làm hại đến cây, nhất là tỉa bỏ, uốn nắn, chẻ cành thế nào để cây không bị “chột” sẽ tàn héo đi.

Với những sợi thép mềm ngắn dài, kỹ thuật viên đã uốn cành uốn lá theo như ý của hội viên đến xin chỉ dẫn. Trong hơn nửa tiếng, kỹ thuật viên đã hoàn tất công trình, tạo được cái dáng khá như ý của hội viên chủ nhân cây bonsai này.

Ông Đan Nguyễn đứng bên cạnh cho biết thêm: “Bất cứ cây nào chúng ta cũng có thể biến chúng thành bonsai, nhưng cần nhớ rằng sự uốn nắn để có hình dáng như ý thì thường chỉ đạt được 30%, còn lại là do sự phát triển tự nhiên của cây. Ép nó, nó sẽ tàn lụi và ta sẽ thất bại. Đây là kinh nghiệm quý báu của những người chơi bonsai nhiều năm và cũng được các tài liệu về bonsai phổ biến trên Internet hay các sách vở, tài liệu về bonsai. Do đó mà những người chơi bonsai đã tụ họp lại với nhau thành những hội bonsai ở từng địa phương nên nghệ thuật về bonsai nay đã được phổ biến khá rộng rãi.”

Hai ông Lê Quang Bình (trái) và Đan Nguyễn, đồng hội trưởng Hội Cây Kiểng Việt Nam, luận bàn về bonsai trong buổi trà đàm trước giờ khai mạc hướng dẫn. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ông cho hay, Hội Cây Kiểng Việt Nam hằng năm đều có một buổi triển lãm cây kiểng, trong đó chủ yếu là về nghệ thuật bonsai. Năm nay buổi triển lãm của hội dự trù là vào Tháng Bảy tới đây tại chùa Việt Nam ở 12292 Magnolia St., Garden Grove, CA 92841, gần chỗ của hội quán.

Với những hội viên mới tham gia, các thành viên của hội đều hướng dẫn tỉ mỉ từng bước một. Thoạt tiên phải nhớ là bonsai là một vật sống, nên sự sống của nó cũng phải theo những điều kiện bên ngoài như không khí, ánh sáng.

Bước quan trọng nữa là đi tìm cây thiên nhiên để làm thành cây bonsai. Có nhiều loại cây thích hợp như du trung hoa, ô liu, bách, lựu, hay bông giấy, si, tùng… Nên chọn những cây có phần rễ to khỏe, cành lá sum xuê để có thể chịu đựng được những sự cắt tỉa gắt gao. Thân cây nên chọn có những đường cong uốn lượn.

Kế đó là gia nhập thường xuyên với hội để được hướng dẫn sự nuôi dưỡng, cắt tỉa, uốn nắn, tạo dáng…

Ông Phạm Chí Nhân, một hội viên, đem đến chín cây bonsai để anh chị em đồng hội thưởng lãm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Theo những nhà nghiên cứu về nghệ thuật bonsai thì bonsai phát xuất từ Trung Hoa, sau đó được phát triển mạnh ở Nhật Bản khiến nhiều người cứ ngỡ tưởng bonsai là thú tiêu dao của người Nhật.

Hình thức bonsai cũng xuất hiện ở Việt Nam từ lâu mà dân gian gọi là “chơi gốc,” hay “chơi cội.” Đến nay danh từ này vẫn còn được dùng đến trong thú vui cảnh đoàn viên của những người “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” (Nguyễn Công Trứ).

Nghề chơi thật lắm công phu nhưng chính công phu người chơi bỏ ra để tạo được những cây bonsai, cho người chơi cảm giác thay thế tạo hóa để thu nhỏ thiên nhiên bao la hùng vĩ vào mảnh vườn của nhà mình, chẳng là cái thú đáng kiêu hãnh lắm sao!

Ông Đan Nguyễn cho biết Hội Cây Kiểng Việt Nam sinh hoạt chủ yếu ở hội quán này, 12211 Ditmore Dr., Garden Grove, CA 92841. Xin gọi điện thoại cho ông Lê Quang Bình (714) 489-1261, hoặc Đan Nguyễn (949) 331-4050 khi tham gia hội hoặc có thắc mắc về bonsai. (Nguyên Huy)

Mời độc giả xem phóng sự “Thăm bảo tàng hàng không Lyon”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT