Friday, April 19, 2024

Santa Ana buộc thị trưởng phải ký tên vào nghị quyết bầu theo địa hạt

Đằng-Giao/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Thành Phố Santa Ana lúc 1 giờ trưa 12 Tháng Ba gồm bốn nghị viên Vicente Sarmiento, Sal Tinajero, David Benavides và Jose Solorio về việc buộc Thị Trưởng Pulido phải ký tên vào nghị quyết.

Đây là bốn người đồng lòng ủng hộ dự luật bỏ phiếu theo địa hạt tại Santa Ana và muốn cư dân thành phố được quyền quyết định biến dự luật này thành đạo luật trong cuộc bầu cử sơ bộ vào Tháng Sáu năm nay.

Đây là câu chuyện có những tình tiết bất ngờ nên cần phải nhắc lại.

Ngày 6 Tháng Ba, kết quả 4-3 của Hội Đồng Thành Phố Santa Ana khẳng định là cư dân thành phố sẽ quyết định chọn rằng họ có được bầu nghị viên theo địa hạt hay không.

Ngay sau khi thấy ý muốn của phe mình bị thua hôm 6 Tháng Ba, Thị Trưởng Pulido tuyên bố rằng cuộc bỏ phiếu không hợp lệ.

Lập tức, ông bị tất cả mọi người hiện diện tại nghị trường đồng loạt ồn ào phản đối.

Bà Sonia R. Carvalho, luật sư thành phố, đã giải thích cặn kẽ ngay tại chỗ rằng cuộc bỏ phiếu hoàn toàn hợp lệ.

Nhưng ông Pulido vẫn dùng dằng không ký tên vào nghị quyết.

Để có thể đưa nghị quyết này vào lá phiếu để cử tri bầu chọn vào Tháng Sáu năm nay, Hội Đồng Thành Phố phải nộp văn bản có chữ ký của Thị Trưởng Miguel Pulido cho cơ quan bầu cử Orange County (Orange County Registrar-Voters) trước 5 giờ chiều Thứ Sáu, 9 Tháng Ba.

Trưa 6 Tháng Ba, Hội Đồng Thành Phố có phiên họp khẩn cấp để buộc thị trưởng phải ký tên, một việc không thể né tránh, trước sau gì cũng phải ký vì đó là nhiệm vụ của thị trưởng.

Vài giờ trước khi hết hạn nộp đơn , cuộc họp này bị hủy bỏ vì “thông báo không đúng cách.”

Ông Khanh Nguyễn, đại sứ Santa Ana, ủng hộ việc bầu theo địa hạt. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nhưng các nghị viên vẫn nộp đơn như thường.

Thiếu chữ ký của thị trưởng, cơ quan bầu cử cho biết nghị quyết chưa hoàn tất nhưng đồng ý gia hạn để Hội Đồng Thành Phố yêu cầu Thị Trưởng Pulido ký tên. Thị trưởng vẫn nại cớ để không ký.

Thứ Hai, 12 Tháng Ba, bốn nghị viên nói trên triệu tập phiên họp đặc biệt tìm biện pháp yêu cầu thị trưởng phải làm nhiệm vụ của mình là ký tên xác nhận kết quả cuộc bỏ phiếu đêm 6 Tháng Ba.

Thị Trưởng Miguel Pulido không có mặt trong buổi họp này.

Ông Dave Hoen: “Đây không phải chế độ độc tài, một người không thể cản trở guồng máy dân chủ.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Dave Hoen, một người sống tại Santa Ana nói trước Hội Đồng Thành Phố: “Đây không phải chế độ độc tài, một người không thể cản trở guồng máy dân chủ.”

Sau khi nghe ý kiến cư dân, Hội Đồng Thành Phố có phiên họp kín và đi đến kết luận là thành phố sẽ phải mướn một luật sư để làm đơn ra tòa, yêu cầu thị trưởng phải ký tên vào nghị quyết theo luật “Writ of Mandate” tạm dịch là “Thi Hành Trách Nhiệm Hành Chánh”.

Các nghị viên có vẻ không vui trước thái độ thiếu chuyên nghiệp và đứng đắn của thị trưởng.

Nghị Viên Sal Tinajero nói: “Nếu là người chín chắn, thị trưởng cứ ký tên vào nghị quyết để công việc trôi chảy rồi sau đó khiếu nại gì đó về cuộc bỏ phiếu của Hội Đồng Thành Phố cũng không muộn.”

Ông nói đây không phải là lần đầu Thị Trưởng Pulido gây khó khăn khi không làm được việc theo ý mình.

Ông nhắc lại việc trước đây, thị trưởng muốn chọn người khác làm tổng quản trị thành phố. Khi Hội Đồng Thành Phố, cũng với tỉ số 4-3, chọn ông Raul Godinez giữ chức này, ông Pulido cũng “vùng vằng” không ký tên, nhưng rồi sau cùng, theo luật, cũng phải thi hành.

Hiện diện trong buổi họp, ngoài bốn nghị viên ủng hộ việc bầu nghị viên theo địa hạt là Vicente Sarmiento, Sal Tinajero, David Benavides và Jose Solorio còn có ông Raul Godinez, tổng quản trị thành phố và bà Sonia R. Carvalho, luật sư thành phố.

Ngồi trong ghế dành cho quần chúng, có ông Gerry Serrano, chủ tịch nghiệp đoàn cảnh sát Orange County, dù lâu nay ông không xuất hiện tại các buổi họp thành phố. Đây là lần thứ nhì ông xuất hiện để theo dõi kết quả vụ việc này.

Theo báo Voice Of OC, nghiệp đoàn cảnh sát Orange County rất có thế lực trong các cuộc bầu cử địa phương và bầu theo địa hạt hoàn toàn không có lợi cho họ.

Nếu bầu theo toàn thành phố, trong một thành phố có gần 80% cư dân gốc Latino, không sắc dân nào có cơ hội đắc cử.

Việc bầu nghị viên theo địa hạt giúp những người thiểu số như cộng đồng gốc Việt có cơ hội lọt vào Hội Đồng Thành Phố.

Santa Ana chưa hề có dân biểu gốc Việt. “Nếu không thay đổi, ai muốn đắc cử ở Santa Ana phải có tên Latino,” Jose Hevnandez, cư dân Santa Ana nói. Anh là người đấu tranh cho việc bầu theo địa hạt.


Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT