Friday, April 19, 2024

Ra mắt sách ‘Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức’

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều hôm Chủ Nhật, 22 Tháng Tư, gần hai trăm đồng hương người Việt ở Nam California đến kín cả hội trường của thành phố Westminster để tham dự buổi ra mắt sách “Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức” của tác giả Trần Mỹ Châu.

Bà Châu, con gái nhà cách mạng Trần Văn Thạch, đã dành nhiều năm sưu tầm biên soạn cuốn sách và nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến phiên dịch nguyên tác Pháp văn các bài báo của Trần Văn Thạch.

Ông Hoàng Đình Khuê thuộc đảng Tân Đại Việt tổ chức buổi ra mắt sách cùng với Diễn Đàn Cấp Tiến, Diễn Đàn Giáo Dân, Mạng Lưới Nhân Quyền và hội cựu học sinh trường Bưởi-Chu Văn An.

Tác giả Trần Mỹ Châu hiện ở Canada không thể tới tham dự.

Quang cảnh buổi khai mạc ra mắt sách “Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Số người điểm sách và nhận định về cuốn sách thật hùng hậu với bốn diễn giả đều là những nhà hoạt động tranh đấu chống độc tài cộng sản tên tuổi như ông Hoài Sơn, một “lão đồng chí” của Tân Đại Việt; nhà văn Trần Phong Vũ; ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch Lực Lượng Cứu Quốc; và một bạn trẻ, chị Bùi Anh Thư, nhóm Tiếp Bước Cha Ông trong Lực Lượng Dân Tộc Quật Khởi.

Ông Hoàng Đình Khuê, trưởng ban tổ chức chào đón số khách tham dự đông đảo, như là một “điều để chúng ta khẳng định mối quan tâm đến lịch sử trong cộng đồng người Việt hải ngoại, mà đó cũng là nỗi ưu tư của mọi người.” Ông Khuê nhắc đến những nét chính trong cuộc đời hoạt động của nhà ái quốc Trần văn Thạch (tên ông đã được đặt tên một con đường ở khu Tân Định trước năm 1975) mà những bài viết của ông trên tờ báo La Lutte xuất bản ở Saigon dưới thời thực dân Pháp là những bài báo tố cáo chế độ thực dân và những bài viết trong mục “Những Mũi Đinh Nhỏ,” rất được độc giả ngưỡng mộ theo dõi. Ông chẳng chừa một ai, từ quan Thống Đốc đến viên cò Tây, từ thượng lưu điền chủ đến ông hương cả trong làng. Ông bị thực dân Pháp bắt bỏ tù năm 1939 và chỉ thả ra năm1943. Trước tình hình thế giới và trong nước biến chuyển, ông về Saigon tổ chức những cuộc tranh đấu trong nhóm Đệ Tứ Quốc Tế 5 người và bị CS Đệ Tam bắt và mang đi thủ tiêu vì không chung một đường lối mà lại có ảnh hưởng chính trị lớn, trong đó có những nhà cách mạng nổi tiếng như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm.

Nhận định về cuốn sách này, ông Hoàng Đình Khuê đánh giá là một “bộ tài liệu lịch sử” chứ không phải là hồi ký, bút ký. Bà Trần Mỹ Châu đã bỏ đến hơn 10 năm trời để lục lọi tại các thư viện trong và ngoài nước như Pháp, Mỹ để có những tài liệu chính xác nhất. Bộ tài liệu lịch sử này cũng là một cáo trạng nói lên tội ác của CSVN. Nên cũng là lý do để các tổ chức tranh đấu góp sức vào cuộc ra mắt sách này.

Ông Hoàng Đình Khuê, trưởng ban tổ chức buổi ra mắt sách “Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức” của tác giả Trần Mỹ Châu. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Vị diễn giả thứ hai là Niên Trưởng Hoa Sơn, một “lão đồng chí” của Tân Đại Việt. Diễn giả cho biết ông từng được tiếp xúc nhiều với các nhân vật cách mạng trong thời kỳ bấy giờ, thời kỳ Trần văn Thạch hoạt động. Ông xác định nhà tranh đấu cách mạng Trần Văn Thạch bị Cộng Sản đem đi thủ tiêu vì không đồng chính kiến cũng như Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo. Nhà cách mạng Trần Văn Thạch đã cùng các nhà đấu tranh khác thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất để kết hợp toàn dân chống Pháp cướp chính quyền nhưng bị CS phá hoại nên đã giải tán và Mặt Trận Việt Minh thay thế.

Nhà văn Trần Phong Vũ, diễn giả thứ ba nhận định: “Đây là một tác phẩm lớn. Lớn vì công lao sưu tầm phân tích của tác giả trong hơn 10 năm trời sau khi đi khắp các thư viện trong và ngoài nước như Pháp, Mỹ và một vài quốc gia khác. Tác giả đã lần về quá khứ, cẩn trọng từng bước đi để nhận định phân tích một giai đoạn lịch sử có nhiều ảnh hưởng đến vận mệnh của Việt Nam sau đó. Đó là thời gian mà các lực lượng phe nhóm tranh đấu cho độc lập tự chủ của Việt Nam. Qua những tìm tòi này, tác phẩm minh chứng rắng đã có thời hai tổ chức Cộng Sản lớn lúc bấy giờ là Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế đã ngồi chung trên diễn đàn tranh đấu ở Việt Nam. Nhưng ngay lập tức, CS đệ Tam đã nhận được lệnh của Stalin phải rút ra và tiêu diệt nhóm Đệ Tứ Quốc Tế (Nhóm Troskist).

Diễn giả Trần Phong Vũ cũng nhắc đến những bài viết khi Trần Văn Thạch là cây bút chủ lực của tờ La Lutte, do nhà cách mạng Nguyễn An Ninh sáng lập. Những bài này đã được dịch ra để người đọc thêm tài liệu nhận định.

Cựu Đại Tá Trần Văn Tự, nay là nhà sư Thích Không Chiếu, trưởng nam nhà ái quốc Trần Văn Thạch. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ông Trần Quốc Bảo, diễn giả thứ ba thì cho rằng cuốn sách thật hữu ích cho người đọc.

Đọc nó lôi cuốn do từ những điều được trình bày trong sách từ sự tàn ác thâm độc của thực dân cho đến những âm mưu tàn ác của Cộng Sản khi cướp được chính quyền ở nước ta. Sách cho chúng ta hiểu được những người yêu nước trước chúng ta đã phải gian truân như thế nào trên con đường đấu tranh giành độc lập cho đất nước.

Diễn giả sau cùng là cô Bùi Anh Thư, nhóm Tuổi Trẻ Tiếp Bước Cha Anh. Cô nói chúng ta đọc lịch sử để học hỏi tinh thần tranh đấu của thế hệ đi trước, rút được những kinh nghiệm cho cuộc tranh đấu hiện tại vối CS đang nắm giữ quyền hành độc tài, tàn bạo đối với đồng bào mình hơn cả thực dân Pháp xưa đối với người dân bị trị.

Khi đề cập đến hiện tình trong nước dưới cường quyền CS, cô Bùi Anh Thư đã hùng hồn lên án chế độ CS bằng những nhận định sắc bén. Giọng cô vang lớn trong hội trường đã thu hút người nghe lời cô cảnh báo CSVN đang cúi đầu dâng đất dâng biển cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc.

Phần sinh hoạt sau cùng là tâm tình, tâm tình của ban tổ chức do ông Lê Minh Nguyên đại diện giới thiệu gia đình nhà ái quốc Trần Văn Thạch. Người được vỗ tay tán thưởng nhiều nhất là trưởng nam nhà ái quốc Trần Văn Thạch, cựu Đại Tá VNCH Trần Văn Tự, nay đã xuất gia là nhà sư Thích Không Chiếu. Cựu Đại Tá Trần Văn Tự đã so sánh chế độ thực dân và chế độ CSVN hiện nay. Theo ông, người từng sống qua cả hai chế độ thực dân và CSVN hiện nay thì CSVN nay “ưu việt hơn chế độ thực dân cả về cách cai trị ác độc lẫn cách khai thác tài nguyên đất nước để thủ lợi, trong đó có cả con người Việt Nam.”

Nhóm ca nhạc “Việt Nam Quê Hương” giúp vui đang làm sôi động hội trường trong buổi ra mắt sách “Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Cựu Đại Tá Trần Văn Tự từng làm tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang cho đến năm 1975; ông đã bị Cộng Sản Đệ Tam bỏ tù cùng các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa khác, trong suốt 13 năm. Ở trong tù, ông giữ vững chí khí bất khuất, không hổ danh là con của nhà cách mạng Trần Văn Thạch. Ông đã tu tập theo Phật Giáo ngay trong thời gian ở tù Cộng Sản, và khi được trả tự do ông đã xuất gia.

Trong suốt buổi sinh hoạt, ban hợp ca Nhóm Ca Nhạc Việt Nam Quê Hương đã thổi lên không khí đấu tranh làm nền cho suốt buổi ra mắt sách với những bài ca yêu nước.

Điều đặc biệt là ra mắt sách, sách lại không bán mà được tặng không cho tất cả mọi người tham dự. Theo ban tổ chức cho biết đó là ý kiến của tác giả mong được cùng đồng bào “xác định lại rõ lịch sử cận đại Việt Nam để trả lại sự thật cho lịch sử đã bị bóp méo từ lâu.” (Nguyên Huy)

Mời độc giả xem chương trình “Nghệ Sĩ và Đời Thường” cùng trò chuyện với “Người đẹp Thanh Nhã nói gì về ‘Người đẹp và đại gia?’” (phần 2)

MỚI CẬP NHẬT