Thursday, March 28, 2024

Ra mắt sách thiếu nhi ‘My First Book of Vietnamese Words’

Uyên Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ba đồng tác giả Trần Thị Minh Phước, Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng vừa ra mắt hai cuốn sách bằng tiếng Anh cho thiếu nhi gốc Việt là “My First Book of Vietnamese Words” và “Vietnamese Children’s Favorite Stories,” tại Viện Việt Học, Westminster, sáng Thứ Bảy, 30 Tháng Chín.

Theo tác giả Trần Thị Minh Phước và Nguyễn Thị Hợp, thực ra cuốn “Vietnamese Children’s Favorite Stories” đã được tổ chức ra mắt tại nhật báo Người Việt cách đây mấy năm, nay cũng được các tác giả cho tái xuất hiện vì “Sau ba năm có mặt tại khắp nơi trên thế giới có người Việt định cư, cuốn sách đã đem lại những kết quả không ngờ. Đó là số thiếu nhi gốc Việt ở nhiều nơi đã được phụ huynh mua về cho đọc và khi có ai nhắc đến thì những em này đã vanh vách kể lại những câu chuyện cổ tích mà thế hệ ông bà cha anh các em từng thuộc lòng từ ngày chưa biết đọc, biết viết.”

Tại buổi ra mắt sách, tác giả Trần Thị Minh Phước say sưa kể lại nguyên nhân từ đâu làm công việc này, nỗi vất vả khi in ấn phát hành ra sao nhưng khi kết quả tốt đẹp phản hồi thì nó như thêm sức, đẩy niềm say mê viết sách cho các em gốc Việt học và đọc lên cao độ.

“Khi tôi đưa đến một nhà in chuyên môn in sách cho thiếu nhi, tôi có đưa ra một số yêu cầu về việc minh họa bài viết trong sách thì họ nói họ không có họa sĩ người Việt, sau đó họ cho tôi xem một số hình minh họa cho sách, nhưng các thiếu nhi lại đều quàng khăn đỏ nên tôi đã không đồng ý, rút cục để chiều theo ý khách hàng nhà in đồng ý cho tôi tìm họa sĩ riêng thay vì họa sĩ của nhà in như thông lệ,” bà kể.

“Duyên đâu may mắn, được giới thiệu với cặp họa sĩ nổi tiếng về tranh dân tộc, tôi đã bắt được liên lạc với anh chị Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Đồng. Có lẽ cùng chung lý tưởng nên anh chị đồng ý ngay. Thế mà cũng phải mất đến cả năm trời cho các họa sĩ tạo hứng từ những bài viết trong sách, và những cuộc thảo luận viễn liên, chúng tôi mới hoàn tất được cuốn sách như ý muốn,” bà kể thêm.

Đề cập đến việc này, hai tác giả minh họa cho sách, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng, bày tỏ: “Đây là công việc mà chúng tôi cũng đã làm nhiều lần. Lần đầu tiên cả hai chúng tôi đều nhận lời minh họa cho một cuốn sách viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Là một nhà thơ nổi danh cận đại nên hình bóng của bà được nhiều người biết tới nhưng lại chỉ để lại cho hậu thế hình ảnh được mô tả lại qua văn chương nên hình dung ra hình ảnh phải vận dụng đến trí tưởng tương căn cứ qua những bài thơ lùng danh của nữ sĩ.”

“Nay đến công việc này, tuy không phải vận dụng đến sự tưởng tượng nhiều, nhưng lại phải ôn lại cả một kho tàng kiến thức về phong tục tập quán con người Việt Nam, nhất là trẻ em Việt Nam. Cái thích thú làm cho chúng tôi hứng khởi là cảm thấy mình đang được đóng góp vào việc duy trì văn hóa Việt Nam trong giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại,” vợ chồng họa sĩ nói thêm.

Từ trái, Giáo Sư Đỗ Huy Nghĩa, bà Nguyễn Kim Ngân, và cô giáo Huỳnh Dị Thảo Tiffany giới thiệu sách. (Hình: Uyên Nguyễn/Người Việt)

Theo thông lệ, buổi ra mắt sách thường có những phần giới thiệu tác giả, rồi tác phẩm nhưng trong buổi ra mắt sách này, phần giới thiệu tác phẩm đã được ban tổ chức cải biên thành một cuộc tọa đàm giữa bà Nguyễn Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, và hai nhà giáo, một là Giáo Sư Đỗ Huy Nghĩa và cô giáo Huỳnh Dị Thảo Tiffany.

Với những lời khai mào, bà Kim Ngân đã nhắc đến công việc làm nhịp cầu nối giữa thế hệ trẻ ở hải ngoại và thế hệ cha anh từng ở trong nước qua một thời gian dài nên đã lưu giữ được văn hóa truyền thống và ngôn ngữ của dân tộc. Nay làm thế nào để hai thế hệ cùng có chung một nhịp cầu để nguồn gốc dân tộc không bị mất đi trong các thế hệ kế tiếp của người Việt. Theo bà Kim Ngân thì đó là trách nhiệm của chúng ta.

Giáo Sư Đỗ Huy Nghĩa cho rằng với các thầy cô dạy tiếng Việt, điều quan trọng là làm sao cho các em nhỏ hiểu được học là để làm gì, làm sao cho các em quen thuộc với sinh hoạt của cộng đồng mình, xây dựng và phát triển nó vì đó là nguyên ủy, gốc gác của ngôn ngữ văn hóa của người Việt mình.

“Cả hai cuốn sách này đáp ứng tốt đẹp cho nhu cầu ấy. Viết thành văn bản cho các em đọc những điều mà các em cũng đã được nghe qua không nhiều thì ít trong gia đình, nó sẽ tạo được ý thức đất nước, dòng giống gốc gác của mình khi các em biết nghĩ sâu sa hơn,” Giáo Sư Nghĩa nói.

Trong cuộc tọa đàm này, hai nhà giáo cũng đề cập đến niềm riêng của các nhà giáo. Đó là nguyện vọng “học được gì thì chỉ mong chia sẻ lai cho người đi sau.”

Cuốn “My First Book of Vietnamese Words” chỉ chưa đầy 30 trang khổ sách tranh truyện thiếu nhi, bìa cứng tràn ngập những hình ảnh vui tươi, đẹp mắt, ý nghĩa phù hợp những bài học đầu đời như ngày xưa cha anh đã học “A quả na, B con bò, C con chó…” là những vật quanh bé hàng ngày nên bé thuộc ngay thì nay Trần Thị Minh Phước cũng dắt con em chúng ta vào đời chữ nghĩa bằng hình thức ấy “A is for AO, B is for BÀ…” và giải thích thêm cái hình vẽ kế bên.

Cũng phải nhắc đến buổi ra mắt cuốn sách cho trẻ thơ này đã được Ban Văn Nghệ Thiếu Nhi Viện Việt Học phụ diễn cho một chương trình gồm những bài ca gợi lòng yêu nước, thương nhớ quê hương mà các ca sĩ sĩ “nhí” phát âm rất chuẩn, rất trong sáng thu hút được người nghe do được các thầy cô của Viện Việt Học hết lòng chỉ dẫn qua các lớp Việt Ngữ của viện.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT