Wednesday, April 24, 2024

Nhạc sĩ Nam Lộc từ nhiệm vai trò cố vấn Hội H.O sau 12 năm gắn bó

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Tôi cảm thấy lòng mình cảm xúc lẫn lộn. Vừa nhẹ nhàng khi gỡ xuống một trách nhiệm, vừa cảm thấy nhớ anh chị em, nhớ những buổi họp, tranh luận cùng mọi người. Nhưng quý nhất là anh em trong hội hiểu mình, và họ cũng đã chuẩn bị tinh thần trước rồi,” nhạc sĩ Nam Lộc, cố vấn tổng quát của Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, nói về cảm xúc của mình sau khi gửi thư từ nhiệm.

Theo “Thư Từ Nhiệm” ông Nam Lộc chuyển đến phóng viên Người Việt, thì ông gửi thư này cho Hội H.O, và một số thiện nguyện viên của hội vào sáng Thứ Năm, 9 Tháng Tám, một ngày trước khi Hội H.O chính thức gửi thông cáo báo chí cho biết Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh không tổ chức năm 2018, mà dời đến 2019.

Nói với phóng viên Người Việt về lý do từ nhiệm, ông cho rằng, “Mình làm lâu quá rồi, giờ cũng muốn chuyển để người khác làm. Vai trò cố vấn cũng không có gì quan trọng, quan trọng là tinh thần mọi người cùng đóng góp với nhau. Trong thư từ nhiệm tôi có ghi rõ phần lớn vì hoàn cảnh gia đình, các con tôi lớn rồi, nó đang cần đến bố mà mình không đi họp với hội thì không theo dõi được công việc, mà đi họp thì bận quá. Nên tôi nghĩ thôi để cho người khác đứng ra làm. Chuyện gọn gàng chỉ là vấn đề sức khỏe và gia đình, chứ không có bất cứ điều gì cả, nhất là Hội đang trong một hoàn cảnh vô cùng tốt đẹp, có CPA (kiểm toán), có kế toán… thì tôi nghĩ mình rút lui được rồi.”

Thư Từ Nhiệm của nhạc sĩ Nam Lộc có viết: “Sau hơn 10 năm sát cánh bên người Chị Cả đáng kính, cố trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, cựu hội trưởng và 12 năm làm việc tận lực bên cạnh quý anh chị, những thành viên thiện nguyện tận tụy của Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, hôm nay tôi xin mạo muội đệ trình lá thư này lên chị tân hội trưởng Nguyễn Thanh Thủy để xin chấm dứt vai trò Cố Vấn Tổng Quát của Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH kể từ ngày mùng 9, Tháng Tám, 2018. Đồng thời cũng sẽ không đảm nhiệm hay giữ bất cứ một trách vụ nào trong các hoạt động của hội kể từ ngày này.”

Trả lời câu hỏi của Người Việt “Liệu sự từ nhiệm của ông có khiến hội bất ngờ không?”, ông nói, “Tôi nghĩ là không, vì tôi cũng đã xin từ chức từ năm trước rồi. Nhưng hội nói đợi hết Đại Nhạc Hội 11, rồi đến hết Tháng Tư tôi nói từ chức thì anh em lại kêu cố gắng thêm. Nhưng hãnh diện mà nói thì tôi thấy hiện tại guồng máy đã chạy tốt. Người tân hội trưởng cũng gặp những chuyện bỡ ngỡ khi đứng ra lãnh đạo hội mà bà Hạnh Nhơn đã từng lãnh đạo 11 năm, nhưng mọi chuyện đã chuyển tiếp tốt đẹp, thời gian thử thách đó đã qua rồi.”

Phóng viên Người Việt có gọi điện thoại cho bà Nguyễn Thanh Thủy, hội trưởng Hội H.O, nhưng không để lại được lời nhắn.

Phóng viên gọi cho ông Nguyễn Phán, phó hội trưởng Nội Vụ của hội. Qua điện thoại, ông Phán cho biết, “Lý do anh Nam Lộc từ nhiệm thì ảnh đã có nêu ra trong thư. Còn thực sự bên trong có gì mà ảnh không nói thì mình cũng đâu biết.”

Nhạc sĩ Nam Lộc (bìa trái) trong kỳ Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh tổ chức ở Houston, Texas năm 2017 (Hình: Người Việt)

Lý do trong thư từ nhiệm của tác giả “Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt” ghi:

“Hai lý do đưa tôi đến quyết định nói trên hoàn toàn là vì: Vấn đề sức khỏe và bận chuyện gia đình. Như quý anh chị cũng đã biết, tôi đang bước vào tuổi 75, sau hơn 60 năm trời hoạt động xã hội không ngừng nghỉ nên cũng cảm thấy mệt mỏi và tạm đủ. Thời gian này lại đến đúng vào lúc các con tôi vừa hoàn tất sự học vấn và bắt đầu bước vào đời. Cả hai cháu đều theo học ngành y khoa, mà lại có ý định mở văn phòng riêng nên muốn nhờ bố mẹ tiếp tay và hướng dẫn cũng như giúp đỡ. Vì thế tôi không thể từ chối, nhất là trong gần 40 năm qua, nhà tôi luôn luôn luôn hỗ trợ và khuyến khích tôi tham gia vào các công tác phục vụ cộng đồng.”

Là một trong bảy người sáng lập và gắn bó với Hội H.O từ ngày đầu đến nay, ông Phán chia sẻ, “Tôi không bất ngờ về sự từ nhiệm của anh Nam Lộc, vì anh đã có lần nhắc đến điều này trước đây. Nhưng cá nhân tôi cảm thấy rất buồn về sự từ chức của anh. Anh có hứa rằng anh vẫn sẽ giúp hội khi cần gây quỹ, nhưng dù muốn dù không thì tiếng nói của anh Nam Lộc khi đang là cố vấn của Hội vẫn mạnh hơn rất nhiều.”

Trong thư từ nhiệm của ông Nam Lộc có một đoạn nhắc về số tiền hội còn đang có:

“Về quỹ cứu trợ TPB&QP VNCH, thì là vì nhờ vào sự thành công tốt đẹp và đạt kỷ lục về tài chánh của Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Kỳ 11 vừa qua, cho nên mặc dù ĐNH/CƠA năm nay không tổ chức nhưng số tiền hiện có trong quỹ để gởi về giúp đỡ các TPB&QP VNCH vẫn còn hơn nửa triệu đô la, cộng với tiền gởi về từ Pháp, từ Florida và sắp tới là New Jersey, tôi nghĩ là sẽ đủ để hội hoạt động cho đến ĐNH/CƠA Kỳ 12 dự trù tổ chức vào mùa Hè năm tới 2019.”

Nói với Người Việt về vấn đề này, tác giả “Người di tản buồn” giải thích, “Có người hỏi tại sao Đại Nhạc Hội 11 vẫn còn tiền, chưa gửi đi hết, thì có hai lý do. Thứ nhất từ năm ngoái đến giờ đã gửi về Việt Nam hơn $1 triệu rồi. Thứ hai, là mình không thể vội vàng gửi tiền nếu như thương phế binh chưa gửi hồi báo trở lại.”

Theo giải thích của người từng là cố vấn Hội H.O thì luật của hội là “khi nào nhận được hồi báo của thương phế binh đó thì Hội mới gửi tiếp, chứ không phải mình cứ gửi đại rồi tiền đi đâu thì đi.”

“Bên cạnh đó cũng có một trở ngại nhỏ là những dịch vụ nhận gửi tiền cho hội cũng bớt đi so với trước, cũng có thể vì mình không trả họ tiền huê hồng cao, mà nhu cầu gửi tiền về Việt Nam hiện nay quá lớn, nên không phải là họ không muốn giúp mình mà họ không còn ưu tiên cho mình như trước,” ông Nam Lộc nói.

Ông nhắc thêm, “Cũng nên nhớ là gửi cho thương phế binh cũng rất phức tạp vì đa số họ sống ở vùng hẻo lánh, ở những nơi khó tìm, rồi tên của họ trên đơn xin, trên giấy tờ khi tại ngũ khác hẳn với tên ở làng xã gọi họ… Những điều đó rất khổ cực, vất vả khi làm mà không ai hiểu được, trong khi bên ngoài có nhiều người chỉ trích nói thế này thế kia. Tôi không làm công việc đó, tôi chỉ làm công việc giúp gây quỹ, nhưng tôi nhìn ra những khó khăn của các anh chị.”

Trả lời câu hỏi của Người Việt, “Hội có ý định tìm người cố vấn khác thay thế hay không?”, ông Phán trả lời, “Điều này tùy thuộc vào quyết định của ban điều hành, của người hội trưởng, nhưng với cá nhân tôi thì chắc chắn là khó mà tìm được người nào thay thế được công việc mà anh Nam Lộc đã làm.”

Ông Nam Lộc tên thật là Nguyễn Nam Lộc, sinh năm 1944, được nhiều người biết đến như một nhạc sĩ và MC cho chương trình ca nhạc của Trung tâm Asia.

Lớn lên ở Sài Gòn, ông tham gia phong trào Nhạc Trẻ vào đầu thập niên 1960 rồi mở lối “Việt hóa” nhiều bản nhạc ngoại quốc thịnh hành bằng cách đặt lời tiếng Việt. Cũng trong nhóm đó có những nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Duy, Trường Kỳ, Nguyễn Duy Biên, Tùng Giang, Jo Marcel…

Năm 1975 ông cùng gia đình sang tị nạn tại Hoa Kỳ và bắt tay làm việc tại cơ quan thiện nguyện USCC giúp đồng bào định cư.

Đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, ông Nam Lộc được ghi nhận nhiều ở vai trò góp sức trong việc xây dựng Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ ở Westminster, California. Và từ năm 2006, ông trở thành cố vấn đắc lực của Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH trong những lần gây quỹ, đặc biệt là các chương trình Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh. (Ngọc Lan)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

Một xã nghèo có năm người chết, 42 người bị nhiễm HIV

MỚI CẬP NHẬT