Friday, April 19, 2024

Ra mắt sách thiền của Nguyên Giác và Đào Văn Bình

Nguyên Huy/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Thiền Tông Qua Bờ Kia” của Nguyên Giác Phan Tấn Hải và “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” của Thiện Quả Đào Văn Bình vừa được Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ tổ chức ra mắt tại chùa Bát Nhã, Santa Ana.

Cả hai cuốn sách là những cuốn sách về thiền rất sâu sắc. Đó là nhận định của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, tổng thư ký Hội Đồng Điều Hành, tại buổi ra mắt sách vào chiều Thứ Bảy, 18 Tháng Mười Một.

Chính vì nội dung đó mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ đứng ra tổ chức để quảng bá rộng rãi hai cuốn sách trong giới Phật tử và đồng hương cần nghiên cứu thêm về thiền.

Trực tiếp trách nhiệm tổ chức là Hội Cư Sĩ Phật Giáo Nam California do Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê, trưởng ban tổ chức, và được sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, đệ nhất phó chủ tịch nội vụ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, viện chủ chùa Bát Nhã; cùng các cao tăng trong giáo hội.

Nhận xét về hai cuốn sách, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu đề cập đến “Nét văn hóa Phật Giáo trong hai tác phẩm” với một niềm thích thú say sưa.

Hòa thượng đã chuyển tải những nhận định của mình về giá trị của nội dung hai cuốn sách và cho rằng với “Thiền Tông Qua Bờ Kia” và “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” là những cuốn sách đã “một vạn kinh được thể hiện trong một cuốn sách.” Theo hòa thượng thì vì thế cả hai tác phẩm này khi đọc cần suy nghĩ cho thấu đáo.

Hòa thượng nhận định cả hai cuốn sách đều đã thể hiện lên được nét văn hóa Phật Giáo trong dân tộc Việt Nam.

Ban hợp ca Tình Nghệ Sĩ giúp vui văn nghệ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Nói riêng về tác giả Nguyên Giác qua tác phẩm “Thiền Tông Qua Bờ Kia,” hòa thượng cho rằng tác giả đã đưa được một vạn kinh thể hiện ra trong một cuốn sách.

Sau lời nhận xét này, hòa thượng đã trích đọc một số đoạn trong cuốn sách để minh chứng cho nhận xét của mình.

Theo hòa thượng, tác giả Nguyên Giác vốn là một nhà báo đã được gặp gỡ nhiều người, nhiều tổ chức, được đọc nhiều nguồn tin tức báo chí nên qua những cuộc gặp gỡ, những nguồn tin tức này, tác giả đã có nhiều dịp được chứng kiến những hỉ nộ ai lạc, những tham sân si trong cuộc sống của mọi giới, mọi người trong xã hội. Để từ đó tác giả suy nghiệm ra những điều Phật dạy và cũng từ đó mà ngộ ra biết bao nhiêu điều để gửi đến cho người đọc. Nên có thể gọi tác phẩm này của Nguyên Giác như một cuốn cẩm nang. Cuốn sách đã như một hải đảo an toàn cho những tâm hồn còn đang hoang lạc trong biển khổ.

Về “Thiền Tông Qua Bờ Kia” thì như lời tác giả trong “Lời Thưa” đầu cuốn sách có viết rằng “Được viết từ lòng tôn kính và biết ơn Tam Bảo vô bờ bến với nhiều tham khảo để giúp trả lời các câu hỏi thường gặp của người mới học Phật… Nhìn chung tuyển tập là khảo sát về thiền tập nhìn từ nhiều truyền thống, trong đó phần lớn là thiền tông, còn gọi là Thiền Tổ Sư tức là pháp môn do Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma mang tới phương Đông.”

Phật tử và quan khách tham dự chật hội trường. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Qua tác giả Đào Văn Bình với “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh,” Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu có nhận xét rằng: “Tác phẩm của Đào Văn Bình được xây dựng trên niềm tin Phật Giáo. Đọc Đào Văn Bình thấy lòng mình cao trong và an bình.”

Trong tác phẩm này, tác giả Đào Văn Bình với  52 bài viết ngắn từ những cái nhìn, suy nghĩ của mình về nhiếu vấn đề, lớn có, nhỏ có. Lớn như bài “Mái chùa trụ cột hồn dân tộc” hay nhỏ như “Đừng ăn gian”… đều chứa chất những điều mà mọi người thường thản nhiên không mấy lưu tâm để đến khi có người nhắc tới, như Đào Văn Bình suy nghiệm, mới thấy rằng tinh thần Phật Giáo quả đã ăn sâu trong máu huyết người dân Việt, nó hiện ra thật đơn giản trong cuộc sống dân gian.

Những câu thơ của Nguyễn Du được dân gian lấy từng đoạn, từng ý để giáo huấn con em, chỉ dẫn trong cuộc sống như “Có tài mà cậy chi tài, chữ Tài liền với chữ Tai một vần.” Suy ngẫm ra thì đó cũng là ý nghĩa nhân quả trong giáo lý nhà Phật.

Tác giả Đào Văn Bình qua 52 đoản văn đã cho người đọc thấy cuộc sống trong dân gian người Việt chan hòa những điều răn dạy trong Phật Giáo. Càng đọc càng thấy thú vị.

Sách về thiền học tương đối ít thấy xuất hiện trong văn đàn Việt Nam hải ngoại nên cư sĩ Huỳnh Kim Quang khi giới thiệu về hai cuốn sách này đã nói “Cuốn sách thật giá trị cho người tu thiền, học thiền.” (Nguyên Huy)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT