Wednesday, April 24, 2024

Ra mắt ‘Con Thuyền Hy Vọng,’ di sản vô giá cho các thế hệ tương lai

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Buổi hội ngộ do Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum – VHM) tổ chức hôm Thứ Bảy, 6 Tháng Năm, 2023, tại 13962 Seaboard Circle, Garden Grove, thu hút rất đông người tham dự, đặc biệt là giới trẻ.

“Con Thuyền Hy Vọng” đã đưa chín thuyền nhân Việt Nam năm xưa đến bến bờ tự do. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Buổi hội ngộ nhằm triển lãm chiếc thuyền nhỏ bé năm xưa vượt biển để đưa chín chàng trai, cô gái thuyền nhân đến bến bờ tự do, để hôm nay gặp lại nhau tại Little Saigon, cùng bạn bè thân hữu và đồng hương với nhiều cảm xúc buồn vui khó tả.

Tham dự buổi hội ngộ có các vị dân cử, quý vị giáo sư, các thân hào nhân sĩ, các ân nhân bảo trợ, cùng đồng hương và thuyền nhân. Đặc biệt có hai vị khách mời danh dự, Tiến Sĩ Hoàng Anh Tuấn, giáo sư giảng dạy môn Lịch Sử và Nhân Văn tại Pepperdine University, Nam California, và cũng là một thuyền nhân năm 1981, đang có công trình nghiên cứu về người tị nạn; và ông Rick Noguchi, cựu giám đốc Viện Bảo Tàng Quốc Gia Nhật-Mỹ.

Ông Nguyễn Xuân Phát (thứ ba, từ phải), thuyền nhân nhỏ tuổi nhất, giới thiệu “Con Thuyền Hy Vọng” đã đưa chín thuyền nhân năm xưa đến bến bờ tự do. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đặc biệt nữa là có sự tham dự của năm nhân chứng sống kể lại câu chuyện của họ trong bảy ngày đêm lênh đênh trên biển cả để tìm tự do trên “Con Thuyền Hy Vọng,” được so sánh như là một Holocaust của người Việt.

Vào nửa đêm ngày 3 Tháng Chín, năm 1984, chín chàng trai cô gái đã trốn khỏi Việt Nam trên một con thuyền nhỏ bé bằng gỗ, không máy móc, chỉ có một cánh buồm và hai mái chèo. Họ đã quyết tâm ra đi, dù chỉ có một tia hy vọng mong manh cho một tương lai tươi sáng hơn.

Năm thuyền nhân năm xưa kể chuyện vượt biển trên “Con Thuyền Hy Vọng.” Thứ hai đến thứ sáu từ trái: Nguyễn Xuân Phát, Phạm Đức Nguyên, Phạm Thị Thanh Hằng, Phùng Văn Tài, và Nguyễn Anh Dũng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đó là các thuyền nhân Phùng Văn Tài 23 tuổi, Phạm Đức Nguyên 22 tuổi, Trần Đình Hoàng 16 tuổi, Nguyễn Văn Đình 22 tuổi, Nguyễn Anh Dũng 23 tuổi, Nguyễn Thị Mỹ Phương 19 tuổi, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh 19 tuổi, Phạm Thị Thanh Hằng 19 tuổi, và Nguyễn Xuân Phát 12 tuổi.

Những thuyền nhân này ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó là lý do mà Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt muốn giữ gìn những lịch sử bi thương này để làm bài học vô giá cho các thế hệ tương lai, giúp các bạn trẻ hiểu thấu được tại sao chúng ta hiện diện trên đất Hoa Kỳ, để trân trọng những hy sinh của ông bà cha mẹ và cảm thông cho những hoài bão mà cha mẹ đã kỳ vọng. Từ đó mong những thế hệ sau nhận ra những giá trị của cuộc sống, phấn đấu vươn lên trở thành những con người hữu ích cho xã hội và làm rạng danh cộng đồng người Việt khắp nơi trên toàn thế giới.

Các sắc dân khác cùng đến tìm hiểu về lịch sử thuyền nhân Việt Nam. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong phát biểu khai mạc, ông Châu Thụy, người sáng lập và là giám đốc VHM chia sẻ: “Ngoài việc nhận thấy sự hy sinh của tiền nhân, các em còn hiểu thêm về lòng nhân đạo giữa con người với con người, khi cả thế giới đã dang tay giúp đỡ nguời Việt giữa lúc lâm nguy. Đó là những bài học vô giá về tình người mà các dân tộc trên thế giới đều có thể học hỏi từ câu chuyện thuyền nhân của chúng ta. Hành trình gian nan và số phận bấp bênh của họ là những chứng tích cho một quá khứ đau thương của dân tộc Việt. Trong khi có những người may mắn sống sót rồi tái định cư khắp nơi trên thế giới, thì cũng có hàng trăm ngàn người đã bỏ mình trong lòng đại dương.”

Quang cảnh buổi ra mắt “Con Thuyền Hy Vọng” do Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt tổ chức. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Châu Thụy kể rằng: “Vào năm 2020, VHM đã may mắn tìm được một con thuyền đang được lưu giữ tại Viện Bảo Tàng Hàng Hải tại thành phố Le Harve, Pháp. Sau ba năm trao đổi qua điện thoại và văn thư, họ đã chấp nhận cho chúng tôi được đưa con thuyền này về Mỹ. Trong quá trình đó cũng đã gặp vô vàn khó khăn như sự bất đồng ngôn ngữ, bắt liên lạc với chín người đã ra đi trên con thuyền ấy, thu thập thỉnh nguyện thư để vận động cho sự chấp thuận của Hội Đồng Quản Trị Viện Bảo Tàng Hàng Hải Pháp, thủ tục hành chính với chính quyền Pháp, vận động gây quỹ để trang trải các chi phí bảo quản và vận chuyển chiếc ghe (chi phí hơn $30,000), cũng như tìm kiếm cơ sở để lưu giữ và trưng bày trong lòng thủ đô tinh thần của Người Việt tỵ nạn chúng ta. Nhân đây xin đặc biệt cảm ơn ông bà cố Thanh Sơn Tofu đã giúp đỡ cơ sở này. Và đích thân chúng tôi bay qua Pháp để chính thức ký thỏa thuận chuyển giao ‘Con Thuyền Hy Vọng.’”

Nếu Viện Bảo Tàng Hàng Hải tại Le Harve không nhìn thấy được giá trị lịch sử của con thuyền này thì nó đã bị phá hủy từ rất lâu như bao nhiêu con thuyền khác. Đó là tâm tư của ông Jean Pierre Olivier, cựu giám đốc của Viện Bảo Tàng Hàng Hải Pháp.

Các con cháu hậu duệ của năm thuyền nhân trên “Con Thuyền Hy Vọng,” cùng tham dự buổi hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Con Thuyền Hy Vọng,” với chiều dài chưa tới 6 mét, và bề ngang chưa tới 2 mét sau chuyến vượt biển năm 1984.

Nó đã hai lần vượt trùng dương, lần thứ nhất đã đưa chín thuyền nhân lênh đênh trên Biển Đông suốt bảy ngày đêm trước khi được cứu vớt. Để rồi 38 năm sau lại vượt trùng dương lần thứ hai trong hơn 30 ngày, qua 9,999 hải lý, qua Đại Tây Dương, vượt qua kênh đào Panama rồi đến Thái Bình Dương, sau cùng đến với người Việt tị nạn tại Little Saigon.

Trên sân khấu là năm nhân chứng sống trong chuyến vượt biển trên “Con Thuyền Hy Vọng” kể lại câu chuyện vượt biển trong bảy ngày đêm, và lịch sử sẽ trả lời chính xác câu hỏi tại sao người Việt không sống ở quê hương đất nước của mình mà phải chạy qua xứ khác sinh sống, tại sao phải chấp nhận hy sinh mạng sống của mình để tìm tự do.

Phillip Phùng, thuộc US Marine, con trai ông Phùng Văn Tài, phát biểu trong ngày ra mắt “Con Thuyền Hy Vọng.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong buổi triển lãm cũng có hậu duệ của những thuyền nhân phát biểu cảm tưởng, khi cha mẹ mình đã chấp nhận hy sinh mạng sống để có lớp hậu duệ hôm nay.

Ông Phạm Đức Nguyên, với nick name là “Xuồng Trưởng,” một thuyền nhân trên “Con Thuyền Hy Vọng” năm xưa nói rằng lúc ra đi chỉ có chín người mà trong ngày hôm nay có thêm một đàn hậu duệ rất đông như thế này, thật là hạnh phúc vô cùng.

Trong khi đó, ông Tài Phùng cũng là thuyền nhân trên “Con Thuyền Hy Vọng,” cho hay: “Chính ánh sáng của Đài Đức Mẹ tại nơi xuất phát đã hướng dẫn chúng tôi đi đúng hướng nơi phải tới, và chúng tôi tin như thế để có cuộc sống như hôm nay.”

Các vị khách mời tham dự, trong đó cũng có những thuyền nhân năm xưa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Đoàn Văn Nguyên, một thuyền nhân khác đến tham dự, chia sẻ với Người Việt: “Chúng tôi nay đã gần hoặc hơn ‘thất thập cổ lai hy,’ lịch sử thuyền nhân cần phải giữ lại và rất có giá trị cho thế hệ trẻ sau này, nếu không thì những câu chuyện thuyền nhân sẽ đi vào lãng quên, không còn ai biết đến.”

“Các em gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ sẽ hiểu được giá trị của tự do là gì khi gặp câu hỏi tại sao cha mẹ mình phải đánh đổi sinh mạng để vượt thoát từ Việt Nam đi qua xứ khác tìm tự do. Và nạn Cộng Sản kinh hoàng như thế nào để những người Việt phải ra đi sau ngày miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm,” ông Nguyên tiếp.

Một vị khách mời xúc động trước “Nắm Đất Quê Hương” miệt Sóc Trăng do nữ sĩ Nhất Phương đem theo khi vượt biển, nay được tặng lại cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong buổi triển lãm, ông Châu Thụy nói: “Chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả các quý vị ân nhân tiên phong đã tin tưởng và hưởng ứng lời kêu gọi để giúp chúng tôi có tài chính nhằm đưa con thuyền về đây. Và cũng không quên cảm ơn các anh chị em thiện nguyện viên đã không ngừng hy sinh công sức và tiền tài để vun đắp xây dựng Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt trong những năm qua.”

“Chúng tôi rất cần sự đóng góp về nhân lực, tài lực, vật lực của quý vị để hoài bão và ước mơ của chúng ta sớm thành hiện thực, sẽ là những viên gạch lót đường cho các thế hệ mai sau. Rất mong quý vị tiếp tục yểm trợ và đồng hành cùng với chúng tôi, và hãy cùng nhau bảo tồn lịch sử của người Việt tị nạn trên toàn thế giới, để khích lệ cho các thế hệ hiện tại và tương lai,” ông Châu Thụy kêu gọi.

Con cháu hậu duệ của năm thuyền nhân trên “Con Thuyền Hy Vọng,” bên con thuyền đã đưa ông bà cha mẹ mình đến bến bờ tự do. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hiện VHM đã nhận được trên 5,000 hiện vật, bao gồm sách, tài liệu, ấn phẩm, phim, kỷ vật,… Trong đó có bộ sưu tập của cố Đại Sứ Bùi Diễm, nhà nghiên cứu Stephen Denny, nhà văn Phạm Quốc Bảo, Giáo Sư Nguyễn Văn Canh, cố Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, và của rất nhiều người khác nữa.

“Con Thuyền Hy Vọng” cũng là một trong những nhân chứng sống của lịch sử Việt Nam cần phải được bảo tồn và gìn giữ cho đời sau. Buổi triển lãm cũng có sự đóng góp với nhiều cầu chuyện đầy cảm xúc dưới sự điều hợp của MC Hồng Tiên, cùng ba MC Thu Hà Nguyễn, Từ Ái, Oscar, đều là cựu thuyền nhân.

Mọi sự đóng góp ủng hộ xin liên lạc: Điện thoại (714) 846-8438. Email: [email protected], www.vietnamesemuseum.org. [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT