Friday, March 29, 2024

Sao chữ Việt Cộng không dùng mà đồ ăn Việt Cộng thì ăn nhiều vậy?

Ngọc Lan/Người Việt

Sổ tay phóng viên

WESTMINSTER, California (NV) – “Sao chữ Việt Cộng không dùng mà đồ ăn Việt Cộng thì ăn nhiều vậy?” là lời bình luận của một độc giả ghi bên dưới bài hướng dẫn về cách làm món “Gà chiên nước mắm” đăng trên trang Người Việt Online.

Thoạt đầu, khi đọc câu nhận xét trên, tui cảm thấy thiệt là khó chịu. Nhất là khi vị độc giả đó còn bồi thêm một câu nữa, rằng thì là “Món ăn này là của Việt Cộng mà, thời VNCH làm gì có món ăn này.”

Bực bội, nhưng làm báo cũng như làm dâu trăm họ, thôi thì nhịn, như kiểu ông bà mình vẫn dạy “một câu nhịn, chín câu lành,” nên tức lắm thì cũng mang ra để nói với bạn bè, người quen biết xung quanh nghe thôi.

Thế nhưng, đôi ba tuần sau, dưới bài hướng dẫn “Cách làm bánh chuối nướng” thì có người lại nhận xét: “Trước năm 1975 chỉ có bánh chuối hấp thôi, làm gì có bánh chuối nướng. Bánh chuối nướng là của mấy người cộng sản nằm vùng ở Cà Mau làm gửi vào chiến khu cho mấy ông cộng sản trong rừng ăn.”

Ui chu choa ơi, ta nói khí xung thiên muốn bốc lên đầu. Giờ muốn gì?

Hết bắt bẻ chữ nghĩa Việt Cộng, giờ lại quay sang chĩa luôn vô cái bao tử là sao?

Uống một hơi ba ly nước đá, ăn hai cái cánh gà chiên nước mắm, rồi nhai luôn một miếng bánh chuối. Cơn giận tan biến.

Ngẫm nghĩ. Mà, hình như ông này nói đúng.

“Sao chữ Việt Cộng không dùng mà đồ ăn Việt Cộng thì ăn nhiều vậy?”

Ừ hén. Ông này nói đâu có sai!

Hơn bốn mươi năm nay, người Việt hải ngoại cứ bắt bẻ, vặn vẹo nhau mãi về chuyện “xài chữ Việt Cộng.” Mà với nhiều người ở lứa tuổi 40-50 bây giờ đôi khi họ chẳng thể nào phân biệt được chữ nào là chữ Việt Cộng, chữ nào là chữ Việt Nam.

Bởi, khi được cha mẹ sanh ra hay lúc mới bắt đầu xách cặp đi học, thì họ đã nghe người xung quanh nói như vậy. Sự việc đó, hiện tượng đó, cảm xúc đó, tâm trạng đó được mặc định, được diễn tả, được bày tỏ, được định nghĩa bằng những con chữ đó. Người khác nói, họ hiểu. Họ nói, người khác hiểu. Giao tiếp trong xã hội chỉ cần thế là đủ. Nghe. Hiểu. Cảm thông.

Lon ton qua đến đây, mở miệng nói chuyện, vô tình trúng ngay những chữ mà người xưa không biết, là bị quýnh ngay cho một câu “đồ Việt Cộng.” Thiệt là tá hỏa lồng đèn!

Nhưng rồi thì, sống đâu quen đó. Ngôn ngữ tự thân nó là sinh ngữ, là sự biến đổi từng ngày, hàm cả ý nghĩa sinh sôi nảy nở. Cứ nhìn vào các quyển tự điển mà xem, cuốn sau luôn dày hơn cuốn trước, bởi chữ nghĩa được sản sinh ra mỗi lúc một nhiều. Và cũng phải chấp nhận một điều rằng ở đâu quen đó, sinh đâu nói đó.

Ở đây người ta không nói “Mùa Thu này con đăng ký học ESL ở trường Golden West,” thì mình sẽ tập mà thay bằng “Mùa Thu này con ghi danh học ESL ở trường Golden West.”

Người ta không thích nghe “Tôi bức xúc với kiểu chia ‘thơn’ của bà chủ tiệm nail,” thì mình tránh bằng cách nói “Tôi bực tức/ấm ức/ với kiểu chia ‘thơn’ của bà chủ tiệm nail.”

Thì tàm tạm cố gắng học theo vậy, chứ làm sao mà có thể nói hết như người xưa được. Mà cũng đừng tưởng nói tiếng xưa cỡ thời Hồ Biểu Chánh là an toàn, là không bị “đập” nha.

Nhớ có lần trong một bài báo viết về một nghệ sĩ nổi tiếng đã có tuổi nhưng lại vào một vai diễn của thiếu nữ đôi mươi, tác giả đã dùng chữ “khiên cưỡng” để nói về sự việc này. Thế là một số độc giả nhiều tuổi nhưng không nhiều chữ đã phán ngay “chữ Việt Cộng,” mà không hề biết rằng chữ đó có từ hồi nảo hồi nao rồi.

Hay có khi tờ báo dùng chữ “đàn hặc” trong bài viết để nói đến chuyện mấy ông tai to mặt lớn cỡ tổng thống mà phạm tội thì có thể bị “đàn hặc,” thì cũng có người “chửi” liền “Sao xài chữ Việt Cộng?” Thiệt là tội nghiệp cho cả đôi bên.

Đó là chưa kể, hơn bốn thập niên rồi, một đứa bé chào đời cách đây 40 năm nay đã đùm đề con cái rồi, thì hỏi xã hội cũng phải biến đổi như thế nào. Chữ nghĩa cũng theo thời cuộc đó mà đổi thay.

Nhưng, quay trở lại. Chữ nghĩa ngôn từ thì bà con cứ mà tha hồ “độp” nhau như thế để chứng minh lòng ái quốc và minh định ranh giới Việt Nam-Việt Cộng. Vậy còn những thứ khác thì sao? Món ăn, thức uống, bản nhạc, đồ dùng?

Để coi, như vị độc giả trên nói, cánh gà chiên nước mắm, bánh chuối nướng là của Việt Cộng. Vậy ai ăn món đó thì có phải cũng là “đồ Việt Cộng” giống như khi mở miệng nói “bức xúc, sự cố, tin khẩn, nhập viện, ùn tắc, tư vấn…” hay không?

(Mà mở ngoặc chỗ này một chút, những người chưa từng ở Việt Nam thời đại này sẽ không thể hiểu được trọn vẹn ý nghĩa chữ “ùn tắc” đâu nha, bởi xe cộ chạy trên đường phố ngày nay và ngày xưa là khác nhau vời vợi như đứa trẻ ngày còn mặc tã và người trung niên biết khoác đủ thứ bộ cánh lên người vậy đó. Cho nên mang hình ảnh đứa bé ra để mà bàn luận khi người ta nay đã lớn là kỳ lắm.)

Hoặc ăn các loại thức ăn chế biến ngày nay, nào là ốc hương nướng bơ tỏi, ốc móng tay nướng tiêu đen, phở trộn, phở khô, gà chiên xôi phồng, tôm bọc cốm xanh, bánh tráng trộn, khô gà, bánh rau câu flan cheese,… có bị nhìn bằng ánh mắt hằn học, xoi mói như khi mở miệng nói những câu chữ chỉ có sau cột mốc 1975 không?

Nói thì không được nói “chữ Việt Cộng” nhưng ăn, uống, hát, xài đồ của Việt Cộng, hay nói nhẹ nhàng hơn là của người Việt sau 1975 thì sao ta?

Thiệt là phân vân quá đi! (Ngọc Lan)

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Sài Gòn, nơi tổng thống Mỹ ghé thăm: Phở 2000”

MỚI CẬP NHẬT